Tác giả Việt Phương - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Việt Phương - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Việt Phương
Tên thật: Việt Phương Trần Quang Huy
Cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Việt Phương
Việt Phương (1928 – 2017) hay Trần Việt Phương là một nhà thơ hiện đại nổi tiếng của Việt Nam. Tập thơ "Cửa mở" của ông, xuất bản vào năm 1970, được đánh giá là một hiện tượng thơ, một sự kiện văn học, một sự kiện xã hội vào thời điểm đó. Sau 2 tuần phát hành, tập thơ đã được bán hơn 5.300 bản. Ông là một viên chức thuộc Văn phòng Chính phủ và được coi là thư ký thâm niên nhất của thủ tướng chính phủ. Ông trải qua 53 năm làm Thư ký riêng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng một số năm đồng thời còn làm Thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Nhà thơ Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, sinh ngày 6 tháng 12 năm 1928, quê ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trần Quang Huy tham gia Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vào năm 1944. Ông từng đậu tú tài thời Pháp thuộc. Từ tháng 9 năm 1945 đến năm 1947, ông Huy là bộ đội Nam tiến tham gia kháng chiến chống Pháp. Kể từ năm 1947 đến năm 2000 là thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong suốt 53 năm với vai trò thư ký của ông Phạm Văn Đồng, từ năm ông 19 tuổi, ông đã theo Phạm Văn Đồng từ vị trí Phó thủ tướng đến Thủ tướng và rồi sau này là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Ông là Thư ký Thủ tướng Chính phủ có thâm niên nhất ở Việt Nam hiện nay. Trong quá trình làm thư ký cho Thủ tướng Đồng, Việt Phương cũng tham gia vào nhóm các cán bộ giúp việc cho Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông đồng thời là thành viên chủ lực của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Năm 1993, Việt Phương về nghỉ hưu theo chính sách khi ông 65 tuổi, tuy nhiên ông vẫn được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định làm Ủy viên thường trực của Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng. Sau khi Tổ chuyên gia tư vấn này được mở rộng ra thành Ban Nghiên cứu đổi mới của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Việt Phương vẫn tiếp tục làm Ủy viên thường trực của Ban này cho đến khi Ban giải thể.
Ông qua đời lúc 8 giờ 50 ngày 6 tháng 5 năm 2017 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, thọ 89 tuổi.
Gia đình
Ông Việt Phương có vợ là bà Trần Tú Lan. Ông bà có hai người con trai là Trần Trung Thực sinh năm 1956 và Trần Quang Huy sinh năm 1960. Ông lấy tên khai sinh của mình đặt luôn tên cho con. Bà Tú Lan sinh năm 1934 là giáo viên, nhiều người nổi tiếng từng là học sinh của bà như Dương Trung Quốc, Chu Hảo...
Ông Trần Trung Thực là Vụ trưởng của Bộ Công Thương. Trước đó ông là tham tán công sứ ở Cộng đồng châu Âu tại Bỉ nhiều năm. Nhà thơ Việt Phương có ba cháu nội, trong đó cháu lớn của ông mang tên ông là Trần Việt Phương
Phong cách sáng tác
Việt Phương thuộc thế hệ nhà thơ hiện đại của Việt Nam. Mặc dù Việt Phương làm thơ và nổi tiếng từ khá lâu, nhưng mãi đến khi ngoài 80 tuổi ông mới làm đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông chọn cho mình dòng thơ suy tưởng để nói về những đề tài lớn như Tổ quốc, Nhân dân, Con người, Chiến tranh, Vũ trụ, Tình yêu…
Nhắc về Việt Phương, không thể không nhắc tới tập thơ "Cửa mở" vang động một thời. Tập thơ "Cửa mở" của ông khi được xuất bản vào năm 1970 đã gây sự chú ý của dư luận do tập thơ có các bài thơ với lối tư duy nhân văn khá mới so với cách nhìn nhận của thời đại lúc bấy giờ. “Cửa mở” được đánh giá là mở thêm một cánh cửa cho thơ Việt trong thập niên lúc ấy.
Các bài thơ trong tập thơ này được nhiều công nhân, nông dân, chiến sĩ, viên chức thời ấy thuộc và biết đến nhiều. Vì lối viết mới, tập thơ bị đánh giá nhiều về tư tưởng. Đã có một cuộc hội thảo với phạm vi hẹp để bàn về "Cửa mở" và tác giả của nó được tổ chức tại Nhà xuất bản Văn học vào ngày 12 tháng 11 năm 1970 do ông Như Phong, Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học, chủ trì. Một cuộc họp khác với sự tham dự của các cán bộ cấp cao trong đó có cả Tổng bí thư Lê Duẩn cũng được tổ chức để đánh giá về tập thơ Cửa mở của Việt Phương.
Nhiều thành phần, nhiều người phê bình chống đối tập thơ rất nhiều ở các khía cạnh. Nhưng sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Lê Duẩn xem qua và không phản đối thì tập thơ đã được "cho qua". Thậm chí nhà thơ Việt Phương còn được chọn trong cuộc bình xét đảng viên xuất sắc nhất của năm để khen thưởng.
Nhắc tới nhà thơ Việt Phương, nhà thơ Trần Quang Quý từng có lời khen ngợi:
"Ông là một ngôi sao sáng trong nền văn học đất nước, là một tiếng nói rất khác giữa vô vàn tiếng nói văn thơ thời bấy giờ. Những tư tưởng mới được lớp trẻ khi ấy rất đón nhận. Cả đến sau này khi soi chiếu lại người ta vẫn thấy được cái uyên thâm trong thơ của ông"
"Dù cho thời điểm hiện tại, cùng với sự mở cửa của đất nước, mọi thứ đã cởi ra hết rồi nhưng nhà thơ Việt Phương vẫn là một trong số ít những nhà thơ dám nói lên sự thật ở những thời điểm mang tính lịch sử. Những điều ông đã nói có tác động mạnh mẽ trong cộng đồng thi ca, kể cả đến những năm tháng cuối đời"
Tác phẩm:
- Cửa mở (NXB Văn học, 1970)
- Cửa đã mở (NXB Thanh niên, 2008)
- Bơ vơ đông đảo (NXB Hội Nhà văn, 2009)
- Cỏ dọc đường trần (NXB Hội Nhà văn, 2010)
Việt Phương,Nhà thơ Việt Phương,Thơ Việt Phương
Gửi người tôi theo mà chưa từng gặp mặt
Người như sự sống mãi sinh sôi
Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương
Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc