Ngàn ngọn hương dâng
Ngày xưa lại cũng châu này, Một vua hiền đức là ngài Lý Sa. Trị muôn cõi nước gấm hoa, Bốn phương như thể một nhà an vui. Thái bình thịnh trị nơi nơi, Dân coi vua thể như người cha yêu. Ngài thường sớm tối đăm chiêu, Cái thân hoại khổ diễm kiều mà ch
Nội dung bài thơ: Ngàn ngọn hương dâng
Ngày xưa lại cũng châu này,
Một vua hiền đức là ngài Lý Sa.
Trị muôn cõi nước gấm hoa,
Bốn phương như thể một nhà an vui.
Thái bình thịnh trị nơi nơi,
Dân coi vua thể như người cha yêu.
Ngài thường sớm tối đăm chiêu,
Cái thân hoại khổ diễm kiều mà chi.
Gieo nhân lành kiếp xưa kia,
Trăm năm phước báo, còn gì nữa đây.
Làm sao tận diệt khổ này,
Độ mình đến khắp muôn người qua sông.
Một hôm vua ngự bệ rồng,
Lệnh truyền xuống khắp muôn vùng dân gian.
Cầu người, chứng ngộ đạo vàng,
Phò vua giáo hóa con đàng dân sinh.
Ban cho phú quý hiển vinh,
Đất đai muôn dặm, ngọc vàng muôn xe.
Một hôm có khách phương xa,
Tính danh người nọ xưng là Đỗ Sai,
Ngựa dừng yên trước thành ngoài,
Quì tâu: “xin hiến một vài pháp môn.”
Vua hiền rất đỗi vui mừng,
Tự tay đỡ dậy tận tình hỏi han.
Dốc vò ngự tửu thưởng ban,
Cấp riêng lầu ngọc huy hoàng gấm hoa.
Lại truyền dựng một pháp tòa,
Hôm sau cùng thỉnh Thầy ra đạo trường.
Vua quì dưới bệ dâng hương,
Cầu xin mở đức dẫn đường chúng nhân.
Sư rằng diệu pháp chính chân,
Muốn nghe vua phải muôn phần tôn nghinh.
Khoét ngàn lỗ thịt trên mình,
Đổ dầu, đốt ngọn lửa minh thần này.
Vua nghe, hoan hỉ nhận ngay,
Khất sư cho phép bảy ngày sửa sang.
Sứ truyền rao khắp nhân gian,
Dân hay đại nguyện cúng dàng nhà vua.
Việc chưa hay thấy bao giờ,
Dù năm biển lớn sao vừa nguyện kia.
Ai nghe, lệ chẳng đầm đìa,
200. Ngựa xe như nước tràn về bỗng dưng.
Quạt tàn như núi như rừng,
Dâng lên sớ thỉnh xin đừng hoại thân.
Còn ai lo nước lo dân,
Bầy con dại thiếu mẹ hiền được đâu.
Vua chiêu an: “chớ buồn rầu,
Trẫm dâng thân mạng tìm cầu pháp tu.
Dẫu rằng vạn kiếp phù du,
Nguyện đem chính đạo đền bù các ngươi.”
Ý vua đã quyết chẳng dời,
Thần dân khắp một gầm trời ủ ê.
Đến ngày hủy mạng cầu sư,
Vua quì trước bệ dáng như núi trầm.
Cầu nghe diệu pháp cao thâm,
Khoét thân, thắp bấc cúng dâng lửa thần.
“Tôi xin hủy giả hợp thân,
Cầu thanh tịnh đạo cứu dân, độ đời.”
Cầm dao vua khoét một hồi,
Ai ai mà chẳng rụng rời khóc than.
Vua rằng: “lửa thắp, hồn tan,
Trước xin Thầy mở pháp vàng độ tôi.”
Pháp sư ngâm giọng bồi hồi:
“Thường rồi đều hết, cao rồi thấp ngay.
Hợp tan một thoáng mây bay,
Vừa sinh thoắt đã đến ngày tử vong.”
Nhà vua cung kính nghe xong
Tự tay châm lửa, thân rồng an nhiên.
Khởi lòng thanh tịnh vua nguyền:
“Khổ thân để dứt triền miên khổ tình.
Đốt thân cầu lửa trí minh,
Phá ngu si cứu chúng sinh mọi loài.”
Nguyện vua chuyển cả cung trời,
Thần tiên hiện xuống quanh nơi lửa hồng.
Tàn hoa che kín hư không,
Kim thân Bồ-tát dốc lòng cầu sư.
Lệ tiên nhỏ xuống thành mưa,
Ngàn hoa theo gió cũng đưa hương về.
Vua trời Đế-thích hầu kề,
Rằng: “ngài quyết vượt sông mê, qua dòng?
Bây giờ, nuối tiếc chi không?”
Vua cười: “phát nguyện một lòng không hai.”
Thiên vương gặng hỏi: “thưa ngài,
Lấy gì chứng cớ cho lời nguyền kia?”
Nghe xong, vua phát lời thề:
“Tâm tôi như trước chưa hề chuyển lay,
Thì xin lỗ tẩm dầu này,
Trên thân xác lại vẹn đầy như xưa.”
Lòng thành cảm đến Phật thừa,
Quán Thế Âm hóa giải mưa biến thần.
Chợt nghìn ngọn lửa trên thân,
Nở thành sen quý xanh ngần cánh hương.
Lòng như ngọc, trí như gương,
Sáng như nhật nguyệt chân thường như lai.
Thưa rằng: “vua đó là Ngài,
Đốt thân để sáng muôn loài si mê.”
Bài thơ Ngàn ngọn hương dâng của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác