Tác giả Bùi Minh Quốc - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Bùi Minh Quốc - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Bùi Minh Quốc
Tên thật: Bùi Minh Quốc Dương Hương Ly
Thông tin vắt tắt về Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Bùi Minh Quốc (3/10/1940) quê ở Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây nay là Hà Nội. Ngay từ khi còn là học sinh trung học, ông đã sớm nổi tiếng ở miền Bắc với bài thơ Lên miền Tây. Bài thơ này đã được phổ biến rộng rãi và đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông thời bấy giờ.
Ông còn có bút danh là Dương Hương Ly.
Cuộc đời của ông đã từng gắn liền với huyền thoại về sự hy sinh của văn nghệ sĩ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thời ấy, Ông đã cùng với vợ là nhà thơ Dương Thị Xuân Quý gửi con gái đầu lòng mới 16 tháng để vào Nam chiến đấu và vợ ông đã hy sinh tại chiến trường miền Nam.
Sau năm 1975, ông từng giữ các trách nhiệm Phó chủ tịch hội Văn nghệ và Tổng biên tập Tạp chí Ðất Quảng tại Quảng Nam - Ðà Nẵng, rồi chủ tịch hội Văn nghệ tỉnh Lâm Ðồng (1987)...
Chuyện tình với Nhà văn Dương Thị Xuân Quý
Năm 1961, nhà thơ Bùi Minh Quốc và nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý quen nhau và yêu nhau. Năm 1966, hai người cưới nhau. Năm 1967, nhà thơ Bùi Minh Quốc xung phong vào chiến trường miền Nam, công tác tại Ban Văn nghệ Khu V, nổi tiếng với tập thơ "Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ" với bút danh Dương Hương Ly (tên con gái ông bà). Khi đó, con của ông và bà Xuân Quý mới 6 tháng tuổi.
Năm 1968, nhà văn Dương Thị Xuân Quý cũng lên đường vào chiến trường miền Nam. Bà gửi lại con gái đầu lòng và cũng là duy nhất là Bùi Dương Hương Ly cho mẹ là bà Hoàng Thị Tín trông nom. Hai vợ chồng Bùi Minh Quốc công tác cùng cơ quan (một tờ báo tuyên truyền được đặt ở trên núi), họ gom góp lại một số bài thơ và truyện ngắn của mình đã được đăng rải rác trên các báo hay các tuyển tập, đem in thành một tuyển tập riêng của hai người, và đặt tên là Chỗ đứng.
Tập Chỗ đứng (1968) được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam in, nhưng khi sách in xong, gửi vào trong chiến trường miền Nam thì bà Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh. Lúc đó Bùi Minh Quốc đang bận làm dở một bài báo nên để vợ đi công tác xuống vùng đồng bằng trong vùng Quảng Đà, còn bản thân dự định sẽ xuống sau đó một tháng. Ngày 8 tháng 3 năm 1969, Dương Thị Xuân Quý bị lính Đại Hàn dân quốc bắn chết ở Duy Xuyên trong một trận càn khi tuổi đời bà mới vừa 28.
Sau năm 1975, Bùi Minh Quốc ở Đà Nẵng, làm Phó Chủ tịch hội Văn Nghệ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Tổng biên tập Tạp chí Ðất Quảng. Mùa thu năm 1985 ông vào thăm Đà Lạt, được đưa lên gặp Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, và được ông này đề nghị về giúp lập Hội Văn nghệ Lâm Đồng - Đà Lạt. Trong kỳ đại hội thành lập hội Văn nghệ, ông được bầu vào chức vụ Chủ tịch.
Tại Đà Lạt, ông cùng đồng nghiệp thành lập báo Lang Biang, lấy tên theo một câu chuyện thần thoại của vùng này. Để có thể mang cái tên này họ đã phải giải trình cho ông Bí thư Tỉnh ủy, nhưng ông này cũng không dám quyết, mà phải mở một cuộc họp để ban Thường vụ Tỉnh quyết định, và họ đã phải nhờ đến một nhà chuyên nghiên cứu văn hóa sắc tộc để thuyết phục.
Tờ báo này sau đó bị đóng cửa, phải ngưng xuất bản chỉ sau 03 số báo. Nguyên nhân theo lời Bùi Minh Quốc là do họ đã "đăng tải những bài viết mà các vị lãnh đạo địa phương cũng như vĩ mô không hài lòng".
Bùi Minh Quốc đã nhiều lần đi tìm mộ liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý vào các năm 1983, 1995, 2000, nhưng mãi đến chiều ngày 3 tháng 8 năm 2006, tức là 37 năm sau ngày bà hy sinh, ông mới tìm được mộ vợ mình. Nơi bà Xuân Quý nằm xuống chỉ cách bia tưởng niệm bà do chính ông dựng vào năm 1996 có 30m.
Đúng với câu thơ mở đầu của "Bài thơ về hạnh phúc": "Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên / Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường không một sắc xanh nguyên..", gia đình đã để bà yên nghỉ lại đất Duy Xuyên.
Bùi Minh Quốc bị khai trừ ra khỏi Đảng năm 1989 (cùng với Tiêu Dao Bảo Cự) và bị Nhà nước Việt Nam quản chế hai lần.
Tác phẩm
Trong chiến tranh Việt Nam, với bút danh Dương Hương Ly, Bùi Minh Quốc nổi tiếng với tập thơ "Mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ" khi ông công tác tại Ban Văn nghệ Khu V. Năm 1968, vợ chồng Bùi Minh Quốc và Dương Thị Xuân Quý có tập thơ - truyện Chỗ đứng được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in, vốn là tuyển tập các bài thơ và truyện ngắn của hai người đã được đăng rải rác trên các báo.
Bài thơ nổi tiếng nhất của Bùi Minh Quốc là Bài thơ về hạnh phúc, ông viết năm 1969 để tưởng nhớ người bạn đời Xuân Quý.
Đặc biệt, thi phẩm Bài thơ về tình yêu của ông đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng Cuộc đời vẫn đẹp sao.
Thơ của Bùi Minh Quốc thường viết về "người mẹ già" Việt Nam nhiều năm cuốc đất đào hầm nuôi giấu cán bộ, như các bài "Đất quê ta mênh mông", "Mẹ ngẩn ngơ đi…", "Mẹ đi chọn mặt gửi vàng", "Không, mẹ ơi", "Một thoáng phố phường".
Sau năm 1975, Bùi Minh Quốc có nhiều bài thơ mang tư tưởng phê phán, điển hình như bài "Cay đắng thay".
Vài đoạn nhật ký của Nhà văn Dương Thị Xuân Quý
"...Lấy xe của Chánh, mình về sửa soạn, ăn cơm xong tới gần 12g mình mới đạp về quê. Khoảng 2g30 chiều đến nhà. Bọn trẻ con reo lên và mình thấy Ly trên tay Thơ. Ly nhìn thấy mẹ, Ly cười, rồi Ly vừa cười vừa mếu. Mình dắt xe vào nhà và bế Ly. Ly bóc kẹo ăn ngon lành. Ly không gọi mẹ như những lần trước. Bảo mãi Ly cũng chẳng gọi, rồi Ly tụt xuống, Ly chỉ nhìn mẹ.
Đôi mắt của Ly vừa linh hoạt, sinh động nhưng sao nó vẫn có vẻ gì như trầm lắng. Mình tắm cho Ly. Ly không khóc một chút nào. Thích quá. Buổi chiều Ly chỉ gọi mẹ khi nào mẹ bảo: “Gọi mẹ đi” thì Ly nũng nịu: “Mi…ẹ…ẹ”. Ôi, mình không sao quên được cái giọng thương yêu ấy của con. Lần này có một cái khác là Ly không xoắn xuýt mẹ như trước. Ly không khóc đòi theo mẹ mà Ly cứ tụt khỏi lòng mẹ để xăm xăm đi. Ly đã đi được như thường, đi rất nhanh. May mắn cho mình là mình được thấy con đi mạnh bạo như thế. Mặc Ly, Ly đi ra đường và lên đê.
Mình dắt Ly, hai mẹ con vượt dốc và lên đê. Vừa lên tới đê Ly đã bảo: “Bò, bò…”. Tuy lúc ấy không có bò, nhưng vì Ly cứ nhớ lên đê là thấy bò mà. Gió lộng, mình thủng thẳng dắt Ly đi dạo trên đê. Những phút ấy sao êm đềm và hạnh phúc thế. Rồi sợ gió nhiều mình vội đưa Ly về và hai mẹ con đã chơi một tối trăng tuyệt diệu.
- Ông trăng đâu Ly?
Ly ngửa mặt lên và cười:
- Đầy! ...
Mình bỗng khám phá ra một điều kỳ lạ: trong mắt Ly, giữa hai con ngươi lóng lánh, có hai chấm vàng nhỏ xíu bằng đầu kim lay động. Ông trăng đã in trong mắt Ly. Mình nghĩ ngay đến những chặng đường hành quân sắp tới. Mỗi khi nhìn trăng, mình sẽ nhớ rằng ông trăng ấy chính là ở trong mắt Ly. Mẹ hát ông trăng cho Ly nghe. Còn Ly thì thỉnh thoảng lại đòi: “Xuống… xuống”. Ly chỉ muốn chạy đi băng băng.
Rồi mình cho Ly vào giường đùa một lúc. Bỗng dưng Ly nằm xuống. Mẹ đắp chăn và vỗ vỗ cho Ly. Ly thiu thiu ngủ. Suốt cho tới sáng, Ly không hề dậy. Chỉ có một lần Ly đạp chăn và mình sờ chân Ly thấy lạnh toát mình vội đắp lại cho Ly. Tối uống nước nhiều nhưng Ly không hề đái đêm. Bà bảo độ này Ly không đái đêm nữa. Gần về sáng thỉnh thoảng Ly lại thò tay ôm lấy cổ mẹ. Một tay trên, một tay dưới.
Ly dậy muộn hơn mọi khi vì có mẹ bên cạnh. Khi mở mắt ra, câu đầu tiên của Ly là: “Chừa! Chừa! ”. Hai mẹ con nằm mãi. Chính Ly cũng thích nằm chơi như thế, rất lâu con mới bảo: “Dậy! Dậy! ”. Thương Ly ghê, chính cái niềm vui nho nhỏ ấy con cũng phải hy sinh. Bà dậy từ 5 giờ sáng để quấy bột, Ly nằm một mình không có ai để quàng tay vào cổ, thế là Ly dậy, chả có ai vuốt ve và kể chuyện “Con mèo” cho Ly nghe. Ly rất thích nghe chuyện.
Hễ mẹ nói: Nằm im mẹ kể chuyện Con mèo nhé! Thế là Ly nằm yên lặng, chăm chú nghe mẹ kể. Chỗ nào mẹ cười, Ly cũng cười theo".
Nhà thơ Bùi Minh Quốc,Bùi Minh Quốc,Dương Hương Ly
Tôi gởi thơ tôi vào ngọn gió cao nguyên
Có một phép màu tên gọi là thơ
Ôi bãi bờ tìm kiếm suốt đời ta...
SOS! Những bãi mìn gài vào tương lai!
Thơ vụt hiện trong phòng thẩm vấn
Hoạ bài “Vịnh bức đồ địa rách” của cụ Tản Đà
Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt
Cảm tác trong đêm Đà Lạt nhân đọc di cảo thơ “Bánh vẽ” của Chế Lan Viên
Những dòng ghi tản mạn cho bé Ly trong sổ tay ngày 6/10/1969
Không có gì quý hơn độc lập tự do