Phép giới trai
Ngày xưa trong rừng đàn hương Có nhà mái lợp mây vương sớm chiều. Đường lên khúc khuỷu cheo leo, 4.250. Lội qua con suối lưng đèo cỏ non. Cửa rừng đôi nhịp cầu son, Dưới tàng hoa trắng, hao mòn bóng in. Thế tôn ở giữa đồi sim, Mái leo hoa mướp,
Nội dung bài thơ: Phép giới trai
Ngày xưa trong rừng đàn hương
Có nhà mái lợp mây vương sớm chiều.
Đường lên khúc khuỷu cheo leo,
4.250. Lội qua con suối lưng đèo cỏ non.
Cửa rừng đôi nhịp cầu son,
Dưới tàng hoa trắng, hao mòn bóng in.
Thế tôn ở giữa đồi sim,
Mái leo hoa mướp, rào vin mây trời.
Tiếng thơm truyền khắp nơi nơi,
Ngày kia mới có một người phương xa.
Chẳng nề thân phận đàn bà,
Băng sông vượt suối tìm qua Kỳ-hoàn.
Trải bao trăng gió quan san,
Con đường muôn dặm nguy nan ngại nào.
Một lòng cầu đạo khát khao,
Như chim hạc nhớ mây cao cánh hường.
Bước chân vừa đến đạo trường,
Sầu tan theo hạt sương vương sớm ngày.
Rừng trầm phảng phất hương bay,
Quanh thềm đệ tử ngồi vây điệp trùng.
Tiếng nào như nắng tan sương,
Tiếng nào như áng văn chương nhiệm mầu.
Nghe xong cởi oán tan sầu,
Sông mê ai bắc nên cầu từ quang.
Phật tuyên giới ngọc đạo vàng,
Như hoa sen nở nghiêm trang trời người.
Luật như bảo ngọc khôn dời,
Giới như áo giáp hộ đời bình yên.
Là kiếm quý bạt ưu phiền,
Là mưa xuân đượm khắp miền an vui.
Truyền lưu tuệ mệnh đời đời,
Ao công đức thủy tẩy người trần sa.
Bấy giờ tín nữ Từ Hòa
Chắp tay đứng dậy thiết tha nguyện cầu:
“Nhân duyên chẳng biết bao lâu,
Các con nay được pháp mầu cứu ra.
Chúng sinh như số phù sa,
Biết đâu thánh giới để mà cầu nghe.
Cúi xin Đại đức chở che,
Rộng tuyên đạo lý kết bè qua sông.
Dù cho biển cả nên cồn,
Tấm lòng giới hạnh giữ tròn, dám phai.
Dù nơi góc biển chân trời,
Còn thân còn nguyện cứu đời oan khiên.”
Phật truyền “vì đại nhân duyên,
Phước căn muôn kiếp đã chuyên tích trồng.
Các con hãy nhớ ghi lòng,
Pháp đưa qua cõi lửa hồng tham sân.
Phá muôn giả tướng phù vân,
Người tu ác quỉ thiên thần cũng theo.
Tâm thân lợi lạc muôn điều,
Khiến cho muôn loại cũng chiêu cảm hiền.
Nhân lành nên khởi thiện duyên,
4.300. Nơi ngục lửa cũng như trên cõi trời.”
Bấy giờ đại chúng ghi lời,
Như đêm tối bỗng tỏa ngời ánh trăng.
Từ Hoà lại đứng thưa rằng
“Bạch Thầy: về chốn xa xăm ngại ngần.
Bây giờ con trở bước chân,
Đường đi muôn dặm phù vân dãi dầu.
Ngó vời xanh ngắt cồn dâu,
Hoàng hôn rồi lại nhuốm màu hoàng hôn.
Biết đâu bèo dạt sóng dồn,
Mốt mai đất viễn, gửi hồn cỏ cây.
Lấy chi đền đáp ơn dày,
Lấy chi soi tỏ đường ngay, nẻo tà?”
Trên thềm Phật ngự hiền hòa,
Phóng hào quang hiện đóa hoa nhiệm mầu.
Cánh sen ghi mấy dòng châu,
Là trang thơ chép nghìn câu pháp hiền.
Phật rằng “dù chốn ải biên,
Tụng dòng kinh nọ cũng yên đất trời.
Lời tan phiền não ba đời,
Như hương lan tỏa người người thơm lây.”
Cánh hoa chép pháp cầm tay,
Từ Hòa lễ tạ, ai hoài bước đi.
Theo buồm mây trắng vân vi,
Thỉnh kinh mầu nhiệm, tu trì khuôn thiêng.
Xuôi dòng chim liệng sao nghiêng,
Thuận buồm xuôi gió như trên đất bằng.
Đường sông qua hết mùa trăng,
Đã trông thấp thoáng vân đằng cô thôn.
