Chính đạo
Trong làn gió sớm vi vu, Vườn kỳ trăm dặm sương mù còn vây. Chim vừa thức động lá cây, A-nan dâng nước hầu Thầy đã xong. Ung dung đến dưới cội hồng, Ngồi lên tảng đá, trải lòng từ bi. Quán mười phương cõi lưu ly, Nước mây tạo vật thu về một thân. Dù
Nội dung bài thơ: Chính đạo
Trong làn gió sớm vi vu,
Vườn kỳ trăm dặm sương mù còn vây.
Chim vừa thức động lá cây,
A-nan dâng nước hầu Thầy đã xong.
Ung dung đến dưới cội hồng,
Ngồi lên tảng đá, trải lòng từ bi.
Quán mười phương cõi lưu ly,
Nước mây tạo vật thu về một thân.
Dù là mảy gợn vi trần,
Dù là biển lớn xanh ngần sóng khơi.
Dù là sáu nẻo luân hồi,
Cõi tiên cho đến muôn loài chúng sinh
Cũng đồng một thể quang minh,
Cũng đều giả hợp muôn hình hoa không.
Khởi duyên mười cõi trùng trùng
Như trăng phản chiếu giữa rừng ma-ni.
Chẳng hay tiền kiếp nhân gì,
Nhóm Kiều-trần nọ tìm về trước tiên.
Tiếp thu ánh sáng đạo huyền,
Hẳn vô lượng kiếp phúc duyên tạo nhiều.
Nghiệp căn muốn rõ đôi điều,
Lụy phiền ai dễ sớm chiều đổi thay.
Liền tìm bờ suối qua ngay,
Bên kia thấp thoáng áo Thầy nắng pha.
Xuôi dòng man mác đào hoa
Hồng như chân Phật la đà dạo sương.
Thưa thầy: “đại mộng vô thường,
Nhân chi kiếp trước, Kiều-trần phát tâm
Một lòng theo đấng Pháp vương,
Hòa mình giữa biển tình thương mọi loài?”
Nhìn chùm lóng lánh sương mai
Rơi theo dòng nước như đài sao tan.
Ngài vời hiền giả A-nan
Ngồi lên cội đà dưới tàng sương bay.
Phật rằng “nhân trước duyên nay,
Quẩn quanh cùng một cõi này vào ra.
Cách đây vô lượng Hằng sa
Có vua một cõi tên là Đạo Duyên.
Đức ngài quỉ khiếp trời kiêng,
Nước non cường thịnh muôn miền yên vui.
Nhà vua mang đạo trị đời,
Giúp cho tâm trí người người mở khai.
Nghiệp chung thắm đất tươi cây,
Nương chính pháp tám mối dây giữ gìn.
Chánh kiến là pháp thông tin,
2.300. Lấy chân thực tạo muôn nghìn thiện duyên.
Nặng vì dân, nhẹ vì quyền,
Người tin người chẳng giữ niềm ngại nghi.
Giáo dục theo Chánh tư duy,
Dạy người khai mở trăm bề trí, tâm.
Hiển tài đức, bạt mê lầm,
Như mưa xuân đượm ươm mầm tiếp hoa.
Trí, bi tướng dụng điều hòa,
Khơi nên sức sống người ta dạt dào.
Chánh ngữ là pháp ngoại giao,
Người nào chẳng thuận, nước nào chẳng thân.
Khiến cho khắp cõi xa gần
Kết thành một khối nghĩa nhân cộng hòa.
Lại đem xã tắc sơn hà,
Chánh nghiệp là pháp quốc gia an bài.
Người muôn tánh, sự muôn loài,
Dung trong một đức, dung ngoài tùy phương.
Chọn giao đúng bực hiền lương,
Ác ngăn, khuyến thiện, trăm đường thuận duyên.
Chánh mạng là pháp kinh quyền,
Xây nền kinh tế dưới trên đồng đều.
Mỗi người mỗi việc chuyên theo,
Tạo nên cuộc sống muôn chiều văn minh.
Một là lợi lạc dân sinh,
Hai là cộng hưởng thái bình muôn phương.
Lại theo Chánh niệm y nương,
Đắp nền văn hóa trăm đường triển khai.
Phục khôi vương vị con người,
Thăng hoa đến cả trăm loài một tâm.
Hiển trí tuệ giữa mê lầm,
Gieo nhân huệ nghiệp nghìn năm dõi truyền.
Tinh tấn là pháp yên dân,
Nhà giam là chốn tu thân chuyển đời.
Nhân hiền hạnh sĩ nơi nơi,
Cùng về giáo hóa cảm người tham si.
Răn người cốt lấy từ bi,
Trị người cốt lấy vô vi làm đầu.
Nhân duyên gội sạch làu làu,
Yên dân cốt giải oán sầu trước tiên.
Chánh định phép dựng đạo duyên,
Là nền quốc giáo thiêng liêng hóa đời.
Tinh hoa kết tụ nên người,
Chân tâm vô trụ, nơi nơi diệu hành.
Một là mở đức hiếu sinh,
Hai là chuyển nghiệp vô minh sâu dày
Nghiệp riêng tùy chốn, tùy thời,
Nghiệp chung sáng mãi muôn đời còn lưu.
Vua truyền tu thiện mười điều:
Một cấm nghiệp sát lại điều quần sinh.
Khiến trừ phiền não vô minh,
2.350. Tâm không điên đảo thân mình sống lâu.
Dù là trú ngụ nơi đâu,
Hiền hòa giải oán vơi sầu vùng quanh.
Mệnh chung thần thức hóa sanh
Cõi trời an lạc, đẹp lành phúc thân.
Hai cấm trộm cắp bất nhân,
Lại đem bố thí muôn phần rộng xa.
Khiến đời phú quý vinh hoa,
Phước sinh tốt đẹp muôn nhà nể kiêng.
Sáng danh kẻ đức người hiền,
Trong ngoài hóa thuận dưới trên kính nhường.
Ba cấm bất chánh tà dâm,
Khuyên người ra sức lỗi lầm sửa sang.
Khiến nên yên nước yên làng,
Vợ chồng tiết nghĩa, đá vàng nên đôi.
Bốn cấm vọng ngữ dối lời,
Khuyên trọng chân thực cho đời cậy tin.
Khiến lời như ướp hương sen,
Để người phân biệt trắng đen rạch ròi.
Nêu cao gương sáng chói ngời,
Cõi thiên cung kính, người người mến yêu.
Năm cấm miệng lưỡi đôi chiều,
Để giữ hòa hợp thuận theo nghiệp lành.
Giúp nhau tuệ nghiệp viên thành,
Là khuôn thước để chúng sanh theo về.
Dù nơi binh lửa sơn khê,
Phước sinh quyến thuộc mọi bề yên vui.
Sáu lìa ác ý, hại lời,
Là nhân giải thoát khỏi nơi đọa đày.
Bảy cấm lời nói đặt bày,
Khiến bớt ảo ảnh trùng vây trần hồng.
Tám lìa tham dục, bợn lòng,
Khuyên người bố thí chẳng mong đắc cầu.
Nên chi ba nghiệp nhiệm mầu,
Tâm như viên ngọc minh châu dẫn đường.
Chín lìa sân hận vấn vương,
Mưu điều an lạc cúng dường chúng sinh.
Lòng như trời rộng mông mênh,
Trần gian như một gia đình tương thân.
Mười lìa tà kiến mê sân,
Trí như nhật nguyệt xa gần dõi soi.
Tâm tự tại giữa đổi dời,
Nghiệp lành sinh hóa cõi trời lưu ly.
Dân đem công đức hướng về,
Nguyện thành Phật quả, chuyển mê độ đời.
Chân tâm khai mở sáng ngời,
Một thân hóa độ nơi nơi an hòa.
Nghiệp lành trải khắp trùng hoa,
Trần gian dựng một pháp tòa kim cương.
Nước trời thịnh trị mười phương,
2.400. Buổi kia vua ngự thềm hương trăng ngà
Với đoàn cung nữ thướt tha,
Vũ nghiêng nền bích, nhạc sa dặm hồng.
Tay nào nhạn lượn hư không,
Tóc nào hương quyện mây bồng là đâu.
Bước trầm nhạc dịu mưa ngâu,
Áo bay như bướm muôn màu lả lơi.
Tiếng vàng mây cuốn tơ rơi,
Nao nao cánh gió, rã rời nước sông.
Một cung hờn tía sầu hồng,
Hai cung khánh đá chuông đồng vò tơ.
Nửa nghe mây trắng hững hờ,
Nửa nghe chim hót bên bờ khói lên.
Nhà vua đang ngự trên thềm,
Chừng như sênh phách cũng rên sụt sùi.
Chợt đâu hiện đến năm người
Bước chân lảo đảo như rời rã xương.
Nanh nhe, vuốt nhọn dị thường,
Khóc than cảm đến lòng thương vua hiền.
Dắt nhau quì mọp ngoài hiên:
“Bọn tôi Dịch quỉ ẩn miền ngục sâu.
Đi tìm máu mủ nuôi nhau,
Bắt người gieo oán gieo sầu, phanh thây.
Từ ngày vua trị cõi này,
Hoằng khai đạo lớn độ người trầm luân.
Khiến ai cũng hết tham sân,
Tiến tu thập thiện, muôn phần phúc oai.
Dù là ma, quỉ, thần, trời,
Cũng đều theo bảo hộ người thiện tâm.
Thân tôi nặng nghiệp mê lầm,
Trải bao đời kiếp trong hầm lửa thiêu.
Tìm ra bến sớm chợ chiều,
Chẳng còn kẻ ác, thêm tiều tụy thân.
Đâu đâu cũng gặp thiện thần
Hộ người giới đức vạn phần uy nghi.
Cúi xin mở lượng từ bi
Cứu cho, giờ biết lấy gì sống đây.
Chúng con vất vưởng bao ngày,
Cổ như lửa bỏng, thân gầy rạc xương.
Cũng liều ghé cửa minh vương,
Xin người cứu khỏi tai ương phận này.”
Lòng vua thương kẻ đọa đày
Kéo lê một kiếp dạn dày gió sương.
Bên mình đeo sẵn thanh gươm,
Rút đâm năm nhát mình rồng máu hoen.
Vua truyền: “dùng đỡ một phen.”
Quỉ kia xúm lại vui mừng xiết bao.
Nhe nanh ngồi hút máu đào,
No rồi, quì gối lạy chào xin đi.
Vua khuyên: “mau tỉnh sân si,
2.450. Làm thân quỉ đói cũng vì nhân xưa.
Tham lam, tranh chấp mê mờ,
Buôn xương bán thịt, nên giờ khổ thay.
Gắng tu thập thiện giới trai,
Quyết lìa quả báo đọa đày ngục sâu.
Ta thành Chánh giác mai sau,
Nguyện đem giới thuyết nhiệm mầu độ cho.
Dắt lũ ngươi thoát mê đồ,
Vượt sông tham giận, qua bờ an vui.”
Bây giờ vẫn nhóm năm người,
Là Kiều-trần đó, ở nơi nhân hoàn.
Ngày xưa sám hối ăn năn,
Tu mười nghiệp thiện, trồng căn nhiệm mầu.
Thoát kỉếp Dịch quỉ ngục sâu,
Đời này lại sạch tham sầu, qua sông.
Quẩn quanh sáu ngã trần hồng,
Tỉnh cơn trường mộng ngoài vòng khởi duyên.”
Phật xuống suối, khỏa chân lên,
Nghe chim ríu rít bên triền non mai.
Thầy trò theo rặng hoa bay
Trở về tinh xá, qua vài cụm sương.
Bài thơ Chính đạo của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác