Tác giả Lưu Quang Vũ - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Lưu Quang Vũ - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Lưu Quang Vũ
Tên thật: Lưu Quang Vũ
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ (17/4/1948 - 29/8/1988) quê gốc ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng (Quảng Nam), sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh. Ông ở Phú Thọ cùng cha mẹ từ nhỏ đến khi hòa bình được lập lại(1954) gia đình ông chuyển lên Hà Nội sinh sống. Từ nhỏ Lưu Quang Vũ đã bộc lộ thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật. Vùng quê trung du Bắc Bộ đã là nguồn cảm hứng trong sáng tác của ông sau này.
Lưu Quang Vũ làm thơ từ thuở học cấp ba, rời ghế trường trung học, vào bộ đội ông viết nhiều hơn và bắt đầu đăng báo. Năm 1968, hai mươi bài thơ đầu tay chọn in chung vào tập Hương cây - Bếp lửa giới thiệu một hồn thơ trong trẻo, đắm đuối mơ mộng và cũng còn nhiều dấu vết của sách vở nhà trường. Đắm đuối là đặc điểm suốt đời thơ Lưu Quang Vũ. Đặc điểm ấy ít thấy ở các nhà thơ khác cùng thời với ông. Hình như từ sau cách mạng tháng 8-1945, thơ chúng ta chuộng sự tỉnh táo với những thi liệu lấy từ thực tế cuộc sống. Vào những năm 60, một vài nhà thơ có uy tín đã kêu lên: thơ cần mê hơn... Lưu Quang Vũ mới đến đã đáp ứng được yêu cầu đó. Tìm ra những yếu tố tạo nên sự mê đắm này chính là tìm được đặc trưng cảm xúc của Lưu Quang Vũ. Ông được mệnh danh là “Người nổi gió. Người đập cửa. Người mở cửa”.
Ông quan niệm:
Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa
Thơ sinh sự với đời không cho ai yên ổn.
Phong cách thơ của Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ cảm thụ đời sống không chỉ bằng nhận thức mà bằng cả giác quan. Cảm giác là hạt nhân đầu tiên của cảm hứng Lưu Quang Vũ. Cảm giác gọi những ý thơ tuôn chảy. Đọc thơ anh ít thấy dấu vết của bố cục, cảm hứng liền dòng ào ạt, đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hoà quyện thúc đẩy nhau trong các câu thơ dồn dập. Anh viết như trong một cơn say, bất chấp sự cực đoan và phi lý trong chi tiết. Thế giới trong thơ anh là thế giới của tưởng tượng. Giàu tưởng tượng nên mới thành đắm đuối. Trong thơ anh có cánh buồm đen của tên cướp bể, có ngọn lửa bập bùng người Âu Lạc múa trên châu thổ sông Hồng còn nguyên nếp phù sa. Có những đoạn thơ anh làm mê lòng ta như cổ tích:
- Trung Hoa của tuổi thơ
- Tiếng ngựa hí đêm khuya
- Đoàn xe Chiến Quốc đi trong tuyết
- Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc
- Não bạt thanh la xủng xoẻng
- Dữ tợn mà sầu thương.
Đắm đuối là bản sắc cảm xúc Lưu Quang Vũ. Nó tạo nên sức lôi cuốn ma quái và cũng tạo nên lắm vất vả cho đời anh. Lưu Quang Vũ đã trải qua những năm tháng lao đao ngay ở tuổi thanh niên: ra bộ đội, không việc làm, gia đình tan vỡ, con nhỏ, chiến tranh đang ở thời kỳ ác liệt, cuộc sống khó khăn, xã hội xuất hiện nhiều tiêu cực...
Tình cảnh đó đã được diễn đạt chân thành bằng một nghệ thuật thơ thuần chín, trong khoảng hai năm 1971, 1972, tập trung trong tập Cuốn sách xếp lầm trang (bản thảo, chưa in trọn vẹn). Nội dung khác với giai đoạn trước vốn trong trẻo và cũng khác với giai đoạn sau, đã thăng bằng.
Giai đoạn này tâm hồn anh như già đi trong những cảm xúc tê tái. Đây là thơ được viết ra từ một thúc bách nội tâm, từ cảnh ngộ cá thể của mình. Chúng ta đọc thơ cần có sự cảm thông, đừng máy móc cào bằng, đòi hỏi thơ ai cũng phải có một công dụng tức thì với xã hội. Thơ hay bao giờ cũng có công dụng, nhưng là một công dụng xa, giúp cho sự hình thành nhân cách con người. Nhân cách hình thành từ những chiêm nghiệm.
Thơ Lưu Quang Vũ giai đoạn này rất nhiều chiêm nghiệm. Anh nhìn và khái quát việc đời trên cảnh ngộ của anh. Anh thấy cuộc đời lúc đó như cuốn sách xếp lầm trang: chuyện đôi trai gái tự tình lẫn với chuyện chia gia tài, gián điệp lẫn với triết gia và lái bò... Có thể có một chút bi quan quá sớm, nhưng cũng đã thấy một linh cảm trước thời cuộc.
Mười bảy năm sau những chủ đề này sẽ trở lại trong kịch Lưu Quang Vũ và làm sôi động sân khấu cả nước. Sức mạnh hiện thực đã thấm vào tâm hồn nhiều mơ mộng ấy. Mùi lá bưởi lá chanh nên thơ và phù phiếm sẽ không bao giờ còn quay lại tô điểm cho cái hiện thực dữ dằn của chiến tranh nữa.
Lưu Quang Vũ khai thác chất thơ hoàn toàn khác với giai đoạn đầu cầm bút. Thay vì sự ca ngợi ngọt ngào là sự chất vấn rát bỏng:
Những tuổi thơ không có tuổi thơ
Những đôi mắt tráo trơ mà tội nghiệp
Chúng ăn cắp đánh nhau, chửi tục
Lang thang hè đường, tàu điện, quán bia
Những bông hoa chưa nở đã tàn đi
Những cành cây chưa xanh đã cỗi
(...)
Sao mọi người có thể dửng dưng
Nhìn em đi trên đường tối
Mọi người đều có tội
Trước tuổi thơ đã chết của em.
Anh bộc lộ: Những chữ đẹp xưa giờ đã bỏ tôi rồi. Đối mặt với Lưu Quang Vũ là: “Những chữ như đinh nhìn tôi sắc nhọn/ Chữ gầy guộc, chữ bùn lầy cống rãnh...” Và ông quyết liệt đổi thay: “Những chữ đẹp xưa giờ tôi đuổi đi rồi/ Bao chữ mới đang ầm ầm đập cửa/ Thơ rộng dài cánh lớn hãy bay đi”.
Giai đoạn này Lưu Quang Vũ có bước tiến dài về nghệ thuật, có thể cho rằng thời gian này là điểm đỉnh trong đời thơ Lưu Quang Vũ. Sau này anh viết ấm áp hơn nhưng không tài bằng. Cái tài của anh là ở chỗ từ những việc, những vật cụ thể anh làm bật lên được một cảm xúc, một nhận thức, một tâm trạng vốn rất khó nắm bắt. Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ. Sao hạt mưa có màu đen. Ai biết? Chỉ biết nó gợi tro than, loạn lạc, ly tán...
Lưu Quang Vũ thuộc tạng người chỉ tin ở mắt mình, chỉ tin ở lòng mình. Mắt anh thấy và tim anh đau nhói anh đều viết thành thơ. Anh muốn trung thành với tình cảm nguyên sơ của mình. Anh không bận tâm lắm đến sự xác định là cá biệt hay phổ biến, bản chất hay hiện tượng.
Cảm hứng dân tộc hình thành sớm và phát triển dần thành cảm hứng mạnh trong Lưu Quang Vũ. Đất nước mang hình chiếc đàn bầu, với những chị hai, những mắt một mí, những cơi trầu, những câu hát giao duyên... bao nhiêu lần trở đi trở lại trong tình trong ý Lưu Quang Vũ, tạo nên nét duyên riêng đắm đuối trong thơ anh. Anh viết rất tạo hình, có lẽ vì anh còn là một hoạ sĩ: “Những con chim lạc mỏ dài/ Bay qua vầng trăng lớn”.
Đặc biệt là sức gợi từ những chi tiết nhỏ đan vào các ý thơ: “Cánh rừng sẫm tắm hoàng hôn đỏ rực/ Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng”. Một chữ nồng đã phả vào đêm cái hơi hướng nhiệt đới còn nguyên sơ làm khung cảnh trở nên phập phồng sự sống.
Những bài thơ anh viết ở thập niên 80 như đối nghịch với các bài thời 71, 72. Nhưng thật ra giai đoạn trước kiến tạo cho giai đoạn sau. Sức nặng của câu thơ yêu đời được hình thành từ câu thơ mất mát. Qua mất mát mới biết giá trị của sự có lại: “Mùa gió mới có em tôi có lại/ Bài hát cũ tôi hát cùng đồng đội/ Lại dập dồn như gió khắp rừng khuya”.
Giữa lúc anh đang hào hứng viết cả thơ lẫn kịch, năng suất kỳ lạ, dự định táo bạo, thì tai nạn ập đến. Cuộc đời anh mới 40 năm tuổi đã dừng, sự đóng góp của anh ở thơ, ở kịch đã được đời ghi nhận như một trong các sự kiện nghệ thuật cuối thế kỷ XX.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng viết: “Cảm hứng bi thương về đất nước, nhân dân đã cho Vũ có được những bài thơ hay lay động sâu sắc để lại giá trị lâu dài (Đất nước đàn bầu, Việt Nam ơi, Người cùng tôi, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Sông Hồng, Năm 1954, Khâm Thiên, Hồ sơ mùa hạ 1972...).
Mảng thơ này của Vũ biệt ra một cõi, không ai sánh được. Đó là một đỉnh cao của thơ Việt Nam thời chiến và đỉnh đó mang tên Lưu Quang Vũ lẻ loi và chất ngất.”
Tại nạn của Nhà thơ Lưu Quang Vũ
Theo Wikipedia, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là Nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ. Theo lời kể của họa sĩ Doãn Châu, người đã đi cùng ông trên chuyến xe cuối cùng, thì vụ tai nạn được tóm tắt như sau:
"Chiều 29/8, chiếc xe chở hai gia đình về Hà Nội. Dọc đường đến cầu Lai Vu, xe đỗ, mấy phụ nữ xuống mua một rổ ổi. Lúc đó Mí và Vinh ngồi chơi cờ phía băng ghế bên phải. Ông Châu và Lưu Quang Vũ kẻ nằm người ngồi dưới sàn xe còn Xuân Quỳnh và bà Bích Thu ngồi phía băng ghế đối diện. Xe qua cầu Phú Lương, đi trên đường vừa hẹp vừa xuống dốc. Trước mặt có chiếc xe Kamaz đang đi chầm chậm. Đường dốc nên xe nào qua đây cũng phải thận trọng.
Bất chợt, có hai phụ nữ đội nón đèo nhau trên xe đạp, lao từ đê xuống đường, cắt qua mặt xe Kamaz, chiếc xe này phanh khựng lại. Người lái chiếc xe com-măng-ca đang bám sau định đánh tay lái vượt lên. Và chỉ trong tích tắc ấy, một chiếc xe ben phía sau đã mất phanh đâm sầm vào đuôi chiếc com-măng-ca, đẩy xe này vào gầm xe Kamaz phía trước. Cả gia đình Lưu Quang Vũ ngồi phía bên phải bị văng xuống đường.
Ông Châu xác nhận đó là khoảng 14h40 phút ngày 29/8/1988 (trước đây nhiều nguồn tin nói là 15h30 phút).Sau khi ông mất, đã có nhiều dư luận xung quanh vụ tai nạn này. Có tin cho rằng ông bị ám sát dưới vỏ bọc một vụ tai nạn ô tô được sắp đặt từ trước.
Một số tác phẩm tiêu biểu
Thơ
- Hương cây (in chung với Bằng Việt, NXB Văn học, 1968)
- Mây trắng của đời tôi (NXB Tác phẩm mới, 1989)
- Bầy ong trong đêm sâu (NXB Hội nhà văn, 1993)
- Lưu Quang Vũ, thơ và đời (NXB Văn hoá thông tin, 1997)
- Gửi tới các anh (NXB Quân đội nhân dân, 1998)
- Những bông hoa không chết (in chung cùng phần Nhật ký, NXB Lao động, 2008)
Văn
- Mùa hè đang đến (truyện, 1983)
- Người kép đóng hổ (truyện, 1984)
- Một vùng mặt trận (truyện vừa)
Kịch
- Hồn Trương Ba da hàng thịt (1981)
- Nàng Sita (1982)
- Người trong cõi nhớ (1982)
- Ngọc Hân công chúa (1984)
- Tôi và chúng ta (1984)
- Người tốt nhà số 5
- Bệnh sĩ (1988)
- Tin ở hoa hồng (1986)
Tiểu luận, phê bình
- Diễn viên và sân khấu (cùng viết với Vương Trí Nhàn và Xuân Quỳnh, 1979)
Nhà thơ Lưu Quang Vũ,Lưu Quang Vũ,Thơ Lưu Quang Vũ
Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (III)
Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa
Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn
Vẫn thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (I)
Người con giai đến phòng em chiều thu
Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (I)
Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà...
Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên (II)