Thơ bổ sung
I Sau hai mươi năm trời nay mới có phong thư Người nhận khóc, người đưa thư cũng khóc Thư vui đoàn viên sao lại khóc oà Trang giấy nhỏ, nửa đời chia cắt Nguyễn Thái Bình hỏi Ních-xơn: Nếu tôi cưa ông ra làm hai nửa Nửa trên là A, nửa dưới là B, ông
Nội dung bài thơ: Thơ bổ sung
I
Sau hai mươi năm trời nay mới có phong thư
Người nhận khóc, người đưa thư cũng khóc
Thư vui đoàn viên sao lại khóc oà
Trang giấy nhỏ, nửa đời chia cắt
Nguyễn Thái Bình hỏi Ních-xơn: Nếu tôi cưa ông ra làm hai nửa
Nửa trên là A, nửa dưới là B, ông nghĩ thế nào?
Chúng nó bổ Tổ quốc mình như bổ quả
Núi sông lành chỗ cắt vẫn còn đau!
Nhát chém đầu tiên đâu chỉ ở sông Bến Hải
Chính máu thịt này nó muốn chia hai
Lịch sử Hoa Kỳ từ một cuộc di cư mà chúng thoát thai
Chúng lấy đấy làm mẫu hình nhân loại.
Chúng muốn xé tâm hồn ta thành ra hai người lạ
Xé thân thể ta thành hai phần không nhận mặt nhau
Xé Tổ quốc thành hai nòi giống khác
Hai mảng quê hương cách biệt hai đầu.
Đế quốc lắm bom đạn, tàu bè, chước hiểm mưu sâu
Em giẫy giụa làm sao trong lưỡi búa
Nào ai trách lỗi gì em năm đó
Khi giặc lùa mẹ và em theo chúng xuống tàu
Vì một miếng ăn ngặt nghèo con người phải đi xa
Từ đấy ít dần mặt người, thêm nhiều mặt giặc
Người đi Nam sao ngôi sao họ hàng đêm vẫn mọc về phương Bắc
Ngoái lại trăm phen, vắng một tin nhà!
Ở xứ chim không di cư, người phải di cư
Lưu vong chính trên mình Tổ quốc
Thôi đã sa chân thì đành nhắm mắt
Mười hai bến nước rồi, khó tránh bùn nhơ
Rồi anh lìa em giữa trại tập trung
Con cách mẹ qua vùng tị nạn
Dây thép gai vây bủa trăm vòng
Cuộc chiến mở ra bằng di cư và khép lại bằng di tản
Chúng nó ở cách máu xương ta vạn nghìn cây số
Đế quốc Mỹ - cái tên kịch tác gia bạo chúa khổng lồ
Màn cuối cùng còn bắt dân ta đem đời mình đóng nghìn vai của nó
Đau sóng nước muôn phương thân vạc thân cò
Ôi! Giữa ngày đất nước đại đoàn viên, sao vẫn có hồn ma vô Tổ quốc
Biết bao thịt xương trôi theo sóng vật vờ
Sóng trăm đảo xin đừng vùi dập
Họ đã sống một đời di tản di cư.
II
Rồi ra bọn giết người có tồn tại mãi không?
- Cái đó phải chờ lịch sử
Rồi ra lịch sử thế nào?
Thôi đừng hỏi nữa
Hoặc hãy biến mình ra chất nổ
Hay tặc lưỡi cúi đầu mà sống yên thân
Lịch sử đến kia rồi! Thời gian đã đến
Quỷ ma tan trong đại bác ta gầm
Tan rồi cái thế giới dày đặc dây thép gai và máy chém
Súng Mỹ nhiều hơn cả số dân đông
Tan rồi cả thế giới giữa người chúng ta, Mỹ tạo ra một giống săn người
Hình chúng méo rồi, đâu còn giống hình mẹ đẻ trong nôi
Chúng nó giết, chúng mới là chúng nó
Không giết chúng buồn, giết được chúng vui
Không giết, chúng cô đơn, khổ sở
Chúng từng dẫm chân lên xác chiến sĩ ta, chụp ảnh và cười
Chúng giết cả gái đồng trinh hoa sen và nhà sư hoa huệ
Máu tăng ni đổ trước Phật đài
Giết không cần che mặt, nguỵ trang, tội ác thích trần truồng loã thế
Chúng khoe giết chóc vênh vang như cô gái khoe đùi
Đế quốc Mỹ thiếu gì ti vi báo chí
Tội ác nghiêng mình xuống hàng trăm vũng máu mà soi
Tan rồi cái thế giới đạo đức giả vả giết người rất thực
Xúp bát nháo trăm danh từ và nhiều quá văn chương
Băm Tổ quốc ra thành trăm nhát
Rồi còn gọi là “mẹ hiền” với lại “tình thương”!
Lựu đạn cay tình thương, cuộc vây giáp tình thương
Chiêu hồi, chiêu an, bình định phượng hoàng
Chúng gọi giặc là “anh hùng”, anh hùng là “giặc”
Đánh tráo Hùng Vương, đổi vào đó là Trần Ích Tắc
Mộ tổ chôn xương cốt Huê Kỳ rồi gọi “Việt Nam”
Khi cần đến, Thiệu kêu “Tổ quốc”
Máu xương của nhân dân là tài sản chúng ở ngân hàng
Tổ quốc ấy khi không cần, chúng vứt
Miễn va-li phồng căng vàng thoi và đầy ắp hột xoàn
Tan rồi cái thế giới những tướng lĩnh áo quần thơm tho, danh hiệu tốt lành
Tác chiến thất và gậy chỉ huy mun nạm bạc
Béo nhờ máu chiến trường và màu mỡ chiến tranh
Trên xương máu lính xây từng từng cao ốc
Bao lính thuỷ đã chết lụt năm xưa nhờ có ngài đô đốc
Tàu hải quân ngài bận dùng buôn gạo lậu cho bà!
Còn tướng này buôn bài cào và dầu thơm nhức óc
Tất cả lính chết trận của ngài đều từng chơi bài cào và xức dầu thơm
của chủ nghĩa quốc gia!
Tan rồi cái thế giới mà con gái mười bốn, mười lăm bị hiếp chết trên tay lính Mỹ
Đi mọc và tàn như pháo sáng ban đêm
Chúng vào viện cô nhi hiếp cả bà xơ, các dì, các chị
Hoang dâm ngay tại chỗ ngồi thiền
Đô-la giấy, đô-la vàng, đô-la xanh, đô-la đỏ...
Tan rồi cái thế giới đô-la bán và mua tất cả
Đồng đô-la từ lầu cao gieo xuống đời ta một tiếng cộc cằn
Thì phải bán mình trăm cô Kiều, nghìn vạn cô Vân
Hiên Lâm Thuý thành lầu xanh đĩ thoã
Ai hôm nay đi giữa Sài Gòn rực rỡ cờ hoa
Chớ quên cái thế giới các hoà thượng tự thiêu nồng mùi thịt khét
Đã không thể giết người với bọn giết người thì tự giết
Khói thịt người làm mắt ta cay hơn khói đốt nhà
Tan rồi cái thế giới nhiều ma tuý, quạt cờ, mặt nạ
Nhiều chuồng cọp, chuồng người, nhiều trại tập trung
Không là chim mà người cũng bị vặt sạch lông
Nghìn dao thớt chém vi vảy người như chém cá
Cái thế giới loa thành cái xoắn ốc mê cung
Đặt trăm cửa, quaan thù thu trăm ván cả
Muốn trốn ra ư? lại lộn vào tròng
Cái thế giới đầy lợm oẹ, điên cuồng nôn mửa
Ta đã quét nó rồi, bằng giông bão tiến công
Ta đã quét nó rồi bằng chổi lửa
Nhưng có thực là cái thế giới này từng có nó hay không?
Hay chỉ là ác mộng thôi, nhân dân ta nằm mê thấy nó?
Cái cơn mơ rằn ri, vện vằn loang lổ
Biến tan rồi khi mọc dậy vừng đông.
Bây giờ tôi đi giữa phố phường người con gái nào cũng là em của Nhất Chi Mai
Người con trai nào cũng có tâm hồn và áo trắng tinh của Trỗi
Trời thanh lọc và đất vừa qua cơn cứu rỗi
Sách viết lại trang đầu. Sự sống mới tinh khôi
III
Đồng chí ấy chỉ cho tôi cây lim anh dẫn nửa đường rồi Đảng bảo anh đi đánh Nhật
Đánh Pháp tạt qua nhà, nó nằm nguyên chưa mục ở ngoài sân
Thằng Mỹ xong, khúc lim còn trơ lại đấy, chả ai vần
Thời gian ấy đã mục và tàn ba đế quốc
Anh ba mươi tuổi Đảng trên đầu, tóc mới hoa râm,
Những kẻ thù chúng ta, cha ông không lường được bao giờ
Một cuộc chiến tranh, hai cuộc chiến tranh, chứ đến mười cuộc chiến tranh chưa thoả lòng chúng nó
Đế quốc Mỹ nuốt nước bọt thèm thuồng các chiến trường lâu đời máu cũ chưa khô
Lại sục sạo đánh hơi tìm các chiến trường mới máu còn tanh trên ngon cỏ
Vạn quả đại bác gầm chỉ để giết một mầm tơ
Mà chúng cũng đưa cả một đất nước một giống nòi vào lò thiêu đồ sộ
Đấy ba mươi năm trời là ba mươi năm như thế đó
Đâu phải cái thời gian tuần tự mặt trời lên, mặt trăng lặn ở trong thơ
Ta khinh thường đạn bom mà kinh sợ thời gian
Một phút vô cùng, ba mươi năm sao thoáng chốc
Học xong lớp triết bảy ngày, anh mười năm đi đánh giặc
Năm đêm ngủ nhà mình và ba vạn sáu nghìn ngày ngủ ở nhà dân!
Ba mươi năm toàn dân tộc phải xa nhà
Người lính ấy sao về quê thăm mẹ được
Giữa mẹ con ta có trăm núi sông và vạn nghìn quân xâm lược
Đánh giặc gần, thương nhớ chỉ thêm xa
Tôi đã đi dọc Trường Sơn. Nhiều năm liền người lính thiếu ăn
Chính uỷ Tam Anh đầu mùa tóc xanh cuối mùa tóc bạc
Thực đơn là món thực, củ mài, củ bầu, cháo măng
Ôi ánh điện Sài Gòn làm tôi dưng nước mắt
Chúng ta có trăm cách, trăm đường để mà yêu Tổ quốc
Bằng tìm hạt giống, dựng một kì đài hay tạc một câu văn...
Các anh chon con đường gian khổ nhất
Tình yêu lớn phải trả bằng giá đắt
Dù đấy là sinh mạng mình, đâu có phân vân
Đêm chiến thắng tưng bừng, hỡi ngưòi lính xoè hoa trên sạp
Khỏi sân khấu này đi, thì xoè hoa là xoè ở trong bùn
Hay trên đồi trọc vô danh ở đấy không có cờ và hoa ngũ sắc
Không có các danh từ âm vang, chỉ có tình Đảng và lòn yêu Tổ quốc
Chỉ có bom thù và sốt rét đến từng cơn.
Năm mươi lăm ngày ta đánh tan triệu rưỡi quân dạy nuôi
bởi tên đế quốc siêu cường
Chưa đủ thời giờ cho nụ thành hoa, hoa đi đến quả
(Chưa đủ khoanh trong ruột gỗ một vòng tròn)
Nhưng chính là phải đi qua ba mươi năm trên chiến trường như thế đó
Nghìn trận thắng có trận thua góp lửa
Phải đâu ngọn cờ nào cũng cắm ở Ngọ Môn
Ôi, khi thương vong rút lui cho lực lượng bảo toàn
Khi xây rồi vỡ, vỡ rồi xây từng cơ sở
Khi ba quả lựu đạn trong tay hai câm còn một nổ
Khi đốt đồn mà quên diêm mà đốt cả rơm
Những dại dột, trứng nước ngây thơ ban đầu ta chẳng quên ơn
Tất cả đã là máu lót đường đi cho lịch sử
Chủ nghĩa Mác không biết những ngọn cờ chiến thắng sực mùi long não
và gấp nếp nằm im trong tủ
Chính qua nghìn tăm tối bão giông mà ngôi sao ta đến chói rọi Sài Gòn
IV
Nhân dân khó hiểu hay là dễ hiểu
Có lúc ngày có lúc lại là đêm
Trong sóng thoái trào, bể vẫncó bao kỳ diệu
Cái đại dương ấy ai tin thì hiểu
Và phải tận cùng yêu thì mới vững lòng tin
Miền Nam năm đau thương thường có lắm người điên
Cầm hoa hay không đến hát ngao ở chợ
Chị ấy hát tình yêu nhí nhố
Rồi nửa chừng bổng đứng hô: “Nghiêm!
Nghiêm! Chào cờ, chào! Tao chào cái ông sao vàng bị giết!”
Bon quân cảnh lôi xác chịo về đâu ai biết.
Nước khoả cuộc đời người ta lãng quên.
Chẳng ai quên. Cái ông sao tiềm thức
Cái lương tâm hằng đêm lại mọc
Tiếng hô: “Nghiêm!” thầm thì...
Bỗng hôm nay sao cách mạng hiện về
Toàn sông núi hô: “Nghiêm!” dõng dạc
Người ta hỏi: “Mộ con con gái ấy ở đâu?”
“Chị ấy điên vờ hay điên thật?”
Lật trang sách bên này, nhớ giọt máu phía bên kia
Miền Nam
Những đám cưới vội vàng
Cô dâu chú rể chưa nhìn nhau rõ mặt
Bên đường đã vội chia tan
Nhân dân miền Nam ở với cách mạng như vợ ở với chồng chưa ấm gối
Ngọn cờ ấy mới chào một buổi
Sao vàng kia trông thấy vài giây
Chưa tròn tiếng hô “Nghiêm” thì giặc tới
Ảnh Bác Hồ chúng cướp trên tay
Nô lệ trăm năm mới vài tuần độc lập
Trời xanh ấy ngẩng nhìn chưa thoả mắt
Đã lại một phần ba thế kỷ rơi vào nanh vuốt giặc
Đem xương máu ba mươi năm chung thuỷ với một ngày
Nhân dân không có thanh gươm vung một cái đến trời mây
Nhưng họ gánh lịch sử đến nghìn lần lớn hơn đời họ
Những bà mẹ đêm đêm dào hầm nuôi cán bộ
Đào từ buôit trung niên nay tóc bạc phơ đầu
Người chèo xuồng cày ruộng vùng sâu
Đem xương máu giữ đường dây không phút đứt
Ngã hết vợ rồi con, thằng đầu đứa út
Người chị bên sông ám hiệu đónta về
Bằng ngọn đèn buồng đẻ giữa chừng khuya
Nhớ năm ta ăn nhạt nằm bờ chịu đói
Nhân dân như Bụt hiện về cho ta hạt muối
Hạt muối đậm ân tình, dần nếm dám đâu ăn!
Ôi, hôm nay đến được Sài Gòn là đã đi trên đường xương máu của nhân dân
Không lối ấy, còn lối nào để tới
Giặc tra tấn, dày vò dân vì ngọn cờ sao đã thấy
Giặc thiêu đốt, đâm giã giần sàng dân vì gọt máu hồng chung thuỷ ba mươi năm
Cái mác thấm máu ư? ở đây cái khiên còn thấm máu bao lần
Từ Bến Tre, từ tết Mậu Thân
Từ những đầu tóc, những rừng dừa đồng khởi
Nhân dân ta trăm lần vót nhọn ngọn tầm vông
Bị dìm xuống dữ dội, vùng lên càng dữ dội
Nổi dậy và tiến công
Tiến công và nổi dậy
Nơi có chỉ đạo vùng lên. Chưa chỉ đạo cũng vùng lên
Cờ lãnh đạo là lời Di chúc ấy
Và giọt máu hồng ẩn náu ở trong tim
Giọt máu hồng mai phục
Giọt máu hồng nhẫn nhục
Giọt máu hồng không quên
Và súng ống, gậy dây, trống ỏ đuốc đèn
Nhân dân vây trăm ngả ngàn đồn không cho giặc chạy
Trói gô một tiểu đoàn là năm cô gái
Chiếm kho xăng này là sức của thanh niên
Quận lỵ sáng quân vào, dân chiếm từ đêm
Đoàn di tản ấy sắp xuống tàu, dân gọi lại
Nhân dân như có phép thần, như có phép tiên
Chỉ cờ và loa đã quét sạch cả bốn đồn thù một dải
Nhân dân, cơn bão lớn, chuyển rung thời đại
Nhân dân nguyên tử năng và sức nổ dây chuyền
V
Có một thời cho tất cả
Thời ta đau và thời đã thôi dau
Thời thảm sử và thời hồng sử
Mà thơ vàng chói lọi ở từng câu
Thời các anh hùng ngủ trong bụi đất vô danh
Thời tên tuổi khắc ngời trên vách đá
Những thế hệ mai sau đến đó nghiêng mình
Ba mươi năm đủ cho ruộng biến ra chiến hào
Và chiến hào thành vừon cây trĩu quả
Có chiến trường hồi phục sức non xanh
Như tích cũ châu theo người về hợp phố
Vầng trăng xưa chia cho em một nửa cho anh một nửa
Mà nay các gia đình ráp những mảnh cắt chia cho gương cũ lại lành
Ba mươi năm ta có đủ thời cho tất cả
Cho giọt máu có cơ hội hoàn nguyên lại đỏ
Người đốt mùa xưa cũng được phần gặt hái mùa sau
Con thú ăn thịt người rụng hết răng về ngậm cỏ
Em chớ làm khánh kiệt lòng mình với những lo âu
Vết thương ư? để nó tự thành sẹo mà, chớ có mân mê
Tổ quốc chữa cho ta lành nghìn vết đau bằng màu cờ chiến thắng
Cái đã qua rồi, để nó qua đi
Áo em giặt thì màu hoa lại trắng
Còn những nổi buồn như con ranh con lộn
Chôn xong, hiện về
Cái quá khứ oán thù nhằm vào em bắn lén
Nấp dưới màu hoa che
Những con rắn khoanh tròn nằm im chờ ngóc cổ
Những kỷ niệm thôi miên người như cú vọ
Trong em thầm thì
Bọn đế quốc ra đi còn để lại trăm điều như thế đó
Nó đã vây em trăm đường, chặn em vạn ngõ
Dù tay em có vấy bùn cũng là trong một cơn mê
Nó bắt mỗi gia đình đều chia làm hai nửa
Mỗi viên đạn bắn phía bên này đều dính máu phía bên kia
Giữa anh và em chỉ còn dây thép lgai và nỗi sợ
Nhựa xa cây và cốt nhục chia lìa.
Tình thương của Bác Hồ như bóng mát cây xanh
Toả đến đâu che lòng ta đến đó
Dù em có trăm vết bỏng trong hồn, vết nhơ trên má
Thì tình thương Tổ quốc chữa cho lành
Đất nước cần năm mươi triệu trái tim không sót trái tìm nào
Em cười lên đi, tiếng cười sâu sắc lắm
Như đêm trời cần lấp lánh các tầng cao
Phải biết bao máu xương mới có được một tiếng cười chiến thắng
Em ở lâu trong phố phường khó nhận tiếng chim ca
Chỉ có mùa chiến chinh mùa quét càn của giặc
Bây giờ mặt đất lành nhãn vải ra hoa
Em hãy ra khỏi phòng em hái lấy cái nhành sai quản nhất
Hết thời thở than. Đến thời khí phách
Chưa kịp may cờ ư? Thì như ba co gái sông Hương xé áo may cờ
Tiếng hát trong đời, tiếng reo trong sách
Hãy lấp đi các vực sâu lỗi thơì, các đáy giếng suy tư
Xếp lại các mùa lúa xa dân và những nỗi đau lép hạt
Những sầu tư lắm khói và những trời mây hững hờ
Em sẽ đi cày cấy, trồng gieo, làm thơ, quét rác
Trời ta rộng trời, đất ta rộng đất
Sự sống trăm nơi đòi em có mặt
Em bước lên đi. Đời sẵn đợi chờ
Quân gian ác vẫn chưa lùi. Em chớ nên quên
Mùa xuân mới đến tay em, em gắng giữ
Em ở trong một đất nước mà khẩuphần chia đều cho tất cả
Mỗi hạnh phúc trong đời kia đều dành để cho em
Không còn bóng súng bóng roi nào ngả xuống đời em nữa
Em có quyền cả những hào quang trong lịch sử
Không ai phân biệt người đến tự ban ngày và kẻ đến trong em
Từ nay vây quanh em là cây xanh của nghĩa đồng bào
Suối em uống là tình thương dân tộc
Dẫn em đi là ngọn cờ thiêng mà nhân loại tự hào
Gió nhân ái thổi màu hồng bát ngát
Ngọn cờ đỏ khi mở rộng thì mở đến muôn trùng Tổ quốc
Và khi thu về thu lại một ngôi sao.
Bài thơ Thơ bổ sung của tác giả Nhà thơ Chế Lan Viên - Phan Ngọc Hoan, Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Chế Lan Viên - Phan Ngọc Hoan, Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai
Nghệ danh: Chế Lan Viên
Tên thật: Phan Ngọc Hoan, Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Chế Lan Viên - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Chế Lan Viên, Thơ Chế Lan Viên, Nhà thơ Chế Lan Viên, Tập thơ Hái theo mùa
Đến con trẻ cũng lưu đầy ư, nước Mỹ?
Gửi nhà thơ lớn Chi-lê: Pa-lơ-lô Nê-ru-đa
Pho, tên mẹ mìn của thế kỷ hai mươi