Tác giả Tuệ Sỹ - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Tuệ Sỹ - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Tuệ Sỹ
Tên thật: Phạm Văn Thương
Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Tuệ Sỹ - Phạm Văn Thương
Thượng toạ Tuệ Sỹ - Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, Việt Nam. Ông quy y Phật từ thuở đồng nhi, tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học Saigon năm 1964 và Viện Ðại học Vạn Hạnh phân khoa Phật học năm 1965.
Tuệ Sỹ được đặc cách bổ nhiệm giáo sư thực thụ Viện Ðại học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ những công trình nghiên cứu và những khảo luận triết học có giá trị cao, như Ðại cương về Thiền quán, Triết học về tánh Không (An Tiêm Saigon, 1970).
Ông rất giỏi chữ Hán, rành chữ Pháp, chữ Anh, chữ Pali và chữ Phạn, ông cũng đọc hiểu tiếng Ðức, nghiên cứu kỹ về Heidegger và Hoelderlin. Cuốn Thiền luận nổi tiếng của D.T Suzuki bản Việt ngữ là do ông dịch.
Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo Nguyên Thuỷ và Ðại Thừa, đọc và nghiên cứu Tô Ðông Pha từ nguyên tác, để lại một tác phẩm chan hoà tính thơ: "Tô Ðông Pha, những phương trời viễn mộng" (Ca Dao Saigon, 1973).
Những lúc rảnh ông chơi dương cầm. Ông làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn đặc sắc, phần lớn đăng trên tạp chí Khởi hành (1969-1972) và Thời tập tại Saigon (1973-1975), khi đứng tên trong Ban biên tập tạp chí này. Ông cũng là chủ bút tạp chí Tư tưởng của Viện Ðại học Vạn Hạnh.
Ngày 1- 4 -1984, Thượng toạ Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền bắt giữ cùng giáo sư Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 19 tăng ni, sĩ quan cũ của VNCH, bị kết án âm mưu vũ trang lật đổ chính quyền và trong phiên toà kéo dài nhiều ngày cuối tháng 9-1980, ông bị kết án tử hình cùng giáo sư Lê Mạnh Thát.
Do sự tranh đấu tích cực của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai, đem giam ông tại trại A-20 Phú Yên. Năm 1998 Thượng toạ cùng với một số người khác được thả.
Cố thi sĩ Bùi Giáng đã nhận xét về bài thơ "Không đề" (sau in vào thi tập đổi lại tựa "Khung trời cũ") của Tuệ Sỹ: "Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường thi Trung Hoa tới Siêu thực Tây phương." (trích "Đi vào cõi thơ" của Bùi Giáng)
Thầy Tuệ Sỹ làm thơ rất nhiều, nhưng chỉ lưu lại bản thảo mà thôi. Sau nầy ni cô Tuệ Hạnh thu nhặt lại một số thơ của thầy in thành thi tập "Ngục trung mị ngữ" do Quảng Hương Tùng Thư xuất bản. Trong thi tập nầy, thơ thầy làm hầu hết là thơ bằng chữ Hán; cảm động nhất là bài thơ "Cúng dường":
Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bình bát lệ vô ngôn
Thượng toạ Viên Lý dịch như sau:
Hai tay nâng chén cơm tù
Dâng lên từ phụ bậc thầy nhân thiên
Thế gian huyết hận triền miên
Bưng bình cơm độn lặng yên lệ trào
Đến thi tập "Giấc mơ Trường Sơn" cũng góp nhặt như thế. Thi tập này được kết hợp bởi các tập thơ mỏng của bản thảo như: Phương trời viễn mộng gồm 9 bài thơ; Giấc mơ Trường Sơn gồm 29 bài; Tĩnh toạ gồm 9 bài; Tĩnh thất gồm 32 bài.
Hai tập đầu (Phương trời viễn mộng viết trước năm 1975, Giấc mơ Trường Sơn từ 1975 đến 80) thuộc loại thơ diễn tả những suy tư về thân phận con người, về cảnh vô thường của tạo hoá, về vận nước thăng trầm, về lòng ái quốc và tinh thần dấn thân của kẻ sĩ...
Hai tập sau (Tĩnh toạ, từ 1983 đến 2000, và Tĩnh thất, từ 2000 đến 2001) phần lớn là những bài thơ rất cô đọng, được sử dụng ngôn ngữ siêu thực hoà với ngôn ngữ cổ phong hiện thực, tạo thành những hình ảnh kỳ ảo riêng tây.
Một số tác phẩm nổi bật của nhà thơ Tuệ Sỹ - Phạm Văn Thương
Sáng tác:
- Bát quan trai giới
- Cửa Vào Tuyệt Đối
- Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng
- Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã
- Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo
- Du-già Bồ-tát giới
- Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn
- Duy tuệ thị nghiệp
- Đạo Phật và thanh niên
- Đối Biện Bồ Tát
- Giấc mơ Trường Sơn (thơ)
Dịch Thuật:
- A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 1,2,3,4, và 5
- Các Tông Phái Phật giáo
- Kinh Duy Ma Cật sở thuyết
- Luận Thành Duy Thức
- Tạp A-hàm
Nhà thơ Tuệ Sỹ,Thơ Tuệ Sỹ,Phạm Văn Thương
Nhớ con đường thơm ngọt môi em