Tác giả Quách Tấn - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Quách Tấn - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Quách Tấn
Tên thật: Quách Tấn
Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Quách Tấn
Quách Tấn (1910 – 1992), tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, các tiểu hiệu là Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão giữ vườn; là một nhà thơ Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.
Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức ngày 4 tháng 1 năm 1910, nhưng giấy khai sinh thì ghi là ngày 1 tháng 1 năm 1910) tại thôn Trường Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định.
Tổ tiên ông vốn là người Trung Quốc sang Việt Nam. Cha ông là Quách Phương Xuân, thông chữ Pháp; mẹ là Trần Thị Hào, giỏi chữ Hán. Anh em ông gồm 10 người nhưng chỉ còn lại ba là ông, Quách Tạo và Quách Thị Mộng Lan.
Lúc nhỏ Quách Tấn học chữ Hán. Đến 12 tuổi, ông mới bắt đầu học Quốc ngữ và Pháp ngữ tại trường Pháp Việt Quy Nhơn (nay là Quốc học Quy Nhơn), rồi đậu cao đẳng tiểu học (primaire Supérieur) năm 1929.
Sau đây là quá trình hoạt động của ông:
- 1930, làm phán sự Tòa sứ tại Tòa khâm sứ Huế, rồi đổi lên Tòa sứ Đồng Nai Thượng ở Đà Lạt.
- 1935, về làm việc tại Tòa sứ Nha Trang.
- 1939, xuất bản tập thơ đầu tay: Một tấm lòng (Tản Đà đề tựa, Hàn Mặc Tử đề bạt).
- 1945, tản cư về Bình Định tham gia chống Pháp, làm thủ quỹ cho Ủy ban ủng hộ kháng chiến và Mặt trận liên hiệp quốc dân huyện Bình Khê.
- 1949, mở Trường trung học tư thục Mai Xuân Thưởng tại thôn An Chánh huyện Bình Khê.
- 1951, được trưng dụng dạy Trường trung học An Nhơn rồi Trường trung học Bình Khê.
- 1954, hồi cư về Nha Trang được tái bổ vào ngạch thư ký hành chánh.
- 1955, làm tại tòa hành chánh Quy Nhơn cho đến 1957. Tiếp theo, ông giữ chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Định. Nhờ cương vị này, Quách Tấn đã can thiệp với chính quyền địa phương, chọn được một vùng đất địa thế đẹp tại Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), rồi chuyển hài cốt người bạn tri âm là thi sĩ Hàn Mặc Tử từ nghĩa trang nhà thương phong Quy Hòa về an táng tại đây. Ít lâu sau, Quách Tấn đổi về Sở Du lịch Huế (1957 – 1958), Ty Kiến thiết Nha Trang (1958 – 1963), rồi giữ chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hòa (1963 – 1965) ( Trong cuốn: Hàn Mặc Tử anh tôi, em trai nhà thơ viết một sự thật hoàn toàn ngược lại )
- 1965, nghỉ hưu tại nhà số 12 đường Bến Chợ Nha Trang (gần chợ Đầm), tiếp tục viết văn làm thơ.
- 1987, ông lâm cảnh mù lòa rồi mất ngày 21 tháng 12 năm 1992 tại Nha Trang, hưởng thọ 82 tuổi.
Quách Tấn lập gia đình năm 1929. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu Thanh Tâm, sinh trưởng tại Phú Phong, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.
Trong nhóm thơ Bình Định hồi ấy, ông cao niên hơn cả, hơn Hàn Mặc Tử hai tuổi, hơn Yến Lan năm tuổi, hơn Chế Lan Viên tới mười tuổi... Các bạn thơ đó của ông là những cây bút kiệt xuất của phong trào Thơ Mới sôi động khi ấy.
Nhưng Quách Tấn lại làm thơ theo lối cũ: thơ luật Đường. Người ta coi Hàn là rồng, Chế là phượng, Yến Lan là lân, cả ba tượng trưng cho tung hoành, đĩnh đạc thì ông tự nhận mình là rùa, tượng trưng chậm chạp và vất vả (Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia) cho đủ long ly quy phụng. Hai tập thơ đầu Quách Tấn xuất bản lúc Thơ Mới đang thắng thế hầu hết là thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt.
Thơ Đường của Quách Tấn hàm súc, tinh xảo và cũng khá cầu kỳ. Điều thú vị và cũng là lý do nổi tiếng của Quách Tấn là thể thơ thì cổ nhưng tình thơ lại mới. Cảm xúc của Quách Tấn có nhiều tương đồng, tương ứng với các nhà thơ lãng mạn trong phong trào Thơ Mới.
Ở tập thơ đầu Một tấm lòng (1939) do chính Hàn Mặc Tử đề tựa, Quách Tấn có cái phóng túng trong cảm hứng rất mới ngay lúc lạc hồn vào cõi xưa:
Giấc mộng nghìn xưa đang mải mê
Vùng nghe cảm hứng báo thơ về.
Một động từ Vùng cho thấy hơi men lãng mạn của thời đại mới giấu trong giọng thơ xưa cũ. Nhiều khi không giấu được, Quách Tấn lẫn vào các nhà thơ lãng mạn. Đứng giữa trời Đà Lạt một đêm sương, nghe hơi mát chạm vào da thịt, nhà thơ y phục xưa thành người hiện đại đa tình và mạnh bạo khám phá cảm giác:
Trời đất tan ra thành thuỷ tinh
Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh
Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.
Tập Mùa cổ điển (1941) thơ Đường càng được vận dụng, cả về tỷ lệ bài lẫn chất lượng câu thơ. Đối ứng nghiêm túc và đài các như thơ Bà Huyện Thanh Quan:
Gió vàng cợt sóng sông chau mặt
Mây trắng vờn cây núi bạc đầu.
Có bài còn chất nặng điển cố (Đêm thu nghe quạ kêu), nhưng cũng có nhiều bài đạt được vẻ đẹp ước lệ mẫu mực của luật Đường lại thoải mái thanh thoát mang tình ý hiện thực:
Tình cũng lơ mà bạn cũng lơ
Bao nhiêu khăng khít bấy ơ hờ
Sầu mong theo lệ khôn rơi lệ
Nhớ gởi vào thơ nghĩ tội thơ.
Những chỗ Quách Tấn sính tạo không khí cổ điển bằng chữ (dùng nhiều từ Hán) hoặc bằng điển cố cầu ky,ì bài thơ thường bị đứt mối giao lưu với bạn đọc. Nhưng hoa tỉ muội, cỏ vương tôn, rèm liễu, vó câu... ngỡ sang trọng lại có gì tội nghiệp của kẻ lạc thời.
Cũng phải thừa nhận những lợi thế của một thể thơ có sức sống mạnh như thơ Đường, sức vang ngân của các phối âm 7 chữ trong câu, lối dẫn dắt tung hoành nhờ phép kết cấu phá thừa thực luận kết và nhất là phép đối, đối câu, đối vế, đối ý, đối chữ. Nhưng cũng cần phá bỏ những câu thúc của ước lệ dễ dẫn đến mòn sáo và giả tạo.
Điều đó không phải lúc nào Quách Tấn cũng làm được. Càng thấy lý do xuất hiện và toàn thắng của Thơ Mới là tất yếu. Người ta yêu thơ Quách Tấn do chất cảm xúc của hồn ông và cũng do ông là thứ quả hiếm còn sót lại của mùa xưa.
Nửa thế kỷ nay, khi Thơ Mới đã thành thơ cũ, cuộc đời mỗi nhà thơ thời ông đã qua nhiều dâu bể khác nhau, Quách Tấn vẫn thuỷ chung với giọng xưa. Ông bị quanh quẩn trong chất liệu, hình ảnh cũ, thơ ông không đủ sức theo kịp những biến động tâm tư, cảm xúc của lớp người mới. Ông bị đừng lại ở Mùa cổ điển.
Cái hay của các tập thơ sau chưa vượt được cái hay đã có trong hai tập thơ đầu mà nỗi u hoài trong lòng người viết lại đầy hơn:
Đồi cao buông tiếng địch
Bóng tháp ngập hoàng hôn
Ông lão dừng tay sách
Hiu hiu buồn cuối thôn.
Quách Tấn tạ thế ngày 21-12-1992.
Nhận xét về Quách Tấn và bút pháp của ông
Nói về phong cách sống của Quách Tấn, Nguyễn Vỹ viết:
Tôi biết anh lúc anh còn học ở Quy Nhơn. Sau, anh thi đậu "diplôme", được bổ đi làm việc tại các Tòa Sứ miền Trung. Không có cái gì tiết lộ anh là một thi sĩ...Anh thuộc về hạng đàn ông đạo đức, giản dị, không se sua, không bần tiện, không làm phiền ai, một người công dân có ý thức trách nhiệm, một người bạn hiền lành, vui vẻ, khả ái, một người cha rất tốt trong gia đình, một người chồng rất thủy chung...
Về sự nghiệp văn chương, tuy Quách Tấn viết nhiều thể loại, nhưng người ta chú ý đến ông là nhờ thơ, nhất là hai tập thơ đầu. Đặng Thị Hảo cho biết:
Tập thơ "Một tấm lòng" vừa ra đời đã gây nên ai luồng dư luận trái ngược. Các nhà thơ cổ hoan nghênh; những người hâm mộ "thơ mới" lại làm ngơ, như ở báo Phong Hóa của bút nhóm Tự Lực văn đoàn chỉ giới thiệu văn tắt mà không bình luận gì...
Đến hai năm sau (1941), khi thi phẩm Mùa cổ điển ra đời, thì giới yêu thơ mới bắt đầu chú ý đến thơ ông nhiều hơn. Tháng 10 năm ấy, Quách Tấn được Hoài Thanh-Hoài Chân giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam:
Quách Tấn là một người thanh niên có Tây học; người thanh niên ấy hồi 1939 đã xuất bản một tập thơ cũ (Một tấm lòng) được Tản Đà để ngang với thơ Yên Đỗ (Nguyễn Khuyến), thơ Hồ Xuân Hương...Đêm đã khuya, tôi ngồi một mình xem thơ Quách Tấn...Theo gót nhà thơ, tôi đi dần vào một thế giới huyền diệu. Ở đây người ta nói rất khẽ, bước rất êm... Tình cảnh ở đây đã biến thành một thứ hương mầu nhiệm...
Nhưng Vũ Ngọc Phan lại có ý kiến trái ngược:
Đọc thơ Quách Tấn, người ta thấy ông chú trọng vào sự gọt giũa nhiều quá, ông cân nhắc từng chữ, ông lựa từng câu, sự chú trọng ấy ông để người ta thấy rõ quá, nên sự thành thật bị giảm đi nhiều...Thơ Quách Tấn điêu luyện thì có điêu luyện, như thành thực thì không.
Những năm gần đây, tài thơ của ông được đánh giá như sau. Trích trong Từ điển văn học (bộ mới):
Về hình thức thể loại cũng như về nội dung, "Một tấm lòng" không có gì mới mẻ. Hai năm sau, Quách Tấn cho xuất bản tiếp "Mùa cổ điển" (1941). Đây là tác phẩm tâm đắc nhất đồng thời cũng là đỉnh cao nghệ thuật của ông. Ở "Mùa cổ điển", ngòi bút nghệ thuật của thi sĩ tỏ ra điêu luyện hơn, cảm xúc cũng sâu sắc hơn tập thơ trước...Song, nếu ở "Một tấm lòng", người đọc còn tìm thấy cái nhìn trong trẻo của nhà thơ trước con người và thiên nhiên; thì đến Mùa cổ điển, mỗi bài thơ đều chất nặng ưu tư, ẩn giấu một nỗi buồn sâu xa. Đó cũng là sự phản ảnh tâm trạng chung của lớp thanh niên trí thức Việt Nam trước không khí nặng nề của cuộc đại chiến.
Trong Từ điển Tác gia Văn hóa Việt Nam có đoạn:
Quách Tấn là một nhà thơ chuyên về Đường luật. Có lẽ từ đầu thế kỷ đến nay, không một nhà thơ nào chuyên chú và có công với thơ luật bằng ông; vì ông đã sáng tác trên cả ngàn bài thơ Đường, kể cả thơ dịch. Đó là cống hiến lớn của ông đối với lịch sử thơ ca Việt Nam...Thơ Quách Tấn (dù là thơ Đường) vẫn có cảm xúc mới, ý lạ mà nồng nàn khiến người đọc rung động, bồi hồi theo nỗi lòng cô đơn của tác giả, hoặc đìu hiu như bên sông lạnh mà đó cũng là tiếng hư không từ cõi âm vọng về.Bờ nghiêng lau lách bóng sương lồng,Trăng muộn màng canh cánh mặt sông.Đời nữa khói mây chìm bóng mộng,Gọi đò một tiếng lạnh hư không!
Các tác phẩm trong sự nghiệp cầm bút của Quách Tấn
- - Xứ trầm hương
- - Bước lãng du
- - Bóng ngày qua (Hồi kí)
- - Trường Xuyên thi thoại: Những bài thơ kỷ niệm
- - Một tấm lòng
- - Trăng ma lầu Việt
- - Mùa cổ điển
- - Những tấm gương xưa
- - Lữ Đường Thi: Lữ Đường Di cảo thi tập
- - Tố Như thi