Tác giả Bùi Giáng - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Bùi Giáng - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Bùi Giáng
Tên thật: Bùi Giáng
Tiểu sử thi sĩ Bùi Giáng
Bùi Giáng (1926-1998) sinh tại xã Thanh Châu, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, con thứ của ông bà Bùi Thuyên và Huỳnh Thị Kiều. Ông được văn giới, không phân biệt không gian thời gian, yêu mến trọng vọng. Những tác phẩm đầu của ông được in trong sách giáo khoa năm 1957, như Một vài nhận xét về Bà huyện Thanh Quan, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm,... nhưng tiếng tăm ông nổi bật từ tập thơ Lá hoa cồn (1963). Ông là một người tự học và học rất trễ, tuy nhiên khả năng tinh thông nhiều ngôn ngữ của ông, kể cả những ngôn ngữ khó như chữ Hán và tiếng Đức, làm kinh ngạc mọi người trong văn giới.
Những cuốn sách đầu của ông là sách giáo khoa in năm 1957, Bùi Giáng đã là một tên tuổi quá quen thuộc với đông đảo bạn đọc. Ông thường tự nhận là “trung niên thi sĩ” cùng hàng loạt biệt danh trào lộng: Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ...
Ông được xem như một “ngôi sao” trên vòm trời Văn hoá Văn nghệ miền Nam trước đây, được không ít độc giả xưng tụng là “thiên tài”, là “bậc thượng trí”, là “đáng tiêu biểu hơn cả về thi ca bây giờ và có lẽ... vạn đại” và tôn ông làm “thần tượng”. Gần đây, một số tác phẩm, dịch phẩm của Bùi Giáng được tái bản rộng rãi. Ông đã dịch nhiều sách Pháp, Anh, Hán văn như Hamlet của Shakespeare, Hoàng tử bé của Saint Exupéry, Ngộ nhận của Albert Camus, Khung cửa hẹp, và Hoà âm điền dã của André Gide, Kim kiếm điêu linh của Ngoạ Long Sinh...
Ông đã biên soạn các tiểu luận triết học và văn học như Tư tưởng hiện đại, Thi ca tư tưởng, Lễ hội tháng ba, Con đường ngã ba, Con đường phản kháng, Đi vào cõi thơ... Đặc biệt, gây nhiều tranh luận sôi nổi nhất là những tập thơ của ông, từ Mưa nguồn, Lá hoa cồn... đến Trăng châu thổ, Sương bình nguyên, Bài ca quần đảo, Rong rêu... Ai đã từng tiếp xúc Bùi Giáng trong trang sách lẫn ngoài cuộc đời, hầu như chưa thể bình luận gì về ông...
Bùi Giáng qua đời lúc 2h chiều ngày thứ tư, 7-10-1998 tại bệnh viện Chợ Rẫy. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi viếng linh cữu Bùi Giáng, đã viết lưu niệm trong sổ tang như sau:
Bùi Giáng Bàng Dúi Bùi Giàng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hoá ra thi thể là ngàn hư vô
Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô tận ứ ừ viễn vông.
(Trịnh Công Sơn - 1998)
Chuyện tình 40 năm của Bùi Giáng
Cả đời thơ của mình, Bùi Giáng có khá nhiều 'người yêu ảo' và thật chiếm ngự trong tâm thức. “Ảo” là những Nam Phương hoàng hậu, Thích nữ Trí Hải, ca sĩ Hà Thanh, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot… còn “thật” là kỳ nữ Kim Cương và một người ít ai biết: “Hoa hậu Lambretta”.
Hồi ức của kỳ nữ Kim Cương về ông như sau:
"Nhiều người không hiểu tại sao ông Bùi Giáng điên mà lại thương tôi gần 40 năm và cũng không hiểu sao ông ấy điên mà tôi lại tử tế với ông ấy suốt thời gian đó trong khi tôi không hề đáp lại. Đối với tôi, trên thế gian không có gì đẹp và thiêng liêng bằng tình yêu, miễn là yêu chân chính", NSND Kim Cương nói.
Thi sĩ Bùi Giáng gặp NSND Kim Cương tại đám cưới của một người bạn. Khi đó, bà mới 19 tuổi, đã nổi tiếng gần xa, được mệnh danh là bậc "kỳ nữ" trong làng sân khấu. Ngay lần đầu gặp gỡ, Bùi Giáng đã đem lòng si mê cô đào nức tiếng chỉ vì khi ấy, Kim Cương mặc cái áo dài lụa trắng mà Bùi Giáng như thấy phát ra hào quang.
Sau vài lần tiếp xúc, Bùi Giáng đã ngỏ lời cầu hôn Kim Cương nhưng bà tìm cách tránh né. Cho rằng "kỳ nữ" không "chịu" mình vì mình lớn tuổi hơn, ông bèn giới thiệu... cháu mình nhưng hóa ra đứa cháu của ông chỉ mới 7-8 tuổi!
Suốt ngần ấy năm sau đó, có rất nhiều giai nhân xuất hiện trong thơ Bùi Giáng nhưng Kim Cương vẫn luôn là người mà ông "chung tình" nhất. Trong thơ ông, "kỳ nữ" được gọi trìu mến là "tiên nữ", là "nương tử"... Tuy nhiên, suốt 40 năm, Bùi Giáng không bao giờ dám gọi Kim Cương là "em" mà chỉ xưng "tôi" với "cô", cũng chưa một lần dám nắm tay bà.
Suốt ngần ấy năm, Bùi Giáng điên điên, tỉnh tỉnh nhưng lúc nào cũng nhớ số điện thoại và số nhà Kim Cương. Bị cảnh sát "hỏi thăm" hay bị thương vào bệnh viện, ông cũng chỉ biết đọc số điện thoại và địa chỉ của người thương. Thậm chí, ông còn thường xuyên gọi cửa nhà bà, la hét, đập cửa náo động cả khu xóm đến khi bà chịu mở cửa mới thôi. Có lần, Kim Cương chưa kịp mở cửa, Bùi Giáng đã ném gạch, ném đá vào nhà.
"Lâu lâu, ông ấy lại đến xin cái quần. Tôi lấy quần của chồng hay con trai cho ổng thì ông đòi phải xin... quần của tôi mới chịu. Thiệt hết nói nổi", NSND Kim Cương nhớ lại. Bà đưa tay dụi mắt: "Đâu có dễ mà nuôi được một tình cảm như vậy, nhất là khi đó là tình yêu không được đáp lại. Tôi yêu ai, có chồng hay không, ổng cũng kệ, yêu vẫn yêu".
Bà nói: "Tôi không xiêu lòng trước ông Bùi Giáng nhưng cảm động. Vì lẽ đó tôi mới tiếp ông ấy mỗi khi ông ấy tới đập cửa đó chứ. Nhiều người nói Bùi Giáng mắc nợ tôi, tôi bảo chưa biết ai mắc nợ ai".
"Tình cảm làm cho con người khác với thú vật, cỏ cây. Với tôi, tình yêu là một trong những điều thiêng liêng của con người. Bởi thế, ông Bùi Giáng thương tôi thật là tôi quý vô cùng rồi. Nhiều người hỏi sao ông ấy có thể thương tôi lâu như thế, tôi cười bảo vì ông ấy điên nên mới thương tôi 40 năm đó. Gia đình cũng biết ổng thương tôi và tôi quý ổng nên có chuyện gì cũng cho tôi hay", NSND Kim Cương nói.
Lần Bùi Giáng bị té, chấn thương, phải vào bệnh viện nằm cũng là Kim Cương hay tin đầu tiên và vào bệnh viện lo cho ông tới khi lìa đời.
"Lúc hạ huyệt, mọi người bảo tôi nói vài câu mà thú thật tôi và ông ấy quen nhau 40 năm, nói sao cho hết. Tôi gút lại có 3 câu. Thứ nhất là cảm ơn ông ấy đã có quá nhiều tác phẩm hay cho đời. Ông ấy điên gì điên nhưng tác phẩm thì hay tuyệt vời. Đôi khi tôi phải học ở ông ấy rất nhiều. Thứ hai là cảm ơn mối tình đơn phương 40 năm mà ông ấy để lại cho tôi. Thứ ba là ông ấy cho tôi một bài học, là dù điên, dù tỉnh, dù nghèo, dù giàu thế nào thì mỗi người phải có một chân tình để sống với đời", NSND Kim Cương chia sẻ với báo Thanh Niên.
Các tập thơ Bùi Giáng đã xuất bản
- Mưa nguồn (1962)
- Lá hoa cồn (1963)
- Màu hoa trên ngàn (1963)
- Ngàn thu rớt hột (1963)
- Bài ca quần đảo (1963)
- Sa mạc trường ca (1963)
- Sa mạc phát tiết (1969)
- Mùi hương xuân sắc (1987)
- Rong rêu (1995)
- Đêm ngắm trăng (1997)
- Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994)
- Thơ Bùi Giáng (California, 1994)
- Mười hai con mắt (2001)
- Thơ vô tận vui (2005)
- Mùa màng tháng tư (2007)
Bùi Giáng,Nhà thơ Bùi Giáng,Thơ Bùi Giáng
Đêm Tô Châu trừng hiện Diotima
Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Bà hiệu trưởng bước đi đệ nhất