Sạch, nhơ cũng một lòng này
Chuyện xưa tại xóm Bình Đông, Gần thành Xá-vệ có đồng nho tươi. Là nhà hào phú đắc thời, Cậy quyền ức hiếp bao người cực thay. Muộn mằn vợ mới mang thai, 5.300. Tưởng là quý tử, mừng vui đợi chờ. Nào hay khi trẻ sinh ra, Không tai, không mắt xấ
Nội dung bài thơ: Sạch, nhơ cũng một lòng này
Chuyện xưa tại xóm Bình Đông,
Gần thành Xá-vệ có đồng nho tươi.
Là nhà hào phú đắc thời,
Cậy quyền ức hiếp bao người cực thay.
Muộn mằn vợ mới mang thai,
5.300. Tưởng là quý tử, mừng vui đợi chờ.
Nào hay khi trẻ sinh ra,
Không tai, không mắt xấu xa ghê người.
Đau lòng, nuối giấu một nơi,
Nghĩ rằng che mắt bịt lời cho xong.
Mười năm giữ trẻ riêng phòng,
Ngờ đâu rằng suốt cả vùng đã nghi.
Đó đây người chuyện thầm thì,
Mỉa mai quyền lực khinh khi sang giàu.
Miệng đời hồ dễ bịt đâu,
Gió bay đã thoảng những câu nát lòng.
Vào ra nghe nỗi sượng sùng,
Kiêu căng giảm thú, đỉnh chung sinh nhàm.
Nghĩ mình nặng tội gian tham,
Gây thù đã lắm, buộc oan cũng nhiều.
Phải chăng vì thế quỉ yêu,
Đầu thai báo ứng muôn chiều gớm ganh.
Nghĩ thôi khiếp sợ ngọn ngành,
Lo đi van vái đền linh, động thần.
Đến ngày nghe đức Thế tôn
Về hóa duyên tại giữa thôn hạnh đào.
Vội sai ngay mấy tớ hầu
Mua nhiều phẩm vật để vào lễ hương.
Trái ngon, hoa đẹp cúng dường,
Dâng xong, yên trí thênh thang ra về.
Tưởng nhờ uy lực chở che,
Oán xưa, tội cũ tức thì sạch không.
Xe rong ruổi đến cánh đồng,
Cầu nghiêng bóng suối một dòng nao nao.
Bên dòng có vị Tỳ-kheo
Giặt y dưới suối như chiều ráng phai.
Giậm chân đôi ngựa hí dài,
Bên cầu đòi nước giục hoài không đi.
Dừng xe bãi cỏ xanh rì,
Ngựa khát gặp suối lưu ly thỏa lòng.
Chủ nhân bước xuống thong dong
Tới ngồi nghỉ dưới tàng thông la đà.
Thấy nhà sư giặt cà-sa,
Trang nghiêm tướng mạo, hiền hòa dung nhan.
Vợ chồng vui đến hỏi han,
Phát tâm xin giặt y vàng cho sư.
Thầy rằng “xin nhận lòng từ,
Nhưng áo, như nghiệp Diêm-phù khác chi.
Dù ai đại trí đại bi
Cũng không thể diệt tham si hộ mình.
Báo duyên như bóng theo hình,
Ác tìm nơi ác, thường tình xưa nay.
Giặt y là phải tự tay,
Sạch, nhơ cũng một lòng này do ta.”
Nói rồi sư hóa thân ra
5.350. Cơn mây biến giữa giang hà dòng sâu.
Vợ chồng ngộ lý nhiệm mầu,
Gối quì trên cỏ, lễ đầu dưới hoa.
Tạ ơn thức tỉnh trần sa,
Rồi lên xe trở về nhà sửa sang.
Mở kho thóc, dựng học đường,
Giúp nghèo, cứu khổ, xóm làng được ơn.
Lại đi thỉnh đức Thế tôn
Cùng là đại chúng về thôn lễ bày.
Đạo từ, mong thấm đó đây,
Như mưa trải khắp cỏ cây thuận hòa.
Vừa hôm khai dựng pháp tòa,
Thinh không phơi phới mưa hoa đẹp trời.
Thì con trẻ bỗng mở lời,
Và tai mắt đủ như người thế gian.
Khôi ngô, dáng điệu chững chàng,
Sẹo đen, vết xấu biến tan lúc nào.
Mẹ cha vui sướng biết bao,
Đưa con đến trước đài cao lạy mừng,
Và nhờ hiền giả A-nan
Xin Phật cho biết quả, nhân trẻ này.
Trên tòa hương khói trầm bay,
Thế tôn hoan hỉ: “con đây chính là
Trọng thần tại một triều xưa,
Quốc dân trông cậy, đức vua tin dùng.
Bao năm quyền thế vô cùng,
Mà dân đói khổ lại không đoái hoài.
Cố tình che mắt, bưng tai,
Yên thân chung đỉnh, mặc ai nhọc nhằn.
Kiếp này chịu quả phế nhân,
May nhờ phụ mẫu chuyển dần nghiệp chung.”
Nghe xong trẻ bỗng sáng lòng,
Chắp tay cung kính thưa cùng mẹ cha:
“Con mang ơn nặng sinh ra,
Lại nuôi mười mấy năm đà cực thay.
Bây giờ con mới tỏ hay,
Tội kia đã được đức này gột cho.
Mẹ cha tinh tiến đường tu,
Con xin sám hối đền bù ân sâu.
Duyên may sớm gặp đạo mầu
Mở đường giải thoát, vượt cầu tham mê.
Dốc lòng theo hướng trí bi,
Chim hồng cất cánh, luyến gì phù vân.
Cúi đầu xin đấng song thân,
Cho con dời gót, theo chân Đại hùng.”
Mẹ cha nhỏ lệ vui mừng,
Chắp tay hướng lễ lên từng đài cao.
Tâm thành, lời đẹp xiết bao,
Gió thơm chuyển tới mây đào giọng vui.
Gần xa khắp cả những ai
5.400. Được nghe thấu chuyện, đều bày lại nhau.
Nơi nơi nhuần thấm đạo mầu,
Kinh hiền chép mấy dòng châu khuyến người.
Bài thơ Sạch, nhơ cũng một lòng này của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác