Tác giả Phạm Hổ - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Phạm Hổ - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Phạm Hổ
Tên thật: Hồ Huy
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Phạm Hổ
Phạm Hổ (28/11/1926 - 4/5/2007), bút danh Hồ Huy, sinh tại xã Thanh Liêm (nay là xã Nhơn An), thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông có anh trai là nhà văn Phạm Văn Ký và em trai là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Ông đỗ bằng Thành chung năm 1943. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm công tác tuyên truyền và tham gia hoạt động văn học nghệ thuật. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông ra Bắc, tham gia sáng lập Hội Nhà văn miền Bắc (1957) và cũng là một trong những người đầu tiên hình thành NXB Kim Đồng, nơi chuyên xuất bản văn hoá phẩm dành cho trẻ em.
Sau ba năm làm việc tại NXB Kim Đồng, ông chuyển sang NXB Văn học rồi về báo Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn. Năm 1957 ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Chức vụ cuối cùng của ông ở tờ báo này là phó tổng biên tập. Từ năm 1983, ông là phó trưởng ban đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam và là chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của hội. Năm 1994, ông nghỉ hưu.
Ông vừa viết văn, làm thơ, viết kịch và vẽ tranh. Nổi bật trong các sáng tác của ông là dành cho thiếu nhi. Nhiều tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt 1.
Phong cách sáng tác của Phạm Hổ
Nhắc tới Phạm Hổ trước hết phải nhắc tới sự nghiệp văn chương vànhững đóng góp của ông cho nền văn học thiếu nhi hiện đại của nước nhà. Ông sáng tác nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch và phê bình vănhọc cho cả người lớn và trẻ em. Dù viết văn xuôi, kịch hay thơ… bất cứ thể loại nào, người đọc cũng nhận ra "chất thơ" trong tác phẩm của Phạm Hổ.
Phạm Hổ là một cây bút viết cho thiếu nhi rất thành công. Thơ văn của ông giàu trí tưởng tượng, vui tươi, ngộ nghĩnh, dễ đọc, dễ nhớ hợp với tâm lý trẻ thơ. Ông dựng lại những trò chơi của trẻ như chồng nụ, chồng hoa, dung dăng dung dẻ, nu na nu nống,... cung cấp cho tuổi thơ nhiều chuyện rất thật mà lạ vô cùng của thiên nhiên, đời sống, có tác dụng thẩm mỹ, bồi dưỡng việc hình thành nhân cách của các em ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, từ yêu thương cây cỏ, loài vật, đến quan hệ giữa người và người. Nhiều tác phẩm của ông viết cho thiếu nhi được dịch in ở Nga, Pháp, Trung Quốc, Ðức, Hungary,...
Phạm Hổ thuộc số ít những tên tuổi văn nghệ sĩ viết cho thiếu nhi rất được hâm mộ. Có thể nói ông là nghệ sĩ suốt đời vì thế hệ trẻ. Ông thường tâm sự: "Nếu được sống thêm một lần nữa ở kiếp sau, tôi vẫn chọn nghề làm thơ, viết văn cho các em đọc, vẽ tranh cho các em xem. Tôi thường lấy lòng yêu mến các em, lấy công tác mình làm cho các em làm thước đo lòng mình đối với dân với nước".
Nhà thơ Định Hải khi nhắc về thơ Phạm Hổ cho rằng: “Thơ Phạm Hổ nặng về khai thác những khía cạnh tình cảm của nhi đồng. Thơ anh uyển chuyển, giàu nhạc điệu, gần gũi với đồng dao. Bạn đọc thường nhắc tới những bài thơ như Xe chữa cháy, Bắp cải xanh, Chú bò tìm bạn” ( Báo văn nghệ số 468, 29.9.1972)
Các tác phẩm nổi bật :
Sách viết cho thiếu nhi:
- Chú bò tìm bạn (tuyển tập thơ, chọn từ hơn 15 tập thơ in riêng từng tập, in lần thứ 3, có bổ sung, NXB Kim Đồng, 1997)
- Chuyện hoa chuyện quả (truyện, Hà Nội, 1993)
- Mỵ Châu – Trọng Thuỷ (kịch, NXB Kim Đồng, 1993)
- Những người bạn nhỏ (1996)
Sách viết cho người lớn:
- Những ngày xưa thân ái (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1956)
- Ra khơi (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1960)-
- Đi xa (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1973)
- Những ô cửa, những ngả đường (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1982)
- Vườn xoan (truyện, NXB Hội Nhà văn, 1962)
- Tình thương (truyện, NXB Phụ nữ, 1973)
- Cây bánh tết của người cô (truyện, Hà Nội, 1993)
Nhà thơ Phạm Hổ,Thơ Phạm Hổ,Thơ hiện đại
Cắm trại trên quê hương Thánh Gióng