Bác phở Cầu
Ôi kể lại bao giờ cho hết Những hành động anh hùng, những hy sinh oanh liệt Của nhân dân, của các chị, các anh, Của những con người thường gọi vô danh Mà mai mai cuộc đời rất cụ thể, Có đau khổ bằng xương dần thịt xé, Có tên ghi trong sổ kín mã tà Đờ
Nội dung bài thơ: Bác phở Cầu
Ôi kể lại bao giờ cho hết
Những hành động anh hùng, những hy sinh oanh liệt
Của nhân dân, của các chị, các anh,
Của những con người thường gọi vô danh
Mà mai mai cuộc đời rất cụ thể,
Có đau khổ bằng xương dần thịt xé,
Có tên ghi trong sổ kín mã tà
Đời những anh hùng bằng thịt bằng da,
Bằng lịch sử, bằng ngày đêm, sáng tối.
Tôi vừa gặp bác Cầu. Ai đoán tuổi
Trên những mặt người chín nạm đau thương?
Bốn mươi hai, tóc đã pha sương,
Trán nhăn nếp nhiều hơn lần năm tháng.
Mắt bên trái chớp rền như hốt hoảng,
Thịt giật rung trên gò má nghiêng xiêu.
Trên mặt người sinh để nở tình yêu
Vẫn diễn lại những ngày giờ tra tấn
Như ám ảnh của tế bào. Cùng tận
Của khổ đau đã thành nếp, than ôi!
Nhưng thịt dù rung, mắt chớp liên hồi,
Vẫn sừng sững một tâm hồn gang thép.
Kháng chiến nổ. Góc thềm trong phố xép
Gánh phở bác Cầu toả khói thơm ngon.
Những năm ròng địch khủng bố, bà con
Đến gánh phở góc thềm như an ủi.
Ăn bát phở, ăn gió thơm làn khói,
Ăn cả nụ cười bác phở ung dung,
Gánh phở thành trạm liên lạc, tập trung
Tin kháng chiến, tin địch lùng, bắt bớ.
Bác phở Cầu đã thành người cán bộ
Liên lạc trong ngoài, đầu mối đi về.
Làn khói thuôn tụ gánh phở góc hè
Gió dệt lại biết bao điều bí mật.
Rồi một hôm bác phở Cầu bị bắt.
Cả phố xôn xao. Mật thám như ruồi
Đến bu đen cái thớt, cái nồi
Và lục lọi. Trong nhà giam hôi thối
Lại mưa điện vào người, lại dội
Gót giầy đinh vào gáy, vào hông.
Không một lời khai. Lũ quỷ hoài công.
Sau hai tháng bác lại về phố xép.
Lại làn khói thơm ngon đón tiếp
Anh chị công nhân sớm tối đi tầm.
Liên lạc lại về, ròng rã hai năm
Môi lại chắp, bác phở Cầu tiếp tế
Cho cán bộ trong rừng. ngoài bể
Cho đại đội du kích Hồ Chí Mình;
Dò Việt gian, bám sát địch tình.
Lưới kháng chiến dệt dày dân Cẩm Phả.
Cơ sở vỡ, chúng bắt chùm, tất cả
Mấy trăm người nhót chẹt khám Hồng Gai.
Trời nắng hè, chúng giam khát bảy ngày:
“Mỗi bát nước phải một lời khai báo”
Cổ nóng như lò. Đái thầm vào áo
Rồi vắt dần từng giọt uống cầm hơi
Máu có khô, xương có héo, cũng không lời
Phải liên luỵ đến anh em đồng chí.
Chết đi sống lại mấy lần rồi nhỉ?
Hết gầm cầu lại đến Máy chai.
Chúng đánh nhừ, thớ thịt nhão dài,
Có lúc tưởng đã hoá thành ai khác,
Nhưng đâu phải. Vẫn bấy nhiêu mặt giặc
Trước mặt mình. Bấy uất hận từ xưa,
Vẫn một căm hờn nằm giữa ngực thưa.
Vẫn Cầu đó, với bấy nhiêu đau khổ,
Với hy vọng ngày mai trong máu đỏ.
Điện Biên rồi. Dịp trao trả tù binh
Bác Cầu trở về Cẩm Phả hoà bình,
Lại bán phở ở góc thềm phố cũ.
Khu mỏ phục hồi, cần thêm nhiều thợ,
Bác phở Cầu đi nhận thẻ công nhân.
Sáng sáng lên tầng bạt núi, đào than...
Ôi kể lại bao giờ cho hết
Những cuộc sống anh hùng, những tấm gương dũng kiệt
Của nhân dân, của các chị, các anh,
Của những con người thường gọi vô danh.
Bài thơ Bác phở Cầu của tác giả Nhà thơ Huy Cận - Cù Huy Cận, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Huy Cận - Cù Huy Cận
Nghệ danh: Huy Cận
Tên thật: Cù Huy Cận
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Huy Cận - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Bác phở Cầu,Thơ Huy Cận
Năm người con gái anh hùng Cẩm Phả