Về làng hai buổi sớm hôm,
Gõ cây tụng niệm, giữ lòng giới trai.
Thuận trong cho đến hòa ngoài,
Cứu người thương vật một tay xá gì.
Coi đời như bóng mây đi,
Như không hoa hiện, như vì sao băng.
Thân tâm nghiệm đạo thường hằng,
Bồ-đề thắp ngọn tâm đăng chốn này.
Một đêm đang tụng tờ mây
Chợt nghe ai tán đức dày trên không:
“Chị như chim lạc chim hồng,
Chí tâm tụng niệm những dòng hương hoa.
Muốn dâng người một món quà
Để gieo quả phúc muôn tòa bảo kim.
Đó là ngài Mục-kiền-liên,
Cùng Xá-lợi-phất hóa duyên ta-bà.
Hiện đang trú ở rừng già,
Cách đây con suối tìm qua cũng gần.
Cúng dường là đại nhân duyên,
Là đường dẫn đến diệu huyền Như Lai.
Chị nhớ khi cúng lễ trai,
4.350. Nhắc cho hai vị gọi loài thần tôi
Sẽ đem hoa của đất trời
Kết thành hương khói tuyệt vời cúng dâng.”
Từ Hòa cất tiếng hỏi rằng:
“Ai trong đêm tối vân đằng qua thôn?”
“Em đây là Tỳ-sa-môn,
Đại vương trị một thiên đường xa xôi,
Đang khi theo áng mây trôi,
Dừng nghe chị tụng bồi hồi luyến thương.”
Từ Hòa đáp “quả lạ thường,
Người trời kẻ tục đôi đường khác xa.
Có đâu máu mủ một nhà,
Xưng hô em, chị nghe mà khó xuôi.”
Thần cười: “dù tục, dù trời
Cũng là con thảo dưới ngôi Phật hiền.
Người cha của khắp nhân thiên,
Gieo trồng nhân thiện các miền khác chi.
Chị là vị ưu-bà-di,
Tôi ưu-bà-tắc có gì xa đâu.
Cùng mang pháp chủng cao sâu,
Cùng nguyền đem đạo nhiệm mầu độ tha.”
Bấy giờ tín nữ Từ Hòa
Hiểu rằng chung một người nhà Thế tôn.
Hỏi thăm xiết đỗi mừng lòng,
Rằng “ngài gọi đến tên ông làm gì?”
“Chị ơi thần lực oai nghi,
Nghe tên tôi, quỉ ma về hầu nghe.
Lại nhờ đạo lực chở che,
Dần dần cảm hóa, tu trì theo gương.”
Nói rồi thần lại lên đường,
Giữa trời loé sáng dị thường vụt bay.
Từ Hòa thầm lặng ngất ngây,
Cảm vì oai đức cao dày đức Cha.
Lòng thương trải khắp trần sa,
Trí ngời khiến cả ta-bà kính thương.
Dù là ác quỉ thiên vương,
Cũng nhờ đuốc sáng soi đường tiến tu.
Mải ngồi dưới bóng trăng thu,
Song thưa bóng nhạt chó tru chuỗi dài.
Dưới lầu sớm vọng tiếng ai
Trình rằng bên suối rừng ngoài đầu thôn,
Con thấy hai vị sa-môn,
Là người bà vẫn kính tôn sớm chiều.
Vội vàng vén mở rèm thêu,
Tóc huyền tay chuốt, dép điều chân khoa.
Gọi người thu dọn cửa nhà,
Truyền người sắm sửa trái hoa cúng dường.
Còn thân tự đến rừng sương
Tìm ngay cội liễu bên đường thỉnh thưa:
“Lòng con như hạ chờ mưa,
4.400. Ngưỡng trông Tam bảo khắc giờ khôn nguôi.
Giờ con tha thiết đón mời,
Xuống nơi thôn dã cho đời ân chiêm.
Bấy giờ ngài Mục-kiền-liên
Cùng Xá-lợi-phất theo chân xuống làng.
Nắng mai rực rỡ sương vàng,
Ngón chân hồng nở, bên đàng hoàng rơi.
Trai đường vừa ghé tới nơi,
Trầm ùn hương tịnh sân ngời cánh hoa.
Uy nghi hai vị, hai tòa,
Theo sau thí chủ một nhà dâng hương.
Đầy thôi hoa trái cúng dường,
Hương pha chén ngọc, trầm vương đũa ngà.
Dưới thềm tín nữ Từ Hòa
Đứng hầu cung kính một nhà trang nghiêm.
Tiệc tàn hầu nữ hai bên,
Bưng hai chậu nước dâng lên người dùng.
Rửa tay xong, ngồi ung dung,
Mục-liên chú nguyện khắp vùng bình yên.
Từ Hòa cung kính thưa liền:
“Xin ngài gọi đến tên thần Tỳ-sa.”
