Hội Phật dưới hoa
Chính tôi nghe kể một thời, Bên thành Xá-vệ giữa nơi đạo trường. Vì nguyện độ chúng mười phương, Cùng vào trí Phật, lòng thương vô bờ. Trải bao năm lắng tâm tu, Nằm sương, gối cỏ cho dù khổ đau. Giơ tay xô đổ thành sầu, Dứt tham, mê, giận, tâm mầu nh
Nội dung bài thơ: Hội Phật dưới hoa
Chính tôi nghe kể một thời,
Bên thành Xá-vệ giữa nơi đạo trường.
Vì nguyện độ chúng mười phương,
Cùng vào trí Phật, lòng thương vô bờ.
Trải bao năm lắng tâm tu,
Nằm sương, gối cỏ cho dù khổ đau.
Giơ tay xô đổ thành sầu,
Dứt tham, mê, giận, tâm mầu nhiệm khai.
Phật ngồi trên nệm cỏ dài,
Hào quang vô lượng cõi ngoài sáng soi.
Hoa thơm khắp mấy từng trời
Cúng dường trải xuống quanh người trầm tư.
Thương chúng sinh chốn ao tù,
Đảo điên ý nghiệp, mịt mù vọng tâm.
“Mà đây chính đạo cao thâm,
Nói ra người chấp mê lầm, chẳng tin.
Chi bằng ta nhập Niết-bàn,
Thiền oai, nguyện lực, chuyển đàng vọng mê.”
Biết Phật dưới cội Bồ-đề,
Phạm thiên vương thoắt hiện về dưới hoa.
Chắp tay, dòng lệ nhạt nhòa
Bạch Thầy: “nỡ bỏ Ta-bà đi sao?
Chẳng khai hóa đạo nhiệm mầu,
Chúng sinh rồi biết nương đâu trở về!
Đành quên nguyện lớn xưa kia,
Cứu đời thoát khỏi lầm mê, đọa đày.
Kể từ lập cõi cao dày,
Sáng nay muôn loại có ngày vàng son.
Xin vì tha thiết lòng con,
Ngài khai chính đạo, cho tròn hạnh duyên.”
Phật truyền: “đáng bực chân tiên,
Lòng thương ông trải khắp miền thế gian.
Ý tôi muốn nhập Niết-bàn,
Nói chi thêm để trần hoàn chấp nê.”
Bạch Thầy: “hạt chắc Bồ-đề,
Muôn lao ngàn khổ có nề hà chi!
Dù chúng sinh đắm mê si,
Sen thơm kia cũng hẳn vì đầm tanh.
Nhớ xưa trải mấy cao xanh,
Ngài từng góp nhặt pháp lành dài lâu.
Quên thân mạng để tìm cầu
Đạo vàng, luật ngọc cao sâu nghìn trùng.
Gương vô lượng kiếp còn trong,
Sáng soi như mặt trời hồng cõi tiên.”
Bài thơ Hội Phật dưới hoa của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác