Người con hiếu hạnh
Ngày xưa Phật ở đất La, Trong vườn lục trúc nơi nhà cỏ tranh. Ngày ngày hóa độ trong thành Như chim Thu tự cõi thanh tịnh về. A-nan hiền giả hầu kề, 1.450. Bước chân theo nở đóa lê đậm đà. Cổng Đông có một túp nhà, Ông thường thấy vợ chồng già
Nội dung bài thơ: Người con hiếu hạnh
Ngày xưa Phật ở đất La,
Trong vườn lục trúc nơi nhà cỏ tranh.
Ngày ngày hóa độ trong thành
Như chim Thu tự cõi thanh tịnh về.
A-nan hiền giả hầu kề,
1.450. Bước chân theo nở đóa lê đậm đà.
Cổng Đông có một túp nhà,
Ông thường thấy vợ chồng già què đui,
Và con trai mới lên mười,
Nó đi khắp phố đông người xin ăn.
Cơm ngon trái ngọt để dành
Về nuôi cha mẹ, lòng thành tự nhiên.
Đã lưu tâm đến trẻ hiền,
Một hôm hầu Phật, ông liền trình thưa:
“Từ ngày thỏa gót mây đưa,
Con thường qua mái tranh thưa bên thành.
Thấy một đứa bé hiền ngoan,
Kiếm nuôi cha mẹ cơ hàn một thân.
Thôi thì nắng hạ mưa xuân,
Thời gian nứt nẻ gót chân đọa đày.”
Phật dạy “phúc đức sâu dày,
Kẻ nào hiếu thuận vui vầy mẹ cha.
Tiền thân nhớ một đời ta
Nguyện đem cái chết cứu cha mẹ hiền.
Nên chi hưởng quả nhân thiên,
Trên trời: tiên đế, dưới trần: thánh vương.
Đời nay thành Phật Thế tôn,
Cũng nhờ cội phúc lưu tồn xa xưa.”
A-nan hầu chắp tay thưa:
“Xin thầy dạy nghiệp xưa như thế nào?”
Phật rằng “trong cõi mộng đào
Có vua Đỗ Bá, hoàng trào oai danh.
Được mười hoàng tử tinh anh,
Mỗi người giữ một tiểu thành chăn dân.
Người con út hiệu Thiện Thân,
Lòng từ tế thế, tài thần an bang.
Bỗng đâu nghiêng ngửa triều đàng,
Tướng quân soán đoạt ngai vàng ai hay.
Đất bằng sóng nổi cát bay,
Voi xô cửa ải, ngựa dày xác dân.
Kéo về vây bắt Thiện Thân,
Thế cô chẳng thể chống quân bạo tàn.
Ngài cùng vợ dắt con ngoan,
Nửa đêm cải dạng lên đàng lưu vong.
Tháng ngày vượt núi băng sông,
Chân xa cố quốc, lòng trông đất nhà.
Lần hồi đói khát cả ba,
Phu nhân lo lắng biết là cậy đâu.
Thương chồng con, dạ quặn đau,
Chẳng đành chết đói nhìn nhau một bầy.
Chi bằng ta lóc thịt tay,
Nuôi chồng con sống qua ngày còn mong.
Thân ta sao cũng cam lòng,
Còn hơn chết hết chẳng công ích gì.
Phu nhân mắt lệ đầm đìa,
1.500. Quyết lòng toan tính xa lìa trần lao.
Người con giằng được lưỡi dao,
Tự đâm vào ngực, máu đào vọt tuôn.
Hai thân xiết đỗi kinh hồn,
Thều thào con trẻ thở dồn thưa qua:
“Lòng con muốn cứu mẹ cha,
Xin dùng thịt nọ để mà cầm hơi.
Hồn con vương vất chân trời,
Mừng cha mẹ sống, ngậm cười mà đi.
Nếu song thân chẳng dùng thì…
Hồn con mãi mãi sầu bi dưới mồ.”
Thưa rồi khép mắt hư vô,
Mẹ cha khóc ngất lệ khô tuôn dòng.
Bỗng nghe văng vẳng thinh không,
Chim đâu thả xuống trái hồng trái lê.
Lại thêm bầy thỏ kéo về,
Thi nhau dâng mạng bên khe lách vàng.
Tưởng như trong giấc mơ màng,
Lần ăn, hai tấm thân tàn cầm hơi.
Đáy mồ lót nắm cỏ tươi,
Nóc trồng hoa trắng cho người con ngoan.
Thương thay, dế khóc trùng than,
Bên rừng gửi nắm xương tàn bụi sương.
Sáng sau tiếp tục lên đường,
Chân qua cuối thác hồn vương đỉnh triền.
Hai năm ở nước láng giềng,
Mài gươm sửa giáp chiêu hiền dấy quân.
Kéo binh về dẹp loạn thần,
Qua rừng xưa vẫn xanh ngần mộ hoa.
Não lòng ai chẳng lệ sa,
Tạc bia dựng miếu mấy tòa khói nhang.
Rồi sau thâu đoạt thành vàng,
Dựng lên triều đại huy hoàng muôn thu.
Đó là duyên nghiệp ta xưa,
Thiện Thân ngày trước, bây giờ Tịnh vương.
Phu nhân một thuở toan đường
Hủy thân, giờ hiện mẫu hoàng Ma-gia.
Trẻ hiền trước bỏ thân hoa,
Nhờ công đức lớn, bây giờ là đây.”
Nghe xong diệu pháp khai bày,
Trong lòng ghi nhớ lời thầy từng câu.
Bao đời hiếu hạnh cao sâu,
Kết nên ánh sáng nhiệm mầu Như Lai.
Quanh thềm phơ phất hoa lay,
Mỗi nhành lá mỗi búp tay cúng dường.
Bài thơ Người con hiếu hạnh của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác