Tre ơi
Lọt lòng mẹ, nằm trong chiếc nôi tre, Ngửa mặt nhìn lên gặp mái nhà tre nứa. Đòn dông, đòn tay song song chạy dọc, rui chèo xui mái lao ngang. Lạt tre non xoắn xuýt chắc bền, để mưa nắng phí ngoài che chở. Tôi nằm ngửa đạp chân trong nôi nhỏ, đôi gó
Nội dung bài thơ: Tre ơi
Lọt lòng mẹ, nằm trong chiếc nôi tre, Ngửa mặt nhìn lên gặp mái nhà tre nứa. Đòn dông, đòn tay song song chạy dọc, rui chèo xui mái lao ngang. Lạt tre non xoắn xuýt chắc bền, để mưa nắng phí ngoài che chở. Tôi nằm ngửa đạp chân trong nôi nhỏ, đôi gót hồng sơ sinh chạm phải nan tre. Mẹ ngồi đưa nôi, lưng dựa cột tre. Và mẹ hát lời ca xanh bóng lá.
Tôi lần đầu ra sân gặp vòm trời cao quá. Cái vòm trời phía sau ngọn tre cong. Đôi chèo bẻo đuôi xoè trên chót vót vòi măng, hót mê mải bài ca tôi đã thuộc. Tôi chợt hiểu bầu trời kia cao được, nhờ ngọn tre chống đỡ bầu trời!
Tuổi thơ tôi quấn quýt với bà tôi. Gậy trúc nhỏ dắt bà sang xóm giềng trò chuyện. Con đường nào chẳng đi dưới bóng tre thương mến. Tôi như mầm măng mới mọc, bà tựa bụi tre già. Cơn gió nồm đột ngột lao qua, những cây tre tì vai nhau cùng hát. Tôi đứng lại bất ngờ trên lối cát, mắt trẻ thơ ngơ ngác nhìn quanh. Bà bảo rằng tre đang hát ru măng, măng lớn được nhờ lời ru ấy. Và mắt tôi nhìn luỹ tre từ ấy, có nỗi cảm thông của con người.
Cha mẹ cần cù cày cấy để nuôi tôi. Tôi tập làm tôi từ bữa ăn bàn tay biết cắm đôi đũa. Đôi đũa tre vót theo hình đòng đòng của lúa, hạt cơm trắng thơm ngoan ngoãn vâng lời. Đất đai phì nhiêu cây trăm thứ tốt tươi, mâm cơm thường xanh rau, thắm quả. Măng luộc, măng sào sắc vàng óng ả. Đôi đũa tre tôi ngồi khắp măng tre!
Có đêm hè tôi lắng tai nghe. Ai thổi sáo giữa bầu trời chót vót. Trời cao thế làm sao mà lên được, nếu ước mơ không mượn cánh diều. Những cánh diều mang hình trăng khuyết, mang dáng con thuyền, như nụ cười giữa mênh mông ấy chẳng có gì làm được ngoài nan tre, phết lên giấy mỏng, mà bao đời ở quê tôi, giấy ấy cũng chỉ làm từ tre nứa mà thôi. Ống sáo để cánh diều mang tiếng hát lên cao cũng tiện như ống tre, ống trúc. Dây đưa diều căng gió mà không đứt cũng được vót từ tre “bánh tẻ” luộc kỹ, vừa nhẹ, vừa bền.
Tuổi lên sáu tôi cắp sách tới trường, ngòi bút lá tre làm quen từng chữ cái. Như thân tre đứng gần nhau, chữ cái ghép nên chữ, nên vần. Tôi đọc chữ trên từng trang giấy mỏng mà thấu bề dày lịch sử cha ông. Đất nước tôi trên bốn ngàn năm, trước tất cả những trang cổ tích. Đất nước dài như đòn gánh tre gánh hai đầu hai thúng thóc, xóm làng mát rượi luỹ tre xanh. Đã bao lần bon xâm lượt tràn sang, gây tang tóc “Trúc rừng Lam Sơn không ghi hết tội’’. Với ý nguyện nhân dân phải giữ yên bờ cõi. Và thế là Thánh Gióng sinh ra. Thánh sinh ra, Thánh nằm trong nôi tre suốt ba năm ròng chứ phải đâu chín tháng. Có phải là thế hơn người sức mạnh, vươn vai ba lần vươn chạm ngọn tre. Ngựa sắt cao dường kia, gậy sắt nạng thế kia. Thánh ngảy lên lưng ngựa sắt và vung cao gậy sắt. lũ giặc dưới chân lúc nhúc. Ngựa phun lửa, người vung gậy diệt bao lâu không hết. Gậy sắt gãy rồi, những Đất nước còn tre. Và như thế là còn vũ khí. Thánh cúi xuống nhổ tre lên, từng bụi. Giặc tan tành với cát bui, tro than.
Bài học vỡ lòng đâu phải dễ quên. khi đất nước triền miên giặc giã. tre với người vất vả, nương nhau mà sống, tựa vào nhau mà chống quân thù. Bao giống tre khác nhau, bọc quanh làng thành làng chiến đấu. Thực dân Pháp trở lại đánh chiếm nước tôi mùa đông năm Bốn sáu: Bác Hồ kêu gọi toàn dân: Ai có súng thì dùng sung, ai có dao thì dùng dao, không có súng, có dao thì dùng gậy gộc mà chiến đấu. Những luỹ tre rưng rừng nỗi bão, gậy gộc lên đường với Vệ quốc quân. Thiếu mũ vải, tre đan thành mũ nan. Cùng trăm loài cây, đất chiến khu, tre kết thành rừng bủa vây quân thù và chở che bộ đội. Để chín năm sau vì một Điện Biên sấm nổi, tre thành sọt, thành bồ theo gồn gánh dân công. Tre nứa kết bờ chở pháo dọc dòng sông, bện thành dây kéo pháo lên dốc núi. Để ngày 7 tháng 5 đồng Mường Thanh cờ bay chói lọi, những lá cờ mọc trên những cán tre!
Pháp chạy rồi, Đất nước vẫn cát chia. Tre cùng chịu nỗi đau hai bờ Bến Hải. Hai bờ tre nhìn nhau chới với, mượn ánh nắng mặt trời cho bóng tời thăm nhau. Và rễ tre âm thầm dưới đất sâu, tìm gặp nhau vươn qua Vĩ tuyến. Rễ cây đi âm thầm như người lính, vào Nam, ra Bắc không nghỉ, không ngừng. Mỹ đổ quân vào nửa nước phía trong, với vũ khí giết người tối tân, hiện đại. Bom đạn ngày ngày như trấu vãi. Tre cháy thành than bên gãy gập thân dừa. Tre tung lên cùng kéo cột mái nhà, tre chảy nhựa bên người chảy máu. Dù đốt trụi cả Trường Sơn, dân tộc này vì miền Nam chiến đấu. tre cùng người vào trận, tre cháy rồi đất lại nhú măng non. Trong lửa đạn, măng thành tre sớm hơn, thẳng vót thành tên, cong uốn thành cánh nỏ. Gốc tre già kết thành kèo che hầm hố, hoặc vót nên nhọn sắ mũi chông.
Những tên lính viễn chinh rời khỏi Việt Nam, về đến nhà rồi, mũi chông tre vẫn còn ám ảnh, Chông với mìn biết làm sao mà tránh, chiêm bao gặp lại hãi hùng.
Bao năm đơn vị tôi ở rừng, Có trận đói rừng không còn củ chụp. có ngày tháng rừng không còn lá bép. Bom đạn địch chắn đường, nước lũ chắn đường. Gạo chỉ đủ nấu cháo cho thương binh và những người sốt rét. Mắc võng nghỉ ngơi rừng tre, rừng trúc, bài hát ca cho đỡ đói lòng. Bỗng một sáng nhìn xuôi mặt đất: Măng ở đâu mọc dậy trùng trùng. Đơn vị truyền tin thấy măng như truyền tin thắng trận. Rừng sôi động với râm ran tiếng lính. Cuốc đào măng củ, dao chặt măng mầm. Măng cao quá tầm tay lính gọi măng rung. Rung cây tre non cho ngọn măng rơi xuống. Lưỡi dao găm sáng loáng bóc măng. Theo tiếng cười, bẹ măng trôi xuống suối. Và thế là, chúng tôi qua cơn đói, từ rừng sâu, hướng về thành phố thắng trận hợp đồng.
Dọc biên giới phía bắc tôi đã sống nhiều năm, quen tiếng nói bản Mông, bản Tày, bản Thái. Quen ống nứa, ống tre dẫn nước từ dòng suối, qua dốc, qua thung, đến tận bếp nhà sàn. Thế mà vẫn có nhiều cô gái vác ống bương, bình minh xuống suối khoả chân và múc nước. Chắc tiếng khèn bè đêm qua làm cô không ngủ được, sáng nay ra mượn suối soi giương
Có một lần tôi được ăn com lam, thứ cơm nấu bằng gạo nếp đổ vào ống tre rồi cho vào bếp nướng. Miếng cơm tròn bốc hơi theo lời mời cô gái, tôi thấm vị ngọt ngào, không hiểu của tre, của bếp, hay của nụ cười kia?
Có chiều tôi mê mải lắng nghe tiếng mõ dẫn đàn trâu về bản. Trâu thì nhiều mà rừng thì rậm, chẳng dễ gì thấy hết trâu đâu. Người ta làm mõ tre buộc vào cổ, mỗi con một cái, những cái mõ to nhỏ, dài ngắn khắc nhau nên phát ra nhiều cung bậc âm thanh, đàn trâu đi như mang theo cả đàn hợp xướng. Anh bạn Tây Nguyên của tôi bảo vệ biên cương phía bắc, mỗi lần nghe tiếng mõ trâu, nghe tiếng khèn, tiếng sáo Mông... là nói say sưa về đàn Tờ rưng, và đàn Clông pút, những thứ đàn ghép bằng ống tre, ống nứa làm âm thanh trong nước suối, mát mẻ ngọn gió rừng.
Có một mùa xuân tôi về ăn tết giữa quê hương. Đại diện của làng gặp tôi đầu tiên không phải là người là chính là bụi tre già gầy guộc. Tôi đứng lại tần ngần bên bụi tre thân thuộc, bụi tre đã đưa tiễn bao đứa con của làng ra đi và ngóng đợi trở về. Đã bao lần thay đổi cây tre, nhưng bụi tre dường như vẫn thế. Lưng trâu lấm bùn đi qua cà vào gốc, cây chẳng nghiêng đi, cứ hướng tới đỉnh trời.
Tôi trở về không kịp gặp bà tôi. Đòn khiêng tre và tình thương gia đình, xóm làng đã đưa bà tôi về nơi an nghỉ. Tôi tìm đến chiếc chõng tre ngày ấy, chiếc chõng tre mòn nhẵn dấu lưng bà. Nước mắt tôi rơi xuống dát tre, hay chính dát tre sẻ chia tình thương sót? Chính vì vậy mà nỗi đau vơi bớt, tre đã ở lại với bà năm tháng tôi xa.
Sự ra đi của những người già, chẳng héo hắt được mùa xuân tươi trẻ. Chặt cây nêu tre cắm lên sân nhà, mọi tai ương, hoạn nạn tránh xa và đón về hạnh phúc, may mắn, mẹ tôi ngồi vo gạo nếp trong chiếc lá vàng ươm. Cô gái bạn học ngày xưa tới thăm ngồi chẻ lạt dang gói bánh. Lạt mềm dẻo và mắt người sóng sánh. Đêm ấy dưới bóng tre chúng tôi đứng bên nhau đón đợi giao thừa...
Tôi chỉ mới một lần đi xa Tổ quốc. Máy bay cất cánh rồi, qua cửa sổ, quay nhìn xuống đất, tìm bóng tre như tìm bóng người thân. Khi máy bay qua biên giới, hình ảnh quê hương cuối cùng đọng lại là ngọn tre cao như cố vẫy theo người. Bỗng bất thần tôi gọi: Tre ơi! Và làn ấy tôi trở về trước hẹn.
Bài thơ Tre ơi của tác giả Nhà thơ Vương Trọng - Vương Đình Trọng, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Vương Trọng - Vương Đình Trọng
Nghệ danh: Vương Trọng
Tên thật: Vương Đình Trọng
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Vương Trọng - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Vương Trọng, Nhà thơ Vương Trọng, Thơ Vương Trọng, Tập thơ Về thôi nàng Vọng Phu
Lời người đào huyệt ở nghĩa trang thành phố
Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc
Tản mạn về những cánh diều giấy
Ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Nói với cô gái trên tờ lịch treo tường