IV. Hải chiến

Thơ   •   Thứ ba, 02/11/2021, 16:29 PM

Họ đã ghé Hoàng Sa xin nước uống Những người lính Việt Nam đã san sẻ nghĩa tình Họ đã dạt vào đây trong bão lớn Nhường áo sẻ cơm cho họ đỡ đói lòng Họ đã bị thương cần cứu giúp Lính quân y lên tàu cấp cứu những nạn nhân... Họ đâu phải dân mình Họ là

Nội dung bài thơ: IV. Hải chiến

Họ đã ghé Hoàng Sa xin nước uống

Những người lính Việt Nam đã san sẻ nghĩa tình

Họ đã dạt vào đây trong bão lớn

Nhường áo sẻ cơm cho họ đỡ đói lòng

Họ đã bị thương cần cứu giúp

Lính quân y lên tàu cấp cứu những nạn nhân...

Họ đâu phải dân mình

Họ là dân Trung Quốc

Nhưng tình người, hoạn nạn biết sẻ chia

Rồi bắt tay

Rồi lưu luyến tiễn đưa

Rồi hò hẹn

Rồi "cám ơn" rối rít...

... Rồi một ngày họ thành "quân xâm lược"...

HOÀNG SA 1974

Ngày 16 tháng 1 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) phát hiện hai ngư thuyền nguỵ trang số 402 và số 407 của Hải quân Trung Quốc gần đảo Hữu Nhật đồng thời phát hiện quân Trung Quốc chiếm đóng đảo Quang Hoà và cắm cờ Trung Quốc tại các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh.

Ngày 17 tháng 1 năm 1974, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa chở theo một toán người nhái (biệt hải) và một đội hải kích đổ bộ xuống Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh để nhổ cờ Trung Quốc, dựng cờ Việt Nam.

Và Trung Quốc đã quyết dùng vũ lực

Mao đã phê "Đồng ý đánh trận này!"

Đặng Tiểu Bình sau 7 năm "bóc lịch"

Quyết lấy Hoàng Sa xá tội với quan thầy.

Những tàu chống ngầm

Những chiến hạm nổi

Những thuyền nguỵ trang lính giả ngư dân

Những trung đoàn hải quân lục chiến

Những tàu nhỏ tàu to, phản lực cơ tăng viện

Ngang nhiên tiến vào hải phận Việt nam

*

Tin dội về: Biển đảo bị xâm lăng

Thề giữ đảo, giữ yên từng tấc sóng

Những người lính hiên ngang cùng chiến hạm

Những con tàu thẳng hướng Hoàng Sa

Những con tàu mang lịch sử xông pha

Lý Thường Kiệt

Trần Bình Trọng

Trần Khánh Dư

Nhật Tảo...

Tín hiệu hoà bình phát đi không thể nào xua đuổi

Những chiến hạm xâm lăng.

Lệnh "khai hoả" vang lên – lời tuyên bố chủ quyền

"Biển đảo Việt Nam người Việt Nam là chủ"

Và súng nổ

Súng gầm lên giận dữ

Trút hờn căm vào chiến hạm quân thù...

*

Lửa đã cháy

Và biển xanh dâng sóng

Tàu địch ngả nghiêng đáp trả điên cuồng

Đạn phóng đi những cột nước dựng lên

Đạn vây bủa những con tàu giữa biển

Những chiến hạm hai bên đều dính đạn

Lính bị thương

Lính tử trận

Lính can trường...

Nhưng cuộc chiến đã không hề cân sức

Tàu địch đông, áp đảo những gọng kìm

Trung Nam Hải chủ trương thành chiến dịch

"Đánh trận này chiếm quần đảo Hoàng Sa".

Những con tàu HQ không tiến được

Phải rút lui dưới hoả lực quân thù

Tàu Nhật Tảo chìm dần trong lửa khói

Biển ôm vào lòng nức nở tiếng sóng ru...

Chiều 19 tháng 1.1974 hải chiến Hoàng Sa kết thúc, Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị cho quân khu Quảng Châu tiếp tục đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh. Ngày 20 tháng 1, 4 phi cơ MiG-21 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh và Hoàng Sa. Tiếp đó, quân Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của Việt Nam Cộng hoà trên các đảo bị mất liên lạc.

Hoàng Sa mất vào tay quân bành trướng

Biển gầm vang tiếng gọi phục thù!...

GẠC MA 1988

Sáng ngày 14 tháng 3, tàu HQ 604 đang thả neo tại Gạc Ma, phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. 6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và 50 quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam. Hai bên giằng co với nhau bằng tay không, sau đó sĩ quan Trung Quốc cầm súng lục bắn chỉ thiên. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu uý Trần Văn Phương bị bắn, trước khi chết anh đã hô: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc".

Cờ Việt Nam bay trên đảo Gạc Ma

Như ngọn lửa đỏ tươi giữa gió mùa rét mướt

Những chiến sĩ công binh tôn cao cờ Tổ quốc

Có biết chăng lũ giặc đã tràn lên?

Chúng tràn lên từ những chiếc thuyền nhôm

Lăm le súng và mắt trừng quỉ dữ

Chúng bắt ta hạ xuống cây cờ đỏ

Cờ chủ quyền trên đảo Việt Nam ta.

Một vòng tròn lính biển kết thành hoa

Bao bọc cờ Tổ quốc

Không nổ súng! Phải giữ cho bằng được

Lá cờ mang xương máu biết bao đời

Giặc tràn lên cướp giật Tổ quốc tôi

Nguyễn Văn Phương ôm cột cờ giữ chặt

Một cuộc chiến tay không giành giật

Và lá cờ Tổ quốc vẫn tung bay

Không thể nào cướp nổi lá cờ này

Bọn quỉ dữ đã đơn phương nổ súng

Đạn bắn vào đầu Phương, anh ngã xuống

Trong tiếng hô: Hãy để máu tô cờ...

Nguyễn Văn Lanh thay Phương làm nhiệm vụ

Giữ lá cờ giữa "vòng tròn bất tử"

Và lưỡi lê quỉ dữ đã đâm anh

Thuỷ triều dâng, máu loang khắp biển xanh

Và đạn B40 đã nổ

Nhắm vào bầy quỉ dữ

Đẩy chúng xuống biển sâu

Đẩy chúng rút lui trở lại những con tàu

Đen đúa ngoài xa biển...

Những người lính sát vào nhau một vòng tròn khép kín

Mặc pháo 100 li từ biển bắn vào

Các anh hoá thành sao

Các anh hoá thành cờ

Mỗi người lính – một lá cờ Tổ quốc.

7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100 mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng và cho xuồng đổ bộ về phía tàu Việt Nam. Tàu trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt khiến nhiều lính Trung Quốc thương vong, buộc đối phương phải bỏ xuồng nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị chìm dần xuống biển.

Khi con tàu đang chìm dần xuống biển

Trung tá Trần Đức Thông vẫn đứng trên boong

Anh đã chết nhưng anh không gục xuống

Như Từ Hải ngày xưa uất nghẹn trước quân thù.

Nhớ không anh

Trước chuyến đi ra đảo

Anh về phép thăm nhà hạnh phúc với vợ con

May cho con bộ quần áo mới

Gánh cho vợ một bể nước đầy

Anh thăm mẹ thăm thầy

Thăm bạn bè, hàng xóm

Thăm đồng đội xưa cấy cày đồng ruộng

Thăm vất vả nhọc nhằn những người lính thương binh...

Nhớ không anh

Những con ốc biển

Những cây san hô từ đảo Trường Sa

Những con tôm càng tết bằng dây điện

Mang về cho con thương mến làm quà.

Anh đâu biết nơi quê nhà, con gái

Đang viết cho cha những dòng chữ nhớ nhung:

"Bố xa nhớ, hôm nay ngày chủ nhật

Con ngồi vào bàn mà không sao học được

Đài hôm nay toàn bài hát Trường Sa

Con nhớ nôn nao bố đang ở nơi xa...

"Ồ mới đó mà thời gian nhanh quá

Bố trả phép ra đi cũng đã được ba tuần

Nhà đã nhận ba lá thư bố gửi

Mẹ và em cứ nhắc bố nhiều hơn...

"Bố kính yêu, con học vẫn bình thường

Mẹ vẫn khoẻ, em dạo này ngoan lắm

Lá thư tay bố gửi thầy chủ nhiệm

Thầy nhận rồi, thầy hứa viết thư thăm

"Con thương quá, đời lính nhiều vất vả

Vẫn lo cho con phấn đấu học hành...

"Đài lại nói về tình hình biển đảo

Nhạc lại vang những bài hát Trường Sa

Con thương bố càng thương bao người lính

Suốt đêm ngày bám biển giữ đảo xa...

"Bố xa nhớ, thư đã dài rồi đó

Con gửi lời thăm các chú, các anh

Mong mạnh khoẻ để giữ gìn biển đảo

Để nước non được toàn vẹn, yên lành...

"Bố ơi bố, nếu bố đi ra đảo

Nhớ viết thư cho mẹ kẻo mẹ mong

Con dừng bút mong bố mình khoẻ mãi

Lá thư sau con sẽ viết dài hơn".

Anh không bao giờ nhận được lá thư con

Anh đang đứng bong tàu như tượng đá

Dần chìm xuống giữa bao la biển cả

Biển ôm anh ru giấc ngủ ngàn năm...

ĐIỆP KHÚC TIẾNG SÁO:

Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ

Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng

Mọc lên lớp lớp tầng tầng

Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô

Những vùng biển đẹp như mơ

Trường Sa cát trắng Hoàng Sa cát vàng...

Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:

Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương...


Bài thơ IV. Hải chiến của tác giả Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Nghệ danh: Nguyễn Trọng Tạo

Tên thật: Nguyễn Trọng Tạo

Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Nguyễn Trọng Tạo - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác

icon Tập thơ Biển mặn, Tác giả Nguyễn Trọng Tạo, Thơ Nguyễn Trọng Tạo

Tổng hợp

Cùng tập thơ: Biển mặn (2015)

IV. Hải chiến

Thơ   •   02.11.2021
Họ đã ghé Hoàng Sa xin nước uống Những người lính Việt Nam đã san sẻ nghĩa tình Họ đã dạt vào đây trong bão lớn Nhường áo sẻ cơm cho họ đỡ đói lòng Họ đã bị thương cần cứu giúp Lính quân y lên tàu cấp cứu những nạn nhân... Họ đâu phải dân mình Họ là

VI. Vĩ thanh

Thơ   •   02.11.2021
Rồi một ngày em ra đảo cùng anh Nghe tiếng gà gáy trưa trên ghềnh đá Nghe tiếng bò gọi đêm thân thương quá Tiếng chuông chùa rung động cả hoàng hôn Tiếng lính hát ca, tiếng trẻ đến trường Ríu rít bài đồng dao mới: Nu na nu nống Đánh trống phất cờ Biể

V. Đảo bão

Thơ   •   02.11.2021
Những đàn chim trên đảo đã bay đi Chỉ còn lính chúng tôi với rập rình cơn bão Cơn bão biển đang tiến dần tới đảo Cơn bão điên cuồng gió giật cấp 12 Cơn bão chúng tôi biết được qua đài Qua màu nước thuỷ triều bỗng dưng ngầu sóng đục Chúng tôi biết qua

II. Những cột mốc sống

Thơ   •   02.11.2021
Không nhớ con thuyền nào đã phát hiện Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc Chỉ nhớ những ngư dân đánh cá tận trùng khơi Đảo dựng đá chắn che ngày bão lớn Những đảo hoang bỗng ấm áp hơi người. Ôi tiếng Việt bay qua đầu sóng dữ Nói râm ran trên đảo đ

III. Lính biển

Thơ   •   02.11.2021
Mặc bộ quân phục hải quân hai màu xanh và trắng Như sóng biển hai màu Tôi thành lính biển Mẹ lại tiễn con đi Những người mẹ như đất liền như núi non ngước nhìn ra biển cả Tôi chép lại bài thơ của cha Viết ngày giặc dã: "Những người lính đi q

I. Mặn hơn muối

Thơ   •   02.11.2021
Tôi ăn biển hàng ngày từng hạt muối trắng tinh Tôi ăn bình minh mọc lên nắng mặn Tôi ăn gió thổi về từ biển Tôi ăn rì rầm sóng Và sữa Mẹ nhiều khi mặn đắng Chan nước mắt biển Đông Đôi vai cha lấp lánh lân tinh Mồ hôi muối Áo quầng quầng vết trắng Bà