Huỷ thân cầu đạo
Lại nghe một thuở xa kia, Cách vô lượng kiếp Phù-đề châu nay, Có nước hào rộng thành dày, Có non hoa tía ngày ngày ngậm sương. Là nơi thạch động mây vương, Bên dòng suối bạc, cạnh nương liễu đào. Năm trăm tu sĩ thanh cao Ẩn trong động núi tiêu dao th
Nội dung bài thơ: Huỷ thân cầu đạo
Lại nghe một thuở xa kia,
Cách vô lượng kiếp Phù-đề châu nay,
Có nước hào rộng thành dày,
Có non hoa tía ngày ngày ngậm sương.
Là nơi thạch động mây vương,
Bên dòng suối bạc, cạnh nương liễu đào.
Năm trăm tu sĩ thanh cao
Ẩn trong động núi tiêu dao tháng ngày.
Ông Phạm Ngọc Lan là thầy,
Dù theo tiên đạo vui vầy trúc mai.
Lại thường cầu đạo như lai,
Gót chân mài khắp phương trời biên cương.
Tìm nơi động khói rừng hương,
Ý mong gặp đấng pháp vương một lần.
Ngày kia có vị đạo nhân,
Áo gai mình hạc dừng chân động ngoài.
Quảy thêm túi xách trên vai,
Tuyết pha mây bạc, hoa cài tóc thưa.
Rằng: “là cơ pháp duyên xưa
Muốn cầu giải thoát qua bờ trần sa.
Bút dùng thì chẻ xương ra,
Giấy dùng thì lóc da ngà trên vai.
Cắt máu chép pháp Như Lai,
Đó là đại nguyện của người cầu tu.”
Rập đầu lễ tạ đạo sư:
“Thầy đem ánh sáng đại từ xuống đây.
Thân con nghiệp chướng sâu dày,
Quẩn quanh sáu nẻo dẫy đầy vô minh.
Duyên may thoát kiếp phù sinh,
Dù cho trả cái giả hình mê tân.”
Rồi cầm dao tự hủy thân,
Lóc da vai, chặt một chân tức thì.
Bút xương chấm máu đầm đìa,
Ngàn hoa dường cũng thân lìa hồn tan.
Thầy ngồi dưới cội lau vàng,
Sau lưng như dựng mấy hàng ngọc trâm.
Môi như sen thắm trong đầm,
Tiếng ai như thoảng hương trầm dâng xanh.
“Phải thường thâu nhiếp tâm hành,
Sát-dâm-trộm-dối: bốn nhành sông lơi.
Xa lìa tà kiến, vọng lời,
Là Bồ-tát hạnh cứu đời tham mê.”
Chép xong tâm kệ Bồ-đề,
Nhìn lên sư hóa thân về phương nao.
Dải mây ngũ sắc trên cao,
Thinh không thoảng tiếng hạc nào lên tiên.
Rồi đem mấy lá kinh hiền,
Chiếc thân tấp tểnh quanh miền hóa khai.
Độ người mê tỉnh trần ai,
Vất vơ sinh tử, lạc loài khói mây.
Ngọc Lan xưa lại về đây,
Xả thân vì nghiệp sâu dày chúng sinh.
Bài thơ Huỷ thân cầu đạo của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác