Năm trăm người nghèo
Ngày xưa trong rừng mơ xanh, Có chim tụng trái trên cành thu hoa. Là vườn thái tử Kỳ-đà Cúng dường đức Phật đôi nhà cỏ thơm. Mây từ vân tập bốn phương, Khói hồ gợn tiếng trầm chuông gió chiều. Từ lâu có bọn dân nghèo, Năm trăm người vẫn hầu theo Phậ
Nội dung bài thơ: Năm trăm người nghèo
Ngày xưa trong rừng mơ xanh,
Có chim tụng trái trên cành thu hoa.
Là vườn thái tử Kỳ-đà
Cúng dường đức Phật đôi nhà cỏ thơm.
Mây từ vân tập bốn phương,
Khói hồ gợn tiếng trầm chuông gió chiều.
Từ lâu có bọn dân nghèo,
Năm trăm người vẫn hầu theo Phật từ.
Sống nhờ tín thí thừa dư,
Quẩn quanh bên Phật sớm trưa chẳng rời.
Chiều kia kéo đến hầu Người,
Rằng “thầy như thể mặt trời sáng soi.
Chúng con như cỏ ven đồi,
Như bèo mặt nước nổi trôi mấy dòng.
Nhờ ơn tựa dưới vừng hồng,
Khiến xuân hoa nở hạ nồng trái ương.
Giờ xin cậy đấng Pháp vương
Độ cho vượt thoát mê trường tham si.”
Phật ngồi nở nụ từ bi,
Truyền cho thập giới tam quy rõ ràng.
Áo xưa rách rưới nghèo nàn
Bỗng dưng hóa hiện y vàng cà-sa.
Lòng tươi như cánh xuân hoa,
Năm trăm người tạ Phật-đà xiết bao.
Rồi tìm rừng thẳm núi cao,
Động xanh thiền lự, suối đào quán mây.
Nghe tin, người khắp đó đây
Đều chê “Phật độ ăn mày, gớm sao!
Chẳng phân kẻ thấp người cao,
Bần hèn so với sang giàu chẳng hơn.
Từ nay tín thí cúng dường
Chỉ dành dâng đức Pháp vương trời người.
Của đâu cho hạng chây lười,
Dựa vào Phật pháp mong đời ấm no…”
Thôi thì tiếng nhỏ tiếng to,
Bới lông tìm vết vu cho đủ điều.
Làm năm trăm vị Tăng nghèo
Tủi thân, xét phận thấy chiều xót xa.
Bảo nhau về trước pháp tòa,
Quì thưa “vì chuyện bẩn nhà Như Lai.
Chúng con xin lại về đời,
Dám đâu gai mắt những người tín tâm.”
Phật rằng “pháp tựa hư không,
Ra vào ai cũng một lòng như ai.
Pháp như lửa lớn mặt trời
Cháy tan cả nghiệp ba đời tham si.
Pháp như thanh tịnh lưu ly,
6.050. Sạch băng trần nghiệp kể gì hèn sang.
Bước chân tám nẻo đường vàng,
Trí bi làm sức phục hàng tham mê.
Nhân gian mát cội Bồ-đề,
Lời hư giả đó muôn bề mặc ai.”
Năm trăm vị lạy tạ Người,
Bước chân tản mác khắp đồi, núi, khe.
Quyết lòng tu vượt sông mê,
Chẳng bao lâu đã Bồ-đề tâm khai.
Một hôm thái tử cúng trai,
Thỉnh riêng Phật với một vài thánh Tăng.
Trước khi Phật tới lễ đàn,
Bảo năm trăm vị bay sang cõi trời
Hái ngay mươi thúng đào tươi
Đem về bố thí cho người tín gia.
Lầu riêng thái tử Kỳ-đà,
Cúng dường Tăng Phật trên tòa ngọc châu.
Bỗng dưng có áng mây mầu
Giữa hư không bắc một cầu diệu quang.
Trông lên thấp thoáng y vàng,
Năm trăm vị xuống đàn tràng trầm bay.
Đứng nhìn dung mạo ngất ngây,
Thiền oai như thể hương bay rừng đàn.
Thưa “Tăng chúng ở đâu sang,
Thần thông vượt ánh dương quang giữa trời.
Lại cầm hoa báu đào tươi…”
Phật rằng “chúng đó phải người đâu xa.
Thuở chưa nương bóng Phật-đà,
Bần hàn không ruộng không nhà, xin ăn.”
Lệ mừng thái tử khôn ngăn,
Khấu đầu dưới Phật ăn năn tội mình.
Đã coi giới đó đáng khinh,
Biết đâu nghèo mạt mà tinh tiến thường.
Hầm than vẫn giấu kim cương,
Đất sâu vẫn lẫn vàng ròng nguyên khôi.
Phật tâm bình đẳng nơi người,
Con sâu cái kiến không ngoài chân như.
Hối xong, thái tử hỏi thưa:
“Tiền duyên từ thuở xa xưa thế nào,
Sinh ra trong chốn dân nghèo
Lầm than đói khổ muôn chiều thảm thương.
Khi cầu nương bóng Pháp vương,
Lại nên biến hóa khác thường oai nghi.”
Phật rằng “chẳng dễ tư nghì,
Thường là nhân quả khác gì trả vay.
Trừ khi Bồ-tát cứu đời,
Tạo nhân duyên mới, chuyển dời nghiệp chung.
Bấy giờ nhân quả mới xong,
Niết-bàn lập giữa trần hồng đổi thay.
Nguyên xưa cũng tại châu này,
6.100. Có rừng mây tía trùng vây động hồng.
Hai nghìn ẩn sĩ tu non,
Tọa thiền đỉnh ngọn chon von sương mù.
Nguyện chung hóa cõi Diêm-phù,
Mưa hòa gió thuận bốn mùa tốt tươi.
Trong thôn kia có một người,
Phú gia địch quốc đời đời tu nhân.
Với lòng hộ nước hộ dân,
Khuôn trì Tam bảo một thân xá nào.
Vườn riêng nghìn mẫu mai đào,
Đến mùa kiết hạ tìm vào động khe.
Thỉnh Tăng chúng khắp nơi về,
Cúng dường tứ sự mọi bề kính tôn,
Vườn riêng thành chốn thiền môn,
Nhân gian thành cõi đạo trường nghiêm trang.
Tuyển dùng trong bọn gia nhân,
Năm trăm người để quét sân hầu trà.
Cùng lo thắp nến, thay hoa,
Hoặc khi trai ngọ, pháp tòa khói hương.
Năm trăm người đó quen đường
Hầu nhà sang trọng, coi thường chúng Tăng.
Cho nên trong lúc nói năng,
Hay chen câu chuyện lăng nhăng để cười.
Như khi quét dọn hầu người,
Tỏ ra lơ đãng vừa chơi vừa làm.
Biết căn cơ kẻ si phàm,
Hai nghìn tu sĩ chẳng mang lòng phiền.
Cuối mùa giục bước non tiên,
Chư Tăng giải hạ bên triền non mai.
Hào quang chiếu khắp cõi trời,
Bốn phương đất trổ hoa tươi cúng dường.
Gió nào thổi tự rừng hương,
Thần tiên cũng tự mười phương hiện về.
Lưng trời hạc kết tàn che,
Đài sen cao tỏa bốn bề diệu âm.
Khiến người tỉnh giấc mê lầm,
Hốt nhiên ngộ nhập chân tâm diệu vời.
Nghĩ xưa tà ý thô lời,
Năm trăm kẻ nọ tới nơi đạo trường
Chí thành quì dưới đài hương
Ăn năn sám hối trăm đường thiết tha.
Nguyện rằng “trong kiếp trần sa,
Đem thân theo dấu Phật-đà tịnh tu.
Nguyện lưu Chính pháp đền bù,
Chong đèn bi trí cho dù bể dâu.”
Thế rồi theo đúng nguyện cầu,
Năm trăm người đó trải bao kiếp trần,
Dù khi nghèo khổ dại đần,
Dù khi sinh chốn thế thần quyền danh.
Cũng đều giữ được tâm thành,
6.150. Hướng về Phật đạo, nhân lành thêm ra.
Kiếp này lại gặp Phật-đà,
Tiền thân là bực phú gia thuở nào.
Gặp bầy, hạc lại vút cao,
Sắc không không sắc ra vào ngại chi.
Áo gai là giải thoát y,
Thân nghèo là ngọc lưu ly sáng ngời.
Ngục sâu lại hóa cung trời,
Ngu si lại hiện diệu vời chân tâm.”
Nghe xong tứ chúng vui mừng,
Khuyên nhau thành nội thôn rừng tịnh tu.
Bể cồn đá động thâm u,
Tiếng chuông giải thoát nghìn thu trầm từ.
Bài thơ Năm trăm người nghèo của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác