Tác giả Nguyễn Lãm Thắng - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Nguyễn Lãm Thắng - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Lãm Thắng, Lam Thuỵ
Tên thật: Nguyễn Lãm Thắng
Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng
Nhà thơ, Thạc sĩ Hán Nôm Nguyễn Lãm Thắng sinh 14/8/1973, quê tại làng Tịnh Đông Tây (Hà Dục), Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam. Tốt nghiệp cử nhân văn-hoạ Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1998, hiện là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế, là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, trưởng Gia đình Áo trắng Huế.
Nguyễn Lãm Thắng vừa là bút danh vừa là tên thật của anh, ngoài ra anh còn có các bút danh khác là Lãm Thắng, Lam Thuỵ và các bút danh viết cho thiếu nhi: Nguyễn Trần Bảo Nghi, Du Lãm, Nhật Quang...
Sau khi học xong ĐHSP Huế anh đã từng làm nhiều nghề để kiếm sống, sau đó anh mới về giảng dạy. Chính thời gian anh lăn lộn trong Nam ngoài Bắc để kiếm sống ấy nó đã trở thành vốn sống, vốn kinh nghiệm, thành nguồn cảm xúc, đem đến cho thơ anh một giọng điệu khác lạ, tạo ra một nét phong cách riêng không thể lẫn lộn với bất cứ một nhà thơ nào.
Ngay trong chính hành trình thơ của anh cũng có sự chuyển biến, chuyển biến gần như là đối lập. Nếu ở tập thơ đầu tay Điệp ngữ tình (NXB Hội Nhà văn, 2007) những bài thơ mộc mạc, giản dị, da diết về tình yêu và sự sống thì đến những bài thơ anh sáng tác gần đây nó không còn đằm thắm như thế nữa.
Ngôn từ giờ đây đã có sự “nổi loạn”- câu thơ ngắn, dài, liền mạch, đứt quãng tạo nên những khoảng lặng, khoảng trống; đôi lúc gây khó hiểu cho người tiếp nhận. Nhưng chính điều này đã tạo nên phong cách và hồn thơ Nguyễn Lãm Thắng, một hồn thơ đau đáu nỗi niềm, một sự ám ảnh của cuộc sống nhân sinh.
Mọi khía cạnh của đời sống xã hội được đưa vào thơ anh ngồn ngộn, dạt dào tuôn chảy theo dòng cảm xúc của một con người có một lối sống nội tâm độc đáo. Tất cả đều đi vào thơ anh như là sự giãi bày những cảm xúc, những nỗi lòng, những tâm sự; có lúc đó là những lời độc thoại với chính mình như một sự chiêm nghiệm, suy ngẫm, soi xét …
Đối diện với nhà thơ trẻ Nguyễn Lãm Thắng, ta sẽ bắt gặp một con người hiền lành, một đôi mắt buồn với cái nhìn xa xăm. Nhưng bao giờ anh cũng nở một nụ cười phúc hậu. Có thể nói ẩn đằng sau nụ cười ấy, đôi mắt ấy là những suy tư, trăn trở, dằn vặt, có cả sự đau đớn của một công dân sống hết mình vì cái đẹp, cái thiện, cái cao cả của cuộc sống này.
Bằng cách sử dụng từ ngữ, tứ thơ và những nét mới trong thơ anh, Nguyễn Lãm Thắng đã tạo được một nét dị biệt và có phần ngông. Nói như Hoàng Thuỵ Anh: “Nguyễn Lãm Thắng ngông để bộc lộ cái tôi của mình, một cái tôi cô đơn, đau đớn đến tột cùng trước những thực trạng xã hội, song anh không đánh mất chính mình”.
Với đôi mắt nhạy cảm của người nghệ sĩ anh nhìn cuộc sống này ở cả bề rộng lẫn chiều sâu. Bên cạnh những cái tốt đẹp người ta vẫn ca tụng hằng ngày anh còn nhận ra những cái xấu, những mặt trái, sự oái ăm, nghịch lý của cuộc đời. Nhìn cuộc sống ở trần thế này chưa đủ anh đã tự đưa mình vào thế giới cõi âm để nhìn nhận cho toàn vẹn, đủ đầy những tiêu cực, hạn chế, yếu kém, bất công … của cuộc sống thực tại.
Vì vậy, hình ảnh cái chết, bia mộ, lăng tẩm được nói đến nhiều trong thơ anh cũng có nguồn cội sâu xa của nó. Đúng như Jakobson nói: “Thơ là sự trở lại hình ảnh, nhịp điệu, cảm xúc … thơ là sự trùng điệp liên tục, điệp trùng gây day dứt, khắc khoải đến đau đớn, nhức nhối hoặc gợi những giấc mơ xa”.
Tính đến nay, Nguyễn Lãm Thắng đã tròn 20 năm đứng trên giảng đường Đại học Sư phạm Huế. Anh nói vui: “Đi dạy là đi học một cách bắt buộc. Mình với sinh viên, với trang giáo án, với sách vở, với bài nghiên cứu… cùng làm cuộc thương lượng, chia sẻ để học hỏi lẫn nhau. Trong các cuộc thương lượng đó, tôi tự thấy mình luôn nhận về những câu chữ thú vị cho thơ”.
Nếu chỉ xét về số lượng, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng có lẽ thuộc nhóm số ít các tác giả còn sống có nhiều tác phẩm trong SGK. Hiện anh có 5 bài thơ và trích đoạn thơ - chủ yếu viết cho thiếu nhi - xuất hiện 7 lần trong các SGK.
Nguyễn Lãm Thắng viết hơn 1.000 bài thơ cho thiếu nhi, đã xuất bản tập thơ Giấc mơ buổi sáng, gồm 345 bài. Năm 2019, NXB Giáo dục Việt Nam và các nhóm biên soạn SGK đã dựa vào tập Giấc mơ buổi sáng chọn ra 5 bài thơ hoặc trích đoạn thơ để đưa vào 7 cuốn SGK.
Nguyễn Lãm Thắng cho biết, anh làm thơ thiếu nhi từ khi còn là sinh viên, đăng rải rác các báo, thường xuyên là báo Nhi đồng TP.HCM. Năm 2002, sau khi lập gia đình, anh càng say sưa viết cho trẻ em, cả thơ lẫn truyện.
Anh đã viết hơn 1.000 bài thơ, dự định in thành tập để làm quà cho đứa con đầu lòng khi còn trong bụng mẹ. Nhưng vì không có tiền in, nên mãi đến năm 2012, tức 10 năm sau đó, anh mới in được với số lượng là 333 bài. Đến năm 2016, NXB Văn học kết hợp với Nhà sách Minh Long cho tái bản, có bổ sung, thành 345 bài.
“Những bài thơ viết cho thiếu nhi là sự hoài niệm về ký ức tuổi thơ của mình, hoặc là những mẩu đối thoại với các cháu nhỏ trong gia đình, hoặc ở đâu đó trong cuộc sống. Những cảm hứng về làng quê, ruộng đồng, sông suối cũng luôn ám ảnh. Tôi luôn hóa thân vào tuổi thơ để viết thật tự nhiên, như sự cảm nhận thế giới chung quanh của con trẻ” - Nguyễn Lãm Thắng chia sẻ.
Nhà thơ còn cho biết, khi đọc các bình giảng về thơ của anh trong SGK, anh thấy rất may mắn, vì nó khá gần ý tưởng gốc của tác giả, khá phù hợp với trẻ em. Tất nhiên, trừ vài bài nằm trong mục đọc thì không có câu hỏi gợi ý, hoặc bình giảng. Các bài thơ của anh chú trọng về mặt ngôn từ cho thiếu nhi, nó thật sự trong sáng, dễ hiểu, thi ảnh gần gũi. “Thơ thiếu nhi thì phải có vần điệu, phải có nhạc tính, như vậy các em mới dễ thuộc” - anh nói.
Nguyễn Lãm Thắng nói thêm: “Tôi viết cho thiếu nhi như một nhu cầu cấp thiết của đời mình. Phải làm sao, khi các em đọc, luôn thấy mình trong đó. Cách quan sát và cách nghĩ phải sinh động, hồn nhiên và hóm hỉnh. Có như vậy, mới nói hộ được các em về những cảm nhận của bản thân về thế giới chung quanh bằng tình cảm và ước mơ cuộc sống. Trước cuộc sống hiện đại đầy rẫy những đổi thay, tôi cũng muốn dẫn dắt các em về với cội nguồn văn hóa Việt”.
Với vóc dáng mảnh khảnh, thư sinh, Nguyễn Lãm Thắng khá hiền lành, nhưng không phải vì thế mà thiếu cá tính. Trong sáng tác, học thuật và giảng dạy, Nguyễn Lãm Thắng luôn gìn giữ các nguyên tắc nghề nghiệp.
Trong các công việc mà anh theo đuổi, trong đó có chuyện vẽ tranh, có lẽ “quậy” nhất là thơ người lớn, nơi sự du hý về tư tưởng và ngôn ngữ được anh rất dụng công. Nhất là với thể loại lục bát, sự “thương lượng” với câu chữ của anh thật thú vị, bất ngờ. Nói như nhà thơ Lê Minh Quốc: “Tôi thích, vì ở đó có cách nói như cà rỡn, tưng tửng mà lại thâm trầm, ngậm ngùi trắc ẩn...”.
Nguyễn Lãm Thắng cho biết, anh sắp in tập thơ thiếu nhi thứ 2 là Trong đôi mắt bé, gồm 207 bài. Thơ thiếu nhi của anh đã được các nhạc sĩ phổ trên 100 ca khúc. Vì không có điều kiện làm album riêng, nên chỉ phổ biến trên truyền hình và trên mạng khoảng 20 ca khúc.
Anh cũng sắp in một tập thơ người lớn, trên 300 bài, tên dự kiến là Thương hoài thương hủy, nơi khai thác nhiều thủ pháp ngôn ngữ địa phương xứ Quảng. Ví dụ: “… Nói ông biết, quê chừ, đau rát rạt/ Sông chết rồi, nước cạn xịt, đục câm/ Núi trọc lóc, núi cúi đầu, xơ xác/ Ngó ráng chiều, như ngó rạch dao đâm” - trích trong bài Thương hoài thương hủy.
Về con đường học thuật, Nguyễn Lãm Thắng đang khảo cứu về địa danh làng xã Quảng Nam, với dự kiến sẽ làm luận án tiến sĩ khi đủ điều kiện và ra các cuốn sách.
Những giải thưởng trong sự nghiệp cầm bút của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng
- - Giải thưởng báo Mực tím (Gửi tới yêu thương) năm 2003
- - Giải thưởng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế 2007
Có thơ đăng ở nhiều tạp chí trung ương và địa phương: Kiến thức ngày nay, Nhân dân, Sông Hương, Tuổi trẻ, Tài hoa trẻ, Áo trắng, Nữ sinh, Mực tím, Nhi đồng, Rùa vàng, Văn nghệ Bình Dương, Văn nghệ Gia Lai, Văn hoá - Thông tin, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tiếp thị gia đình, Nhớ Huế,… Anh cũng góp mặt trong nhiều thi tuyển.
Các tác phẩm trong đời thơ của Nguyễn Lãm Thắng
Tác phẩm đã in:
- - Điệp ngữ tình (NXB Hội Nhà văn, 2007)
- - Đầu non cuối bãi (NXB Đại học Huế, 2014)
- - Giấc mơ buổi sáng (NXB Văn học, 2017)
Tác phẩm sắp in:
- - 1008 bài thơ thiếu nhi
- - Hành trình tiếng vọng
- - Đường thi tuyển dịch
Tác giả Nguyễn Lãm Thắng,Thơ Nguyễn Lãm Thắng,Lam Thuỵ
Tiếng bước chân lê không hở mặt đất
Lũ ve quần hội trên tán cây kêu từ sáng đến tối
Nửa đêm mưa nghe cái chân lạnh ngắt
Trưa mùng tám Tết nơi đó mùa đang rụng trứng [gà]
Con chim đen hót bên dòng sông đỏ