Tác giả Trịnh Công Sơn - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Trịnh Công Sơn - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Trịnh Công Sơn
Tên thật: Trịnh Công Sơn
Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn (28/2/1939 – 1/4/2001) được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc đại chúng, tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hiện nay chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc). Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly và Hồng Nhung. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một hoạ sĩ, một ca sĩ và một diễn viên không chuyên.
Ông quê ở làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lúc nhỏ ông theo học các trường Lycée Français và Providence ở Huế, sau vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lycée Jean Jacques Rousseau Sài Gòn và tốt nghiệp tú tài tại đây.
Năm 1957, khi 18 tuổi, ông bị một tai nạn, khi đang tập judo với người em trai thì bị thương nặng ở ngực, suýt chết và phải nằm liệt giường gần hai năm tại Huế. Thời gian nằm bệnh, ông đọc nhiều sách về triết học, văn học, tìm hiểu dân ca. Theo ông cho biết, ông sáng tác bài Sương đêm và Sao chiều vào năm 17 tuổi. Nhưng tác phẩm được công bố đầu tiên của ông là Ướt mi, do NXB An Phú in năm 1959 và qua giọng ca Thanh Thuý. Năm 1961 vì muốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự (trốn lính) nên ông thi và theo học ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến hơn, từ khi ông cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại quán Văn, một quán cà phê đơn sơ dựng trên bãi đất cỏ sau Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn do nhóm sinh viên mang tên Khai Hoá trong phong trào phục vụ thanh niên xã hội chủ trương, từ cuối năm 1966. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly. Một số bài hát của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng Nhật Bản năm 1970 như Diễm xưa (do Khánh Ly biểu diễn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt), Ca dao Mẹ, Ngủ đi con. Riêng bài Ngủ đi con đã phát hành trên hai triệu đĩa nhựa.
Trưa ngày 30/4/1975, ông lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn. Cũng chính ông là người trưa ngày 30/4 đã đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Trong bài phát biểu, ông kêu gọi người dân miền Nam ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.
Một thời gian dài sau 1975, nhiều bài hát của ông bị cấm lưu hành ở tại Việt Nam hay bị một số người kêu gọi tẩy chay ở hải ngoại. Tuy nhiên, Khánh Ly và nhiều ca sĩ vẫn tiếp tục hát và phát hành những băng đĩa với ca khúc của ông tại hải ngoại. Những năm sau 1975, sau thời gian học tập chính trị, ông làm việc tại Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, tạp chí Sóng nhạc.
Từ đầu thập niên 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại, lúc đầu một số sáng tác ông gởi qua cho Khánh Ly và chỉ phát hành tại hải ngoại. Khi bắt đầu được phép lưu hành nhạc trong nước, ông có viết một số bài có nội dung ca ngợi những chủ trương của chế độ mới như Thành phố mùa xuân, Ngọn lửa Maxcova, Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại Mẹ... Sau đó nhà nước Việt Nam đã nới lỏng quản lý văn nghệ, ông lại tiếp tục đóng góp nhiều bản tình ca có giá trị.
Ông cũng là một diễn viên điện ảnh nghiệp dư, năm 1971 ông thủ vai chính trong phim Đất khổ. Phim hoàn tất năm 1974, nhưng chỉ được chiếu cho công chúng xem 2 lần rồi bị Việt Nam Cộng hoà cấm không được phép trình chiếu ở Miền Nam Việt Nam với lý do “có tính phản chiến”. Sau năm 1975, bộ phim không được trình chiếu tại Việt Nam. Cuối cùng, một bản phim đã về tay nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bộ phim được chọn là phim Việt Nam chính trong Liên hoan phim Á Mỹ năm 1996.
Ông làm thơ ít trong những lúc ngẫu hứng, hiện nay còn để lại một số bài thơ tự sáng tác, và các bản dịch phỏng như trong tập Hán tự hài cú của Ngô Văn Tao, hay các bài thơ vui, thơ chơi.
Cuối đời, ông bị bệnh gan, thận và tiểu đường. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng sáng tác những ca khúc mới trong những năm cuối đời mình. Ông mất tại TP Hồ Chí Minh vì bệnh tiểu đường ngày 1/4/2001, hàng ngàn người đã đến viếng tang và “có thể nói, chưa có nhạc sĩ nào mất đi lại được công chúng thương tiếc như Trịnh Công Sơn”. Ông được an táng tại Nghĩa trang chùa Quảng Bình, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Từ đó hàng năm giới hâm mộ đều lấy ngày này làm ngày tưởng niệm.
Những phát ngôn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Bên cạnh âm nhạc, ông còn để lại khá nhiều phát ngôn về quan điểm chính trị cũng như những dòng văn suy niệm về thân phận, cuộc sống.
"Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em văn nghệ sĩ ở miền nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mơ ước của tất cả chúng ta, đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam này.
Cũng như những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được tất cả những kết quả đó. Tôi yêu cầu các văn nghệ sĩ cách mạng miền nam Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước!" |
"Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời." |
''Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi.'' |
''Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu. Có người yêu thì hạnh phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu.'' |
"Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa..." |
"Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu..." |
Đời tư
Theo wikipedia, Suốt đời, Trịnh Công Sơn có nhiều mối tình nhưng không chính thức kết hôn với ai, và cũng chưa chính thức công nhận là có con.
Trịnh Công Sơn không có vợ, nhưng ông có những mối tình đẹp và lãng mạn không chỉ với những phụ nữ ở Việt Nam mà ở cả ngoại quốc. Theo lời của người em gái Hoàng Diệu, lý do lớn nhất ông không kết hôn là: "Anh Sơn luôn ngại làm phiền người sẽ ở cùng phòng với mình, bởi anh cực kỳ ít ăn và ít ngủ và có giờ giấc làm việc chẳng giống ai. Anh thường xuyên thức dậy giữa khuya khi nghĩ ra được ý nào đó và ngồi viết lại hoặc vẽ đến sáng. Bởi vậy mà khi lần đầu tiên có ý định cưới vợ - một Việt kiều Pháp (sáu tháng ở Pháp, sáu tháng ở Việt Nam), anh đã có những dự định rất rõ ràng: Anh và chị sẽ có hai căn phòng nằm cạnh nhau chứ không phải lúc nào cũng ở chung phòng để có thể giữ được sự riêng tư cần thiết." Và rồi, vì nhiều lý do, mối duyên ấy không thành.
Mối tình đầu, thực chất chỉ là 1 tình bạn đẹp của ông là với ca sĩ Khánh Ly, rồi sau đó với một cô gái Nhật Bản làm luận án tiến sĩ về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Hai người cũng từng tiến xa đến một kế hoạch đám cưới, nhưng rồi cũng không thành vì Trịnh Công Sơn không chấp nhận một vài nguyên tắc của gia đình người Nhật đưa ra khi anh về làm rể. Và Dao Ánh (người trong mộng của ông từ năm 1964 đến năm 1967); em ruột của bà Ngô Vũ Bích Diễm. Đây chính là "bóng hồng" trong nhạc phẩm "Diễm xưa". Trước khi yêu Dao Ánh, Trịnh Công Sơn từng dành tình cảm với cô chị gái Bích Diễm nhưng tình cảm ấy không thành.
Mối tình thứ tư của ông là với ca sĩ Hồng Nhung, và mối tình thứ năm của ông là với VA..., khi ông mất VA là một trong số các người thân ở bên cạnh ông.
Sau 1975, đã có hai lần ông định lập gia đình nhưng đều không thành. Lần đầu vào năm 1983, với một thiếu phụ tên là C.N.N., sinh năm 1944. Từ quận 18, Paris, bà C.N.N.
Những năm cuối cùng của cuộc đời, niềm say mê lớn nhất, Trịnh Công Sơn gần như dành hết cho ca sĩ Hồng Nhung mà theo ông là "Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai!"... Với Hồng Nhung, tâm hồn Trịnh gần như trẻ lại, khiến bước chân ông trở nên bối rối, ngập ngừng với buổi hẹn ban đầu.
Một người khác cũng từ Hà Nội kể lại tình cảm của cô dành cho Trịnh Công Sơn và của Trịnh dành cho cô lần đầu gặp mặt: "Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá... già!"
Hoàng Anh, một người được cho là người yêu của Trịnh Công Sơn nói về tình yêu đối với ông: "Hiện tôi vẫn để ảnh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn trong phòng ngủ, nhưng chồng tôi không bao giờ thắc mắc, mà luôn tôn trọng thế giới riêng của tôi"'.
Tình yêu của Trịnh Công Sơn dành cho nhiều phụ nữ trẻ, đẹp và nổi tiếng, họ yêu ông say đắm, khi ông mất có người còn xin gia đình cho được để tang ông, nhưng ông không sống khăng khít với một phụ nữ nào. Tài năng của ông luôn liên tục thăng hoa, ngoài âm nhạc ông còn đóng phim, hội họa. Nhưng ông nhìn nhận cuộc đời và dành tình cảm cho đời một cách rất giản đơn với không hề tham vọng, ông nói một cách thản nhiên về cuộc đời: Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống.
Nhận xét
''Ngày xưa tôi rất quý anh Trịnh Công Sơn và ngược lại. Tôi yêu sự chân thành, dễ thương và trân trọng, tài năng của con người đó. Mặc dù, âm nhạc của anh ấy không phải là cái gì quá ghê gớm nhưng có mấy ai mà có cả đủ tâm lẫn tài như thế." |
— Phú Quang |
''Lời ca trong ca khúc Trịnh Công Sơn đã tạo nên tên tuổi Trịnh Công Sơn'' |
— Bửu Ý |
''Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù lòa, như nỗi chết cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng... Cuộc đời là hư vô chủ nghĩa, con người sống trong cảnh Chúa, Phật bỏ loài người. Cuộc đời còn là đám đông nhưng cũng là quán không. Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi... Tất cả nói lên sự muộn phiền, đau đớn... Buồn tủi cho thân phận con người nên nhánh cỏ cũng xót xa, phiến đá cũng ưu phiền, và chỉ còn những mưa và mưa để xoa dịu vết thương mở lớn! (...)... Trịnh Công Sơn nói lên nỗi bàng hoàng của con người khi thấy cái chết nằm ngay trong sự sống (...) Nguyễn Đình Toàn gọi nhạc Trịnh Công Sơn là những bản tình ca không có hạnh phúc, những bài hát cho quê hương đổ vỡ. Cũng là phản ứng của người đau đớn trước hoàn cảnh đất nước, nhưng nó là sự chịu đựng và chết lịm hơn là sự nổi sùng và chửi bới. (...)...Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại. Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hòa âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này.'' |
— Phạm Duy, 1991 |
''Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra'' |
— Văn Cao |
''..., tình ca Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ là 1 bông hồng dâng tặng – nó chứa đựng tất cả tâm trạng lo âu của con người nhìn ra thế giới hiện đại'' |
— Hoàng Phủ Ngọc Tường, 1991 |
''Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều người hâm mộ nhất. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người ta hát ca khúc của anh. Nhạc Trịnh không chỉ ngự trị khắp mọi xó xỉnh của xứ Việt này mà còn len lỏi đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong cõi tinh thần của người Việt ở Hải ngoại. Dường như ở đâu, Trịnh Công Sơn cũng có người yêu mến.'' |
— Trần Đăng Khoa |
“ | Anh yêu nhạc Trịnh Công Sơn, như thế có nghĩa anh là người tử tế...
...Nhạc anh Sơn rất đặc biệt. Bài nào cũng chỉ phất phơ có mấy nét thôi, cứ như là nhạc của trẻ con ấy. Nhưng nghe là nhớ ngay. Trịnh Công Sơn đã đạt được đến độ cao nhất của nghệ thuật. Đó là sự giản dị... Người hát hay nhất nhạc Trịnh chính là Trịnh Công Sơn. Sau Trịnh mới đến Khánh Ly. Sau Khánh Ly là không còn ai nữa. Hồng Nhung chỉ hát tàm tạm được một đôi bài.... ...Mặc dù nhạc Cách mạng của các anh rất hay. Hầu như bài nào cũng hay. Khoẻ khoắn, hùng tráng. Nhưng đó là nhạc hội hè, nhạc vui. Nhạc cho tất cả mọi người. Hầu hết nhạc sĩ các anh đều viết cho đám đông. Người ta hát khi vui, hát ở chỗ đông người. Còn nhạc anh Sơn là nhạc chỉ dành cho một người. Khi nào buồn, khi nào cô đơn đến tuyệt vọng mà không còn biết bấu víu vào đâu nữa, người ta tìm về với Trịnh. Trịnh sẽ đón họ, nâng đỡ an ủi họ. Vì thế, tôi mới bảo Trịnh Công Sơn là một nửa âm nhạc Việt Nam.... ...Tôi rất yêu nhạc Trịnh. Yêu như một tín đồ của anh ấy. Nhưng cũng phải thành thật mà nói rằng, nhạc Trịnh nghe lẻ từng bài thì hay. Nhưng nghe cả một cuộn băng thì lại thấy mệt vì đơn điệu. Ông Văn Cao của các anh đa dạng hơn nhiều, phong phú hơn nhiều, mặc dù so với Trịnh Công Sơn, ông ấy viết rất ít... |
” |
— Frank Gerke |
''..Nhưng giai điệu, tiết tấu và ca từ của nhạc Trịnh đa phần là sự bi lụy, ai oán về thân phận… Nếu là tác phẩm lớn luôn phải chứa đủ ba yếu tố (tư, tứ, tự), trong cái tư, tứ, tự đó thì cái "tư" tức là cái tư tưởng phải đi đầu… nhưng tư tưởng của Trịnh thì luôn luôn hướng đến cho người nghe sự chấp nhận, cam chịu số phận nhiều hơn. Tính từ bi trong nhạc Trịnh cũng chỉ là sự kêu gọi hời hợt, không có đường dẫn, không có con đường… đôi khi sẽ làm cho một số người bị lạc lối đời sống, mù mờ về vũ trụ nhân sanh.'' |
— Đoàn Quang Anh Khanh |
''...Tôi thậm chí càng thấy rõ nhạc Trịnh đã ảnh hưởng luôn cả cách hành xử của một số người. Vì họ nhu nhược, tự kỷ quá lâu nên mới hành xử như kiểu "va xe ngoài đường". Tư tưởng trong nhạc Trịnh vẫn còn đó sự hẹp hòi, loanh quanh luẩn quẩn không lối ra… nhạc thì tối, mang đầy âm khí. Chẳng thấy có cái gì cao siêu ở đây để mà thờ cả!'' _Đào Quang Anh Khanh |