Tác giả Xuân Diệu - Cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tác
Tác giả Xuân Diệu - Cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tác
Nghệ danh: Xuân Diệu
Tên thật: Ngô Xuân Diệu
Cuộc đời và sự nghiệp 'ông hoàng thơ tình' Việt Nam
Xuân Diệu (2/2/1916 - 18/12/1985), quê cha tại làng Trảo Nha, xã Đại Lộc (nay là Thị trấn Nghèn), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh tại quê mẹ ở Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi cha là ông Ngô Xuân Thọ vào dạy học và kết duyên với mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp. Xuân Diệu vì thế còn có dút danh là Trảo Nha.
Theo Wikipedia, Xuân Diệu sống ở Tuy Phước đến năm 11 tuổi. Năm 1927, Xuân Diệu xuống học ở Quy Nhơn, sau đó Xuân Diệu ra Huế học 1 năm (1936 – 1937) đến khi tốt nghiệp trường tú tài Khải Định.
Năm 1937, Xuân Diệu ra Hà Nội học trường Luật và viết báo, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938 – 1940). Cuối năm 1940, ông vào Mĩ Tho (nay là Tiền Giang) làm viên chức (tham tá thương chánh). Năm 1942, ông quay lại Hà Nội sống bằng nghề viết văn. Năm 1944, Xuân Diệu tham gia Phong trào Việt Minh.
Trong kháng chiến, Xuân Diệu di tản lên chiến khu Việt Bắc, hoạt động văn nghệ cách mạng. Hòa bình lập lại, Xuân Diệu về sống và làm việc tại Hà Nội đến khi mất. Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiên Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh), "ông hoàng của thơ tình". Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào "Thơ Mới".
Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).
Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh.
Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh, Đảng viên Việt Nam Dân chủ Đảng, sau tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước kia Nguyễn Công Trứ nói:
Trời ban ta, đất trở ta
Trời đất sinh ta, nguyên có ý.
Thì quả vậy, trời đất sinh ra thi sĩ Xuân Diệu trên xứ sở hữu tình này để ca hát về tình yêu - cái đề tài mà từ ngàn xưa người Việt Nam chúng ta đã say mê, giống như nhà sư nọ mê một cô nàng đội gạo:
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư chọc đầu
Vì Xuân Diệu sống hết mình cho tình yêu cộng với tài thơ thiên phú, lại gặp buổi “gió Âu mưa Mĩ”, những khát vọng yêu đương của trai gái được tháo cũi sổ lồng, cho nên trong thơ tình của Xuân Diệu có tiếng máu dồn mạnh trong huyết quản, có dòng nhựa sống tràn trề mãnh liệt của cả thế hệ đang vươn dậy.
Có những vần thơ được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ mà đến nay vẫn còn khiến chúng ta bàng hoàng vì sự mới mẻ và táo bạo của nó:
Với trăm ma, tôi hẹn những mười nguyền
Những Tây Thi, Lộng Ngọc, những Điêu Thuyền
....
Hồn đông thế, tôi sợ gì cô độc?
Ma với nhau thì ôm ấp cùng nhau...
Cái “nhân bản yêu đương” trong thơ tình Xuân Diệu thật là nồng cháy và bền bỉ cho đến tận lúc nhà thơ của chúng ta nhắm mắt xuôi tay! Nửa thể kỉ thơ tình Xuân Diệu là một quá trình khám phá không ngừng vào cái thế giới kỳ diệu của tình yêu. Phát hiện đắt nhất của Xuân Diệu chính là sự khẳng định rằng: cây tình yêu giữa cuộc đời thực, sẽ mãi mãi xanh tươi, còn những thứ “tình” được nặn ra từ lí trí khô cứng hoặc từ mộng mị sẽ tàn lụi, xám xịt!
Và quả là như vậy. Xuân Diệu không còn nữa nhưng cây tình yêu trên mảnh đất này có hư hao đi chút nào màu xanh muôn thuở? Trong khi nhà thơ, ở một cõi khác, có thể đang ôm ấp những hồn ma xinh đẹp nào đó, thì ở trên thế giới này, những chàng trai, những cô gái, những cặp tình nhân, những cặp vợ chồng vẫn đang sống, đang cảm xúc, và hưởng thụ tình yêu sống động và bất tuyệt!
Nhận xét về ông, Hoài Thanh - Hoài Chân viết:
"Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới - nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu đến giữa chúng ta tới nay đã ngót năm năm mà những tiếng khen chê chưa ngớt. Người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời" (theo Thi nhân Việt Nam).
Đời sống riêng tư
Xuân Diệu là người cùng quê Hà Tĩnh với nhà thơ Huy Cận (làng Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) nên khi gặp nhau, hai ông đã trở thành 'cặp bài trùng'. Vợ của Huy Cận, bà Ngô Thị Xuân Như là em gái của Xuân Diệu.
Quan hệ thân thiết giữa 2 người được một số trang báo lớn đưa tin, nhiều người nghi vấn và cho rằng Xuân Diệu cùng với người bạn thân của ông – Huy Cận là hai nhà thơ đồng tính. Huy Cận và Xuân Diệu từng ở chung một nhà nhiều năm tại 40 Hàng Than, từ những năm 1940 khi Xuân Diệu ra Hà Nội học. Bài thơ "Tình trai" của Xuân Diệu và "Ngủ chung" của Huy Cận được cho là viết về đề tài đó.
Theo hồi ký Cát bụi chân ai của Tô Hoài thì Xuân Diệu từng bị kiểm điểm về việc này. Tuy nhiên, cũng có một số các bài thơ khác của ông lại viết về nhà thơ Hoàng Cát, như bài thơ Em đi là để gửi tặng nhà thơ này. Bài thơ có đoạn:
Em hẹn sau đây sẽ trở về
Sống cùng anh lại những say mê
Áo chăn em gửi cho anh giữ
Xin gửi cùng em cả hẹn thề!
Con nuôi của ông là Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ - con trai nhà thơ Huy Cận, và cũng là cháu ruột của ông (cậu ruột).
Thông tin về vợ nhà thơ Xuân Diệu
Bất chấp bao lời đồn thổi về những quan hệ tình cảm với người đồng giới xuất hiện từ thập niên 30 của thế kỷ XX, đến năm 1958 nhà thơ Xuân Diệu đột ngột lên xe hoa cùng nhà báo Bạch Diệp. Những nghi vấn về giới tính một thời tưởng như mãi chìm vào dĩ vãng, nhưng cuối cùng lại bùng lên khi cuộc hôn nhân ấy kết thúc một cách chóng vánh sau 6 tháng.
Người đàn bà duy nhất trong cuộc đời "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu chính là nữ đạo diễn điện ảnh đầu tiên của Việt Nam, bà Bạch Diệp. Họ trở thành cặp uyên ương trai tài gái sắc vào năm 1958 qua mai mối của ông Hoàng Tùng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nơi bà Bạch Diệp công tác khi ấy. Bạch Diệp trở thành vợ của "ông hoàng thơ tình" Việt Nam Xuân Diệu năm 29 tuổi, còn Xuân Diệu đã ngoài 40.
Bà Bạch Diệp nhớ lại: Trước đó, vào một ngày cuối mùa đông năm 1957, trong cái rét như cắt da cắt thịt của Hà Nội, ông Hoàng Tùng chợt gọi Bạch Diệp lại và bảo sẽ giới thiệu chồng cho cô. Bạch Diệp nghe thấy vậy liền giãy nảy phản đối. Hoàng Tùng liền nhẹ nhàng bảo: Người này anh ngắm kỹ cho em rồi, không ai xứng đáng hơn đâu. Chính là ông hoàng thi ca - Xuân Diệu đấy.
Bạch Diệp khi ấy vốn là một người yêu thơ ca và cô rất phục tài năng của thi sĩ Xuân Diệu. Cô thường chép những bài thơ tình của Xuân Diệu vào cuốn sổ tay. Lần gặp đầu tiên, Bạch Diệp dường như đã bị chìm trong đôi mắt to, sáng và thăm thẳm của "ông hoàng thơ tình". Xuân Diệu lúc ấy tuy đã ngoài 40 tuổi mà trông vẫn rất bảnh bao, cuốn hút với vầng trán cao và những sợi tóc loăn xoăn bồng bềnh, lãng mạn. Những buổi hẹn hò sau đó, Xuân Diệu thường chở Bạch Diệp trên xe đạp lang thang ra ngoại ô chơi. Một lần, đang rong ruổi trên đường, một cơn mưa lớn bất chợt ập đến, Xuân Diệu liền kéo Bạch Diệp vào trú dưới một mái hiên. Thi sĩ rút khăn mùi xoa, lau từng giọt mưa lấm tấm trên mặt người bạn gái khiến nàng cảm động trong lòng. Những bông hoa hồng tươi thắm được Xuân Diệu cầu kỳ lựa chọn từ tiệm rồi mới mang tặng khiến nàng thêm đắm đuối trong bầu không khí lãng mạn của thơ và hoa.
Ngày ấy, Xuân Diệu thường từ ngôi nhà ở 24 Cột Cờ đi xuống nhà nàng ở cuối phố Bà Triệu, nơi có hàng hoa dạ lan thơm nức. Nàng trở thành nguồn cảm hứng để Xuân Diệu viết nên bài thơ tình tứ tuyệt bất hủ: "Tôi cầm mùi dạ lan hương/ Trong tay đi đến người thương cách trùng/ Dạ lan thơm nức lạ lùng/ Tưởng như đi mãi không cùng mùi hương".
Gần đến ngày cưới, một cô bạn đồng nghiệp kéo Bạch Diệp lại bảo: Nghe người ta nói anh Xuân Diệu có vấn đề đấy, phải xem lại đi, không lại lỡ dở đời con gái. Bạch Diệp gạt đi: Người ta ghen ghét, nói xấu anh Diệu thôi. Trước đám cưới vài ngày, Bạch Diệp giục Xuân Diệu đăng ký kết hôn nhưng anh lại ậm ừ cho qua, kêu để từ từ. Giục mấy lần không thấy Xuân Diệu động tĩnh gì nên Bạch Diệp thôi không nhắc nữa.
Đám cưới diễn ra vào cuối tháng 4 năm 1958, do cơ quan Bạch Diệp tổ chức. Bạch Diệp trong bộ áo dài đội voan trắng muốt, hạnh phúc trở thành nữ hoàng thi ca của Xuân Diệu.
Bà Bạch Diệp là người vợ duy nhất được nhắc đến của Xuân Diệu được cưới hỏi đàng hoàng, trang trọng theo phong cách thời đó.
Nhà thơ Xuân Diệu,Thơ trữ tình hiện đại,Thơ Xuân Diệu,Xuân Diệu
Bác Hồ về thăm một làng Hà Bắc
Nỗi cô quạnh của thần Tự Do (ở Mỹ)