Hạnh nhẫn nhục
Nhớ hồi Phật tại thành La, Trong vườn lục trúc ngự nhà dải vân. Với năm La-hán Kiều-trần, Lại thêm Ca-diếp và ngàn Tỷ-khiêu. Vượt qua bến mộng phù kiều, Như bầy tiên hạc dập dìu cánh bay. Sớm dời thành Bắc sông Tây, Chiều sang Nam hải vui vầy chờ Đô
Nội dung bài thơ: Hạnh nhẫn nhục
Nhớ hồi Phật tại thành La,
Trong vườn lục trúc ngự nhà dải vân.
Với năm La-hán Kiều-trần,
Lại thêm Ca-diếp và ngàn Tỷ-khiêu.
Vượt qua bến mộng phù kiều,
Như bầy tiên hạc dập dìu cánh bay.
Sớm dời thành Bắc sông Tây,
Chiều sang Nam hải vui vầy chờ Đông.
Chẳng lưu vết tích trần hồng,
Một đi biền biệt muôn trùng mây đưa.
Bấy giờ dân nước Duyệt-kỳ
Ngợi khen huệ đức một vì thánh vương.
Như bè chính pháp y nương,
Như đêm tối hiện chân thường vừng trăng.
Độ người tà kiến mê lầm,
Qua sông huyễn dục vượt hầm lửa sân.
Giục nhau vượt cõi mê tân,
Dù là cao, hạ, sang, bần mặc ai.
Chuyển cơn mưa pháp người, trời…
Trăm đào nghìn tía xanh ngời trái hoa.
Tâm từ trải khắp trần sa,
Nơi nơi thịnh trị, nhà nhà thuận vui.
Lại khen đệ tử muôn người,
Duyên chi mà sớm quy hồi đạo chân.
Một đêm Tăng chúng quây quần,
Dưới hoa, quanh bậc cha hiền thưởng nhang
Trầm thơm phảng phất đạo tràng,
Phật ngồi trên chõng tre vàng ánh trăng.
Một Tỳ-khưu đứng bạch rằng:
”Nhân chi tiền kiếp nay quần tụ đây?
Như trăng hiện giữa đài mây,
Như xuân nở trắng một ngày hoa lê.”
Phật rằng: “ta có lời thề
Viên thành Phật đạo nguyện về độ tha.
Kể trong vô lượng đời qua,
Cõi này có một vua là Lợi vương.
Bên thành có núi ùn sương,
Có hoa vàng động, có nương thẫm đào.
Có vị tiên lão hạnh cao,
Năm trăm đệ tử ẩn vào động tu.
Một hôm cùng với nhà vua,
Cung phi ngọc nữ viễn du chốn này.
Nhạc ca, yến tiệc vui vầy,
Kiệu vàng ẩn dưới tàng cây trải hồng.
Rượu tàn trầm cũng ngưng xông,
Trên giường còn lại mình rồng ngủ say.
Cung tần mỹ nữ dạo chơi,
Tìm qua hang động viếng người thanh tu.
Một vùng cây cỏ thâm u,
Suối reo biêng biếc, chim gù hắt hiu.
Hoa theo bướm lượn dập dìu,
Sườn non ai bắc nhịp kiều uốn quanh.
Đỉnh non mây kết tàn xanh,
Lối vào sương động lả nhành hoàng mai.
Bước chân lạc nẻo thiên thai,
Áo xanh điệp thúy, dầu hài đạp hương.
Rẽ hoa gặp khách dị thường,
Đặt hai bồ thuốc trên đường nghỉ yên.
Dung nhan lắng sạch ưu phiền,
Khách ngồi bó gối nhìn triền vách mây.
Hỏi ra, chính lão tiên đây,
Cung tần mỹ nữ dâng thầy trầm hoa.
Vây quanh bãi cỏ yên hà,
Lắng nghe thầy dạy, trần sa sạch lòng.
Bỗng đâu hiện cỗ kiệu rồng,
Giáo gươm tỏa sáng, tàn hồng nghiêng che.
Kể từ vua tỉnh giấc hoè,
2.150. Trầm hương sáo nhạc bốn bề bặt yên.
Thét quân thẳng đến động tiên,
Dưới chân mây biếc, bên triền chim ca.
Đến nơi vách núi chiều tà,
Lão tiên ngồi giữa ngàn hoa xum vầy.
Rượu còn phảng phất hương say,
Lòng nghe như thể muôn ngày cuồng phong.
Thất kinh nét tía vẻ hồng.
Nhà vua vừa xuống kiệu rồng oai nghi,
Hạch rằng: “người giữ hạnh chi,
Ngồi cùng ngọc nữ tần phi giữa rừng?”
Lão cười nói: “bẩm đại vương,
Theo hạnh nhẫn nhục lão thường luyện tu.”
Vua gầm: “thật nhẫn nhục ư?”
Rút thanh bảo kiếm chặt lìa đôi tay.
Máu hồng như suối tuôn ngay,
Lão ngồi điềm tĩnh rạng ngời dung nhan.
Vua cười: “còn nhẫn nữa chăng?”
Lão thưa: “hạnh vững ví bằng núi kia.”
Khua thanh kiếm báu chớp lìa,
Chặt đôi chân, máu đầm đìa đổ văng.
Cười gằn: “lão nhẫn nữa chăng?”
Thưa: “đời tham giận kiêu căng đọa đày.
Muốn qua bốn vọng mê này,
Chỉ còn nhẫn nhục làm thầy y vương.”
Lạ thay kinh động mình rồng,
Vứt thanh kiếm báu tỉnh lòng trần sa.
Hào quang chớp loé sáng lòa,
Sen đâu kết lại một tòa trăm bông.
Lão tiên bay giữa hư không,
Nghìn con nhạn kết tàn hồng nghiêng che.
Lòng vua hối hận sắt se,
Quỳ bên bãi cỏ đầm đìa lệ vương.
Tiên rằng: “tan hợp vô thường,
Nhẫn như tích trượng kim cương chẳng dời.
Nghiệp duyên như sóng trùng khơi,
Tánh không, vằng vặc lưng trời như trăng.”
Nhà vua cung kính xin rằng:
”Dạy cho đệ tử pháp hiền nhẫn tu.”
Lão truyền: “do Phật tâm từ,
Yêu thương vô lượng diệt trừ huyễn sanh.
Chẳng vì tha, ngã cách ngăn,
Ngại chi giả tướng muôn thành khói mây.”
Trên đài sen thoảng hương bay,
Lão tiên vóc thể nguyện đầy vàng châu:
Tay hoa mười búp nhiệm mầu,
Chân tươi vẻ ngọc dáng đâu tuyệt vời.
Nhà vua sám hối, nghẹn lời,
Nguyện dùng gươm diệt ba đời vọng căn.
Nguyện khi đắc đạo chí chân,
Sẽ vào cứu độ hồng trần tham mê.
Bỗng dưng mây kéo ập về,
Sấm gầm gió thét, bốn bề chớp giăng.
Số là thần, quỉ, Long vương,
Giận vua Ca-lợi, nổi cơn lôi đình.
Tham tàn sát hại thánh nhân,
Quyết mang búa sét diệt quân bạo tàn.
Đánh cho ngọc nát vàng tan,
Lửa trời phóng đốt muôn đoàn ngựa xe.
Vua quan vía khiếp hồn ghê,
Tiên sai hạc kết tàn che khắp trời.
Lại khuyên rồng, quỉ, hờn nguôi,
Từ bi tha kẻ quy hồi lẽ công.
Tự nhiên trời tạnh trăng trong,
Cúi đầu lễ tạ, mình rồng lên xe.
Một đoàn cờ dựng tàn che,
Thớt voi bành ngọc trẩy về thành hoa.
Bấy giờ có bọn pháp gia
Thấy vua cung kính đạo mà ghét ghen.
Thuê người đồn đãi phao truyền
Đặt điều nói xấu lão tiên khắp vùng.
Ngày kia chuyện lọt hoàng cung,
Vua truyền quân lính truy lùng khảo tra.
Mới hay mưu bọn pháp gia,
Một đêm nhốt hết ngàn nhà chủ trương.
Tin vừa đưa đến non sương,
Lão tiên hóa hiện thần thông về thành.
Xin vua mở đức hiếu sinh,
Rộng tha cả bọn vô minh sâu dày.
Để gieo ân đức kiếp này,
Hướng về Phật quả tròn đầy mai sau.
Tẩy trừ nghiệp thức mê sầu,
Độ cho ngoại đạo qua cầu chấp nê.
Kiếp xưa tiên lão Sàn-đề,
Tiền thân ta lại hiện về hôm nay.
Vua Ca-lợi trước là đây,
Kiều-trần-như nghiệp sâu dày sạch tan.
Đại thần bốn vị lão quan,
Đời này cũng khoác y vàng Tỳ-khưu.
Vượt qua ải mộng oan cừu,
Bây giờ năm vị còn lưu vườn này.
Cầm đầu ngoại đạo là đây,
Hiện thân Ca-diếp ngày rày về theo.
Lại thêm ngàn vị Tỳ-khiêu
Cũng từ kiếp nọ đặt điều mê sân.
Đổi thay theo xác hồng trần,
Trước sau rồi lại quay quần chung nhau.
Sóng tàn, nước có hao đâu,
Mây tan, lại sáng làu làu viền trăng.”
Nghe xong Tăng chúng bàng hoàng,
2.250. Trông ra thấp thoáng y vàng dấu sương.
Chẳng còn mê sợ vô thường,
Tâm cùng trời đất, trăm đường hóa sinh.
Như mầm xuyên đất vô minh,
Nở hoa kết trái an bình thiên thu.
Bài thơ Hạnh nhẫn nhục của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác