Tác giả Đàm Huy Đông - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Tác giả Đàm Huy Đông - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nghệ danh: Đàm Huy Đông
Tên thật: Hoà Bình Hạ, Hy Giang, Giang Tây
Cuộc đời và sự nghiệp nhà thơ Đàm Huy Đông
Trong các cây bút trên báo Hoa học trò, Đàm Huy Đông có vẻ đa dạng và khá độc đáo. Anh có khá nhiều bút danh, phải kể đến Hoà Bình Hạ, Hy Giang, Giang Tây. Anh sinh ngày 26-10-1976 ở đội 4, Hoà Bình Hạ, Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên. Địa chỉ này hầu như lúc nào cũng xuất hiện dưới các tác phẩm của anh. Thế nên độc giả rất dễ dàng có thể làm quen với tác giả nhờ địa chỉ “trứ danh” này. Hiện tại anh đang là giáo viên dạy toán tại Hưng Yên. Anh đã xuất bản tập truyện ngắn Thời hoa đỏ gồm hầu hết các tác phẩm đã xuất hiện trên báo Hoa học trò.
Năm 2014, lần đầu tiên anh xuất bản tập thơ Miền không có gió.
Phong cách sáng tác
Những năm 90 của thế kỷ XX, người yêu thơ đang độ tuổi ngồi trên ghế giảng đường, ít người không biết đến một Đàm Huy Đông làm thơ tình chân thành, tha thiết, nồng nàn và sâu lắng. Đến mức, các cô cậu sinh viên ngày đó chuyền tay nhau chép lại những vần thơ của anh, như một cách trao gửi và sẻ chia bao nỗi tâm tư không dễ cất thành lời.
Đàm Huy Đông nổi tiếng với những bài thơ trên báo Hoa học trò như: "Mối tình đầu", "Miền trăng", "Đếm tuổi", "Không đề III", "Định nghĩa tình yêu", "Nếu thật buồn em hãy về với biển", "Bài thơ không tên số 8", "Sẽ có một ngày"… từng viết dưới những bút danh như Hòa Bình Hạ, Hy Giang, Giang Tây…
Thơ Đàm Huy Đông là những gì đặc trưng và kết tinh nhất của quan niệm thẩm mỹ và tâm lý lứa tuổi học trò một thời, lãng mạn, nhiều kỷ niệm, buồn nhưng không bi lụy và ghi dấu nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên, những trò chơi, cách xưng hô tuổi học trò.
Những gì kết tinh nhất của thơ Đàm Huy Đông là một thế giới cổ tích dành cho lứa tuổi học trò. Anh đã vận tất cả vốn ngôn ngữ, những kinh nghiệm về trò chơi dân gian, hoặc tâm lý lứa tuổi để kiến tạo nên thế giới cổ tích. Chúng ta có thể thấy lối xưng hô đặc thù học đường và cách ví von hài hước như:
“Tình yêu là gì hở nhỏ
Anh không định nghĩa được đâu
Chỉ biết khi yêu ai cũng
Ngố ngố man man, ấm đầu
Có thể tình yêu là bệnh
Nên người ta gọi "cảm" nhau
Bệnh này ở trong lục phủ
Làm cho gan héo ruột đau”
(Định nghĩa tình yêu).
Tình yêu học trò bao giờ cũng hồn nhiên, trong sáng, có chút e dè nhưng đẹp rạng rỡ khôn nguôi trong ký ức, nó có thể là đơn phương nhưng lại là thứ tình yêu trọn vẹn, không bị vấy màu bởi ham muốn xác thịt hay những toan tính thực dụng, hoặc ám ảnh của những thiết chế xã hội, gia đình. ( Theo Tiến sĩ Phan Tuấn Anh)
Dưới những con chữ đầy ắp vần điệu, một thế giới thu nhỏ trong trang sách được tái hiện, được gọi về đầy cảm xúc. Đặc biệt là những cảm thức về ký ức, về gia đình, về tình cảm đôi lứa với những tâm tư thổn thức chứa đựng sự quan tâm và yêu thương chân thành tác giả biểu đạt qua câu từ mộc mạc, là một điểm sáng giúp anh ghi dấu trong lòng độc giả.
Và em biết chúng mình không thể nào bất tử
Nên em yêu bằng cả cuộc đời mình.
Sau ngần ấy năm trải lòng, những trang thơ của anh vẫn đong đầy sức hút mãnh liệt, được bạn đọc truyền tay nhau và chia sẻ nhiệt tình trên những trang mạng điện tử. Bằng một cách thức rất đặc biệt nào đó, thơ của anh len lỏi vào những góc sâu nhất trong tâm hồn, xoa dịu những thương tổn và mang lại sự hoài niệm chân chất cho mỗi người.
Tôi đếm tuổi mình bằng những tháng năm qua
Tiếng chuông đồng hồ vỡ vụn trên gác xép
Bằng những chuyện chẳng thành thơ năm nào tôi cũng viết
Cho người ấy, cho tôi.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Thời hoa đỏ (tập truyện)
- Hội thi tài mùa hạ (tập truyện cho thiếu nhi)
- Miền không có gió (thơ, 2014)
- Ngày anh không tìm em trong thành phố (thơ, NXB Văn học, 2016)
Giải thưởng:
- Giải thưởng báo Sinh viên Việt Nam – Hoa học trò
- Giải Khuyến khích cuộc thi viết truyện lịch sử do Nhà xuất bản Giáo dục và Hội Sử học Việt Nam tổ chức
- Giải Khuyến khích của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2011
- Giải thưởng Phố Hiến năm 2005
Đàm Huy Đông,Nhà thơ Đàm Huy Đông,Thơ Đàm Huy Đông,Thơ trữ tình hiện đại
Nếu thật buồn em hãy về với biển
Nếu thật buồn em hãy về với biển
Không đề (Ngày xưa ấy, anh từng ghen với gió)
Không đề (Mưa có buồn không, có nhớ em?)
Không đề (Nắng sắp tắt, lộc vừng rơi thảng thốt)