III. Lính biển
Mặc bộ quân phục hải quân hai màu xanh và trắng Như sóng biển hai màu Tôi thành lính biển Mẹ lại tiễn con đi Những người mẹ như đất liền như núi non ngước nhìn ra biển cả Tôi chép lại bài thơ của cha Viết ngày giặc dã: "Những người lính đi q
Nội dung bài thơ: III. Lính biển
Mặc bộ quân phục hải quân hai màu xanh và trắng
Như sóng biển hai màu
Tôi thành lính biển
Mẹ lại tiễn con đi
Những người mẹ như đất liền như núi non ngước nhìn ra biển cả
Tôi chép lại bài thơ của cha
Viết ngày giặc dã:
"Những người lính đi qua thành phố
Màu áo xanh dễ nhận giữa bao người
Màu áo xanh gần gũi chợt xa vời
Lại chợt hiện vội vàng qua năm tháng
Những người lính dễ làm ta xúc động
Mắt long lanh đứng ngắm dãy nhà cao
Ba lô sau lưng như cùng ngước nhìn theo
Ngỡ thành phố nghiêng mình giây phút ấy
Cổng vườn hoa nhiều lần ta bỗng thấy
Màu áo xanh người lính lẫn bóng màu
Lẫn lứa đôi cười nói dắt tay nhau
Anh háo hức bước lên xe điện cũ
Những người lính đi qua thành phố
Người trẻ măng, người tóc bạc phơ
Chân dép lốp hay chân giày cao cổ
Chẳng nhiều đâu nhưng chưa vắng bao giờ...
*
Người lính đi qua kỷ niệm tuổi thơ
Qua bao tết xa nhà, qua bao mùa rụng lá
Qua bom đạn, chia tay gặp gỡ
Bao cát vàng, đất đỏ, đá mòn trơn
Người lính đi, bước nhớ lại bước thương
Tiếng chim hót ngỡ ngàng khu rừng cháy
Khát se môi, thèm suối oà nước chảy
Bỗng biển đề: "Suối độc" – lội qua nhanh
Người lính đi qua mấy cuộc chiến tranh
Nói về súng dẫu nhiều – chưa nhàm cũ
Nói mất mát, hy sinh dẫu cạn lời – chưa đủ
Núi lặng thầm khóc bạn dưới sao khuya
Người lính đi, kiên nhẫn tự bao giờ
Qua trận thắng lại đến cùng trận đánh
Qua cái chết lại đến cùng bom đạn
Bao lá cờ cắm mốc dọc đường qua...
Người lính đi xáp mặt bao kẻ thù
Bao loài hoa đã nở và đã rụng
Núi rừng đỏ mẫu đơn, bưng biền bông súng trắng
Vai đậu đầy Thốt Nốt, nhớ Chăm Pa...
*
Em ơi em, em trong trắng vô tư
Nếu em đã đem lòng yêu người lính
Giờ tan ca đừng mong người yêu đón
Ngước sao trời hãy tin đấy là anh!
Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình
Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học
Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc
Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều
Mẹ già ơi thương nhớ dẫu dâng trào
Mẹ cứ nhắc tên con, đừng lo con vấp ngã
Lối con đi – nào lối mòn thuở nhỏ
Và mẹ là Mẹ Lính – dễ dàng đâu!...
*
Người lính đi qua lòng mình thẳm sâu
Qua cắn rứt đời thường những ngày gian khó nhất
Ấm áp kề bên, kề bên rét buốt
Cái sống và cái chết – giữa là anh
Giữa cái còn, cái mất quá mong manh
Như sợi tóc, mảnh mai hơn sợi tóc
Với kẻ thù vô hình, không thể dùng súng được
Chút yếu mềm – cây cứng gió thổi bay
Người lính đi nhẹ nhõm bất ngờ thay
Khiến bên đường bao mắt nhìn ngơ ngác
Khiến vòm cao gió ngân lên âm nhạc
Tiếng ve dâng trong vắt thuở ban đầu.....
*
Phía sân ga những người lính lên tàu
Những người lính đi qua thành phố
Tiếng bánh sắt rung kính bao cửa sổ
Tiếng còi chào xoáy ốc cuối trời xa
Con tàu mang người lính chúng ta đi
(Chưa hết giặc chưa thể nào khác được)
Rồi con tàu lại về ga xuất phát
Người lính đi – áo xanh rợp chiến hào
Thành phố ngước nhìn theo những ngọn núi thật cao!"
Cha đã lính. Bây giờ con lại lính
Những thế hệ nối theo nhau đi giữ nước non nhà
Xưa cha Trường Sơn Rừng
Nay con Trường Sơn Biển
Những hòn đảo dựng vòng cung phòng tuyến
Dựng tin yêu từ phía mặt trời lên.
Tự bao giờ đã biển xanh
đã đảo khơi đứng soi mình – và chim
để nghe huyền thoại, tôi tin
đảo là con của Đất liền, đẹp trai
biển là tiên nữ nhà Trời
yêu nhau về ở trọn đời bên nhau
(và loài chim biển từ lâu
từng mang những lá thư màu tình yêu)
Để khi tôi khóc chào đời
lắng trong tiếng biển ru hời dịu êm
tuổi thơ cùng sóng trốn tìm
tiếng cười tôi – sóng giữ gìn âm vang
một mai tôi bỗng ngỡ ngàng
ngụp trong biển, sóng mơn man thân hình
và khi biết tỏ lời tình
biển xanh trong mắt em nhìn ngất ngây
Để khi tôi đã ngủ say
thềm nhà biển đợi – sóng lay cát vàng
để khi tôi chợt mơ màng
biển tràn song cửa chín vàng ánh trăng
và khi thức giấc, chân trần
tôi lao ra biển – sóng gầm xa xôi...
(Sao mình không là đảo khơi
để tôi nghe hết những lời biển xa?)
Bây giờ trên đảo tuần tra
sau mưa, tôi lẫn chan hoà nắng lên
nắng như nắng nhớ đất liền
tôi như tôi chẳng xa em bao giờ
bởi tôi tin tự trong mơ
em là biển biếc, bãi bờ là tôi...
Chẳng lẽ anh yêu đất cằn và đá cỗi
nắng cháy da và rét buốt xương
gió xé rách áo quần
mưa ném nghiêng mũ cối
chẳng lẽ anh yêu sóng biển gào dữ dội
át cả tiếng em từ phía đất liền?
Công sự anh đào xuyên ngày, xuyên đêm
đào vào đá (lưỡi xẻng thay mấy bận)
những cánh tay kéo pháo hai ba tấn
lên điểm cao, dốc dựng lệch trời xanh
chẳng lẽ anh yêu đá cào tướp bàn chân
dày cao cổ rách rồi, tay con trai lại vá?
Sống giữa biển mà lắm khi thèm cá
luống rau trồng trong lưới ngăn chim
nước biển nhiều mà chẳng thể nấu cơm
(phuy nước ngọt để dành khi giặc giã)
chẳng lẽ anh yêu đêm liên hoan văn nghệ
có chàng trai sắm vai gái diễn chèo?
Chẳng lẽ anh yêu những đêm ngủ hầm kèo
báo đến chậm hai tuần vẫn gọi là "báo mới"
lá thư tình đọc chung cùng đồng đội
lúc nghe đài là lúc gặp quê hương
chẳng lẽ anh yêu những ngày tháng thẳng căng
đêm bật dậy mấy lần báo động?
Nhưng em ơi, giữa muôn trùng biển sóng
anh đã yêu như vậy ngày ngày
như yêu em đắm say
yêu giấc ngủ hằng mơ về bờ cát
bởi anh biết:
nếu lòng mình đổi khác
giặc sẽ tràn qua đảo của mình đây!...
ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO:
Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ
Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng
Mọc lên lớp lớp tầng tầng
Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô
Những vùng biển đẹp như mơ
Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng...
Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:
Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương...
Bài thơ III. Lính biển của tác giả Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Nghệ danh: Nguyễn Trọng Tạo
Tên thật: Nguyễn Trọng Tạo
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Nguyễn Trọng Tạo - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác