Khúc thứ hai: Những cánh cửa sổ, hồi chuông và buổi sáng
trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ có cánh cửa ngó xuống nỗi lầm than mấy đời chạy giặc những ngôi mộ xới nhanh giấu xác người chết trẻ xác chị, xác anh Nho Quan mồng ba Tết những viên đạn lửa không hận thù những v
Nội dung bài thơ: Khúc thứ hai: Những cánh cửa sổ, hồi chuông và buổi sáng
trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy
ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa ngó xuống nỗi lầm than mấy đời chạy giặc
những ngôi mộ xới nhanh
giấu xác người chết trẻ
xác chị, xác anh
Nho Quan mồng ba Tết
những viên đạn lửa không hận thù
những viên đạn lửa rất khoái trá
tôi chắc người xạ thủ Tây đen, Tây trắng nào đấy
phải sằng sặc cười
lúc thấy viên đạn lửa của họ xuyên suốt thân thể anh tôi
lồ lộ bên bờ ruộng.
nửa đêm
người đem tin
đập gấp rút cả đôi cánh cửa gỗ lim
tiếng thình thịch nện, dội những bộ ngực thoi thóp vùng Tề
mẹ tôi xé chiếc áo dài trắng
quấn lên đầu chúng tôi
chính bà, cũng không quên, chít lấy cho mình
mảnh tang mới
hay khúc lòng bà đứt đoạn, rói, tươi?
mai tôi chết, ai cười? ai khóc rống?
ai đêm nay, tắm gội bến sông này?
trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy
ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa ngó xuống tám mươi lăm năm làm người u ám
tám mươi năm lầm than, nín lặng
tám mươi lăm năm hoạ biếm
nửa đêm tỉnh dậy
đôi mắt goá bụa mẹ tôi không ngấn lệ
trí nhớ tôi có cánh cửa
ngó xuống ngôi nhà tôi đã ở
ngôi nhà ngày một vắng đi những đứa con
ngôi nhà tản cư trở về từ Do Lễ
như miếng thịt trâu thui chỗ đen chỗ xỉn
mẹ tôi ngồi xổm, xoa mãi đôi bàn tay gân xanh
trên xác những con chó bị bắn chết
những con chó hằng vẫy đuôi mừng rỡ mỗi khi bà trở về
chẳng rõ tự trời nào?
(như chúng, tôi cũng chẳng biết)
những con chó có số tuổi lớn hơn tuổi tôi,
cách chi không mừng
khi nhân số gia đình mỗi ngày mỗi giảm
kẻ đi theo Thầy tôi
về bên kia thế giới
đứa đi theo kháng chiến
đứa trở lại Hà Nội
đứa đi Yên Mô, Việt Trì
không ngày về
lúc mẹ tôi còn quá trẻ
và phép lạ chưa từng xảy ra cho ai.
trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy
ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa sổ ngó xuống bước chân ngược xuôi của mẹ tôi
trên lộ trình Hà Nội - Phủ Lý
những đoạn đường bị đắp mô
những đêm bạn hàng phải ngủ trọ
tiếng moọc chê câu vào từng hố mắt đêm đen
tiếng nổ cắc bùm bắn đi niềm tang chế
mẹ tôi bưng mặt
khấn nguyện vong linh thầy tôi
phù hộ cho bà sống
để trở về
nuôi lấy những đứa con côi cút
những đứa con không cha
những đứa con mất anh, mất chị
trí nhớ tôi có nhiều cánh cửa
ngó xuống buổi cơm chiều
bữa cơm có cút rượu trắng
cái cốc sành
mẹ tôi vừa uống vừa kể chuyện ngày... xưa
ngày xưa của bà, ngày thầy tôi chưa mất
bữa cơm nào cũng chấm dứt bằng nước mắt
khi ấy tôi còn quá nhỏ
để hiểu mẹ tôi khóc
vì:
xót thương cảnh côi cút của chúng tôi
nhớ thương chồng
hay công việc làm ăn lỗ lã?
trí nhớ tôi là căn nhà nằm trên đường Phúc Kiến
căn nhà có rất nhiều cửa sổ
có chiếc ngó xuống nỗi bịn rịn của mẹ tôi
khi bà buộc phải gửi chị em chúng tôi ở lại.
đó là lúc chiến tranh đã quay gót trở lại quê tôi
sông Đáy mỗi sớm mai
đã nhiều thêm xác trôi
có xác Ta, trôi gần xác Tây,
có người ta làm gan vớt lên
chôn giùm lấy phước.
bữa cơm nào của gia đình tôi
cũng thoảng mùi thây rữa
trước khi gửi chị em chúng tôi lên Hà Nội
ở với người con dâu khăn tang còn quấn quanh đầu mướt trẻ
mẹ tôi dẹp bớt bàn thờ
bà bảo bầy nhiều bàn thờ mà không khói nhang
chỉ thêm tội vong linh người quá cố
từ đó chỉ còn mẹ tôi
và u già
giữa ba bốn dẫy nhà mênh mông, sụp đổ
những dẫy nhà chỉ còn sự vào, ra bóng hình
kẻ chết.
nếu không có chúng tôi
chắc mẹ tôi cũng đã trở thành một trong những bóng ma
dật dờ đi lại...
trí nhớ tôi là căn nhà đầu phố Huế
căn nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa ngó xuống những giọt lệ tức tưởi, lõng bõng rơi ướt
lòng mẹ tôi
lúc bà kể một người đàn ông ngỏ ý muốn cưới bà làm vợ
mẹ tôi nghĩ
dễ chẳng có xỉ nhục nào lớn lao hơn dành cho vong linh thầy tôi
nơi chín suối
từ đó
mẹ tôi cố tình làm cho mình tiều tuỵ hơn
quanh năm quần thâm đen, áo vá
vấn tóc, chụp khăn
(chít hình mỏ quạ)
mẹ tôi lụp xụp, đôi mắt lụp xụp...
trước bàn thờ chồng con
bà thấy như thể mình thêm có lỗi
không chỉ với chúng tôi
mà luôn người vắng mặt!
những đêm mùa đông Hà Nội
mẹ tôi đốt lò than
gấp đôi tấm chăn bông
đắp hết cho tôi
bà ru tôi ngủ bằng giọng kể thì thầm
(tiếng ru buồn của một người đàn bà Việt Nam goá bụa)
nhiều khi
sực tỉnh
tôi còn nghe bà ru
như ru nỗi lầm than của chính đời bà ghẻ, lạnh.
trí nhớ tôi là căn nhà ở đường Triệu Việt Vương
căn nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa ngó xuống những sợi tóc mẹ tôi bạc trắng
những sợi tóc rớt trên những quả trứng luộc (đã bóc)
những quả trứng luộc mang xuống từ các bàn thờ
những ngày giỗ chồng
những ngày giỗ con
những quả trứng luộc lạnh tanh
không hiểu vì sao tôi rất thích ăn
bao giờ bà cũng để dành cho tôi
cùng tàn hương và mùi nhang khói.
trí nhớ tôi mở những cánh cửa ngó xuống mâm cơm
có miếng giò, miếng chả
có miếng thịt heo, có miếng thịt vịt
những miếng ngon mẹ tôi dùng đũa cời lên
cho con cái gắp trước
phần bà, luôn giành lấy miếng xương, miếng xẩu
phần bà, luôn giành lấy đĩa dưa, đĩa cà, đĩa rau...
những món ăn không đứa con nào muốn đụng đũa
trí nhớ tôi mở những cánh cửa ngó xuống đêm thâu
những đêm Hà Nội, mùa hè, sốt nóng
gió Lào liếm ngọt những chiếc mùng cản muỗi
nhiều khuya tỉnh dậy
tôi thấy mẹ tôi vẫn quạt đều
chiếc quạt nan không hề ngừng lại
tựa điều cần thiết với bà
không phải là chợp mắt giây lát
mà đứa con út của bà ngủ có ngon không?
trí nhớ tôi có những cánh cửa mở vào căn phòng
trên phản gụ mẹ tôi rũ rượi, khóc
lúc các anh, chị tôi hỗn xược với bà
suốt mấy chục năm có mẹ
chưa bao giờ tôi nghe
một nhiếc mắng nào từ nơi mẹ dành cho con cái
chẳng một lời nào khác hơn
sự tủi thân làm chảy những giọt lệ xát muối
hình như mẹ tôi chỉ biết khóc
và kêu gào thầy tôi trở về
chứng giám sự bất mục bất hiếu của chúng tôi
tôi nhớ không ít lần mẹ tôi quơ vội chiếc nón lá
chụp lên đầu. Bưng mặt. Tức tưởi bỏ nhà ra đi
vì lũ con hư đốn.
những lần núp sau cánh cửa
tôi nhìn, khóc theo và oán hận mọi người
oán hận hết thẩy!
trí nhớ tôi là căn phòng ở đường Cát Dài, Hải Phòng
căn nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa ngó xuống buổi sáng
buổi sáng mẹ tôi nhất định không chịu vào Nam
bà không thể bỏ mặc mồ mả chồng con hoang, lạnh
đã xuống tới Hải Phòng, mẹ tôi còn rẫy rụa đòi về
có thể với bà
đời sống đã chẳng còn điều gì đáng kể hơn mồ mả
phải chăng mồ mả chồng, con
đã nối mẹ tôi vào đời sống?
cuối cùng rồi bà cũng phải leo lên chiếc xe jeep nhà binh
chạy thốc bến tầu
khi bà thấy chúng tôi, đồng loạt, khóc rống.
anh tôi hứa nhiều lắm ba năm
sau tổng tuyển cử
anh sẽ đưa bà trở về
với mồ mả.
ba năm, chớp mắt đã trở thành hai mươi năm dạt trôi, mất dấu
không ai có thì giờ (luôn cả mẹ tôi)
nhẩm tính xem đã thêm bao nhiêu buổi chiều
mẹ tôi ngồi lặng lẽ với cút rượu trắng
chiếc cốc sành
giọt lệ khô
và đôi mắt loà nát, mủn thịt, xương chồng, con cõi khác.
trí nhớ tôi là ngôi nhà mặt tiền đường Phan Bội Châu,
Hội An
bước dừng chân di cư thứ nhất
mẹ tôi ngồi ca cẩm về người anh thứ hai của tôi
đột nhiên mất tích
anh bỏ đi không một mảnh giấy
chị Quỳnh tôi kể có nghe anh nói, hoà bình rồi
anh phải trở về Phủ Lý
anh muốn về coi lại phần đất bên dưới miếng gạch chôn nhau của
anh
đó cũng là nơi cả bầy chúng tôi được sinh ra
mà tôi là con út
đứa con chưa bước vào tuổi lên ba thì cha đã mất
những ngày thơ ấu, tôi sống trong bóng râm khổng lồ
của mấy dẫy nhà héo gầy gạch ngói
những bức tường đá cắm đầy miểng chai
gốc hoa giấy cỗi già. những bông hoa bầm đỏ
cây thiên lý bò theo chiều dọc
bức tường thành có những khoảng bị bom khoét loét
bến sông Đáy nêm chật bấp bênh bè mương, bè nứa
bạn hàng nào đó, thả xuôi
mỗi tuần, đoàn phu lực lưỡng tha lên
cứa những gai sắc trên mặt đá xanh
trước khi ném vào chiếc sân sau nhà tôi.
rất nhiều buổi trưa tôi trèo chơi trên những đống gạch ngói
chất cao hơn núi
sau này tôi mới hiểu ra
từ ngày thầy tôi chết
mẹ tôi phát triển nghề buôn bán vật liệu xây cất nhà
cho cả tỉnh
những buổi sáng ngắm nhìn người làm rửa sạch từng cây bương,
cây nứa
những cây bương to ba bốn lần hơn cây tre
vân bóng những sợi gân nâu, vàng óng ánh
những cây bương chỉ soi tỏ một phần mặt tôi
nhưng chúng lại là tất cả cuộc đời
và kỷ niệm gần gũi nhất
vương, sót lại cho mẹ tôi.
trí nhớ tôi là ngôi nhà trông ra bến Bạch Đằng,
Đà Nẵng
ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa ngó xuống nỗi buồn thiu, chảy của mẹ tôi
bất lực nhìn bầy con lớn lên
có phần chậm hơn khoảng cách gia tăng
khi cuộc qua phân đất nước biến bà thành kẻ vô dụng
những biến chuyển nằm ngoài dự tính của một người đàn bà
vốn không quen ngồi yên một chỗ
là thảm kịch không tên
(cũng chẳng được ai biết tới)
vậy mà lần lữa thành hai mươi năm
hơn hai mươi năm
mẹ tôi chỉ còn những chỗ... ngồi, nhắc nhở chồng con
hơn hai mươi năm, bà sống bằng nỗi nhớ mồ mả không người hương
khói
và chờ những bữa cơm
ly rượu thuốc
những đứa cháu thêm
những đứa con bắt đầu vắng mặt...
hai mươi năm ngựa thồ thôi bương bả
hai mươi năm lẫn lộn bóng ma hiện, khuất?
đời phẳng, nhạt giấu niềm vui dưới đáy?
hồn trên cao, xương, thịt vốn ngang tầm?
những ngày cuối cùng trước khi chúng tôi ra đi
mẹ tôi ngồi trong căn nhà đường Trương Minh Giảng
anh tôi kể, 29 tháng Tư
nếu tôi về kịp, chắc mẹ tôi đã đồng ý ra đi
tôi cho đó chỉ là sự tự đánh lừa
cho tâm hồn anh yên ổn
trên hai mươi năm đợi chờ
mẹ tôi chỉ ước mơ ngày
bốc mộ chồng, con.
tôi không nghĩ có một bà mẹ Việt Nam nào
muốn chết ngoài tổ quốc
mười năm nhang khói đi qua
mười năm thêm đè nặng
trên đôi vai muốn chai
bởi gánh đời tử sinh
một ngày tôi nghe tin
mẹ tôi loà trí nhớ!
nhưng liệu bà có loà luôn nỗi nhớ thương con?
trí nhớ tôi là ngôi nhà đường Ranchero Way
ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa sổ ngó xuống dấu chân thứ nhất của mẹ tôi
từ biển Đông bước lại
về với cháu, con.
những khuya khoắt tỉnh dậy
mẹ tôi chỉ băn khoăn một điều:
“cửa giả”
bà sợ chúng tôi quên khoá cửa
trộm lẻn vào lấy gạo, lấy cơm!
hơn hai năm ở đấy
chưa bao giờ mẹ tôi có thể nghĩ rằng bà đã sống ngoài đất nước
hơn hai năm không thật
hơn hai năm: vẫn một quê nhà.
buổi sáng mưa.
buổi sáng Lãm nhận là người nuôi nấng mẹ tôi
để xin giấy xác nhận được hưởng trợ cấp y tế của chính phủ
(buổi sáng mưa. như mưa buổi sáng liệm xác mẹ tôi)
chúng tôi đưa bà vào bệnh viện dành cho người lớn tuổi
lúc bị những cô y tá người Mỹ chạm đụng thân thể
lần đầu tiên tôi đọc được nỗi kinh hoàng
trong đôi mắt mẹ tôi đã tựa những cùi nhãn đục
con gái tôi bật khóc
lúc buộc phải lui ra!
(tôi mong con tôi giữ được xúc động này
lâu chừng tuần lễ!)
buổi tối trở lại
người ta mặc cho mẹ tôi chiếc áo bệnh nhân, xám
mưa tối con đường cụt
mấy cụm hoa multiple colors ngoài hiên nhà thương dập nát
như ai đó vừa đang tâm vò nát
và da mặt mẹ tôi
dường cũng mới bị ai vò nát, như thế.
trí nhớ tôi là ngôi nhà trên đường Imperial Highway
ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa sổ ngó xuống những ống nylon chằng chịt, lồm cồm
bò khắp thân thể mẹ tôi
cái thân thể có tới tám mươi lăm năm ở cùng đất nước.
tám mươi lăm năm làm người Việt Nam chiu chắt.
tám mươi lăm bất biến một mầu da.
tám mươi lăm năm một xác thân
nếu cắt chia thành từng phần rất nhỏ
thì mỗi phần sẽ là một cảnh tượng đất nước thân yêu
từ Nam ra Bắc.
cảnh tượng nào cũng ắp đầy xác chết!
cảnh tượng nào cũng vẫn một tên chung!
bây giờ mẹ tôi nằm đây
nắp quan tài mở rộng
những ống dây nylon đã được rút khỏi mũi, mồm
khỏi cánh tay
khỏi bụng
khỏi ngực
những vết bầm, tím vì băng keo cột giữ những mũi kim truyền
nước biển.
vẫn còn
vẫn còn vết máu ứa hai bên mép
kết quả của những vùng vẫy
đập mặt vào thành giường
vẫn còn tám mươi lăm năm buồn bã một con người
vẫn còn xác lạnh
một xác lạnh căm đang đổi mầu từ vàng sang xám ngoét.
tiếng tụng kinh
trên những khăn tang, mái đầu
cúi xuống. Cúi xuống. Cúi xuống
hồi kinh siêu độ đứt ngang
như tiếng còi xe bên kia lộ hắt lên rồi ngúm tắt
anh tôi chống gậy đi giật lùi
chiếc xe lăn cỗ quan tài lách ra khỏi cửa
buổi sáng tươi mởn. Nắng hát trên những vòm phong úa đỏ
ngôi nhà thờ đối diện nổi hồi chuông vui
lễ cưới bắt đầu
(ngày giờ tốt?)
những tiếng khóc âm âm lăn theo bánh xe cao su
lăn chị tôi ngã xuống
mảnh khăn tang rớt trên nền xi măng soi bóng buổi sáng đẹp
tôi mím môi
me ơi!
những chiếc xe nối đuôi nhau
tựa về thế giới khác
tôi mím môi
Me. Me. Me. Me. Me...
và tự nhắc:
cố mà đừng khóc.
buổi sáng trên lầu hai của căn nhà sơn trắng
ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
có cánh cửa quên không mở ra
(cánh cửa khép kín
từ hôm qua
sau khi nắp hòm đóng lại!)
xác mẹ tôi trên chiếc xe lăn có bánh cao su
xe máu xương Việt Nam chờ ngày tàn rữa
xe Việt Nam, biển có đưa về?
Bài thơ Khúc thứ hai: Những cánh cửa sổ, hồi chuông và buổi sáng của tác giả Nhà thơ Du Tử Lê - Lê Cự Phách, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Du Tử Lê - Lê Cự Phách
Nghệ danh: Du Tử Lê
Tên thật: Lê Cự Phách
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Du Tử Lê - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác
Nhà thơ Du Tử Lê, Thơ Du Tử Lê, Tập thơ Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Gọi âm u lên từng phiến thương tâm
Thơ ở những ngày 23 và những tháng hai
Ân nghĩa nghìn sau vẫn chói loà
Thơ ở dốc biển, gió và vai lạnh
Thấy trăm năm chỉ tựa một đôi giờ
Khúc thứ tư: Chuyến bay muộn ký ức và mẹ ở xa
Mất hay còn chưa hẳn khác nhau đâu
Chết lâu rồi một kẻ dưới tên tôi
Đi với về, cũng một nghĩa như nhau
Mưa hay nắng chỉ là lời nói khác
Sóng một chiều lênh láng cả sinh linh
Đời đóng hoài lên vạn mũi đinh
Nên môi cười đã tựa máu xương riêng
Chẳng có gì là không thể hư hao
Ghi một ngày riêng vết tích riêng
Giữa trưa có kẻ cuồng điên khóc
Lấy ai nhìn tôi nhỏ máu trong thơ
Hạnh phúc cũ sau hai mươi bảy năm gửi huyền châu
Thịt xương tôi đấy xin người nhận
Ở đây bóng tối lên đầy vốc tay
Hồn ẩn mật đã gửi người trước đó
Đôi khi ta quên gọi chính ta về
Tình yêu vàng như một trái chanh
Lịch sử em trong đất nước người
Khúc thứ ba: Những bông hoa birdflower, nắm đất và, sự trở lại
Khúc thứ nhất: Ngôi nhà trắng, chiếc quan tài và những cây phong ở đường Beach