II. Những cột mốc sống
Không nhớ con thuyền nào đã phát hiện Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc Chỉ nhớ những ngư dân đánh cá tận trùng khơi Đảo dựng đá chắn che ngày bão lớn Những đảo hoang bỗng ấm áp hơi người. Ôi tiếng Việt bay qua đầu sóng dữ Nói râm ran trên đảo đ
Nội dung bài thơ: II. Những cột mốc sống
Không nhớ con thuyền nào đã phát hiện Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc
Chỉ nhớ những ngư dân đánh cá tận trùng khơi
Đảo dựng đá chắn che ngày bão lớn
Những đảo hoang bỗng ấm áp hơi người.
Ôi tiếng Việt bay qua đầu sóng dữ
Nói râm ran trên đảo đá chơi vơi.
Không nhớ người lính nào đã đặt bước chân đầu tiên lên đảo
Chỉ nhớ Hải đội Hoàng Sa vâng lệnh Chúa lên đường
Những người lính chụm vai làm cột mốc
Tờ nhật trình Chúa Nguyễn vẫn lưu hương
Bốn thế kỷ đi qua cột mốc giữa trùng dương
Những Hải đội Hoàng Sa nhập hồn vào sóng nước
Nhập vào đá san hô
Nhập vào Tổ quốc
Vẫn còn đến hôm nay tục tế lễ sân đình
Tế lễ khao quân
Tế sống lính lên đường
Những hình nộm chết thay cho người lính
Cầu an bình cho mọi chuyến hành hương.
Và sản vật được thu về dâng Chúa
Ốc tai voi cùng với ốc xà cừ
Những hải sâm, hải ba, đồi mồi, san hô đỏ
Những bạc vàng trôi dạt tráp thương gia.
Không biết bao nhiêu máu mồ hôi đã đổ
Chỉ biết những “cân”, “thoi”… sách sử vẫn còn ghi:
Lê Quý Đôn, hồi làm Hiệp Trấn Thuận Hoá, đã viết: “tra khảo sổ biên của cai đội Thuyên Đức Hầu”, người chỉ huy Đội Hoàng Sa, trong nhiều năm đã vào Phú Xuân nộp các sản vật thu lượm được từ Hoàng Sa, cụ thể như sau:
– Năm Nhâm Ngọ (1702), Đội Hoàng Sa lượm được 30 thoi bạc.
– Năm Giáp Thân (1704), lượm được thiếc 5100 cân.
– Năm Ất Dậu (1705), lượm được 126 thoi bạc.
Từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Qúi Tỵ (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy con đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng.
Không biết bao nhiêu việc công, Đội Hoàng Sa đảm nhiệm
Chỉ thấy còn đây lời Vua Nguyễn đã ban:
“Không cứ đảo nào, cửa bể nào thuyền chạy đến, sẽ đo nơi ấy chiều dài, chiều ngang, bề cao, bề rộng, chu vi bao nhiêu, rà bên bờ nước bể nông hay sâu. Có cát ngầm, đá mỏm hay không, ở tình thế hiểm trở hay bình thường, xem đo tỏ tường vẽ thành đồ bản, chiếu khi khởi hành, do cửa bể nào ra bể, trông phương hướng nào mà lái đến nơi ấy, cứ theo đường thuỷ đã đi khấu tính ước được bao nhiêu dặm đường? lại ở chốn ấy trông vào bờ bể đối thẳng là tỉnh hạt nào? và phương hướng nào? Ước lượng cách bờ bao nhiêu dặm đường? Ghi nói minh bạch trong hoạ đồ để về trình lên. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”.
Việc đo đạc thuỷ trình, hải trình đã trở thành thông lệ
Những hòn đảo vô danh đã thành danh trong những tấm bản đồ
Đời trước truyền đời sau
Đời sau truyền đời sau nữa
Đời đời ghi tạc
Xương thịt vùi sâu trong ngôi mộ san hô…
Tôi trên con thuyền ra khơi vào lộng
Từ Móng Cái đến Hà Tiên
Bạch Long Vỹ, Vịnh Hạ Long
Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc
Biển lắng máu cha ông biển xanh biêng biếc
Biển nghĩ suy sóng biển trắng mái đầu
Sóng đi đâu, sóng về đâu
Những ngọn đèn thao thức
Những trái tim thắp lửa phía đất liền
Những trái tim của Mẹ của Em
Sau bờ bãi phi lao phập phồng gió hú
Tôi trên con thuyền bình minh nắng đỏ
Nắng trên trời nắng dưới nước lung linh
Nắng ngàn sao trong mẻ lưới tung lên
Nắng lấp loá oằn mình con cá quẫy
Nắng từ cát hắt vàng hươm chân đảo
Nắng từ lòng người cất tiếng hát bay cao
Tôi trên con thuyền hoàng hôn buông neo
Ánh ngày chưa chịu tắt
Ngày ở biển dài hơn ngày mặt đất
Những cuộc đời dài ngắn bá vai nhau
Đêm mông lung trong chén rượu quê nghèo
Ly bồng bềnh cùng thuyền
Người bồng bềnh cùng sóng
Ngàn sao sa trong đêm biển bồng bềnh…
Tôi trên con thuyền ngày sóng dữ
Hải tặc ráp vây thuyền
Súng ống
Dùi cui
Choang
Xoèng
Ực
Huỵch
Những con cá ngáp khan trong lưới
Mắt không mở được
Tiếng la
Tiếng thét
Tiếng bồm bộp dùi cui
Tiếng lạnh tanh qui-lát
Tiếng chân bước nặng nề
Từ thuyền này sang tàu kia
Từ tàu kia sang thuyền này
Từ thuyền này sang tàu kia
Oằn lưng răng rắc…
Không thể nào mở mắt
Loang loáng dao găm, lưỡi lê
Tôi nghe mình nói mê
Trên hoang đảo một miền nào xa lắm
Những con cá bị cướp
Hội họp căm thù
Những con tôm bị cướp
Duỗi thẳng lưng đứng lên
Rồi tất cả bị mũi dày đè bẹp
Tanh tởm ngoại ngữ quen nghìn năm
Nhai xác…
Tôi nghe sóng Hoàng Sa uất ức
Gầm vang
Tôi nghe hồn Hoàng Sa nghiêng bóng thuyền, che chở
Các bạn thuyền chụm vào nhau trên con thuyền rách nát
Tiếng rên thành bản nhạc chiêu hồn
Có người chết mà tôi không khóc được
Không nói được
Không làm gì được
Tôi chìm vào những bàn tay
Ngày ngày cầm nắm
Những bàn tay xoa dịu
Những bàn tay vuốt ve Sói Biển
Những bàn tay bảo tôi: Nhớ lấy!
Tôi con thuyền bị đâm trên biển của mình
Những xương sườn gãy nát
Ứa máu ngư dân
Ứa máu ngư trường
Bọn cướp biển là ai? Tôi đã nhìn rõ mặt
Chúng lén lút
Chúng ngang nhiên
Chúng hằm hằm
Chúng sằng sặc
Chúng nguỵ trang áo mặc
Chúng trá hình dân đen
Chúng giả bạn giả anh em
Giả tình giả nghĩa
Chúng phản bội cả đàn cừu lột lông và xẻo thịt
Phản bội những con thuyền đánh đắm cả yêu thương
Tôi con thuyền gãy nát cột buồm
Tâm hồn làm phao biển
“Không thể dìm được phao”
Bọn cướp biển hiểu chăng điều đơn giản
Những chiếc phao tâm hồn trong bão tố lớn lên
Mang những chiếc thuyền về bến
Dù vỡ nát
Không thể nào chìm xuống….
Tôi mảnh ván tả tơi lại mọc thành cây
Thành rừng xanh
Thành cổ thụ
Lại xẻ ván đóng thuyền
Lại đợi ngày hạ thuỷ
Lại tế lễ sân đình
Lại đánh trống khao quân
Lại tuyên thệ sống còn vì biển đảo
Những con thuyền tung bay cờ đỏ
Lại rẽ sóng ra khơi…
Sừng sững giữa biển trời.
Những ngư dân trên đất nước tôi
Nguyện làm “cột mốc sống”
Ngàn vạn “cột mốc sống”
Cả triệu “cột mốc sống”
Trên biển sóng
Trên đá ngầm
Trên đảo chìm đảo nổi
Trên tự do lãnh hải Việt Nam tôi!
ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO:
Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ
Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng
Mọc lên lớp lớp tầng tầng
Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô
Những vùng biển đẹp như mơ
Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng…
Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:
Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương…
Bài thơ II. Những cột mốc sống của tác giả Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Nghệ danh: Nguyễn Trọng Tạo
Tên thật: Nguyễn Trọng Tạo
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Nguyễn Trọng Tạo - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác