Hoá thân cứu đời
Đài hoa còn đọng sương mai, Khu thành La-duyệt nắng phơi phới vàng. Chim từ non biếc tìm sang, Như mây vân tập ca vang rừng tùng. Bên đồi Phật dạo thung dung, Ngắm sương đọng nhụy tựa dòng ngọc soi. Ngàn bông nở cánh tuyệt vời, Gió thơm cũng thoảng h
Nội dung bài thơ: Hoá thân cứu đời
Đài hoa còn đọng sương mai,
Khu thành La-duyệt nắng phơi phới vàng.
Chim từ non biếc tìm sang,
Như mây vân tập ca vang rừng tùng.
Bên đồi Phật dạo thung dung,
Ngắm sương đọng nhụy tựa dòng ngọc soi.
Ngàn bông nở cánh tuyệt vời,
Gió thơm cũng thoảng hương trời lan xa.
Phật nguyện cho khắp cỏ hoa
Năm năm tháng tháng rườm rà trái bông.
A-nan hoan hỉ cõi lòng,
Ngàn mai rũ sạch trần hồng tuyết băng.
Khác gì người thấm đạo vàng,
Nhuần cơn pháp nhũ như hàng hoa kia.
Tại sao kẻ ngộ người mê,
Kẻ sau người trước lối về quê chung.
Chẳng như cỏ nội hoa rừng
Cùng soi tỏ dưới tưng bừng nắng mai.
Phật thông cảm nỗi lòng ai,
Mới bày sau trước đôi lời thong dong:
“Tánh người nào khác viền trăng,
Mây che mờ tỏ cung hằng vẫn như…
Thuở xưa trong cõi Diêm-phù
Có vua trí đức đại từ đại bi.
Lòng ngài như suối lưu ly,
Như hang mầu nhiệm diệu kỳ lửa soi.
Lời như trầm ngát cõi trời,
Thân như khuôn ngọc tuyệt vời nhân gian.
Thường rời cung điện cao sang,
Vì dân đi khắp thôn làng gần xa.
Ở đâu có vết chân qua
Là người an lạc thuận hòa dưới trên.
Khiến cho tiêu oán, tan phiền,
Nhân dân khắp nước trọng hiền đãi Tăng.
Một hôm có nhóm thiên văn
Vào tâu vua chuyện muôn phần khẩn trương.
Họ xem điềm hiện khác thường,
Rõ là hạn hán tai ương khắp kề.
Một hỏa tinh nọ hướng về,
Nước nhà tất hẳn muôn bề lầm than!
Vua liền cùng với trăm quan
Tìm phương cách để cứu dân kịp thì.
Đêm ngày bàn lại tính đi,
Chưa tìm được một lối gì tránh qua
Thì trời nắng cháy thịt da,
Dân quê chết đói như là rạ khô.
Đó đây dần cạn ao hồ,
8.650. Rừng sâu cũng vẻ xác xơ lá cành.
Sớm chiều vắng bặt tiếng chim,
Nơi nơi hiện cảnh im lìm xót xa.
Ngày càng ngày một nóng ra,
Lòng vua đau xót biết là kể bao.
Trông lên thăm thẳm trời cao,
Cây không lá động, thấy nào gợn mây.
Đêm đêm cũng nực như ngày,
Bệnh mùa lan rộng dân đầy hoảng kinh.
Buồn lo trùm khắp triều đình,
Bao nhiêu kế hoạch cũng đành như không.
Lệnh truyền ải Bắc thành Đông,
Theo vua tích thiện thêm lòng giới trai.
Ăn năn ác tội sâu dày,
Thành tâm chuyển cộng nghiệp này mới thôi.
Của công ban phát nơi nơi,
Giúp dân trong lúc nạn tai mịt mờ.
Nhưng sông cũng đến cạn khô,
Khắp nơi người chết không mồ lấp chôn!
Vua truyền ngôi lại cho con,
Một mình tìm chốn động non tu trì.
Nguyện sao được hóa thân đi
Làm mưa rửa sạch sân si tội người.
Làm mây che rợp đất trời,
Khiến cho lúa trổ đòng tươi được mùa.
Quả như đại nguyện nhà vua,
Bảy ngày sau chuyển gió mưa khắp miền.
Triều đình vui sướng vô biên,
Vào hang động thỉnh vua hiền ngự ra.
Nhưng trên cội đá rêu pha,
Ngài đã nhập diệt, tim lòa hào quang.
Nhục thân kết hiện sắc vàng,
Tinh anh hóa chuyển muôn làn mây bay.
Xôn xao tin khắp đó đây,
Nguyện vua khiến hỏa tinh xoay khỏi vùng.
Ở đâu gió gợn, lá rung,
Là như còn vọng trầm hùng tiếng xưa.
Ruộng vườn tươi mát dưới mưa,
Tiếng chim đây đó cũng vừa tiếng ru.
Suối còn chảy mãi thiên thu,
Sông còn nhắc chuyện đức vua hóa hình.
Đêm còn trăng tỏa lung linh,
Vẳng nghe khúc hát thanh bình dân gian.”
Bấy giờ hiền giả A-nan
Hiểu vua xưa: chính tiền thân của Ngài.
Biết bao kiếp trước, Như Lai
Đã phát nguyện lớn độ người trầm luân.
Ví mà diệt hết tham sân,
Niết-bàn hóa hiện cõi trần đâu xa.
Lòng người nào khác muôn hoa,
8.700. Mỗi hương mỗi sắc mặn mà kém chi.
Trước sau rồi vẫn đến kỳ
Nụ khai, trái kết cũng thì đua tươi.
Tiệm tu thiện nghiệp đời đời,
Trăm năm đâu phải kiếp người là xong.
Quẩn quanh sáu cửa bụi hồng,
Mình đem mình buộc trong vòng quẩn quanh.
Như chim bói cá màu xanh,
Nhớ hồ xưa lại tìm cành đậu soi.
Sao như cánh trắng hạc trời,
Vút đi chẳng vết đường đời giữa mây.
Bấy giờ một bước xa bay,
Chuyển mê ngộ nhập phút giây tức thì.
Nắng hồng rực giải thoát y,
Ngàn hoa khiến bướm say về lả lơi.
Một dòng hoa nổi giữa trời,
Một dòng hoa nở trong người trầm tư.
Cánh nào mở cõi không hư,
Phiến băng tuyết khảm một tờ tim cang.
Bài thơ Hoá thân cứu đời của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác