Vẽ tranh hoá đạo
Nắng mai tươi sắc y vàng, Phật cùng hiền giả A-nan lên đường. Bầy chim rời cội lá sông, Bay theo cất giọng hát mừng chân như. Tiếng nào lạnh giữa tâm hư, Lòng hoa hồ cũng trầm tư diệu vời. Thành xa một giải chân trời, Cờ pha mây đỏ ủn hơi vọng đài. S
Nội dung bài thơ: Vẽ tranh hoá đạo
Nắng mai tươi sắc y vàng,
Phật cùng hiền giả A-nan lên đường.
Bầy chim rời cội lá sông,
Bay theo cất giọng hát mừng chân như.
Tiếng nào lạnh giữa tâm hư,
Lòng hoa hồ cũng trầm tư diệu vời.
Thành xa một giải chân trời,
Cờ pha mây đỏ ủn hơi vọng đài.
Sương vương giải áo Như Lai,
Sáng như ngọc nạm trên vai tỏ ngời.
Cổng thành vừa ghé tới nơi,
Ngựa xe phố thị vọng lời xôn xao.
Bên đường, cạnh gốc thông cao,
Có một chú bé hồng hào xinh thay.
Đương chơi đất cát đắp xây,
Lũy thành như thật, đủ đầy dinh cơ,
Phố phường cung điện nguy nga,
Trại, sông, kho, chợ, lại nhà chúng dân…
Mừng vui thấy Phật tới gần,
Bé lựa miếng đất đưa dâng lên ngài.
Thế tôn nhận lấy mỉm cười,
Tay xoa đầu trẻ, xong Người bước êm.
Dấu chân hóa độ uy nghi,
Gần trưa, trở lại rừng hiền thênh thang.
Bấy giờ Phật bảo A-nan,
Đem miếng đất trẻ cúng dàng cất đi.
A-nan thấy sự lạ kỳ,
Nghĩ đây hẳn có duyên gì sâu xa.
Cất rồi trầm mặc dưới hoa,
Việc kia chẳng dám đem ra thưa bày.
Phật nhìn thấu rõ lòng ngay,
8.750. Gọi A-nan đến dưới cây hạnh đào.
Phật nằm trên võng tơ chao,
Một đôi bướm trắng đậu vào tóc xanh.
A-nan bên đức cha lành,
Ngồi trên phiến đá dưới cành hoa vương.
Phật cho hay: hạnh cúng dường,
Tâm vô cầu ấy dị thường phúc duyên.
Kiếp sau trẻ nhỏ ngoan hiền,
Là vua A-dục miền miền đội ơn.
Sẽ vì xá-lợi Thế tôn,
Mà xây bốn vạn tám ngàn tháp cao.
Để chia linh ngọc cất vào,
Cho người các nước mai sau phụng thờ.
Còn bao công đức nhà vua,
Làm nên sáng tỏ bốn mùa khói hương.
Trần gian là Chuyển luân vương,
Khiến người ngộ đạo chân thường Như Lai.
Thương dân, hòa hợp đất trời,
Dựng lên triều đại lưu đời vẻ vang.
Đó là phúc báo cúng dàng,
Nguyện kia như ngọc kim cang diệu vời.
Lại sau thị hiện cõi ngoài,
Phương Nam sẽ đến, chuyển khai đạo hiền.
Xuất thân từ chốn am thiền,
Trị bình thiên hạ, uy quyền không hai.
A-nan lại hỏi thêm lời,
Vì sao ngài được đời đời tôn xưng.
Phật cười, kể chuyện tiền thân,
Của ngài trong một kiếp trần xa xưa.
Ở nơi cường quốc làm vua,
Đương khi có Phật Phất-sa độ đời.
Nhà vua thường được tới lui,
Đạo tràng nhuần thấm những lời Phật ban.
Thấy là lợi lạc vô vàn,
Nên thương các nước lân bang, chư hầu.
Xa xôi, nào tới được đâu,
Mà chiêm ngưỡng Phật, mà cầu tiến tu!
Vua truyền mời khắp họa sư
Tới đạo tràng, dụng công phu hết mình.
Ngắm Phật mà vẽ vào tranh,
Bao giờ xong, sẽ đem hình dâng vua.
Năm sau được tám vạn tư
Bức tranh giống đức Phật-đà như in.
Lòng vua mừng rỡ vô biên,
Vội đem trao tặng các miền trời xa.
Được tranh như thấy Phật-đà,
Muôn muôn người ở nơi xa vui mừng.
Đức vua lại thệ nguyện rằng:
“Hóa khai Phật đạo, khó khăn chẳng nề.
Giúp đường vượt thoát tham mê,
8.800. Nhân gian trồng cội Bồ-đề xanh tươi.
Yêu thương sáu ngả, muôn loài,
Dẫu bao nhiêu kiếp cứu đời, xả thân…”.
Nguyện vua lớn rộng vô ngần,
Cõi sinh tử đã bao lần vào ra.
Nhờ công đức ấy bao la,
Khơi nguồn chính đạo, truyền loa pháp hiền.
Phúc căn đầy cõi tam thiên,
Ta-bà thị hiện hóa duyên Bồ-đề.
Khiến người khai ngộ chuyển mê,
Xa lìa tham hận nương về tánh chung.
Đại bi, đại trí, đại hùng,
Nguyện thề độ lớn vô cùng chúng sinh.
Quả này gieo tự nhân trên,
Giờ thành chính giác bốn bên hộ trì.
Khiến cho ngàn cõi quy về,
Muôn sông cũng lặng sóng mê thì thào.
Nói xong Phật nhặt cành đào,
Trong lòng tay ngọc hồng hào tỏa hương.
Một đôi sáo đất viễn phương,
Về ăn hạt hạnh bên đường rụng rơi.
Phật cầm y đỏ giáng trời,
Nghe trong gió thoảng còn lời diệu âm.
Dường như tiếng vọng tuyền lâm,
Dường như hương thoảng rừng trầm non mai.
Bài thơ Vẽ tranh hoá đạo của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác