Tác giả Chế Lan Viên - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Chế Lan Viên - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Chế Lan Viên
Tên thật: Phan Ngọc Hoan, Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai
Cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên
Chế Lan Viên (14/1/1920 - 24/1/1989) tên thật Phan Ngọc Hoan, sinh tại Cam Lộ, Quảng Trị. Lên 7 tuổi, cả nhà chuyển vào Bình Định, nên ông dùng các bút danh Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai.
Ngoài bút danh Chế Lan Viên (được hiểu là tác giả tự nhận mình là bông hoa lan trong khu vườn nhà họ Chế- dòng họ vua chúa của dân tộc Chăm ở nước Chiêm Thành xưa) nổi tiếng, trong bài giới thiệu tập tiểu luận Những bước đường tư tưởng của tôi của Xuân Diệu, đăng trên báo Văn học tháng 9 năm 1958, ông ký bút danh Thạch Hãn (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông). Nhiều bài báo in trên báo Thống Nhất, xuất bản ở Hà Nội trước tháng 5 năm 1975, ông cũng ký bằng bút danh này.
Từ năm 1959 đến năm 1963, trong thời gian làm biên tập báo Văn học, phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc, ông ký bút danh Chàng Văn. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn học đã cho xuất bản hai tập Vào nghề và Nói chuyện văn thơ của tác giả Chàng Văn.
Trong mục Nụ cười xuân trên báo Văn học, Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là Ngô bói Kiều và Lý luận Đờ Gôn ký tên Oah (tức Hoan).
Năm 17 tuổi, Chế Lan Viên đã nổi tiếng với tác phẩm Điêu tàn. Năm 1939, ông ra Hà Nội học, rồi vào Sài Gòn làm báo, lại về Huế dạy học. Khoảng 1942, ông ra tập văn Vàng sao, viết tập truyện ngắn Gai lửa. Sau Cách mạng tháng 8, ông làm báo Quyết thắng của Việt Minh Trung Bộ... Năm 1949, Chế Lan Viên vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều năm ông tham gia ban lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, Đại biểu Quốc hội các khoá 4, 5, 6, 7.
Ông có vợ là nhà văn Vũ Thị Thường, và con gái là nhà văn Phan Thị Vàng Anh.
Phong cách sáng tác
Con đường thơ của Chế Lan Viên "trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ" (Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Long, Trần Hữu Tá, Văn học 12, nhà xuất bản Giáo dục, 2007, trang 119) thậm chí có một thời gian dài im lặng (1945-1958).
Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "trường thơ loạn": "kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm". Những tháp Chàm "điêu tàn" là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.
Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã "đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng", và có những thay đổi rõ rệt. Trong thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Sau năm 1975, "thơ Chế Lan Viên dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái "tôi" trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống".
Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng - triết lý: "chất suy tưởng triết lý mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa". Khai thác triệt để các tương quan đối lập. Và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng.
Tác phẩm tiêu biểu:
Tập thơ:
- Gửi các anh (1955)
- Ánh sáng và Phù sa (1960)
- Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967)
- Những bài thơ đánh giặc (1972)
- Ðối thoại mới (1973)
- Hái theo mùa (1977)
- Hoa trên đá (1984)
Truyện ký:
- Thăm Trung Quốc (1963)
- Những ngày nổi giận (1967)
- Giờ của số thành (1967)
Viết phê bình:
- Phê bình văn học (1962)
- Suy nghĩ và bình luận (1970)
- Bay theo đường dân tộc đang bay (1976)
- Từ gác Khuê văn đến quán Trung Tân (1980)
- Nghĩ cạnh dòng thơ (1982)
Chế Lan Viên,Nhà thơ Chế Lan Viên,Thơ Chế Lan Viên
Theo tình nguyện quân qua biên giới năm 1952
Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...
Tiếng hát thằng điên trong dinh Độc Lập
60 tuổi một nhà thơ lưu vong nước Thổ
Gửi nhà thơ lớn Chi-lê: Pa-lơ-lô Nê-ru-đa