Nhân quả chẳng dời
Xưa, nơi ngàn biếc thông reo, Chim muôn giọng hót, bướm nhiều cánh tươi. Nhìn lên triền núi khơi vơi Cạnh dòng suối nhạc, gần trời mây non. Có nhà mái cỏ chon von, Cảnh người gà trống nuôi con ngậm ngùi. Bữa khoai bữa sắn lần hồi, Sao thưa nhớ bạn,
Nội dung bài thơ: Nhân quả chẳng dời
Xưa, nơi ngàn biếc thông reo,
Chim muôn giọng hót, bướm nhiều cánh tươi.
Nhìn lên triền núi khơi vơi
Cạnh dòng suối nhạc, gần trời mây non.
Có nhà mái cỏ chon von,
Cảnh người gà trống nuôi con ngậm ngùi.
Bữa khoai bữa sắn lần hồi,
Sao thưa nhớ bạn, trăng vơi khóc tình.
Chàng thường ra nấm mộ xanh,
Tưởng hồi chồng vợ lênh đênh bước đầu.
Khi nàng quyết bỏ mái lầu
Cho duyên thôi chẳng nghèo giàu cách ngăn.
Theo chàng vẹn nghĩa trăm năm,
Thân tơ nắng dãi mưa dầm, cũng xin…
Cùng nhau trót nặng tâm nguyền,
Đành mang tội với ơn trên sinh thành.
Đêm vàng, quì lạy trời xanh:
“Sinh con, cha mẹ cũng đành như không!
Giờ con cất bước theo chồng,
Nghĩ về chữ hiếu, một lòng xót xa…”
Thế rồi giã biệt trại hoa,
Thế rồi, vó ngựa trăng tà ruổi mau.
Dặm dài mưa nắng bên nhau,
Tháng ngày trôi nhẹ trong màu thương yêu.
Chân qua thôn xóm đã nhiều,
Theo dòng suối ngọt một chiều tới đây.
Thiên đường riêng cõi non tây,
Có khe suối cuộn ngàn mây xuống rừng.
Có chim ca hát tưng bừng
Bên nhà mái cỏ lẫn vừng sương lam.
Vợ chồng cấy sắn ươm lang,
Bắt giàn bí đỏ hoa vàng bờ khe.
Đốt rừng trồng mít, trồng chè,
Xuân trông mây nổi, thu nghe lá vàng.
Nuôi nhau dưa muối nghèo nàn,
Mà lòng chung một Niết-bàn bướm hoa.
Tháng ngày như bóng chim qua,
Như dòng suối cát bên nhà quẩn quanh.
Đến khi nàng báo tin lành,
Đầu xuân hé điểm trên cành chồi bông.
Thấy ai má thẹn ửng hồng,
Lòng ai chừng có muôn dòng suối reo.
Vui mừng sửa mái tranh nghèo,
Lên non chọn giống hoa leo đem về.
Giờ hoa còn điểm nóc kia,
Bao năm rụng trắng nụ chia mối sầu.
Trồng hoa, cầu nguyện con đầu,
Mai như hương thoảng rừng sâu điệp trùng.
Như hoa nở đến vô chung,
Như hương dâng mãi vô cùng ngàn mây.
Bao nhiêu thơ mộng cảnh này,
Tụ lên tâm thức từ ngày thai mang.
Cho lòng con rộng muôn vàn,
Bao dung như đất chẳng màn gần xa.
Thế rồi vừa tiễn thu qua,
Là nàng nở nhụy khai hoa dễ dàng.
Bé trai như nụ nhung vàng,
Trên giường đệm cỏ cười vang tối ngày.
Ngọc vàng nào sánh được đây,
Mẹ cha vui sướng lòng đầy quý thương.
Nàng ru con ngủ nôi hương,
Chàng nghe chim hót thiên đường non tây.
Thời gian thấm thoát mây bay,
Trẻ kia khôn lớn như cây ven đồi.
Nghe con tập nói bồi hồi,
Như bông hoa nở giữa nơi sương mờ.
Tưởng rằng mãi mãi mộng thơ,
Tưởng rằng say mãi giấc mơ vách rừng.
Ai ngờ tang tóc bỗng dưng,
Nàng đi còn để mấy từng hoa rơi.
Chôn ai khóc chẳng nên lời,
Nước yên lặng suối, lá rời rã cây.
Nhớ nàng dằng dặc khôn khuây,
Đêm nghe chim gọi suối ngoài quặn đau.
Dối con rằng: “dưới mộ sâu,
Mẹ đi thăm nội ít lâu lại về.
Bao giờ rụng chiếc sao khuya,
Mẹ con mở nấm mồ kia dậy cười.”
Những đêm trăng rực hoa tươi,
Trẻ ngồi đợi chiếc sao trời chênh vênh.
Mà sao, sao vẫn vô tình,
Sao không rụng xuống cho mình hỡi sao!
Nghe con trách hỏi trời cao,
Người cha lòng lại như bào quặn đau.
Tiếng chim hót cũng đượm sầu,
Tàng cây lá rụng theo nhau u hoài.
Suối buồn dằng dặc mây trôi,
Giàn xưa hoa đã vàng tươi bao lần.
Nghe hương thoảng ngỡ người gần,
Nghe hoa lay tưởng dấu chân hồn về.
Đêm ngồi bên mộ buồn tê,
Phải chăng ôm mãi tấm bia sầu buồn.
Đời thì nay biển mai cồn,
Tấm thân ở, đã hoàng hôn rã rời.
Hoa tàn hoa lại đơm tươi,
Rồi ra người lại gặp người thiên thu.
Còn gì ngoài cõi thâm u,
Còn gì ngoài cõi mịt mù thế nhân.
Thì nên tìm lẽ thường chân,
Bước ngoài khổ hải mê tân cõi này.
Thế là ông đốt lều mây,
Trồng bên nấm mộ một cây nguyệt đào.
Dắt con vượt mấy đèo cao
Tìm nơi Phật ngự, hỏi vào rừng mai.
Mỗi lần gió thoảng hoa bay,
Trắng neo mái cỏ, trắng cài phên nan.
Thế tôn dưới cội hoa vàng,
Tay cầm thóc ném, chim đang trở về.
Chuyền từ bụi nọ, cây kia,
Gọi nhau ăn thóc bên khe suối chiều.
Hàng hàng trầm mặc Tỳ-khiêu,
Dưới cây tĩnh tọa muôn chiều trầm tư.
Chuông nào nghe vọng không hư,
Dường nghe thoảng sạch ưu tư cõi sầu.
Cha con vội tới cúi đầu
Nguyện xin theo đạo nhiệm mầu từ đây.
Phật cười cho toại ước ngay,
Học theo Tăng chúng hầu Thầy sớm hôm.
Lo việc hoa trái trầm hương,
Dần dà tâm trí mở đường trắng trong.
Nghiệp xưa đã nhẹ bụi hồng,
Cha con dần bước xuống vùng vô ưu.
Người cha thọ giới Tỳ-khưu,
Người con cũng giữ mười điều Sa-di.
Lần hồi ngày tháng qua đi,
Rừng phong thoáng đã mấy kỳ vàng đưa.
Thiếu niên chợt nhớ non xưa,
Nấm mồ hiu quạnh nắng mưa dãi dầu.
Tìm cha bày tỏ nỗi sầu,
Đòi về thăm chốn núi sâu một lần.
Nghe con lại quặn lòng trần,
Người xưa giờ biết mộ phần ra sao.
Cuối thu hẳn tía bông đào,
Lưng non bè bạn ra vào, họa trăng.
Bèn xin tạm biệt chúng Tăng,
Dắt con về chốn nhện giăng cỏ dài.
Non kia vò võ chờ ai,
Suối xưa hoa vẫn buông cài dòng tơ.
Mồ xưa cỏ lấp sương mờ,
Cội đào mấy thuở đông chờ, cánh rơi.
Nghe chim hót lạnh từng trời,
Nhớ người xưa lại bồi hồi lệ chan.
Dọn nền đất cũ cỏ lan,
Đẳn cây dựng tạm một gian che mình.
Sương chiều lạnh đã buông quanh,
Nhìn cha mệt nhọc, không đành lòng con.
Vội ra moi sắn ngoài nương,
Nấu lên cùng mớ nấm hương mới tìm.
Mời cha xơi món ngọt mềm,
Còn mình cơm cháy khô đem đỡ lòng.
Ăn rồi ông nghỉ thong dong,
Chờ con ngủ, mới ra cùng người xưa.
Nàng nằm đây với gió mưa,
Nghe rừng trút lá vàng thu đã nhiều.
Thương cho nhung gấm mỹ miều,
Theo ta về chốn tiêu điều rừng sâu.
Đất khô nên sắn nên rau,
Lều tranh, áo vải, thương nhau cũng là.
Búp khoai, hoa mướp, nụ cà,
Chung vui tưởng đến tuổi già tóc sương.
Ngờ đâu sớm cách âm dương,
Bên rừng nắm đất nắng sương dãi dầu.
Ông đang suy nghĩ âu sầu,
Chợt xây xẩm mặt, bụng đau lạ thường.
Gục ngay cạnh nấm mộ nàng,
Trăng khuya trải ánh tơ vàng thướt tha.
Sáng ngày con tỉnh giấc hoa,
Gọi tên, nào thấy tiếng cha đâu nào.
Vội tìm ra mộ xem sao,
Than ôi, xác lạnh lá đào phủ trên!
Giật mình chàng vội nâng lên,
Ôm cha than khóc, ruột điên gan nhàu.
Rồi đào huyệt rộng, chôn sâu,
Tóc tang đời trẻ nhuộm màu núi non.
Vách rừng hai nấm hoàng hôn,
Cây đào lại mỏi mòn tuôn lệ dài.
Nghĩ: đây vách núi lạc loài,
Chung quanh hoa cỏ cùng ai chia sầu.
Mình ta giờ biết nương đâu,
Mẹ cha hai nấm cỏ màu vàng xanh.
Cúi đầu bái lạy anh linh,
Thấu cho con phải rứt tình ra đi.
Hôm sau về đến rừng Kỳ,
Chạy về bên Đức từ bi, khóc ròng.
Niềm riêng cạn tỏ nỗi lòng,
Chút thân giữa cõi trần hồng bơ vơ.
Xin nương ân đức Phật thừa,
Nguyện theo trai giới vượt bờ sông mê.
Đem công đức ấy hướng về
Báo đền cha mẹ, hai bề sinh thiên.
A-nan hầu Phật bên thềm,
Nghĩ vì con trẻ gây phiền lụy cha.
Nếu không đem gợi chuyện nhà
Thì đâu cớ sự xảy ra thế này.
Khiến người cha bỏ nơi đây,
Về vùi thân giữa cỏ cây nội ngàn.
Phật hay ý nghĩ A-nan,
Dạy rằng “tiền kiếp trái oan đã từng.
Đời xưa cũng ở ven rừng,
Chỗ nhà cạnh suối tưng bừng reo ca.
Trẻ này tiền kiếp là cha,
Lão Tỳ-khưu nọ trước là con ngoan.
Thường đi đẵn củi đốt than,
Kiếm rau hái trái cơ hàn một thân.
Sớm hôm mưa nắng tảo tần,
Nuôi cha bệnh hoạn muôn phần lo âu.
Một hôm len lỏi rừng sâu,
Hái nhầm nấm độc cùng rau đem về.
Thấy cha đói mệt nằm kia,
Vội nấu canh nấm kịp thì đem dâng.
Nhìn người ngon miệng vui mừng,
Con đành húp cháo vài lưng gọi là.
Ai ngờ nấm độc phát ra,
Cơn đau phút chốc, đành qua một đời.
Con vô ý hại cha thôi,
Bây giờ nhân quả luân hồi gặp nhau.
Đổi dời bãi biển cồn dâu,
Quả nhân báo ứng trước sau chẳng dời.
Vẫn miền vách núi mù hơi,
Đời xưa, chốn ấy chính nơi mái nhà.
Kiếp này con đổi làm cha,
Cùng ăn cháo nấm như là ngày xưa.
Lưng non gửi lại nấm mồ,
Nhân nào quả đó bao giờ sai đâu.
Khác gì nước cuộn sông sâu,
Ngàn năm trôi chảy trước sau một đường.
Nếu không tu chuyển y nương,
Đổi thay nghiệp mệnh vô thường thoát nơi.
Thì dù muôn kiếp muôn đời
Trùng trùng hoa đốm không rời vọng tâm.”
Lời ban dìu dịu thâm ân,
Rừng mai dường cũng nẩy mầm kết bông.
Đồi xa vương vất mây hồng,
Chim về ca hát rừng đông họp bầy.
Lưng trời lãng đãng dòng mây,
Kết thành một chiếc cầu dây lững lờ.
Sương xanh như vạn hạt tơ,
Chơi vơi theo ngọn gió hờ hững bay.
Phật vào dưới mái cỏ may
Áo hường như một dải mây ánh đào.
Bài thơ Nhân quả chẳng dời của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác