Tác giả Thế Lữ - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Thế Lữ - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Thế Lữ
Tên thật: Nguyễn Thứ Lễ, Lê Ta
Tiểu sử Thế Lữ
Thế Lữ, tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ (nhưng cũng có tài liệu ghi là Nguyễn Thứ Lễ), sinh ngày 10 tháng 6 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha Thế Lữ ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định.
Tên là Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Khi lên 10 tuổi, người anh trai (hơn ông một tuổi) mất, ông lại đổi tên lại thành Nguyễn Đình Lễ. Lớn lên ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại là Nguyễn Thế Lữ, sau rút gọn thành Thế Lữ. Bút danh Thế Lữ, mang nghĩa "người khách đi qua trần thế" lại phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy.
Ông còn có tên khác là Nguyễn Khắc Thảo, nhưng sau cũng bỏ đi vì trùng tên. Khi viết báo, đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành "Lê Ngã", "ta" cũng tức là "ngã".
Cha ông là sếp ga xe lửa trên tuyến đường sắt Lạng Sơn – Thanh Hóa. Mẹ ông sinh ra trong gia đình Công giáo, kết hôn với cha ông trước, nhưng lại không được gia đình bên nội thừa nhận. Khi mới vài tháng tuổi, Thế Lữ bị đưa rời khỏi mẹ, đem lên Lạng Sơn sống cùng bà nội, cha và u (vợ chính thức của cha). Xa mẹ từ nhỏ, mỗi năm có được gặp một đôi lần, nên theo như Thế Lữ nhớ lại, chủ đề chính từ khi ông còn bé cho đến năm 10 tuổi là xa cách, nhớ thương người mẹ ruột của mình.
Sống ở xứ Lạng Sơn, núi rừng thiên nhiên nơi đây với những câu chuyện kinh dị ma quái mà ông được nghe từ nhỏ đã trở thành nguồn tư liệu, tạo cảm hứng cho các tác phẩm văn xuôi của ông sau này.
Sự nghiệp nhà thơ Thế Lữ
Thế Lữ là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934).
Trở thành thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hoá và Ngày nay. Thời kỳ đầu ông dùng bút danh Nguyễn Thế Lữ, sau viết gọn thành Thế Lữ. Đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành “Lê Ngã”, “ta” cũng tức là “ngã”.
Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương.
Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hoá nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam.
Thế Lữ đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1984 và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
Phong cách sáng tác
Là một nghệ sĩ đa tài, Thế Lữ hoạt động rộng rãi trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, từ thơ, văn xuôi nghệ thuật (kinh dị, trinh thám, lãng mạn) cho đến báo chí, phê bình, dịch thuật và sân khấu. Trong tất cả các lĩnh vực, Thế Lữ đòi hỏi sự nghiêm túc, phong cách làm việc khoa học, cặn kẽ, tỷ mỷ, luôn muốn tìm ra sự hoàn mỹ. Đó là biểu hiện cho khát vọng của Thế Lữ: luôn săn đuổi và phụng thờ cái Đẹp đến suốt đời, như ông từng nêu tuyên ngôn trong bài thơ Cây đàn muôn điệu:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể.
Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ,
Và mượn cây đàn ngàn phím, tôi ca
Thế Lữ đã ra mắt khoảng hơn 50 bài thơ, chủ yếu được sáng tác trước năm 1945 và in trên hai tờ Phong hóa và Ngày nay, sau tập hợp vào hai tập thơ: Mấy vần thơ (1935) và Mấy vần thơ, tập mới (1941, gồm tập thơ cũ được bổ sung thêm một số bài mới). Tập thơ đầu, Mấy vần thơ được xem là tác phẩm tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới thời kỳ 1932-1935, với những bài được phổ biến rộng rãi thời kỳ đó. Bảy bài trong tập thơ đã được đưa vào hợp tuyển thơ Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh - Hoài Chân, gồm có Nhớ rừng, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Vẻ đẹp thoáng qua, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu và Giây phút chạnh lòng.
Như bút danh "người khách đi qua trần thế" của mình, Thế Lữ được xem là người đầu tiên đề xướng con đường thoát ly bằng nghệ thuật, công khai tuyên bố chỉ đi tìm cái Đẹp. Thơ ông thể hiện niềm say mê với cái Đẹp, đi tìm cái Đẹp ở mọi nơi, ở âm thanh (Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Tiếng gọi bên sông) và cảnh sắc thiên nhiên.
Nhiều bài thơ của Thế Lữ thể hiện hình ảnh cõi tiên, với tiên nga, ngọc nữ, tiếng sáo Thiên Thai, hạc trắng hoa đào... Hoài Thanh nhận định: "Ở xứ ta từ khi có người nói chuyện tiên, nghĩa là từ khi có thi sĩ, chưa bao giờ ta thấy thế giới tiên có nhiều vẻ đẹp đến thế"; tuy nhiên ông cũng cho rằng Thế Lữ đã đi nhầm đường, bởi "thi nhân tưởng quê mình là tiên giới và quên rằng đặc sắc của người chính ở chỗ tả những vẻ đẹp của trần gian".
Bình luận về văn chương Thế Lữ
Vũ Ngọc Phan không tán thành với Hoài Thanh, ông cho rằng cái đẹp tưởng tượng kia của Thế Lữ một ngày nào đó có thể trở thành cái đẹp có thực nơi trần thế. Thơ Thế Lữ cũng thể hiện cảm hứng dồi dào với nghệ thuật và với nàng Thơ, mà theo Uyên Thao, nghệ thuật đã là "một phần cuộc sống", "một người bạn tâm giao" hay được ông coi như "một người yêu" của chính mình.
Nhiều sáng tác thơ của Thế Lữ cũng về đề tài tình yêu. Tình yêu trong thơ Thế Lữ thường thiên về thanh cao, mộng ảo, chứ không say đắm yêu đương hay buông tuồng như các bài thơ mới sau này. Theo Hoàng Như Mai, tình yêu trong thơ Thế Lữ không phải để cứu cánh mà là để làm nền để vẽ nên cái Đẹp; ông đã dựng nên nhiều kiểu tình yêu "tiêu cực": mơ hồ, mộng tưởng, vô vọng, đau khổ... Dù vậy, ông không ca ngợi cái đẹp của tình yêu vô vọng đau khổ, mà tìm thấy ở đó những khoảng đẹp của niềm hy vọng, sự hy sinh...
Hoài Thanh từng có lời khen dành cho Thế Lữ như sau: "Độ ấy thơ mới vừa ra đời, Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam... Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ"
Tác phẩm nổi bật:
- Mấy vần thơ (thơ, 1935)
- Vàng và máu (truyện, 1934)
- Bên đường thiên lôi (tập truyện ngắn, 1936)
- Gói thuốc lá (1940)
- Gió trăng ngàn (truyện, 1941)
- Trại Bồ Tùng Linh (truyện, 1941)
- Thoa (truyện, 1943)
- Tuyển tập thơ Thế Lữ (1983)
Thế Lữ,Thơ Thế Lữ,Nhà thơ Thế Lữ
Bâng khuâng [Tình bâng khuâng]
Khúc hát bên sông [Tiếng hát bên sông]
Bâng khuâng [Tình bâng khuâng]
Lời than thở của nàng Mỹ Thuật
Người phóng đãng [Người phóng lãng]
Khúc hát bên sông [Tiếng hát bên sông]
Người phóng đãng [Người phóng lãng]
Lời than thở của nàng Mỹ Thuật