Lão đánh cá và thần biển
Ngày xưa dân xóm giang hà, Trên bờ sông liễu thướt tha mấy hàng. Một hôm chung tậu thuyền buôn, Tìm châu ngọc giữa đại dương bềnh bồng. Dẫn thuyền là lão ngư ông, Thạo nghề biển, lại giữ lòng giới trai. Thâm sâu giáo lý Như Lai, Vượt trên sóng bạc b
Nội dung bài thơ: Lão đánh cá và thần biển
Ngày xưa dân xóm giang hà,
Trên bờ sông liễu thướt tha mấy hàng.
Một hôm chung tậu thuyền buôn,
Tìm châu ngọc giữa đại dương bềnh bồng.
Dẫn thuyền là lão ngư ông,
Thạo nghề biển, lại giữ lòng giới trai.
Thâm sâu giáo lý Như Lai,
Vượt trên sóng bạc buồm vài cánh trương.
Lênh đênh giữa biển mù sương,
Vời trông xóm nhỏ tà dương phai vàng.
Đêm kia gặp chuyện kinh hoàng,
Thủy thần hiện giữa mênh mang khói mờ.
Quanh mình trăm ngọn sóng xô,
Đeo xâu xương trắng ngang bờ vai cao.
Đôi môi còn đậm máu đào,
Chặn thuyền cất tiếng thét gào bi thương:
“Ta đây ngự trị đại dương,
Trần gian ai đáng sợ hơn thân này?”
Ngư ông đáp “kể xưa nay,
Những người hung tợn hơn ngài thiếu chi!
Đó là những kẻ sân si,
Sát, dâm, trộm, dối, nặng vì lòng tham.
Chết sa ngục khổ vô vàn,
Dao trăm mũi xả, gươm ngàn mũi phanh.
Hoặc xe nghiền nát tan tành,
Hoặc giam cõi ngục đóng đanh lửa hồng.
Nát thân rồi lại liền không,
Trăm nghìn lần sợ, hơn ông kể gì!”
Nghe rồi, thần hóa thân đi,
Hiện ra giữa biển lưu ly một người
Xấu xa hình vóc lạ đời,
Đến bên thuyền hỏi xem nơi trần hoàn:
“Có ai lạ hơn ta chăng?”
Ngư ông cười đáp “thưa rằng quá quen.
Đó là những kẻ bon chen,
Gian tham, nịnh hót, ghét ghen đủ điều.
Cũng vì tà kiến tự kiêu,
Chết đi trả nghiệp trăm điều chưa thôi!
Thân làm ngạ quỉ tanh hôi,
Đói cơm, khát nước, trùn giòi đục thân.
Mồm như lò lửa cháy rần,
Nhọt ung rỉ mủ liếm ăn lần hồi.”
Nghe qua thần cũng rụng rời,
Biến thân đi, lại hiện người đẹp sang.
Tay hoa sáng ngọc tươi vàng,
Tóc mây lả ngọn dịu dàng hương lơi.
Tiếng nghe thánh thót tuyệt vời,
Mắt nhung huyền hoặc nghiêng trời sóng nao.
Nàng cười hỏi “chốn trần lao
Ai nhan sắc kịp má đào này chăng?”
Ông rằng “sánh ngọc đua trăng,
Trần gian đâu thiếu người bằng ngài đây.
Đó là phúc tuệ sâu dày,
Những ai tu dưỡng tháng ngày tịnh thanh.
Giữ thân, khẩu, ý trọn lành,
Cúng dường nhất thiết chúng sanh nguyện đời.
Mệnh chung sinh hóa cõi trời,
Thân tươi vẻ ngọc, trí ngời ánh gương.
Thần thông biến hóa mười phương,
Hoa lay là vóc, mây vương là người.
Ngài dù trăm tốt ngàn tươi,
Chẳng qua huyễn hóa giữa nơi hồng trần.
Sớm như bọt nổi, phù vân,
Tan theo ngọn nước lênh đênh cuối ngày.”
Thần múc nước biển đầy tay,
Hỏi “nước trong vốc hay ngoài nhiều hơn?”
Ông rằng “biến đổi vô thường,
Nước trong tay nọ nhiều hơn biển ngoài.
Vì, dù nước réo trùng khơi,
Tuy nhiên rồi cũng có thời cạn khô.
Khi hai mặt trời vừa nhô
Thì bao ngòi lạch ao hồ sạch không.
Lại khi ba mặt trời hồng
Thì trăm ngàn vạn dòng sông thành đường.
Lại khi bảy mặt trời hường
Thì khô hết nước trùng dương cõi này.
Kim cương giữa cõi đất dày
Cũng thành một đám mây bay bụi tàn.
Còn người vượt bến mê sang…
Cứi muôn loài khổ, lên đàng thảnh thơi.
Trải muôn kiếp chẳng đổi dời,
Đó là ví nước tay người nhiều hơn.”
Thần nghe ngộ lẽ chân thường,
Gửi dâng châu ngọc cúng dường Như Lai.
Lại đem bảo vật tặng ai,
Đạo mầu thâm diệu, biện tài mênh mang.
Buồm cao ngóng nẻo ráng vàng,
Một chiều về bến sông hoàng hoa tươi.
Ngọc châu chia khắp người người,
Lão ông lại kịp đến nơi đạo trường.
Quì ngoải lều cỏ dâng hương,
Chúng con nguyện thoát vô thường cầu tu.
Kính xin Phật nhủ lòng từ,
Độ người chìm đắm qua bờ sông mê.
Non cao vân tập chim về,
Tiếng rơi thơm mát bốn bề hoa lay.
Đoàn người kia, bỗng lạ thay,
Trần tâm rũ sạch, tan mây huyễn mờ.
Áo thành vô nhiễm cà-sa.
1.200. Chứng quả La-hán chói lòa thần thông.
Lại thêm trời trải mây hồng,
Như hoa gấm phủ thinh không mấy từng.
Bài thơ Lão đánh cá và thần biển của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác