Đồng bằng, quê hương chiến đấu
Đêm nay chúng ta đi Đêm sau còn đi nữa. Băng qua vùng đạn lửa, Làng tiếp theo làng, Qua những bến đò ngang, Những nẻo đường khét mùi xe giặc chạy. Băng qua đồn, Đi rồi đi mãi, Vào sâu giữa ruột đồng bằng. Các anh các chị nhớ chăng? Đồng chiêm cuồ
Nội dung bài thơ: Đồng bằng, quê hương chiến đấu
Đêm nay chúng ta đi
Đêm sau còn đi nữa.
Băng qua vùng đạn lửa,
Làng tiếp theo làng,
Qua những bến đò ngang,
Những nẻo đường khét mùi xe giặc chạy.
Băng qua đồn,
Đi rồi đi mãi,
Vào sâu giữa ruột đồng bằng.
Các anh các chị nhớ chăng?
Đồng chiêm cuồn cuộn sóng.
Sông Hồng Hà như cánh tay mở rộng
Ôm hai miền đất ruộng phì nhiêu.
Bát ngát xanh màu lá mạ thân yêu,
Lòng xúc động, ứa trào nước mắt.
Ơi đồng bằng!
Quê hương chúng ta,
Lúa vàng rợp đất,
Đường làng lát gạch
Bờ tre sáng xanh.
Trăng dọi mái gianh
Mái nhà san sát.
Ngân nga điệu hát
Đò đưa, sa mạc, trống quân…
Những điệu hát quen thân
Như tự trong lòng bốc dậy.
Ơi đồng bằng!
Quê hương chúng ta,
Ruộng đất bao la
Dân cày vẫn khổ.
Bán máu, bán mồ hôi cho địa chủ,
Nhặt từng hạt lúa củ khoai,
Khổ kiếp kiếp đời đời.
Mỗi năm mùa nước lũ
Nước sông Hồng như máu đỏ chảy xuôi.
Vỡ đê! Vỡ đê!
Trống thúc đổ hồi.
Nhà cửa lúa khoai
Theo dòng nước cuốn.
Không nhà không ruộng
Dân cày còn biết đi đâu?
Người ở làng chết khổ bên nhau
Người lên phố, dãi dầu kiếp thợ.
Còn địa chủ, còn Tây,
Đời đời vẫn khổ,
Ngày lại như đêm
Nghèo lại nghèo thêm
Chết nhiều còn cứ chết.
Ôi! Mùa đông giá rét
Mùa đông 45
Hai triệu người chết đói giữa đồng bằng
Nhớ lại, lòng như dao cắt.
Ơi đồng bằng!
Quê hương chúng ta,
Căm thù vót sắc,
Căm thù khắc sâu,
Người trước ngã, có người sau
Chỉ một con đường: Cách mạng,
Đây đồng bằng
Quê hương tháng Tám.
Cờ đỏ sao vàng
Trên chợ, trên sông, trên phố, trên làng,
Như ánh mặt trời cháy đỏ.
Cả đồng bằng
Ngửng đầu lên hớn hở,
Hướng về tương lai.
Cách mạng là đây,
Hạnh phúc đây rồi,
Nắm chặt bàn tay giữ lấy.
Đêm nay chúng ta đi
Đêm sau còn đi mãi
Qua những vùng lửa cháy
Vào sâu giữa ruột đồng bằng,
Vào sâu trong những xóm làng
Mái rạ, lều tre đổ nát.
Đêm đêm từng tràng đại bác
Từ trong bốt giặc,
Dội về xóm thôn,
Những bà mẹ bế con
Chạy Tây càn cực nhọc.
Những bé em gào khóc
Trong quán lạnh bên đường.
Mỗi tấc ruộng bờ nương
Mỗi gốc cây hòn đá
Đều nói lên tất cả
Tội ác của quân thù.
Nói mãi đến nghìn thu
Vẫn còn chưa hả,
Bốt Đởm, Cầu Bo, Quỳnh Lang, Phương Xá
Nhắc tên lên, cũng đủ ghê người.
Nhắc tên! Máu bỗng trào sôi,
Gan ruột tím bầm căm giận.
Ôi đồng bằng!
Quê hương anh dũng.
Ngày đêm không ngớt súng
Bộ đội ta công đồn.
Vút tiếng mìn vút lại tiếng bom
Nổ trên đường cái.
Những con đường nát mình phá hoại
Những chiếc cầu mặt gác xuống lòng sông
Những hầm ngầm, những chiến lũy giao thông
Như hang chuột chạy dài dưới đất.
Mỗi mảnh ruộng
Mỗi góc hầm bí mật,
Những bóng người du kích hiện lên
Người dân cày địch hậu ngày đêm
Cầm giáo mác
Giữ gin xóm mạc.
Đây đồng bằng lúa vờn xanh bát ngát
Vùng căn cứ chúng ta
Hai bờ sông Hồng Hà
Như vành cung rộng mở.
Ta thọc sâu vào ruột gan chúng nó
Phá vỡ vòng đai.
Làng xóm lại phục hồi
Lúa mọc lên đồng chiêm ngập nước.
Dân cày ta
Bàn tay thay cuốc,
Vai người thay trâu,
Nắm chặt tay nhau
Giữ làng chiến đấu.
Đông bằng ta
Thịt da còn rớm máu.
Nhưng thép luyện tinh thần.
Giặc càn đi quét lại quanh năm
Vùng căn cứ vẫn như đồng như thép.
Chúng ta về đồng bằng
Giữa những đêm trăng
Mùa đông lạnh buốt
Từng đoàn dân công cuộn đi như nước
Vượt sông Hồng Hà
Từng đoàn bộ đội vào ra
Lá rung rinh đầu súng.
Ôi đồng bằng anh dũng
Đồng bằng quê hương mến yêu.
Trên mảnh đất phì nhiêu,
Bên những tấm lòng phơi phới,
Đều nghe rõ ngàn muôn tiếng nói:
Giải phóng quê hương!
Giải phóng đồng bằng!
Bài thơ Đồng bằng, quê hương chiến đấu của tác giả Nhà thơ Hoàng Trung Thông - Đặc Công, Bút Châm, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông - Đặc Công, Bút Châm
Nghệ danh: Hoàng Trung Thông
Tên thật: Đặc Công, Bút Châm
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Hoàng Trung Thông - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Hoàng Trung Thông, Thơ Hoàng Trung Thông, Nhà thơ Hoàng Trung Thông, Tập thơ Quê hương chiến đấu
Đồng bằng, quê hương chiến đấu