Duyên do lại thực trình ra,
Gặp thần ghé lại đêm qua trước lầu.
Sư rằng “cội đức dày lâu
Nên chiêu cảm cõi nhiệm mầu thần tiên.”
Bạch thầy: “con có nhân duyên,
Thường khi thần hiện báo riêng đôi điều.
Hoặc là che chở muôn chiều,
Tình như cha mẹ từ bao nhiêu đời.
Hoặc khi cứu vật giúp người,
Quỉ thần tán thán những lời vàng son.
Hoặc khi cúng dường sa-môn,
Thần còn mách bảo đôi đường thiệt hơn:
Vị này chứng quả Đà-hoàn,
Hoặc là Bồ-tát, hoặc phàm phu Tăng.
Nhưng con vẫn dạ khăng khăng
Một lòng cung kính thường hằng xưa nay.”
Tôn giả tán thán “hay thay!
Vô phân biệt thí, hạnh này dễ đâu.
Cũng vì kiến chấp dày lâu,
Trí phân biệt nọ, tâm mầu dần che.
Một đường xả ngộ lìa mê,
Tự tâm bi trí hiện về tỏa soi.
Làm gương cho khắp trời người,
Truyền lưu nghiệp đức đời đời còn thơm.
Phật dạy sáu pháp cúng dường,
Đó là nguồn cội con đường nhân thiên.
Một là bố thí bịnh nhân,
Hai là cho khắp kẻ bần đói ăn.
Ba giúp cơ nhỡ muôn phần,
4.450. Bốn là dắt dẫn qua cơn hiểm nghèo.
Năm là cung dưỡng Tỳ-kheo,
Sáu là giáo hóa muôn điều an vui.
Rộng thương khắp vật khắp người,
Một tâm bình đằng khôn dời sớm hôm.
Chiều nay đón đức Thế tôn,
Cùng đại chúng ghé qua thôn cuối rừng.
Con mau tìm đến lễ mừng,
Phúc duyên này dễ đã từng mấy ai.”
Nói rồi tôn giả chắp tay,
Nghiêm trang y pháp về ngay đạo trường.
Từ Hòa sửa lễ cúng dường,
Sáng sau một kiệu hoa hương viếng Người.
Một vùng lau lách xanh tươi,
Trang trại mây trắng ẩn vời núi sâu.
Phật đang phơi áo bên cầu,
Trên bãi cỏ tím như màu chiều sa.
Búp tay ngón ngọc ngón ngà,
Mặt như trầm ngọc chan hòa từ nghiêm.
Nàng đem hoa trái dâng lên,
Phật cười, chỉ đến bên thềm đá cao.
Ngài ngồi trên võng tơ đào,
Hoa rơi y Phật khác nào tuyết bay.
Chim vàng lảnh lót đâu đây,
Trong êm như suối đầu ngày vừa sa.
Mừng thay, con mới gặp cha,
Tấc lòng tự sự biết là sao nguôi.
“Thầy ơi, từ thuở xa Người,
Thân con ải viễn chân trời khôn quên.
Dù cho núi não sông phiền,
Tiến tu giới huệ, nhiệm huyền biết bao.
Như người vượt biển theo sao,
Cánh thuyền nổi giữa ba đào như không.
Tháng ngày tha thiết ngưỡng trông,
Mở con mắt huệ dứt vòng trần lao.
Xóm con hằng vẫn khát khao
Được ngài giáo hóa, ra vào ân chiêm.”
Thưa rồi lễ tạ lui chân
Tìm đi khắp chốn xa gần hỏi thăm.
Liêu kia có một vị nằm
Trùm y thiếp ngủ mê man bệnh thời.
Vừa khi vị nọ trở người,
Từ Hòa mới đến ngõ lời hỏi thăm.
Người rằng “bệnh đã lâu năm,
Nhân khi thời tiết bất thường phát ra.”
Trông thầy tín nữ xót xa
Thưa rằng “ngài đã dùng qua thuốc gì?
Hoặc còn cần thiếu vị chi,
Cứ cho con biết kịp thì cúng dâng.”
Người rên: “thuốc đã đủ dùng,
4.500. Duy còn thịt để nấu chung là cần.”
“Chiều nay con sẽ dâng lên
Để người trị liệu cho liền bệnh thân.”
Cúi chào mau trở bước chân,
Về thôn kiếm khắp xa gần thịt tươi.
Dù tìm khắp chợ, khắp nơi,
Đến khi nắng xế mặt trời chênh non.
Dù là một miếng thịt con,
Cũng không chuốc được để còn kịp dâng.
Tưởng khi người bệnh thiếp nằm,
Đợi hoài ai vẫn biệt tăm cuối trời.
Vả chăng đã hứa một lời,
Thân ta quên được chứ lời chẳng sai.
Liền cho cửa đóng then cài,
Tự tay lóc thịt gửi ngay đến người.
Đầm đìa một vũng máu tươi,
Đau như xé ruột mỉm cười như nhiên.
Khiến cho kẻ dưới người trên,
Nào ai hay rõ chỉ riêng đứa hầu.
Cũng nhờ thuốc đắp cầm mau,
Nếu không máu đã tuôn trào như mưa.
Tớ hầu kịp đến rừng đưa,
Vị kia đem thịt đun vừa lượng ăn.
Cũng nhờ nguyện lực tinh thành,
Uống vào một bát bệnh lành như không.
Từ Hoà có một người chồng,
Gã là thương khách theo sông buôn đò.
Mỗi năm mùa nước lên to,
Chở hàng xuôi ngược giang hồ bán buôn.
Ham tiền nhẹ nghĩa vợ chồng,
Để ai buồn lắng ngùi trông phương trời.
Nửa năm một chuyến đò xuôi,
Ghé về chốc lát lại dời bước chân.
Mặc người vò võ thu xuân,
Lầu trơ hiên nguyệt, cửa ngần khóa sương.
Lò trầm ai biếng thêm hương,
Gối thêu bụi tỏa, đài gương gió mờ.
Nửa năm lửa đợi, hương chờ,
Một ngày vừa sáng tinh mơ rộn lời.
Ầm ầm đập cửa trăng rơi,
Vừa về đã rộn những lời nọ kia.
Thôi thì tiếng bấc tiếng chì,
Thôi thì hoạnh họe, thôi thì chê bai.
Thấy vợ nằm bệnh than dài,
Gọi gia nhân gặng tra hoài căn duyên.
Con hầu như sự trình lên,
Rằng “bà lóc thịt cúng dường sa-môn.”
Vừa nghe trợn mắt phùng mồm
Ra đường la lối rằng phường nọ kia.
Lời thêm tiếng bớt thiếu gì,
4.550. Thỏa tình bêu riếu khinh khi đủ đường.
Tin kia đưa đến đạo trường,
Có người Phạm chí khinh thường Như Lai.
Duyên do cứ thực tỏ bày,
Phật truyền cho gọi đến thầy sa-môn.
Rằng “nhận y, thực cúng dường,
Phải tìm hiểu rõ tận tường nguyên căn.”
Thầy trình: “trong lúc bệnh hành,
Vội đem điều trị cho lành, ngờ đâu!”
Thưa rồi, mặt héo rầu rầu,
Phát lòng sám hối cúi đầu quì hương.
Phật dạy ba pháp y nương:
Là bất tịnh nhục chẳng thường được ăn.
Thấy người giết vật, chấp tranh,
Hoặc nghe tiếng vật lòng đành làm ngơ.
Hoặc còn một tín mười ngờ,
Đều là bất tịnh mê mờ bất nhân.
Phải thường thâu nhiếp tâm thân,
Chẳng cho vọng niệm tham sân dấy lòng.”
Nói rồi Phập phóng thần thông
Hóa thân trên đỉnh mây hồng vút bay.
Gã kia đang lúc rượu say,
Hết hành hạ vợ, lại dày vò con.
Từ Hòa nằm thiếp trên giường,
Người trong xóm tụ bên đường lao xao.
Bỗng dưng một ánh bạch hào
Thành mây năm sắc bay vào chơi vơi.
Hóa thân Phật ngự lưng trời,
Trên tòa sen quý sáng ngời oai nghi.
Như tinh tú hiện muôn vì,
Như ngàn ngọn núi lưu ly rỡ ràng.
Giữa mây lác đác sen vàng,
Hương đâu thoảng ngát thôn làng đẹp tươi.
Gió thơm lay tỉnh lòng người,
Bừng cơn ác mộng, diệu vời chân tâm.
Từ Hòa chợt bỏ chỗ nằm,
Vết thương chân đã nguyên lành như xưa.
Chồng nàng cũng tỉnh mê mờ,
Gặp nhau yêu kính như vừa thành hôn.
Hào quang Phật chiếu qua thôn
Hóa thành mưa nhẹ tươi cồn lá hoa.
Bấy giờ khắp xóm khắp nhà,
Niềm vui tràn ngập thuận hòa yêu thương.
Buồn phiền như thoảng tơ sương,
Ngưỡng trông oai đức Pháp vương diệu vời.
Mừng thay ánh sáng ra đời,
An lành chung cả đất trời cỏ cây.
Rủ nhau tìm đến trang mây,
Suối xa âm vọng vơi đầy tiếng chim.
Cửa rừng qua nhịp cầu sim,
4.600. Mây bay lên đỉnh, hoa in đáy giòng.
Vi vu tiếng hát rừng tùng,
Tiếng chuông trầm xuống vô cùng thiên nhiên.
Bài thơ Phép giới trai của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác