Tác giả Trần Tế Xương - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Trần Tế Xương - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Trần Tế Xương
Tên thật: 陳濟昌, Tú Xương
Cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Trần Tế Xương
Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương (陳濟昌) 5 tháng 9 năm 1870 - 29 tháng 1 năm 1907, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh) là một nhà thơ người Việt Nam.
Trần Tế Xương sinh ra vào ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức 10 tháng 8 Âm lịch) tại số nhà 247 phố Hàng Nâu thành phố Nam Định với tên húy là Trần Duy Uyên. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời nhà Trần lập công lớn được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua).
Ông nội Trần Tế Xương tên là Trần Duy Năng. Thân sinh của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận cũng là một nhà nho, thi nhiều khoa không đậu, sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định, sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng.
Trong tất cả các tài liệu nói về Tú Xương đều không thấy có ảnh, nhưng dáng hình cụ Tú được người bạn học là hạc phong Lương Ngọc Tùng viết trong bài thơ "Nhớ rõ hình dung...":
Cùng làng, cùng phố, học cùng trường
Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương,
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.
Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường.
Mấy chục năm trời đà vắng bóng,
Nghìn năm còn rạng dấu thư hương.
Ông đi học sớm và cũng sớm nổi tiếng thông minh. Hồi mới lên 10 tuổi, nhà có khách đến chơi, thấy trước nhà có một dãy chậu hoa, khách bèn ra cho bé Uyên một câu đối: "Đình tiền ngũ sắc hoa" (trước sân có hoa năm sắc), Uyên liền chỉ vào lồng chim khướu treo ở hiên và đối: "Lung trung bách thanh điểu" (trong lồng có chim trăm tiếng). Khách nghe đối tấm tắc khen nhưng lại thở dài "đời thằng bé lại lẩn quẩn như chim nhốt trong lồng".
Ông học chữ Hán cụ kép làng Thành Thị, tên là Trần Chấn Thái, ngồi bảo học ở Thành Nam.Cuộc đời ngắn ngủi có 37 năm của ông đã nằm gọn trong một giai đoạn bi thương nhất của đất nước. Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn. Ông đi thi từ lúc 17 tuổi, đó là khoa Bính Tuất (1886). Các tài liệu khác chép nhầm là khoa Ất Dậu (1885).
Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả tám lần, đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906).
Sau 3 lần hỏng thi, mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm), sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phát cáu lên:
Tế đổi làm cao mà chó thế,
Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi!
Xã hội bấy giờ, cái bằng tú tài thuộc loại dang dở dở dang (tú tài không được thi Hội, cử nhân mới được thi, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ), cho nên đậu tú tài, muốn đậu cử nhân phải đợi 3 năm sau thi lại. Cuộc sống của ông về vật chất rất thiếu thốn. Đúng năm ông đậu tú tài (1894) thì ngôi nhà số 247 phố Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai) bị cháy. Cụ Nhuận làm lại xây bằng gạch. Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu - câu thơ đó là Tú Xương nhắc đến sự kiện này - nhưng rồi ngôi nhà đó lại bị bà Hai An chiếm đoạt.
Tú Xương đã phải than: "Nhà cửa giao canh nợ phải bồi". Nghèo đói đã cứa xé Tú Xương. Sự đểu cáng đã vả vào Tú Xương. Hoàn cảnh đó được in đậm trong thơ phú của Tú Xương sự vất vả, cay cú, phát phẫn, buồn phiền.
Gia đình
Họ Phạm làng Lương Đường, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương có nhiều người đỗ đạt. Tú Xương nhắc Chẳng những Lương Đường có thủ khoa là nhắc đến làng quê của vợ ông.
Gia đình bà Phạm Thị Mẫn đến đời bố mẹ thì dời sang sinh sống ở Nam Định. Bà Mẫn sinh trưởng tại đây. Cuộc kết hôn giữa ông Tú với bà là từ hoàn cảnh gần gũi đó. Bà sinh cho ông được 8 người con, trong đó có 6 trai và 2 gái.
Bà Tú là một phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam xưa ở nhiều phương diện như tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình. Công việc kiếm sống cho gia đình của bà là buôn bán nhỏ (tiểu thương). Điều đặc biệt là chính bà đã đi vào thi phẩm của ông chồng như một nhân vật điển hình hấp dẫn(tác phẩm thương vợ).
Khi mất ngôi nhà số 247 phố Hàng Nâu của ông nội và bố để lại, gia đình ông Tú chuyển đến nhà số 280 cùng phố (mà sau này địa phương đã xếp hạng là di tích lưu niệm Tú Xương) chính là do mẹ vợ nhà thơ (bà Hai Sửu) chia cho con gái.
Phong cách sáng tác
Nói đến tài làm thơ của Tú Xương, nhiều người đã đặc biệt chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là gốc. Với Tú Xương, vẫn chưa thấy chắc chắn có bài thơ chữ Hán nào, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường - thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.
Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ. Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm. Tản Đà khi còn sống "trong những thi sĩ tiền bối, phục nhất Tú Xương" (Xuân Diệu kể vậy). Tản Đà tự nhận trong đời thơ của mình mới địch nổi Tú Xương một lần thôi bằng chữ "vèo" trong bài thơ Cảm thu, Tiễn thu của ông: Vèo trông lá rụng đầy sân. Nguyễn Công Hoan cũng kể vậy.
Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là: một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam.
Tú Xương còn là hiện tượng hiếm trong lịch sử tác gia Việt Nam: Tú Xương có "môn phái", "môn đệ". Tên của ông là Trần Tế Xương, có lúc đổi thành Trần Cao Xương, nhưng đây là chữ xương với nghĩa "thịnh vượng" (còn có nghĩa là đẹp, thẳng). Sách xưa có chữ "Đức giả xương" (người có đức, thịnh vậy), không phải là xương theo nghĩa "xương thịt".
Nhưng người đời sau, mấy vị chuyên làm thơ trào phúng đã cố tình đùa nghịch và "xuyên tạc", gắn cho cái nghĩa xương thịt, để rồi tự nguyện suy tôn Tú Xương (thịt) lên bậc tổ sư, còn mình là môn đệ. Và như thế là lịch sử văn học Việt Nam ở thế kỷ 20 bỗng nhiên có một "môn phái" gồm Tú Xương, rồi Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc và thêm "chi phái": Tú Poanh, Đồ Phồn cũng là dòng tú, cử, đồ với nhau cả. Vinh dự thay cho vị tổ sư Tú Xương!
Bức tranh hiện thực trong thơ Tú Xương là một bức tranh xám xịt. Cảm hứng trong thơ Tú Xương hầu như không hướng nhiều về phía phản ánh những cái tốt lành. Thi sĩ Tú Xương biết buồn đau trước vận nước vận dân. Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích thực dân phong kiến, quan lại, những người bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, những kẻ rởm đời lố lăng trong buổi giao thời.
Tác phẩm
- Vị Xuyên thi văn tập: Thơ văn và giật sử ông Trần Kế Xương, In lần 1, Nam Kỳ thư quán (tên ông bị viết nhầm thành Trần Kế Xương)
- Thơ Trần Tế Xương: Kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ (tiểu luận), Xuân Diệu, Ty văn hoá Nam Hà, 1970
Trần Tế Xương,Thơ Trần Tế Xương,Nhà thơ Trần Tế Xương
Câu đối Tết: Xuân về chớ để xuân đi - Năm mới khác gì năm cũ
Câu đối Tết: Nực cười thay - Thôi cũng được
Giễu ông Đồ Bốn ở phố Hàng Sắt
Câu đối Tết: Vui xuân - Người học
Câu đối than thân: Trúc báo bình an - Cò nhiều văn tự
Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu (1897)