Tác giả Bùi Xương Tự - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Bùi Xương Tự - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Bùi Xương Tự
Tên thật: Bùi Xương Tự
Bùi Xương Tự 裴昌嗣 (1656-1728) tự Gia Lạc, hiệu Túc Trai, người làng Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là ông nội của nhà văn Bùi Huy Bích (tác giả Hoàng Việt thi văn tuyển). Thuở nhỏ ông học rất giỏi, năm 22 tuổi thi Hương đỗ tứ trường, song thi Hội ba lần đều không đỗ. Thời bấy giờ ông nổi tiếng về tài làm thơ, sáng tác cả Nôm lẫn Hán, nay còn lại một số bài ghi trong Hoàng Việt thi tuyển, Bùi thị gia phả. Riêng về thơ Nôm ông chỉ còn để lại 16 bài chép trong sách Bùi thị gia phả (Thư viện Hán Nôm, ký hiệu A640). Các bài thơ này dường như có chung chủ đề là cơ ngợi danh lam thắng tích, nơi ông đã từng sống và làm việc, trong đó, 9 bài sáng tác khoảng năm 1687-1689 khi ông làm Huấn đạo phủ Nam Sách; 4 bài sáng tác trong những năm 1699-1706, khi ông giữ chức Tri phủ Nghĩa Hưng; 1 bài viết năm 1707 khi ông được thăng chức Hiến sát phó trấn Thanh Hoa; 2 bài viết năm 1715 khi ông phụng mệnh đi công cán ở trấn Sơn Nam Hạ.
Thơ ông viết rất trong sáng, lời lẽ bình dị, ít dùng điển cố. Đọc lại thơ Nôm Bùi Xương Tự, chúng ta không chỉ được thưởng thức những câu thơ hay, những tứ thơ lạ, mà còn tìm được những cứ liệu quí giá để nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Chẳng hạn từ “song viết” đến cuối thế kỷ 17 còn thấy Bùi Xương Tự sử dụng. Điều đáng lưu ý hơn là tiếng “viết” trong từ “song viết” lại được dùng để hiệp vận trong bài thơ vần trắc “Cửa Đạt”, v.v...
Nguồn: Nguyễn Đăng, “Thơ Nôm Bùi Xương Tự”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1986