Giữa đài mây toả
Rằng xưa có một vua hiền, Trần-lan-ba, ấy là tên họ nhà. Ngài trị châu Diêm-phù-đề, Khắp muôn cõi nước theo về cậy trông. Vương phi trăm tía ngàn hồng; Đại thần, một vạn quan trông nước trời. Thái bình an lạc nơi nơi, Mưa hòa, gió thuận, lòng người h
Nội dung bài thơ: Giữa đài mây toả
Rằng xưa có một vua hiền,
Trần-lan-ba, ấy là tên họ nhà.
Ngài trị châu Diêm-phù-đề,
Khắp muôn cõi nước theo về cậy trông.
Vương phi trăm tía ngàn hồng;
Đại thần, một vạn quan trông nước trời.
Thái bình an lạc nơi nơi,
Mưa hòa, gió thuận, lòng người hoan ca.
Một sớm vua dạo xem hoa,
Ngắm sương từng hạt vùa sa chói ngời.
Thoáng đâu về gợn gió trời,
Chùm sương như thể rụng rơi lệ vàng.
Nhà vua ngộ lẽ vô thường,
Hỏi thầm đời khác chi sương khói này.
Mà người đắm giấc mê say,
Cuốn theo tham dục, tháng ngày lặng trôi.
Thân như gỗ mục, sóng nhồi,
Sinh, già, bệnh, chết, đời đời chuyển xoay.
Nhủ lòng: ta phải tìm ngay
Con đường thoát khổ, đưa người qua sông.
Sáng sau chim mới gọi Đông,
100. Nhà vua hoa ướp, trầm xông sạch mình.
Trên bệ ngọc, giữa triều đình,,
Ân cần vua ngỏ chân tình thiết tha:
“Các khanh hãy chỉ giùm ta
Con đường cứu khổ giúp nhà giúp dân.
Cầu chi, ta chẳng ngại ngần,
Dù ban vàng ngọc như trần sa kia.”
Lệnh vua truyền khắp sơn khê,
Tin đi đã lắm, tin về còn lơi.
Năm sau một vua trên trời –
Tứ thiên – hiện xuống cõi đời, xem qua.
Liền biến thành quỷ Dạ-xoa,
Mặt xanh, mắt đỏ như là máu tươi.
Nanh nhe, tóc dựng rợn người,
Mồm phun lửa đỏ, nói cười lao xao.
Trình rằng: “thần biết đạo mầu.”
Vua nghe lòng bặt ưu sầu, ra nghinh.
Trà ban mấy chén ngọc quỳnh,
Suốt đêm kề nguyệt, chân tình hỏi han.
Sáng sau kiệu ngọc, tàn vàng,
Rước Thầy lên ngự pháp đàn trầm sa.
Mây hồng phấp phới quanh tòa,
Muôn dân trụ lại trải hoa cúng dường.
Gối quì đảnh lể pháp vương,
Nhà vua dưới bệ trầm hương thỉnh cầu.
Thầy truyền: “muốn học đạo mầu,
Hãy dâng hoàng hậu, con đầu ta ăn.”
Ai nghe, chẳng hãi vô ngần,
Riêng vua hoan hỉ, lui chân xuống tòa.
Ngỏ cùng con ngọc, vợ hoa:
“Hy sinh là đạo đức nhà trị dân.
Muốn cầu chính đạo độ nhân,
Lễ Thầy, cần đến tấm thân hai người.”
Cúi đầu hoàng hậu nghẹn lời,
Dắt tay thái tử lên nơi đạo trường.
Giữa tòa nghi ngút trầm hương,
Thầy ăn một thoáng máu xương chẳng còn.
Người quanh xiết đỗi kinh lòng,
Xót thương, ai chẳng dòng dòng lệ sa.
Cỏ sầu cũng héo dung hoa,
Mây sầu mấy dải quanh tòa vấn tang.
Pháp sư cao giọng ngâm rằng:
”Thế gian tan hợp thường hằng như mây.
Sinh ra khổ cực đọa đày,
Năm ngăn, không tướng, hợp vầy duyên sinh.
Thân ta: xương máu một bình,
Của ta: cũng lại muôn hình tướng không.”
Vua nghe như cởi tấm lòng.
Truyền đem sao chép dán cùng nơi nơi.
Pháp sư sắc diện sáng ngời,
150. Tự nhiên hiện tướng tuyệt vời cõi tiên.
“Quý thay! Ta gặp vua hiền,
Biết thờ chính pháp, ưu phiền sạch không.
Chẳng còn bao kiếp trần hồng,
Ngài thành Phật đạo, sáng lòng từ bi.”
Vua trời cưỡi hạc bay đi,
Lạ thay: thái tử hiện kề phu nhân.
Xin thưa: chính bực vua hiền,
Kiếp xa xưa đó là thân trước Ngài.
Bài thơ Giữa đài mây toả của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác