Giếng mắt rồng
Một chiều mây ửng vườn này, Hoàng hôn nhuộm cánh cò bay chập chờn. Bướm theo mấy luống hoa vờn, Đồi thông xa vọng tiếng đờn nao nao. Bỗng đâu dưới ngõ hoa đào, Mây năm sắc quyện lối vào nhụy hương. Hào quang sáng rực non sương, Như đèn bảy báu dị thư
Nội dung bài thơ: Giếng mắt rồng
Một chiều mây ửng vườn này,
Hoàng hôn nhuộm cánh cò bay chập chờn.
Bướm theo mấy luống hoa vờn,
Đồi thông xa vọng tiếng đờn nao nao.
Bỗng đâu dưới ngõ hoa đào,
Mây năm sắc quyện lối vào nhụy hương.
Hào quang sáng rực non sương,
Như đèn bảy báu dị thường chiếu soi.
Rẽ mây hiện đến hai người,
Trang nghiêm vóc ngọc, tỏa ngời dung hoa.
Gót sen bước đến hiên nhà,
Quì bên thềm cỏ, dưới toà dâng hương.
Chắp tay cầu thỉnh tỏ tường:
”Đại từ bi đấng lòng thương sâu dày.
Con từ cõi nọ qua đây,
Đốt đèn bảy báu, trải mây cúng dường.
Xin ngài chỉ nẻo soi đường,
Tan cơn huyễn mộng lạc thường an vui.”
Phật tùy căn trí mỗi người
Thỉnh chuông diệu pháp ban lời viên âm.
Nhiệm mầu thay! cõi chân tâm
Bừng con mắt khỏi sai lầm vọng mê.
Cúi đầu thi lễ đi về,
Cỏ chen lối biếc hoa kề cổng tươi.
Sáng sau trà nước hầu Người,
Lại thêm hai dĩa dâng mời trái hoa.
Khơi trầm thơm đứng bên tòa,
Hàng hàng Tăng chúng quanh nhà hầu nghe.
Bạch Thầy: “mây cuốn tàn che,
Tối qua hai vị thần về từ đâu?
Hẳn trồng cội đức dày lâu,
Ngày nay phúc báo thân mầu nhiệm kia?”
Ngài rằng: “nhân thể khôn lìa,
Xưa Phật Ca-diếp chuyển mê độ đời.
Sau khi đã nhập diệt rồi,
Bấy giờ chính pháp vào thời dị không.
Có hai người dòng tịnh môn,
Phát tâm kính giữ lưu tồn phép trai.
Một vị nguyện sinh cõi trời,
Một vị nguyện sẽ trị đời đau thương.
Thụ rồi, lui gót chùa hương,
Về nhà vợ mắng “để cơm ai chờ?”
Người thứ nhất, miệng u ơ,
900. Rằng thôi quá ngọ bây giờ chẳng ăn.
Sáng nay tôi hứa tu hành,
Vợ chàng nghe nói tam bành nổi lên:
“À này anh chớ cố quên,
Đang theo dòng Phạm chẳng quyền đổi thay.
Nếu anh không bỏ giới trai,
Người ta biết sẽ đuổi ngay anh liền.
Tôi anh là hết nợ duyên,
Mỗi người mỗi ngả cho yên mọi bề.”
Mắt sầu ai đốt lòng kia,
Giới trai chi để phải lìa duyên nhau.
Thương thay một giọt lệ châu,
Nhẹ như sương lại đổi màu sắt son!
Gượng dùng đôi bát cơm ngon,
Thế rồi giới nguyện ai còn khói bay.
Tuổi xuân bóng chớp mộng ngày,
Trước sau rồi cũng nằm dài dưới hoa.
Người dù ngọc chuốt vàng pha,
Trước sau thôi cũng da ngà tóc sương.
Rồi ra nắm cỏ bên đường,
Đêm nghe tiếng dế đoạn trường tỉ tê.
Người nguyện làm vua trị vì,
Giới trai toàn vẹn nên về trần gian.
Người nguyện sinh cõi thiên đàng,
Giới trai chẳng vẹn, đọa sang loài rồng.
Cũng do nhân thiện gieo trồng,
Nhà vua trị cõi trần hồng tốt tươi.
Lầu vàng gác ngọc nơi nơi,
Bốn phương nhờ vậy nước trời bao dong.
Dưới trên hòa thuận một lòng,
Sức người như thể biển Đông sóng trào.
Kể chi rừng lý, thôn đào,
Đâu đâu dân cũng ra vào bình yên.
Hoàng cung có một hoa viên,
Trồng toàn cây quý khắp miền tiến dâng.
Gió đưa hương đến quanh vùng,
Xa trông như một khu rừng mây che.
Nhà vua cử một họ kia,
Gọi quan Viên giám, chuyên nghề tỉa hoa.
Hai mùa nắng lại mưa qua,
Ngắt bông hái trái gửi ra điện phòng.
Một hôm trên giếng mắt rồng
Nổi lên một trái nhác trông tuyệt vời.
Ánh vàng rực rỡ tỏa ngời,
Mùi thơm dù sánh hương trời cũng thua.
Đem về cung hiến lên vua,
Của tiên nào có ai ngờ được ăn.
Dao vàng dĩa ngọc cắt lần,
Lạ thay trăm mối lụy trần sạch sanh!
Hỏi xem sự việc rõ rành,
950. Hẳn chim tha đậu trên thành giếng rơi.
Giờ sao dõi vết chim trời,
Sáng rong núi Bắc, chiều rời biển Đông.
Lóng vua còn khát khao trông,
Truyền quan coi giữ giếng rồng đợi chim.
Trở về ngày dõi đêm tìm
Thấy chi đâu giữa im lìm cỏ hoa.
Lần hồi xuân lại đông qua,
Mãi tà dương lại theo tà dương đi.
Thế rồi đến một đêm kia,
Vị quan ngồi lắng sao khuya nghìn hàng.
Dưới lòng giếng ẩn bóng trăng
Bỗng dưng hóa hiện muôn tầng lầu cao.
Xà cừ, mã não, trân châu,
Dặm đường liễu rũ, nhịp cầu cuộn mây.
Còn đang lặng ngắm ngất ngây,
Bỗng xô cửa nguyệt một người hiện ra.
Dáng thần sáng ngọc tươi hoa,
Dâng mâm trái quý chói lòa vườn Đông.
Rằng “tôi là hóa thân rồng,
Với nhà vua trước cũng trong thâm tình.
Cũng dòng Phạm-chí tịnh thanh,
Lại cùng nguyện giữ pháp lành Bát trai.
Vua giới hạnh được làm người,
Tôi không theo trọn đọa nơi cõi rồng.
Giờ thân ở dưới long cung,
Vô minh còn nặng đèo bồng từ xưa.
Lòng tôi tha thiết cầu vua
Giúp cho ánh sáng Phật thừa từ bi.
Bát quan trai pháp tu trì,
Để tôi trai giới cầu về nhân thiên.
Nếu như chẳng thỏa nguyện trên,
Sẽ về gọi nước dâng lên hoàng trào.
Bấy giờ muôn nóc lầu cao,
Cũng theo vương quốc chìm vào biển khơi.”
Nói rồi cung kính nghiêng người,
Trở vào lòng giếng lại ngời trăng trong.
Giám viên xiết đỗi kinh lòng,
Vội lên quì trước sân rồng trình tâu.
Vua nghe thêm mối lo sầu,
Pháp giới trai biết tìm đâu bây giờ.
Sớm chiều ra ngẩn vào ngơ,
Lệnh truyền kiếm khắp đình chùa xưa nay.
Cũng là tìm dấu chim bay,
Đạo xưa ai biết diễn bày ra sao!
Lòng thành cảm đến ngôi cao,
Quán Âm mới trải bông đào thánh kinh.
Sáng ngày vừa rạng bình minh,
Bên thành ai kết muôn hình chữ hoa.
Rõ ràng giới pháp Phật-đà,
Vua truyền sao chép phát ra khắp cùng.
Lại đem thảy dưới giếng rồng,
Bỗng nghe ngàn chiếc trống đồng rình tai.
Nhờ công tu tập pháp trai,
Rồng kia cởi thoát hình hài thành tiên.
Nhà vua cũng giữ đạo hiền,
Đến ngày nghiệp tận cõi thiên hóa về.
Hai người đều trụ cõi kia,
Cùng nhau sám hối tu trì sớm hôm.
Tối qua tìm gặp Thế tôn,
Đến đây cầu đạo chân thường thế gian.
Hai vị chứng quả Đà-hoàn,
Lìa ba đường dữ, Niết-bàn là nơi.”
Nghe xong Tăng chúng ngậm ngùi
Lâng lâng, lòng ngập niềm vui trọn lành.
Bài thơ Giếng mắt rồng của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác