Tác giả Hồ Chí Minh - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Hồ Chí Minh - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Hồ Chí Minh
Tên thật: Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc
Cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng của Hồ Chí Minh - Nguyễn Sinh Cung
Hồ Chí Minh (chữ Nho: 胡志明; 19 tháng 5 năm 1890 – 2 tháng 9 năm 1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung (chữ Nho: 阮生恭), là một nhà cách mạng và chính khách người Việt Nam.
Ông là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, từng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ 1945 -1969, Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những năm 1945–1955, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1956 - 1960, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951 đến khi qua đời. Ở Việt Nam, ông thường được gọi là Bác Hồ.
Trong quãng thời gian sinh sống và hoạt động trước khi lên nắm quyền, Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều quốc gia và châu lục, ông được cho là đã sử dụng 50 đến 200 bí danh khác nhau. Về mặt tư tưởng chính trị, Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa Marx – Lenin.
Ông là nhà lãnh đạo phong trào độc lập Việt Minh tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ông cũng là người đã soạn thảo, đọc bản Tuyên ngôn độc lập thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và trở thành Chủ tịch nước sau cuộc tổng tuyển cử năm 1946.
Trong giai đoạn diễn ra chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam, Hồ Chí Minh là nhân vật chủ chốt trong hàng ngũ lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Hồ Chí Minh giảm dần hoạt động chính trị vào năm 1965 vì lý do sức khỏe rồi qua đời vào năm 1969. Năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chiến thắng, hai miền Việt Nam được thống nhất, dẫn đến sự ra đời của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm 1976. Thành phố Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh để tôn vinh ông cũng như sự kiện này.
Ngoài hoạt động chính trị, Hồ Chí Minh cũng là nhà văn, nhà thơ và nhà báo với nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Pháp.
Theo gia phả của dòng họ Nguyễn ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An:
"Hoàng sơ tổ khảo là Thái bảo Nguyễn Bá Phụ, tổ đời thứ 2 là Nguyễn Bá Bạc, tổ đời thứ 3 là Nguyễn Bá Ban, tổ đời thứ 4 là Nguyễn Văn Dân,... tổ đời thứ 5, Nguyễn Sinh Vật là Giám sinh đời Lê Thánh Đức (tức Lê Thần Tông) năm thứ 3..., tổ đời thứ 6 là Nguyễn Sinh Tài đỗ Hiếu sinh khi 17 tuổi, năm 34 tuổi đỗ Tam trường khoa thi Hội..., tổ đời thứ 10 là Nguyễn Sinh Nhậm". Cả bốn đời đầu tiên của dòng họ đều chưa lấy đệm là "Sinh" và không rõ năm sinh, năm mất.
Theo nhiều tài liệu chính thống cũng như tiểu sử tại Việt Nam, tên lúc nhỏ của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Cung (giọng địa phương phát âm là Côông). Tuy nhiên, một số tài liệu ghi nhận tên lúc nhỏ của ông là Nguyễn Sinh Côn.Điều này cũng được chính ông xác nhận bằng chính bút tích của mình trong một bài viết năm 1954.
Quê nội ông là làng Kim Liên (tên Nôm là làng Sen). Nguyễn Sinh Cung được sinh ra ở quê ngoại là làng Hoàng Trù (tên Nôm là làng Chùa (Hoàng Trù), nằm cách làng Sen khoảng 2 km) và sống ở đây cho đến năm 1895. Hai làng này vốn cùng nằm trong xã Chung Cự, thuộc tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn. Quê nội của ông, làng Kim Liên là một làng quê nghèo khó.
Phần lớn dân chúng không có ruộng, phải làm thuê cấy rẽ, mặc quần ít, đóng khố nhiều, bởi thế nên làng này còn có tên là làng Đai Khố. Vào đời ông, phần lớn dòng họ của ông đều cơ hàn, kiếm sống bằng nghề làm thuê, và cũng có người tham gia các hoạt động chống Pháp.
Thân phụ của Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng và từng làm việc cho triều Nguyễn, nhưng bị cách chức vì có tinh thần yêu nước thương dân, ông thường có thái độ chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp.
Thân mẫu cụ bà Hoàng Thị Loan là con gái một nhà Nho làm nghề dạy học nên cũng được học ít nhiều, bà tính tình hiền hậu, đảm đang, quen việc đồng áng, dệt vải, hết lòng săn sóc chồng, dạy dỗ các con. Chị của Người là Nguyễn Thị Thanh và anh là Nguyễn Sinh Khiêm đều vào tù ra tội nhiều lần vì có tham gia chống thực dân Pháp.
Hồ Chí Minh rất khâm phục cuộc khởi nghĩa Cần Vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885-1896), phong trào Đông Du của Phan Bội Châu (1904-1908), Cuộc vận động cải cách do Phan Chu Trinh khởi xướng (1905-1908), Cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám đứng đầu (1885-1913).
Nhưng vượt qua những hạn chế của các nhà yêu nước đi trước, năm 1911 Người quyết định vượt biển sang phương Tây, quê hương của những cuộc cách mạng dân chủ, nơi có nền khoa học và kỹ thuật phát triển để thực hiện mục đích là dành độc lập, tự do. Trước khi xuất dương tìm đường cứu nước Người đã có thời gian học tại các trường học tại Vinh, Huế nên có điều kiện chủ động và nhanh chóng hoà nhập vào xã hội phương Tây.
Người nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác Lênin khi hoạt động trên đất Pháp. Chính vào lúc phong trào cách mạng Pháp đang dâng cao dưới ảnh hưởng tốt đẹp của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) và thông qua những đại biểu của những người cùng khổ nhất của nước Pháp, Người đã bắt gặp chân lý cứu nước là chủ nghĩa Mác Lênin. Từ đến với chủ nghĩa Mác Lênin, trở thành người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam và là một trong số những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp (1920).
Từ năm 1921 đến 1930, với những hoạt động phong phú và sáng tạo ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc... vừa ra sức học tập nâng cao trình độ lý luận cách mạng vừa tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp và của Quốc tế cộng sản, viết sách, báo, mở lớp huấn luyện đào tạo, truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam một cách hệ thống...
Từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3 tháng Hai 1930) trong những năm tiếp theo, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động cách mạng, có thời gian bị bắt và tù đày trong nhà lao đế quốc Anh ở Hồng Kông (1931-1932), Hồ Chí Minh vẫn theo dõi sát sao phong trào cách mạng trong nước, kịp thời đóng góp với Trung ương Đảng ở trong nước nhiều ý kiến cụ thể để chỉ đạo tốt đường lối của Đảng.
Ngày 8 tháng Hai 1941, Người trở về Tổ quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp vào tháng Năm 1941.
Tháng Tám 1942 với tên gọi mới là Hồ Chí Minh, Người sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam bên đó và lực lượng của Đồng minh. Vừa qua biên giới, Người đã bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam hơn một năm, qua gần 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Thời gian Người đã viết tập thơ Ngục trung nhật ký, một tác phẩm lịch sử và văn học được đánh giá cao.
Người đã vận dụng thành công học thuyết Mác Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam đưa tới thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945 có ý nghĩa lịch sử và có tính chất thời đại mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Sau ngày Tuyên ngôn độc lập (ngày 2 tháng Chín 1945) tình hình đất nước vô cùng khó khăn, vì giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng do Hồ Chí Minh đứng đầu, nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội (1954).
Sau giải phóng miền Bắc, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân hai miền Nam, Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.
Hồ Chí Minh là linh hồn của hai cuộc kháng chiến cứu nước, Người chủ trương tiến hành chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mạnh chính nghĩa và truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh thắng bọn xâm lược.
Tại Việt Nam, hình ảnh Hồ Chí Minh phổ biến khắp nơi như là một tấm gương sáng về đạo đức, một nhân cách cao thượng và được coi là một hình mẫu cần học tập. Những tác phẩm nói về Hồ Chí Minh thường ca ngợi những đức tính tốt đẹp của ông.
Các cấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, lối sống của Hồ Chí Minh. Mỗi năm, chính quyền và Đảng bộ đều tổ chức các cuộc thi Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho nội bộ lẫn quần chúng.
Ngoài những phát biểu của chính Hồ Chí Minh và hình vẽ, hình chụp của ông, có nhiều câu nói và khẩu hiệu tuyên truyền lấy cảm hứng từ Hồ Chí Minh, có thể đọc thấy ở mọi nơi, đó là:
- Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại!
- Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta!
- Vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, sẵn sàng!
Sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam di sản văn học có giá trị, gắn liền với tiến trình phát triển của cách mạng và đời sống tinh thần của dân tộc.
Sinh thời, Bác Hồ không hề có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương và Người cũng không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ hay nghệ sỹ mặc dù Bác rất yêu văn thơ và cũng rất đỗi tài hoa.
Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, với lòng yêu nước cháy bỏng, Bác đã quyết tâm tìm đường giải phóng dân tộc và trên con đường hoạt động cách mạng đầy gian khổ ấy, Người nhận ra rằng, văn chương cũng có thể là vũ khí đấu tranh cách mạng. Vì vậy, Người đã dùng văn chương như một vũ khí để phục vụ cách mạng và đã trở thành nhà văn, nhà thơ lớn ngoài ý muốn của mình.
Quan điểm sáng tác nghệ thuật của Bác cũng rất đặc biệt. Người xem văn nghệ là vũ khí, nghệ sĩ là chiến sĩ vì văn chương phải phục vụ cách mạng, phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống lại cái ác, cái bất công ngang trái.
Bác Hồ cũng đặc biệt chú ý đến đối tượng thưởng thức và tiếp nhận văn chương. Văn chương trong thời đại cách mạng phải coi quảng đại quần chúng là đối tượng phục vụ. Người quan tâm đến quảng đại quần chúng vì Người cho rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Văn thơ của Bác nhằm vận động tuyên truyền quần chúng làm cách mạng và Người đã nêu lên một kinh nghiệm chung cho các văn nghệ sĩ, người cầm bút phải xác định rõ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Và viết cái gì? Viết như thế nào? và đó chính là ý thức, là trách nhiệm của người cầm bút.
Theo Bác, văn chương phải phản ánh chân thực và hùng hồn cuộc sống và hiện thực cách mạng, chú ý noi gương người tốt việc tốt và uốn nắn phê bình cái xấu. Nhà văn cũng phải chú ý đến hình thức biểu hiện, tránh lối viết cầu kì, xa lạ, nặng nề, hình thức của tác phẩm phải hấp dẫn, ngôn từ chọn lọc, bảo đảm sự trong sáng của tiếng Việt.
Sự nghiệp sáng tác văn học của Bác in đậm dấu ấn ở 3 thể loại: văn chính luận, truyện và kí, thơ ca.
Các tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh
- Tuyên ngôn Độc lập. Trong các tác phẩm của ông, có thể nói bản Tuyên ngôn Độc lập do ông biên soạn là có tiếng vang nhất và được sánh vai cùng các bản Tuyên ngôn Độc lập trong lịch sử Việt Nam như Bài thơ Thần Nam quốc Sơn hà và Bình Ngô đại cáo.
- Bản án chế độ thực dân Pháp (1925).
- Đường kách mệnh (1927).
- Con rồng tre (1922, kịch, đả kích vua Khải Định).[245]
- Các truyện ngắn: Pari (1922, Nhân đạo), Lời than vãn của bà Trưng trắc (1922, Nhân đạo), Con người biết mùi hun khói (1922, Nhân đạo), Vi hành (1923, Nhân đạo), Đoàn kết giai cấp (1924, Người cùng khổ), Con rùa (1925, Người cùng khổ), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925, Người cùng khổ).[246]
- Nhật ký trong tù (1942, thơ).
- Sửa đổi lối làm việc (1947).
- Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (bút danh Trần Dân Tiên[247][248][249][250])
- Vừa đi đường vừa kể chuyện (bút danh T. Lan[251][252]). Trong cuốn sách này, Hồ Chí Minh hóa thân thành một cán bộ trong đoàn tùy tùng (T. Lan), đi công tác cùng với Hồ Chí Minh trong rừng núi Việt Bắc và được Hồ Chí Minh vui miệng kể cho nghe nhiều chuyện.
- Di chúc Hồ Chí Minh
Tác giả Hồ Chí Minh,Thơ Hồ Chí Minh,Nguyễn Tất Thành,Nguyễn Sinh Cung,Nguyễn Ái Quốc
Thơ chúc Tết năm 1949 (Kỷ Sửu)
Đề Tống gia tướng quân miếu thi
Hoa nghênh thanh niên học quân sự
Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo
Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên
Thơ chúc Tết năm 1952 (Nhâm Thìn)
Tặng công an nhân dân vũ trang
Cảnh báo (Thập nhất nguyệt thập nhị nhật)
Xuân tiết tặng tửu cấp Trung Quốc cố vấn đoàn
Thơ vợ gửi chồng đi làm cách mạng
Thơ chúc Tết năm 1944 (Giáp Thân)
Thơ chúc Tết năm 1953 (Quý Tị) bài 1
Thơ chúc Tết năm 1945 (Ất Dậu)
Song thập nhật giải vãng Thiên Bảo
Thơ chúc Tết năm 1963 (Quý Mão)
Việt hữu tao động (Ung báo, Xích đạo tấn 14-11)