Tiểu sử Văn Cao
Tiểu sử Văn Cao
Nghệ danh: Văn Cao
Tên thật: Nguyễn Văn Cao
Văn Cao (15/11/1923 – 10/7/1995) là một nhạc sĩ tài hoa, tác giả bài Tiến quân ca được chọn là quốc ca của nước Việt Nam. Ông còn là một thi sĩ và hoạ sĩ.
Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, quê quán thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông xuất thân trong một gia đình viên chức nghèo, cha mất sớm, sống với mẹ và anh ruột tại một khu lao động nghèo cạnh bờ sông Hải Phòng. Về đường học vấn, ông chỉ học đến năm thứ 2 bậc Thành chung thì phải ra đời mưu sinh bằng nhiều nghề.
1938-1941: Cộng tác với Nhóm Đồng Vọng. Sáng tác vài bài hát hướng đạo vui tươi như Anh em khá cầm tay, Gió núi. Và Buồn tàn thu là tác phẩm đầu tay, ông sáng tác năm 1939 khi mới 16 tuổi.
1941-1942: ông từ giã Hải Phòng lên Hà Nội sống đời nghệ sĩ, thời gian này ông sáng tác được nhiều nhạc phẩm giá trị vượt thời gian như: Thu cô liêu, Đêm xuân, Suối mơ, Bến xuân (sau đặt lời khác lấy tên là Đàn chim Việt), Trương Chi, Thiên Thai.
Năm 1942, Văn Cao lên Hà Nội học dự thính hội hoạ tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Tranh của ông được đánh giá cao, nhất là bức Cuộc khiêu vũ những người tự tử.
1943-1944: ông tham gia Mặt trận Việt Minh hoạt động bí mật ở nội thành. Thời gian này ông soạn ca khúc Tiến quân ca, từ năm 1946 trở thành bài Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và sau này là quốc ca của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 19 tháng 8 năm 1945, ông chỉ huy dàn nhạc hát bài Tiến quân ca công khai tại Nhà hát lớn Hà Nội trước cuộc biểu tình của toàn dân giành chính quyền từ tay quân Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim.
Năm 1949 ông được lệnh viết bản Lãnh tụ ca, nhưng bản này ít được nhắc đến (kể cả từ phía chính quyền Việt Nam hiện nay).
1956-1957: ông có liên quan đến vụ Nhân văn - Giai phẩm nên ngừng bút một thời gian. Các tác phẩm nổi tiếng của ông đều sáng tác trước thời kì này. Lúc ấy Xuân Diệu phê phán ông là "con người phản phúc hai mặt, giả dối như con mèo, là một phù thuỷ toan dùng âm binh chọi nhau với Đảng". Trừ bài Quốc ca ra, ở miền Bắc nhạc của ông không được hát, thơ của ông không được in.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Văn Cao sáng tác ca khúc Mùa xuân đầu tiên vào dịp Tết Bính Thìn, dạt dào cảm xúc vì đất nước thống nhất. Cuối năm 1976, Mùa xuân đầu tiên được in trên báo Sài Gòn Giải phóng. Năm 1977 bài hát Mùa xuân đầu tiên đã được dịch và in ở Nga. Song đến năm 1996 bài hát mới được dàn dựng và phát sóng.
Năm 1981, Việt Nam phát động phong trào cả nước thi sáng tác quốc ca nhưng không công bố kết quả, cuộc thi cũng không được nhắc tới nữa. Bài Tiến quân ca vẫn là quốc ca của Việt Nam.
Giai đoạn đổi mới, sáng tác của ông mới được biểu diễn, phát hành. Thời kỳ này ca sĩ Ánh Tuyết đã thành danh với nhạc Văn Cao.
Văn Cao mất năm 1995 tại Hà Nội.
Các tác phẩm thơ:
- Lá (thơ), NXB Tác phẩm mới, 1988
- Tuyển tập Văn Cao (thơ), NXB Văn học, 1994
- Tác phẩm thơ Văn Cao, NXB Hội nhà văn, 2013
nhà thơ văn cao,nhạc sĩ văn cao,thơ văn cao,nguyễn văn cao,tiến quân ca
Một đêm đàn lạnh trên sông Huế
Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc
Năm buổi sáng không có trong sự thật