Tìm duyên giải thoát
Ngày xưa có đền Thùy Dương Ven sông, sớm tối khói hương phụng thờ, Bốn mùa chim tụ mây đưa, Hoa dâng nắng sớm, lau thưa khói chiều. Lại, qua, xe ngựa dập dìu, Ai không hiến lễ ít nhiều hoa hương. Một hôm có khách thập phương, Là quan tể tướng thành v
Nội dung bài thơ: Tìm duyên giải thoát
Ngày xưa có đền Thùy Dương
Ven sông, sớm tối khói hương phụng thờ,
Bốn mùa chim tụ mây đưa,
Hoa dâng nắng sớm, lau thưa khói chiều.
Lại, qua, xe ngựa dập dìu,
Ai không hiến lễ ít nhiều hoa hương.
Một hôm có khách thập phương,
Là quan tể tướng thành vương ghé vào.
Khấn rằng “muôn dặm âm hao,
Nghe thần từng giúp biết bao nhiêu người.
Nay xin quý tử ra đời,
Được như, tôi hiến vàng mười điểm tô.
Bằng không sẽ lấy than tro,
Trát lên thần tượng, miếu thờ đập tan.”
Khấn xong lại trở lên đàng,
Về thành lấp lánh đôi hàng giáo gươm.
Địa thần lên điện Thiên vương,
Quì ngoài sân ngọc tỏ tường trình thưa.
Vương truyền: “ta sẽ tâu vua
Lên cung Đế-thích cho vừa ngày trao.”
Chúa tôi vẫy đám mây đào,
Cõi trời Đao-lợi, thẳng vào quì tâu.
Mây sa rồng cuộn trước lầu,
Rằng “thần có một tôi hầu trước kia.
Quan tể tướng nước Duyệt-kỳ,
Đến xin quý tử sinh về năm nay,
Bằng không, san miếu thẳng tay,
Giờ cầu Thiên đế, việc này quyết xong.”
Nhân khi có một tiên ông
Đến ngày nghiệp tận, bệ rồng vời qua.
“Trẫm nghe nơi cõi trần sa
Có quan thừa tướng là nhà hiền lương.
Thác sinh khanh sớm lên đường,
Đầu thai xuống chốn thành vương dõi truyền.”
Thực lòng ông mới trình lên:
“Vinh hoa là cửa ưu phiền ngục sâu.
Ý tôi chẳng muốn sang giàu,
Nguyện sanh chốn khổ, dễ cầu đạo tu.
Dù nơi dân dã bần ngu,
Còn hơn lầu các giam tù một mai.”
Đế rằng “khanh cứ đầu thai,
Rồi sau ta giúp cho ai toại lòng.”
Cúi đầu lạy ta thềm rồng,
Đôi con hạc đón tiên ông lên đàng.
Một đêm trong giấc mơ màng,
Quan tể tướng thấy hào quang chói lòa.
Sáng sau lại được tin nhà,
1.250. Phu nhân mãn nguyệt khai hoa đêm rồi.
Một trai tướng đức tuyệt vời,
Lâng lâng vẻ ngọc, sáng ngời vóc hoa.
Tin vui truyền khắp gần xa,
Ông đem vàng ngọc dựng tòa miếu thiêng.
Một vị đạo sĩ quanh miền,
Cũng rời trang trại chống thiền trượng qua.
Xem tướng xong, đặt Hằng-gia
Dạy rằng trẻ nối dòng nhà vẻ vang.
Lần hồi Thu lại Đông sang,
Hằng-gia cốt cách phi phàm biết bao.
Tánh ưng nghe thuyết đạo mầu,
Sớm xin cha mẹ cho đầu Phật gia.
Thưa rằng “thấm thoát ngày qua,
Tấm thân ai có biết là khói sương.
Làm người đã khó khôn lường,
Lại còn gặp Phật dẫn đường, vinh thay!
Ngàn năm đâu dễ hội này,
Mở khai chính đạo độ đời tham mê.
Cho con tầm đạo tu trì,
Thoát ra ngoài cõi so bì giả danh.”
Phụ thân nói “muốn tu hành,
Dù nơi lầu các, rừng xanh cũng là.
Cần chi bỏ cửa bỏ nhà,
Đày thân nắng dãi sương pha lần hồi.
Mẹ cha có một con thôi,
Sẵn đầy tài sản, hơn người quyền danh.
Nếu con quyết chí tu hành,
Ra đi cha mẹ cũng đành nhớ thương.
Kể chi đến chuyện tông đường,
Dòng nhà thôi cũng hết phương dõi truyền.
Chi bằng mở rộng đạo duyên,
Con dùng phương tiện chở chuyên giúp đời.”
Lòng cha nào thể đổi dời,
Nói chi, đôi mắt lệ ngời rưng rưng.
Một hôm cưỡi ngựa vào rừng,
Thấy đôi hạc tía trên từng mây trôi.
Hạc bay thăm thẳm chân trời,
Lánh xa mây trắng rạc rời dưới non.
Còn ta danh lợi quay tròn,
Quẩn quanh trăm mối, hao mòn hai vai.
Tốt hơn trút bỏ thân này,
Đành như cởi áo, đổi thay thế tình.
Quyết lòng đỉnh núi gieo mình,
Xuống khe mây ngút như hình lá rơi.
Lạ thay! một dải sương trời
Biến thành võng lụa đỡ người vàng châu.
Hằng-gia mặt héo mày sầu,
Lại tìm ngọn nước dưới cầu gầm reo.
Trông mây man mác qua đèo,
1.300. Nguyện như mây nọ, lìa gieo giữa dòng.
Lạ thay, bọt nước trên sông,
Kết thành một đóa sen hồng đỡ thân.
Làm sao thoát kiếp phù trần,
Mượn liều thuốc độc, thêm lần đổi thay.
Uống vào năm sáu chén đầy,
Mà sao trí vẫn hiện bày như trăng!
Tìm phương tính kế cho bằng,
Xô tan nghiệp lụy xích thằng mà ra.
Một hôm giữa nội cỏ hoa,
Bên dòng suối mát, đàn ca vang ngần.
Bao nhiêu mỹ nữ cung tần
Xuống dòng suối biếc ngâm thân vui vầy.
Áo hồng tía vắt trên cây,
Tóc ai đem xỏa bóng mây giữa dòng.
Ngựa chàng đỉnh núi xa trông,
Tự nhiên nảy kế thoát vòng trần ai.
Nghĩ rồi, quyết thực hành ngay,
Xuống đầu suối mát nằm dài hát ca.
Tiếng nào vọng giữa rừng xa,
Lơ thơ hoa rụng, la đà sóng vang.
Sương thu quyện tiếng ca chàng,
Dòng thu cuộn cánh hoa vàng đến vua.
Gió buồn não trận sầu mưa,
Nói cười im bặt bên bờ cỏ êm.
Đùng đùng vua nổi bão ghen,
Kẻ nào dám tắm trên ghềnh suối ta.
Thét quân gươm giáo sáng lòa,
Lên non tìm bắt để mà khai đao.
Trăm hoa ủ dột má đào,
Lại như dầu nọ thêm vào lửa sân.
Đã nghe ngựa hí vang rần,
Rẽ sương đầu núi ba quân kéo về.
Dẫn theo một gã cuồng kia,
Hoa chen gót tía, mây chia tóc bồng.
Truyền đem trói trước kiệu rồng
Chặt đầu, chuộc tội nghìn hồng mất vui.
Lệnh ban hoa cỏ bùi ngùi,
Gã kia mắt biếc tươi cười tự nhiên.
Gươm vừa chạm đến mình tiên,
Bỗng dưng đao phủ thét lên rụng rời.
Vì gươm báu chợt gãy đôi,
Vua truyền cởi trói run lời hỏi han:
“Hẳn thiên tiên xuống trần gian,
Có điều chi muốn bảo ban lão thần?”
Hằng-gia quì dưới trình lên:
“Phận hèn muôn đội ơn trên cao dày.
Là con tể tướng nước này,
Vì không toại nguyện nên đày đọa thân.
Tính nhờ gươm pháp minh quân,
1.350. Xóa đi một kiếp hồng trần cho xong.
Giờ xin vua thỏa nguyện lòng,
Khuyên can nghiêm phụ, dám mong gì nhiều.
Cho thần tìm đạo cao siêu,
Thoát đường danh lợi, là điều thiết tha.
Về nương dưới bóng Phật-đà,
Bước chân quyết vượt ái hà mê tân.”
Lòng vua cảm mến muôn phần,
Truyền sai đón bậc lão thần bảo ban.
Rồi vua lại tự đưa chàng
Đến nơi tịnh xá dưới hàng hoa rơi.
Phật đang dạo ngó mây trời,
Bước chân tuyết rụng xanh ngời cỏ xuân.
Hằng-gia chợt thoát mê tân,
Như chim vượt khỏi lưới trần phiêu bay.
Vua A-xà-thế tỏ bày:
“Nhân chi mà hưởng quả này phúc duyên?
Dù cho gươm giáo cung tên,
Ai kia chạm đến bực hiền được sao.
Lại còn tám vạn trần lao,
Thoát lìa một chớp, ra vào ngại chi?”
Phật rằng “tiền kiếp xưa kia
Có vua nước lớn trị vì muôn dân.
Một hôm cùng các phi tần
Dong xe lên đỉnh non thần đàn ca.
Bỗng nghe vẳng tiếng tiêu hòa,
Khiến bao giọng ngọc khóc hoa lặng chìm.
Thét quân vua bắt đi tìm
Tiếng tiêu thoắt hiện, thoắt im dặt dìu.
Lưng non, gặp một gã tiều
Đang ru mình giữa tiếng tiêu nhịp nhàng.
Lệnh vua tức khắc đem giam,
Chỉ vì một khúc tơ oan tội tình.
Đường về gặp quan giám binh,
Hàng hàng gươm giáo lạnh mình oai nghi.
Động lòng thương xót gã kia,
Chút say nghệ sĩ, can gì đầu rơi!
Đến vua quì gối tâu lời:
”Chấp chi một khúc nhạc rời rã hoa.
Cúi xin ơn rộng hải hà,
Hiếu sinh dung kẻ tài ba một lần.”
Nhà vua nể nghĩa quân thần,
Cũng nguôi nộ khí truyền quân thả người.
Vị quan cứu tử mừng vui,
Cho làm nghĩa tử theo đòi sớm hôm.
Lần hồi xuân hạ thu đông,
Suối xanh rồi cũng nhớ sông cát vàng.
Gã tiều thấm lẽ vô thường,
Tưởng lều cỏ cũ, chán chường phố mây.
Chàng thưa “nguyện có cao dày,
1.400. Công ơn nghĩa phụ lòng này tạc ghi.
Muốn đền đáp, biết lấy chi,
Con xin về núi tu trì thiện căn.”
Ông rằng “việc chẳng nên ngăn,
Nhớ khi đắc đạo về thành độ cha.”
Tạ từ lui bước chân ra,
Như voi nhớ chốn rừng già kịp đi.
Như sông nhớ biển lần về,
Như ai ngàn dặm nhớ quê võ vàng.
Rừng xưa nơi bãi cỏ hoang,
Dựng lều lau sậy ẩn tàng chí cao.
Sớm hôm suy gẫm tìm cầu,
Phá tan huyễn vọng, nhiệm mầu tâm khai.
Dùng thần thông đạp mây bay
Về thăm nghĩa phụ, hiện bày tâm quang.
Chiếu ra núi biếc trời vàng
Thành hơi gió thoảng chiên đàn lâng lâng.
Thấy con, nghĩa phụ vui mừng,
Nguyện lòng, ngưỡng vọng lên từng mây đưa.
Duyên may được cứu ngài xưa,
Từ lên tu núi khắc giờ thầm trông.
Bây giờ phúc tuệ thần thông,
Xin ngài cứu độ, qua sông mê này.
Rồi nương chính pháp sâu dày,
Sớm hôm tu dưỡng hầu thầy độ sinh.
Hậu thân của vị giám binh,
Là Hằng-gia đó liều mình cầu tu.
Thân này trong cõi phù du,
Mà luôn thức tỉnh cho dù bến mê.
Cũng nhờ hạnh nghiệp xưa kia,
Kiếp này khai ngộ Bồ-đề tâm không.
Từ đây cởi áo trần hồng,
Như con sáo sậu qua sông trở về.”
Nghe rồi, vua bước lên xe,
Cờ reo dậy đất, tàn che rợp nhà.
Phật kêu Bồ-tát Hằng-gia,
Dạo bên suối lạnh ngó hoa xuôi dòng.
Cát vàng óng ánh đáy trong,
Hoa man mác nổi trên dòng suối lơi.
Hằng-gia hiểu ý Phật rồi,
Chắp tay lễ tạ, kịp dời gót chân.
Một nhà mai trúc đầy sân,
Giúp vua, trị nước, cứu dân thỏa lòng.
Như trăng sáng tỏa hư không,
Ngại chi hiện giữa giọt hồng sương hoa.
Bài thơ Tìm duyên giải thoát của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác