Cá ba đầu
Một sáng sương mù vừa tan, Bên sông thấp thoáng y vàng như hoa. Giáo đoàn đức Phật vừa qua, Bước trầm lẫn tiếng chim ca nội ngoài. Áo tơ pha dải mây dài Như tia nắng mới vương đài sen hương. Thế tôn là ánh triêu dương, Sau ngài là một đông phương chó
Nội dung bài thơ: Cá ba đầu
Một sáng sương mù vừa tan,
Bên sông thấp thoáng y vàng như hoa.
Giáo đoàn đức Phật vừa qua,
Bước trầm lẫn tiếng chim ca nội ngoài.
Áo tơ pha dải mây dài
Như tia nắng mới vương đài sen hương.
Thế tôn là ánh triêu dương,
Sau ngài là một đông phương chói lòa.
Đón ngài mây trắng cồn hoa,
Mừng ngài núi cũng nhạt nhòa sương lam.
Đồng xa gờn gợn lúa vàng,
Trời cao lãng đãng đôi hàng cò bay.
Bãi sông đang họp dân chài,
Chênh vênh đôi cánh buồm dài gió nghiêng.
Lưới tung lấp lánh mây viền,
Như sen lá úp xuống miền nước xuôi.
Bỗng nhiên xúm lại bao người,
Hò reo vang một khoảng trời mênh mông.
Thì ra trong lưới gai hồng
Có con cá nọ vẫy vùng thoát thân.
Loại nào to lớn bội phần,
Khiến thêm cả bọn thương nhân phụ vào.
Bến sông hò hét ồn ào,
Gần trăm người kéo dễ nào đã xong.
Quẩy mình cá nọ ra công,
Quyết tung cho rách lưới hồng phóng ra.
Nhưng vừa trông thấy Phật-đà,
Lạ thay! cá bỗng hiền hòa nằm im.
Ngài dừng chân, đặt tay lên,
Thì cá lại ứa đôi viền lệ trong.
Bấy giờ lần lượt đám đông
Mới dám đến sát để trông cho tường.
Thấy đầu choáng mắt ghê hồn:
Cá đâu có cá dị thường, sợ thay!
Ba đầu sáu mắt rõ đây,
Đầu rắn, đầu hổ, giữa này đầu heo.
Bề dài khoảng chục bơi chèo,
Ngang như thuyền lớn đương neo cạnh bờ.
Thực đây, nào phải chuyện ngờ:
Cá đang vùng vẫy, sao giờ lại yên.
Hẳn rằng Phật có nhân duyên
Khiến nên mắt cá ứa viền lệ kia.
Hiểu lòng dân chúng hiếu kỳ,
Thế tôn mới kể cho nghe việc này:
“Nguyên xưa, nhiều kiếp trước đây,
Phật Ca-diếp xuống cõi này độ sinh.
Khiến cho thế giới thanh bình,
Nhân gian chung hưởng đạo lành yên vui.
Truyền lưu chính pháp trụ đời,
Xa lìa giả tướng nơi nơi thuận hòa.
Đến thời mạt pháp hiện ra
Lắm phường ngoại đạo gian tà chấp mê,
Trăm phương phá hoại Bồ-đề.
Thành kia có gã Tỳ-lê là người
Thông minh hoạt bát thạo đời,
Hào hoa lắm vẻ tuyệt vời khéo khôn.
Thấy mình tuổi trẻ tài hơn,
Họ hàng, chúng bạn suy tôn phục tòng.
Chàng ta kiêu mạn đầy lòng,
Quyền uy nào cũng giành mong về mình.
Tham sân hằng đắp cao nhanh,
Đức thì quên để mỏng manh xuống dần.
Nghe trong quyền quý, chúng dân,
Kính Tăng, trọng Phật, sinh phần ghét ghen.
Kết bè, lập hội đua chen,
Muốn thay ngôi vị, đức tin Phật-đà.
Nhưng liền khi đó nhận ra,
Mình với chính pháp, sao mà đọ ngang!
Bèn mưu giả làm sa-môn
Vào chùa nghiền ngẫm tìm đường phá chơi.
Bán luôn cửa Phật kiếm lời,
Gây bè kéo cánh tranh nơi tục quyền.
Vênh vang ăn chốc ngồi trên,
Giỏi tài lừa bịp kiếm tiền gieo neo.
Thân tham như hổ như heo,
Ý lời như rắn lượn lèo trăm phương.
Gây bao nhiêu chuyện nhiễu nhương,
Để gieo tiếng xấu cho hàng Tăng ni.
Cốt làm chính pháp tiêu đi,
Nhưng rồi thân hắn cũng thì tàn tro.
Nhân sâu quả báo càng to,
Đoạ đày muôn kiếp, bắt cho đền bồi.
Hết giam địa ngục bao đời,
Lại làm ngạ quỉ, lại thời ngựa trâu.
Bây giờ là cá ba đầu,
Và nhờ xưa niệm ít câu nhân lành,
Gặp Phật liền được siêu sanh,
Sẽ vào cửa nọ, tu hành chính chân.”
Nghe xong người khắp giang tân
Xin quy chính đạo tinh cần giới trai.
Cá kia thời bỗng chắp vây,
Gật đầu lạy Phật, thác ngay tức thì.
Phật trao ngũ giới, tam quy
Cho cá nhờ sức từ bi nhiệm mầu.
Tay Ngài như những nhịp cầu
Đưa người qua biển ưu sầu tham mê.
Ngón tay như những thành đê
Ngăn sông tham dục xuôi về một phương.
Ngón chân như những ngả đường
Dẫn người về một tình thương nhiệm mầu.
Dấu Ngài bước tới nơi đâu,
Là tâm người sáng làu làu gương trong,
Là trời bát ngát mênh mông,
Non xanh đào lý, dặm hồng tươi hoa,
11.500. Là chim cõi đất hòa ca,
Là vàng biển lúa muôn nhà an vui.
Nắng lên, sương bạc tan rời,
Phật cùng đệ tử ngàn người lại đi.
Giáo đoàn sang Tỳ-xá-ly,
Dọc đường lác đác hoa gì dâng hương.
Nghỉ trưa trong một vườn hồng,
Lưng đồi lấp lánh muôn bông nắng ngời.
A-nan nghĩ đến những người
Sáng nay đánh cá, do nơi nhân gì
Mà vừa gặp đấng Từ bi,
Đã cùng chúng bạn quy y Phật từ?
Nghĩ rồi quỳ trước đạo sư:
“Cầu xin Phật dạy lẽ như thế nào?”
Thế tôn bèn giảng trước sau:
“Quả nhân tương tạo theo nhau chẳng rời.
Cũng thời mạt pháp đó thôi,
Có tiền thân của bọn người sông kia.
Tuy là trong đạo trí bi
Mà vô minh để Tỳ-lê khiến dùng.
Theo bừa chẳng xét sâu nông,
Không phân biệt nổi đục, trong, chính, tà.
Thế nên lầm lẫn mãi ra,
Giúp người phá đạo vậy mà không hay!
Trải bao nước mắt đọa đày,
Nợ xưa đòi đến kiếp này mới xong.
Lưới chài một chuyến trên sông.
Lừa kia lầm nọ hết vòng quả nhân.
Nên bậc tu phải chính chân,
Phải coi phước huệ làm thân chẳng rời.
Cho dù phương tiện cứu đời,
Cũng do bi trí làm nơi chủ trì.
Khiến người thoát khỏi tham si,
Cốt vì công ích chẳng vì lợi riêng.
Tứ niệm xứ phải quán siêng,
Khiến cho tâm thoát khỏi xiềng lợi danh.
Tứ nhiếp lợi lạc chúng sanh,
Ngũ minh là việc tinh thành làm phương.
Khế cơ, khế lý tỏ tường,
Khởi duyên, nhân quả: lẽ thường thế gian.
Trí bi là cõi Niết-bàn,
Vạn pháp không tánh như làn sương bay.
Xa lìa tứ tướng mê say,
Mười phương thế giới hiện bày chân tâm.
Ly tứ cú, bạt mê lầm,
Nguyện như sen nở trong đầm hôi tanh.
Theo ai cũng phải rõ rành,
Giới là nhân tạo quả lành mai sau.
Pháp là ánh sáng minh châu,
Tâm là cõi Phật nhiệm mầu tự thân.
Tinh cần lìa vọng hiển chân,
Trần gian là chốn hiền nhân độ trì.
Nội chướng là tham sân si,
Phá tan tam độc lo gì ngoại ma.
An vui là pháp lục hòa,
Bát chính là pháp vượt qua khổ nàn.
Ý là cửa đến thiêng đàng,
Khẩu là của cải tư lương đăng trình.
Thân là phương tiện tối linh,
Dục là nguồn cội vô minh phải trừ.
Ngăn người sa đọa dối hư,
Hiển dương chính pháp nhất như sâu mầu.
Khiến đời giải thoát tiêu sầu,
Ba nghiệp là khối minh châu tỏ ngời.
Ngộ mê cũng tự lòng người,
Trần duyên như thoáng sương rời ngõ hoa.
Nghiệp nhân ta tự buộc ta,
Buộc vào hay lại cởi ra cũng mình.
Mười hai mắc xích vô minh
Suốt từ vô thủy chưa đình vòng quay.
Thân như nắm bụi vàng bay,
Sáu đường mù mịt khói mây ra vào.
Vọng tâm như sóng biển trào,
Như cuồng phong nổi lao đao thế tình.
Thương thay mười loại chúng sinh,
Trả vay mãi chốn vô minh ngục hồng.
Cưu mang rắn rết trong lòng,
Lênh đênh chiếc bọt đầu sông lạc loài.
Xa lìa chính pháp Như Lai,
Lăn thân giữa chốn trần ai kiếm tìm.
Giả danh như bóng mây chìm,
Như in lòng suối bóng chim giang hồ.
Giam trong hai cực hữu, vô,
Chấp mê giả tướng mê đồ quẩn quanh.
Chẳng lo tinh tấn tu hành,
Nghìn năm uổng phí duyên lành hội nay.
Dễ đâu vào được thân này,
Dễ đâu gặp được bạn, thầy chính chân.
Theo đường vượt thoát ngã, nhân,
Trần gian vỗ cánh chim thần vút cao.”
Phật nằm trên võng tơ đào,
Thoảng xa ngọn gió đưa vào làn hương.
Bềnh bồng mây trắng du phương,
Tiếng chim rụng dưới rừng hương xạc xào.
Âm ba như gọi mây cao,
Như mạch nước mát suối nào đỉnh non.
Đôi hàng cây dựng chon von,
Bóng mây lan mát một con đường dài.
Cánh châu chấu biếc bên ngoài
Nhảy vào tay Phật quơ vài sợi râu.
11.600. Ven rừng vắng, cội hoa ngâu
Cũng vừa chín hạt bông đầu thoảng hương.
Bài thơ Cá ba đầu của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác