Những câu thơ rất khó xuống dòng
Chùm: Những câu thơ rất khó xuống dòng Bài I: SONG HÀNH Tôi nhặt lên niềm vui ai đó bỏ quên bên đường phố, thả vào chiếc cốc cuộc đời. Niềm vui lặn xuống đáy, còn nỗi buồn tràn ra ngoài miệng cốc.
Nội dung bài thơ: Những câu thơ rất khó xuống dòng
Chùm: Những câu thơ rất khó xuống dòng
Tôi nhặt lên niềm vui ai đó bỏ quên bên đường phố, thả vào chiếc cốc cuộc đời. Niềm vui lặn xuống đáy, còn nỗi buồn tràn ra ngoài miệng cốc. Niềm vui vay mượn không hề sủi bọt trong chính đời tôi. Nỗi buồn của ai cứ quấn lấy tôi như máu thịt.
Đêm cô đơn. nỗi buồn bò trên da lưng tê tê những bàn chân nhện. Xoáy vào trong khói thuốc tôi phả qua đình màn. Một nỗi buồn bị cắt thành trăm nỗi buồn. Trăm nỗi buồn bay đi trăm phương để sáng nay màu sương bàng bạc. Để sáng nay, nỗi buồn bám răn reo trên mặt người hành khất; trên đôi nạng gỗ không tiền tân trang màu sơn lở loét; trên mái tóc khô rơm còng queo của em bé bụi đời...
Em bé làng cùi ở AZun Pa (Chư Sê - Gia Lai)
Mắt chưa kịp cười, mắt kia đã khóc. Niềm vui như mụn vá mới mà nỗi buồn như tấm áo cuối đời - luôn song hành cùng tôi.
Bài II: NƠI ẤP TRỨNG *
Trứng Rồng nở ra Rồng! Lũ Rồng con chúng tôi lớn lên trong chiếc tổ cong cong hình chữ S (ét), đầu gối lên núi Bắc, chân gác sóng biển Nam. Chiếc tổ như dáng rồng bay lượn, như dáng hình con sóng, chênh vênh bên nước bên non, chênh vênh nối Trời với Đất.
Lũ Rồng con không vương miện, không lòe loẹt sắc màu, ở với đất có màu nâu bùn đất; ở với rừng nhuốm màu chàm, màu lục; ở với sông có vẩy bạc, vây trong. Trăm năm rắn thành tinh. Ngàn năm Rồng cứ là Rồng, giữa vần vũ mây mưa vẫn mơ màng phun châu nhả ngọc.
Những nhà thông thái nói: "Mọi sinh vật bắt đầu từ nước" (?) Mẹ tôi bảo: "Cá Gáy vượt thác Vũ Môn để hóa ra Rồng!" Tôi đến Vũ Môn, nơi giao thoa giữa trời và Đất, thấy ngọn thác từ chín tầng trời rơi vào trang cổ tích, thấy chín tầng mây chất chồng lẫn vạt ngô non. Có phải cha ông tôi xưa dựng nên đỉnh Giăng Màn cho Cá Gáy hóa Rồng qua màn mây trướng gió? Gió chẳng vô tình, mây không buông thả, cứ hát khúc ngàn năm con cháu Tiên - Rồng...
"Hoàng đế" Bùi Quang Thanh và "Ngũ đại mỹ nhân"
Em nhìn kia: phía ráng đỏ là cuối dòng sông - nơi lát nữa vừng dương sẽ mọc, nơi gặp gỡ của nguồn non mạch nước và con đò đêm chúng mình sẽ cặp bến Long Ngâm.
Long Ngâm, vẫn là những thân rồng xoắn quện vào nhau thành hình hài xứ sở. Đã nghe nồng mặn xóm diêm, xóm chài, gió lay bờ đá, muôn âm thanh hòa tấu tự Thiên Cầm vọng mãi Đèo Ngang. Kỳ vĩ vì thắng cảnh, xúc động bởi chiến công, một dải non xanh nước biếc trập trùng mà hội tụ bao thăng trầm lịch sử. Đứng ở nơi đây em có nghe tiếng đàn trời phả vào trong âm âm sóng gió: tiếng Mười vạn tiền quân cùng Lý Thường Kiệt vượt Đèo Ngang vào Ô, Rí bình Chiêm; Mười vạn hậu quân reo làm an lòng vua Trần và quân dân Đại Việt; Mười vạn trung quân theo voi Nguyễn Huệ đập tan lũ xâm lược kiêu hùng. Đứng ở đây nhìn ra ba phía núi, những vỏ trứng rồng lúp xúp ẩn hiện mây mưa, tôi biết rõ vỏ trứng nào sinh đế, sinh vương, vỏ trứng nào sinh thi nhân, dũng tướng.
Cám ơn Mẹ Âu Cơ khéo khâu chiếc tổ rồng cheo leo trên bán đảo, để khúc ruột miền Trung thành nơi ấp trứng sinh nở anh hào; những đứa con của Long Quân vươn vai đi mở nước không vương miện trên đầu mà rực rỡ trời sao.
Và chính em - những gái cưng của Mẹ, đảm đang, chung thủy, dịu hiền - em chẳng biết mình là vành nôi của bao thế hệ, lời ru ngọt ngào cho đất nước hồi sinh.
Bài III: LAY THỨC
Tình cờ tôi tìm được cuốn lý lịch ông tôi chuột đã gặm bốn bề, nanh vuốt thời gian bập vào quá khứ, từng con chữ long lanh như mảnh thủy tinh vỡ soi vào tôi bằng giọt mắt ngấn sương. Chẳng hiểu vì bận bịu hay vô ý thức mà tôi đánh mất dần những gì còn lại của tổ tiên, đánh mất một thời vinh quang và cay đắng. Để lúc chiêm ngưỡng các tượng đài, lướt qua nhà truyền thống, tôi trầm trồ thán phục như trước các chiến tích siêu nhân. Thì ra lũ chuột thính mũi nhọn răng lại ưa máu thịt cha ông đẫm trong lịch sử...
Trước mặt tôi là Ngày Mai. Sau lưng tôi là Quá Khứ. Tôi đón nhận Ngày Mai dửng dưng. Tôi vĩnh biệt Hôm Qua thờ ơ như người buồn ngủ. Tôi vô tư nuốt những tháng ngày ngắn ngủi tạo hóa ban cho. Ngửa mặt lên trời tu chén rượu. Liếc mắt xuống đất kiếm nụ hoa... Bầu trời đầy mây bông mà tôi không nghĩ được tôi chẳng thể nào so với những chùm mây lơ đãng ấy: mây hợp, mây tan, mây rữa thành mưa bụi nhưng mây vẫn là mây trong vũ trụ xoay vần. Bông hoa nào cũng xinh tươi và mới mẻ, bên cạnh bông đang chuyển nụ còn chỗ của bông hôm qua đã tan vào gió chẳng để lại hình hài. Tôi không được như mây: tái tạo. Tôi không được như hoa: rực rỡ một thời. Tôi là tôi thôi: lu mờ, hờ hững, nhỏ nhoi... nếu sôi động chút nào (có chăng) cũng vì miếng ăn tấm mặc, cũng vì gió lay mưa thức trong xôn xao chợ búa kiếp người.
Tôi là tôi thôi - kẻ mắc nợ trần gian như Chúa Chổm. Nợ bầu trời một ngụm ô xi, nợ cánh đồng một bông lúa chín; nợ mẹ đôi bầu sữa lép với câu đò đưa bên cánh võng ngọt ngào. Tôi nợ giọt mồ hôi trượt qua nếp hằn trên trán bố, nợ cây đa đầu làng chìa râu cho tôi đu võng tuổi thơ. Tôi nợ con sông quê khi vùi tấm thân lấm láp của mình giữa dòng trong vắt, sông gột rửa tôi bằng giọt lòng, gạn những gì tôi bỏ lại, lắng đọng đôi bờ thành dịu ngọt phù sa.
;Tôi là tôi thôi, một sớm giật mình nhìn những mẩu chữ thủy tinh chuột gặm, cuống cuồng chạy đi nhặt nhạnh chắp nối quá khứ tiền nhân, ông cha tôi chứ đâu phải thiên thần; những mẩu chữ xếp vào nhau thành sợi xích kéo tôi ngược dòng thời gian nhưng không lạc vào vườn cổ tích; nơi tôi đến là nơi rất thực và tôi đã tìm ra báu vật của mình.
Lịch sử ông cha, lịch sử xuyên qua nắng - mưa - máu - lửa. Những trang huyền thoại kia truyền từ đời này sang đời nọ là để làm thi vị hóa cuộc trường tồn gian khổ trên dải đất chênh vênh. Lịch sử ông cha tôi có hình dạng tảng băng: một phần nổi, ba phần chìm - kẻ vô tâm chẳng thể nào hiểu được.
Ai dám bảo chín mươi chín đỉnh non Hồng không phải là ẩn số? Ai chưa dám tin Kinh Dương vương từng tọa lạc nơi này? Đàn chim phượng vô tình vỗ cánh hay tôi vô tình để một mắt xích còn lưu lạc nơi đây?
Đừng dùng mũi xà beng cậy vào đá núi mong khơi lên cổ vật ngàn đời. Dưới đám mây ảo mờ Hương Tích, nàng Diệu Thiện ôm nguyệt cầm cất tiếng hát khơi vơi. Nàng kể về giải đất hẹp phơi mình trong gió cát, những người nông dân một nắng hai sương tần tảo nuôi đời; rằng giọt mồ hôi trên hạt thóc, củ khoai cũng mặn không kém gì muối chưng lên từ biển; rằng: chẳng phải ngẫu nhiên mà hạt lúa cũng tự mình hai đầu biết nhọn; rằng: dòng Lam xanh trong bởi có đầu nguồn Ngàn Sâu, Ngàn Phố xanh trong. Cám ơn nàng đã cho ta lẽ sống: cội nguồn.
Nàng kể: từ nền Trang Vương nhìn ra bốn phía, phía nào cũng đầy ắp giai điệu thi - phú - dân ca; lời kẻ sĩ mịn như Hoa Tiên, đẹp như Kiều, nghênh ngang như Uy Viễn; lời phường cấy, phường cày mộc mạc giọng đò đưa; thiết tha câu phường vải, ca trù...
Nàng kể về những chiếc áo tơi xù lông trong nắng hạ, những cặp môi chín trầu thắm đỏ buổi chiều đông cứ xôn xao bốn phía ruộng đồng lời vấn vít yêu đương cùng bao chuyện nhân tình - thế sự...
Cái giàu đang ở tương lai. Cái nghèo chưa thành quá khứ. Những câu ca muôn thuở dăng mắc cõi lòng.
Con không hình dung nổi Mẹ khi dẫn đàn con đạp núi xuống đồng bằng; con chẳng thể hình dung những ngón chân trần lần đầu tiên víu lên mép biển. Mái nhà Đông Trường Sơn thì dốc thế kia, lổn nhổn đá tai mèo trắng lòa mép sóng.
Bàn tay không của người mẹ trẻ, những bàn tay không của đám trai tráng đang khao khát trưởng thành, từ cheo leo làng bản xuống chài lưới định canh, con ốc con cua bữa đầu thay tôm cá.
Ai trong số những người con của Mẹ trở thành thần Khoai, thần Lúa? Ai đóng cối xay? Ai ghép ván lướt thuyền? Mảnh buồm đầu tiên căng gió ra khơi làm bằng vỏ cây hay bằng phên tre nứa?
Cô gái nào là dâu đầu chị cả biết kết nón quai thao, biết đan áo tơi chằm? Điệu hát đầu tiên ru trẻ dưới đồng bằng có na ná câu then câu lượn?
Ai cho con tằm ăn lá dâu thay lá sắn để kén thành tơ, tơ thành lụa, mớ ba mớ bảy dập dìu? Vôi bạc trầu cay đắng chát hạt cau ai ghép chúng nên đôi nên lứa?
Cha độc mộc ngược sông Hồng, sông Mã. Mẹ nhớ thương đâu bến đợi, bến chờ? Bình minh lên sau những gọng vó bè, hoàng hôn rớt cuối lửa nương, khói rẫy.
Cha và Mẹ giã từ hạnh phúc lứa đôi đi tìm miền Đất Hứa, dời núi chuyển non tạo lập đồng bằng. Rất nhiều năm sau người châu Âu rẽ sóng dõi trăng tìm ra châu Mỹ, châu Đại Dương - cũng vẫn từ đam mê chinh phục.
Mẹ là người đàn bà đầu tiên trong cổ tích dựng nước non bằng một bọc trứng Rồng.
Đất nước vững bền tự bốn ngàn năm, ai tạc nổi dáng hình của Mẹ?
Bài thơ Những câu thơ rất khó xuống dòng của tác giả Nhà thơ Bùi Quang Thanh, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Bùi Quang Thanh
Nghệ danh: Bùi Quang Thanh
Tên thật: Bùi Quang Thanh
Xem thêm: Tiểu sử Tiểu sử, cuộc đời, tác phẩm và phong cách sáng tác thơ Bùi Quang Thanh
Nhà thơ Bùi Quang Thanh,Thơ Bùi Quang Thanh
Tản mạn từ Blog Bùi Quang Thanh
Lên Chùa Hương qua đập nhà Đờng
Tiếng nói nhà văn: Tháng bảy mưa ngâu
Nỗi nhớ này cháu phải viết thành thơ
Thơ vui nhân họp báo về dân số
Gửi nghệ sỹ nhiếp ảnh Minh Chiến
Những câu thơ rất khó xuống dòng
Viết nhân sự kiện Trường Sa và an ninh Biển Đông
Bên tượng đài anh hùng Phan Đình Giót
Trái đất này đâu chỉ của hôm nay
Chùm: Những câu thơ rất khó xuống dòng