Hai hình người gỗ
Tôi kể lại câu chuyện xưa một chút Chuyện trước đây tôi nghe ở miền Nam. Riêng lòng tôi tin chưa đến nỗi nhàm Nếu ta kể lại giữa đời câu chuyện Mang những ước mơ mong đời biến chuyển. Bạn nhà văn, người Nam bộ, năm xưa Đã kể tôi nghe câu chuyện, bây
Nội dung bài thơ: Hai hình người gỗ
Tôi kể lại câu chuyện xưa một chút
Chuyện trước đây tôi nghe ở miền Nam.
Riêng lòng tôi tin chưa đến nỗi nhàm
Nếu ta kể lại giữa đời câu chuyện
Mang những ước mơ mong đời biến chuyển.
Bạn nhà văn, người Nam bộ, năm xưa
Đã kể tôi nghe câu chuyện, bây giờ
Anh còn sống hay là anh đã mất?
Đau giận nỗi nước non chia cắt
Người quê hương phải nhắn hỏi mây mù,
Chuyện hàn huyên, tâm sự, văn thơ
Nghẹn giữa cổ đành gửi tờ giấy trắng.
Chuyện anh kể ngày xưa cay đắng
Tôi cố giữ nguyên cả vị đắng cay.
Khác một điều: lòng tôi viết hôm nay
Không cay đắng như lòng ta thuở trước,
Thuở nô lệ hai thằng dân mất nước
Kể nhau nghe câu chuyện rồi xót xa,
Đi giữa đời như người bị lột da,
Đau đớn mãi với hai hình người gỗ.
Thuở ấy trong một châu thành Nam Bộ
Hai em học sinh kết bạn tâm giao.
Vui cùng vui, giận cùng giận, đau cùng đau
Mọi chuyện ở trong đời và trong truyện.
Nước nô lệ, lòng trẻ con cũng nhuyễn
Nỗi đau thương man mác ở trong đời.
Đi học về hai em dạo phố chơi
Cứ gặp lại mãi hai hình người gỗ.
Trong ngôi nhà cao, ấy hai cái trụ
Gỗ lim đen tạc khắc hình người
Giơ vai ra, lấy hết gân hơi
Để gánh cả cái bao lơn đồ sộ.
Hai người gỗ dường như gần tắt thở
Sức bình sinh đem dồn đổ đôi vai
Giữ lấy bao lơn mái lợp, rộng dài
Mang sức nặng như mang trời đau khổ.
Bắp thịt nổi hai đầu vai, giữa cổ
Như bướu đau thương chẳng có ngày teo.
Đã thôi đâu! Bọn trẻ nghịch lại trèo
Vọc mặt mũi hai người đau khổ ấy.
Đôi bạn tâm giao hai học sinh lúc nãy
Lòng xót đau nỗi đau xót mênh mông
Cứ thấy hoài hai ngươi gỗ vai còng
Gánh đau khổ, trời! Làm sao chịu được!
Đây chẳng phải chuyện trong đời có thực,
Cũng chẳng là chuyện trong sách nhà trường,
Chuyện lưng chừng đời với sách, vấn vương
Đôi bạn nhỏ đau tận cùng lòng trẻ
Họ bí mật bàn cùng nhau, định kế
Xoá nỗi đau thương. Sao kể cho tường
Những điều tra, chuẩn bị, những con đường
Họ đi lại đã trăm lần, dò xét.
Phải cẩn mật! Người thứ ba không biết!
Phải công phu, xếp đặt rất chi ly!
Xoá đau thương đâu phải chuyện chơi bi
Trong sân với chuyện đọc bài trong lớp!
Hai hiệp sĩ trữ dồn rất nhiều hộp,
Trăm bao diêm xé cất lấy diêm sinh.
Mỗi buổi học về đôi bạn đến rình
Xem hai người gỗ còn sức chờ giải phóng?
Hai người gỗ vẫn căng gân chịu đựng,
Đôi bạn xót đau tận đáy tâm hồn.
Lòng đầy tin, họ an ủi nỗi buồn
Của hai người gỗ “chịu khó chờ ít nữa!”
Tiền mẹ cho, không ăn quà, ra chợ
Mua giấy làm ngòi, mua dây pháo nổ,
Định đến ngày gần Tết khởi công to.
Một chiều thứ năm đôi bạn lò dò
Mang hai hộp hy vọng đầy trong đó
Nép sau bụi, bên ngôi nhà đồ sộ,
Thuốc pháp rắc đen giấy cuốn làm ngòi.
Hai hộp mang đặt sát chân tường vôi,
Đầy pháo, vỏ diêm, và lòng hăng hái.
Ôi hồi hộp! Đôi lòng non bừng cháy:
Họ sắp xoá đau thương ám ảnh bấy lâu.
Thiêng liêng giờ khởi sự họ nhìn nhau.
Hai người gỗ đằng xa cũng nhìn về phía họ
Như chúng sinh đau nhìn vì cứu khổ.
Đâu đấy xong, đánh lửa châm ngòi:
“Chạy! Chạy mau lên! Chạy mày ơi!”
Đôi bạn nhỏ cầm tay nhau chạy thẳng
Để tránh sức đè của ngôi nhà nặng
Sắp sập rồi! Hai người gỗ sẽ ra!
Ôi thiêng liêng! Thuở trước Phật Thích Ca
Khi tìm ra phép cho người diệt khổ
Có sung sướng như lòng đôi bạn nhỏ?
Nhưng làm sao mãi không tiếng nổ ầm?
Sáng hôm sau đôi bạn âm thầm
Quay trở lại nhìn ngôi nhà đồ sộ,
Hai người gỗ vẫn còng vai đau khổ...
Đôi trẻ thơ lòng thấy nhói đau.
Thương hai em vỡ mộng lần đầu:
Tìm thuốc nổ, thấy hộp lăn dưới cống.
Hai em không thua, ngẩng nhìn trời rộng.
Nhặt ngòi lên, ngòi chưa cháy còn nguyên,
Đời hai em vải chưa cắt, vẹn tuyền,
Hai em hứa cùng mọi người đau khổ:
“Nay không cứu được hai hình người gỗ
Thì mai sau khi đến tuổi làm người
Ta sẽ cùng nhau cứu lấy cuộc đời”
Anh bạn miền Nam ơi! Tôi đã kể
Câu chuyện của anh. Bây giờ trời bể
Anh ở đâu? Biết mất hay còn?
Khi kể tôi nghe, anh vẫn đau buồn
Nên kết luận một lời cay đắng:
“Hai thằng bé chắc về sau quên bẵng
Lời hứa thiêng liêng cứu khổ, cứu đời”.
Anh bạn ơi! Hai em nó lớn rồi
Và đã giữ đúng lời nguyền trong chuyện.
Nghìn, vạn, triệu thanh niên kháng chiến
Ngày hôm qua, nghìn vạn triệu hôm nay
Đang đấu tranh giữ cuộc sống, ánh ngày
Là hai em đó, là lòng anh nữa đó.
Chuyện có khác ở nghĩa đời sáng tỏ
Hơn xưa kia, thật có khác nhiều bề,
Nhưng hề chi! Câu chuyện trẻ thơ kia
Vẫn nung nấu được nhiều em tuổi bé
Nên hôm nay nắng hồng tôi lại kể...
Và xa xôi xin nhắn vọng một lời:
Có lòng anh nằm trong chuyện thơ tôi.
Bài thơ Hai hình người gỗ của tác giả Nhà thơ Huy Cận - Cù Huy Cận, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Huy Cận - Cù Huy Cận
Nghệ danh: Huy Cận
Tên thật: Cù Huy Cận
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Huy Cận - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Hai hình người gỗ,Thơ Huy,Thơ Huy Cận
Con chú trong Nam nóng lòng nhìn mặt bố
Mấy vần tứ tuyệt: Chợp mắt chiêm bao
Mấy vần tứ tuyệt: Anh thương em...
Gặp đồng chí tập đoàn đánh cá miền Nam
Mấy vần thơ xuân: Hoa giữa nắng
Mấy vần tứ tuyệt: Chiều xanh trứng sáo...
Anh ngã xuống trời vừa hửng sáng
Mấy vần thơ xuân: Chiều xuân bên đường