Đức vua và con voi
Nhớ xưa, ngày đức Như Lai Bước vân du tới vườn mai trổ hồng. Có hồ sen nước búp trong, Đáy in xanh thẳm hàng thông vươn mình. Đôi gian nhà đất mái tranh, Bên cầu tre uốn qua ghềnh suối thơ. Tin lành mới được nghe qua, Quốc vương Xá-vệ liền ra đạo trư
Nội dung bài thơ: Đức vua và con voi
Nhớ xưa, ngày đức Như Lai
Bước vân du tới vườn mai trổ hồng.
Có hồ sen nước búp trong,
Đáy in xanh thẳm hàng thông vươn mình.
Đôi gian nhà đất mái tranh,
Bên cầu tre uốn qua ghềnh suối thơ.
Tin lành mới được nghe qua,
Quốc vương Xá-vệ liền ra đạo trường.
Vừa khi đệ tử trong vùng
Rủ nhau lớp lớp tới mừng Như Lai.
Một vườn hoa trải trầm bay,
Đài sen tỏa biếc, tàn mây pha hồng.
Người người vui mối vui chung,
Chờ nghe chánh pháp, nguyện lòng tuyết băng.
A-nan khi đó bạch rằng:
“Chúng sinh mừng gặp đạo hằng mở khai.
Kính thành xin đức Như Lai
Dạy cho hay kiếp trước Ngài duyên chi
Phát nguyền độ kẻ tham si,
Phá vô minh tỏ Bồ-đề tự tâm.”
Trong vườn hoa cỏ lặng im,
Cành cao thoảng rụng tiếng chim cuối mùa.
Thế tôn dạy: “cõi Diêm-phù
Cách nay vô lượng xuân thu đã nhiều.
Có vua trí tuệ cao siêu,
Quang Minh đế hiệu bao nhiêu đức dày.
Bốn phương thịnh trị nhờ tay,
Lòng từ thấm khắp cỏ cây thú trùng.
Một hôm vua nước láng giềng,
4.050. Dâng con bạch tượng trắng ngần tuyết lê.
Vua truyền giao cho nhà kia,
Chuyên nghề quản tuợng đem về dạy nuôi.
Thu đông ngày đổi tháng dời,
Voi kia tròn một năm trời vườn riêng.
Đã quen theo đúng lệnh trên,
Quản tượng viết sớ dâng lên triều đường.
Voi thần đẹp ý quân vương,
Ngài truyền dẫn đến đấu trường diễn coi.
Sớm mai vừa dựng mặt trời,
Cửa đông xe ngựa nơi nơi bốn bề
Đến xem bạch tượng lạ kỳ,
Như điềm chính đạo hiện về nhân gian.
Kiệu son giữa bốn lọng vàng,
Trống thôi vó ngựa loa vang thét đường.
Oai nghi đủ vẻ triều cương,
Đức vua ngự tới đấu trường sáng nay.
Bành voi nhung gấm bọc dày,
Để ngài thử một buổi này dạo chơi.
Khi voi được dắt tới nơi,
Trước đài quì xuống như mời vua lên.
Tiếng hoan hô dội bốn bên,
Khen mừng bạch tượng oai nghiêm khác thường.
Chợt voi thấy cuối đấu trường
Có voi xám nọ, chạnh thương mẹ già.
Bao ngày cách biệt rừng xa,
Nghĩ rồi bạch tượng vượt ra ngoài vòng.
Quan quân vội rẽ đám đông,
Ngựa tung bụi đỏ hãi hùng rượt theo.
Nhà vua lâm thế hiểm nghèo,
Trên voi phách lạc hồn xiêu sững sờ.
Mà voi kia vẫn trơ trơ,
Một niềm dõi hướng rừng xưa băng mình.
Phía sau, quân tướng triều đình
Lo tìm cách giữ an lành quốc vương.
Làm sao cứu được vẹn toàn,
Khi voi vượt suối băng ngàn như bay.
Mặc cho quản tượng luôn tay
Nện búa xuống gáy đau trầy sứt da.
Đến khi một tướng tài ba,
Ngựa đeo bên tượng, kêu vua vững lòng.
Rồi dang tay đón mình rồng,
Vua lao thân xuống giữa lòng tôi trung.
Võ quan xiết nỗi vui mừng,
Cứu được minh chúa thoát vòng nguy nan.
Nhưng vua lòng giận muôn vàn,
Nhìn theo bạch tượng không buồn nói chi.
Quan quân tiếp tục tới kề,
Một đoàn hộ giá thẳng về hoàng cung.
Còn voi nọ thoát về rừng,
4.100. Đem theo quản tượng trên lưng phóng dài.
Ngang đường có một thân cây,
Quản tượng vội níu lên ngay thoát mình.
Vượt rừng trở lại đế kinh,
Hôm sau vừa kịp bình minh buổi chầu.
Một thân quì dưới sân đào,
Đình thần, nội thị ai nào đoái trông.
Chỉ mong trên chín bệ rồng,
Lượng cao trông xuống, mở lòng thứ tha.
Nhưng rồi sương sớm chiều tà,
Ba ngày không thấy vua ra thiết triều.
Nghĩ thân mình đã tội nhiều,
Thôi đành tự xử dám kêu xin nào.
Cắt tay để lấy máu đào,
Viết sớ tạ tội tìm trao cận thần.
Nhờ dâng lên đấng minh quân,
Rồi về, dải lụa hủy thân trong ngày.
Nghe tin, vua mới đưa tay
Cầm trang sớ nọ xem lời tấu van.
Rằng “thần tội lỗi vô vàn,
Hủy thân để tạ điện vàng mới xong.
Ân vua xin giữ trong lòng,
Dù bao nhiêu kiếp trần hồng đâu phai
Vì thần bạc đức non tài,
Khiến voi chỉ khuất bề ngoài mà thôi.
Nên thừa cơ lúc diễn coi,
Băng về rừng cũ tìm nơi ẩn mình.
Nhưng vua là đấng cao minh,
Hẳn sau voi sẽ về kinh hầu ngài.
Như xưa các bậc hiền tài
Được bao ác thú các loài quy theo.
Thân tâm thuần phục đôi chiều,
Thiện căn hóa độ là điều dài lâu.
Phận tôi dưới bệ khấu đầu,
Kiếp này gây tội, thân sau nguyện đền.
Trăm nghìn lạy trước điện tiền,
Trước giờ vĩnh biệt cầu trên thứ lòng.”
Máu đào một lá coi xong,
Nhà vua nghĩ lại vô cùng xót xa.
Chuyện buồn cũng bởi vì ta,
Quá theo lòng giận mà ra nỗi này.
Truyền đem mực thắm tờ mây,
Sắc ban truy thưởng nghĩa người tôi trung.
Ba ngày cửa đóng hoàng cung,
Hiền vương suy nghĩ mông lung nhiều bề.
Phật xưa khai ngộ chuyển mê,
Làm sao trùng thú tự về nương theo.
Còn ta đủ sự nuông chiều:
Cỏ tươi, nước mát, chuồng điều sướng thân,
Mà không khuất được voi rừng,
4.150. Đức người hồ dễ có chừng ấy thôi.
Lòng sầu, mãi nghĩ khôn nguôi,
Chợt đêm mộng thấy một người tới thăm.
Ung dung bước tỏa hào quang,
Đó đây man mác sen vàng gió hương.
Trao cho vua tập Kim Cương
Rằng “đây cửa đạo chân thường Như Lai.
Từ bi trí huệ cao dày,
Đó là Phật tánh xưa nay tỏ tường.
Thuyền lan sáu cánh qua sông,
Tịnh, ô thì cũng một vòng khởi duyên.”
Tỉnh ra vua sạch ưu phiền,
Phát tâm sám hối, khởi nguyền thanh cao.
Nguyện đem công đức hướng vào
Cõi trần mở oán giải sầu chúng sinh.
Đoạn trừ nguồn cội vô minh,
Mở khai chính đạo yên bình muôn phương.
Trần gian hóa hiện thiên đường,
Tràn đầy trí huệ tình thương diệu vời.
Đức hiền rờ rỡ mặt trời,
Khiến cho cây cỏ muôn loài nở vui.
Quốc vương thệ nguyện dứt lời,
Suối thần hòa điệu, hoa tươi nở đầy.
Nhạc vàng thoảng gió đâu đây,
Trên không chợt hiện vừng mây tuyệt vời.
Giữa mây chư vị thần trời
Khen vua nguyện lớn cứu người tham mê.
Mai sau ngộ nhập Bồ-đề,
Đạo trường thanh tịnh bốn bề hòa duyên.
Mở khai muôn tạng kinh hiền,
Kết thành hoa báu hương thiền diệu âm.
Quang Minh đúng bậc nhân vương,
Bấy giờ khắp nước dựng trường đạo khai.
Từ tâm thấm khắp muôn loài,
Nên ngày kia có một người thợ săn
Đến khi bệ kiến vua hiền
Tâu chuyện săn bắn nơi miền đất xa.
Hôm kia gã ở rừng già,
Gặp con voi trắng như là tuyết rơi.
Mang bành khảm ngọc sáng ngời,
Lên non hái trái lại rời khe mây.
Rình theo lâu mới được hay
Voi thường nuôi mẹ ngày ngày động hoang.
Cuối khe trên nắm cỏ vàng,
Voi già nằm đó thân tàn trơ xương.
Vội vàng gã đến trào cương
Trình lên thánh thượng tỏ tường việc kia.
Ví bằng cho bắt voi về,
Thì xin dẫn đến động khe cuối rừng.
Vua trầm ngâm giữa ngai rồng,
4.200. Truyền đem vàng bạc thưởng công chu toàn.
Phán rằng “tình mẹ nghĩa con,
Dù cho trăm biển nghìn non nào bằng.
Từ bi là tính thường hằng,
Xem trong muôn loại cũng chung đạo trời.
Dù cho vật đổi sao dời,
Từ tâm trí huệ đời đời truyền lưu.
Giá gương phủ lấy nhiễu điều,
Tình như biển rộng bao nhiêu nước vừa.
Để voi ở lại rừng xưa,
Sớm hôm nuôi mẹ cho vừa hiếu tâm.”
Thợ săn bái tạ hoàng ân,
Lĩnh vàng bạc thưởng lui chân quay về.”
Kể xong, Phật bảo “voi kia
Đã chăm nom mẹ sớm khuya một lòng.
Nên sau nhẹ nợ cõi hồng,
Lại nương chính pháp thoát vòng trần lao.
Như chim thần vút cánh cao,
Đại phương cõi Phật ra vào nghiêm trang.
Đó là hiền giả A-nan
Hiện thân giữa chốn đạo tràng tịnh tu.
Còn người quản tượng cho vua,
Mượn vòng lụa bạch kiếp xưa hủy mình.
Kiếp này cũng dứt vô minh,
Như đêm thu nguyệt hương quỳnh thoảng bay.
Là ông Xá-lợi-phất đây,
Kiếp xưa điều tượng, kiếp này điều tâm.
Khởi giác tính, bạt mê lầm,
Như sen thường trụ trong đầm tanh hôi.
Dù cho muôn kiếp luân hồi,
Cũng theo đại nguyện cứu người tham mê.
Trong sinh tử hiện Bồ-đề,
Trí bi tự tánh hiện về nơi nơi.
Còn vua, nguyện cảm đất trời,
Phát tâm độ khắp muôn loài khổ đau.
Kiếp trần trôi nổi đã lâu,
Ra vào nguyện giải oán sầu lầm than.
Ngục sâu chuyển hóa Niết-bàn,
Ra tay tế độ vô vàn chúng sinh.
Từ tâm vua Đại Quang Minh,
Kiếp xưa khai sáng đạo lành là đây.
Giờ thân hiện xuống cõi này,
Trần gian dẫn lối, chỉ bày Phật tâm.”
Đài cao tỏa ánh hương trầm,
Suối xa thoảng tiếng thủy cầm líu lô.
Người nghe thoát khỏi mê đồ,
Lâng lâng bước nhẹ dưới bờ liễu dương.
Bài thơ Đức vua và con voi của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác