Một lòng trợ đạo - phần 4
Trần gian một cõi Bồ-đề chở che.” Tu-đạt cung kính hầu nghe Lời thiền sư tỉnh giấc mê trường đời. Thế rồi vừa một tháng trời, Vườn Kỳ dựng đủ năm mươi ngôi nhà. Giữa nơi dị thảo kỳ hoa, Lại riêng dựng một ngôi nhà gỗ thơm Làm chỗ ngự của Thế tôn, Bê
Nội dung bài thơ: Một lòng trợ đạo - phần 4
Trần gian một cõi Bồ-đề chở che.”
Tu-đạt cung kính hầu nghe
Lời thiền sư tỉnh giấc mê trường đời.
Thế rồi vừa một tháng trời,
Vườn Kỳ dựng đủ năm mươi ngôi nhà.
Giữa nơi dị thảo kỳ hoa,
Lại riêng dựng một ngôi nhà gỗ thơm
Làm chỗ ngự của Thế tôn,
Bên hồ sen gió dâng hương đêm ngày.
11.100. Thêm đài hồng thạch khắc mây,
Làm tòa thuyết pháp dưới cây bạch đào.
Giữa đài đắp bệ sen cao,
Dưới đài sư tử chầu vào bốn phương.
Hai bên, cầu cuộn mây vương
Bắc lên từ bốn đỉnh hương ngát trời.
Quanh đài lại đặt đôn ngồi
Hình hoa sen nở, là nơi tọa thiền.
Đạo trường như cõi thần tiên,
Nào cầu vọng nguyệt, nào thuyền dạo thu.
Nào hồ tha thướt liễu tơ
Xanh nghiêng rũ xuống lầu thơ nguyệt đàm.
Lối hoa dẫn đến thiên đường,
Cổng vào dựng một tháp chuông đại hồng.
Tu-đạt trần thiết vừa xong,
Tâu vua sai sứ qua sông thỉnh Người
Về khai chính pháp tột vời,
Trần gian dựng một cõi trời hiền lương.
Lệnh truyền án thiết hoa hương,
Nhà vua hiện đến biên cương trước ngày.
Chờ đoàn thỉnh rước Như Lai,
Ải quan mở đón dấu hài từ bi.
Thôn trang cho đến kinh kỳ,
Tự nhiên gió thoảng hương gì thanh cao.
Khiến muôn dặm lý cồn đào,
Bỗng dưng hoa nở đón chào Phật Tăng.
Suối khe rộn rã thủy cầm,
Hòa ca như một dòng âm diệu kỳ.
Mây đùn một góc trời kia,
Dựng lên như thể tấm bia đủ màu.
Đã trông tàn kiệu chân châu,
Đoàn người rước Phật qua cầu tới ngay.
Thế rồi yến tiệc trăm ngày,
Thả tù, bố thí, trồng cây cúng dường.
Ngày Phật khai mở đạo trường,
Quần thần hoàng tộc quốc vương hầu quì.
Người vây quanh chật vườn Kỳ,
Thôi thì hoa trái, thôi thì chim bay.
Nghìn năm dường có hội này,
Sông dâng khói sóng, rừng lay gió ngàn.
Từng không mây kết nên tàn,
Như hoa muôn sắc tỏa làn diệu hương.
Cổng rừng vọng tiếng thần chuông,
Tàn mây nhẹ trải mưa hường khắp nơi.
Khiến như giải thoát lòng người,
Kẻ câm giờ chợt mở lời reo ca.
Người mù chợt mở mắt ra,
Kẻ điếc chợt lắng tiếng hoa rụng rời.
Bệnh nan y khắp gầm trời,
Hứng mưa khỏi hẳn, như người chiêm bao.
11.150. Phật lại phóng ánh bạch hào
Như bình minh chiếu soi vào mười phương.
Hiện ra vô lượng thiên đường,
Toàn là mã não kim cương ngọc hồng.
Lưu ly là núi là sông
Hào quang kết tụ muôn bông hoa ngời.
Gió đưa là tiếng nhạc rơi,
Cỏ lay: sóng gợn, mây dời: tuyết sa.
Quần tiên vóc liễu dung hoa
Trong vườn cẩm ngọc chói lòa hào quang.
Thướt tha tay múa miệng xoang.
Gảy đàn cưỡi hạc từng hàng nhởn nhơ.
Hoặc lưng non ngả cuộc cờ,
Bâng khuâng bãi thúy, hững hờ dòng mây.
Lại hào quang Phật hiện bày
Cung trời Đâu-suất rợp cây hoa thần.
Cánh hoa rụng thành phù vân,
Mây tan thành suối tươi ngần ánh trăng.
Suối reo thành nhạc thường hằng,
Nhạc rơi hóa hiện muôn tầng lầu mây.
Toàn là ngọc khắc vàng xây,
Có chim muôn sắc có cây trăm màu.
Có tháp cẩm ngọc minh châu,
Có xe mây kết có cầu sương un.
Đó là diệu dụng thần thông
Của đức Di-lặc giữa bông hoa thần.
Ngài đang cầm sách cẩm vân,
Chữ ghi là những dấu chân hạc trời.
Phật dạy: “Bồ-tát độ đời
Sẽ truyền muôn đạo trong lời vô thanh.
Hưng chính pháp độ chúng sanh,
Mười phương hòa hợp dưới cành vô ưu.
Hóa thân xuống trước dắt dìu,
Khiến cho nhân loại xuôi chiều về theo.
Xa lìa ngã chấp mạn kiêu,
Trần gian là cõi diễm kiều thi ca.
Di-lặc sau mới hiện ra,
Tự nhiên muôn cõi là nhà trí bi.
Chẳng tranh mà được mới kỳ,
Chẳng tu mà sạch tham si bụi hồng.”
Dạy rồi ngừng phóng thần thông,
Quanh Phật đại chúng dứt lòng mạn nghi.
Quay về diệu pháp nương y,
Nguyện theo ngũ giới tam quy trọn đời.
Vườn Kỳ phấp phới hoa rơi,
Chim đâu ríu rít tụng lời từ âm.
Gió xa thoảng ngát rừng trầm,
Lời vàng khiến trổ một đầm liên hoa.
Mây về tám cõi trời xa,
Tiếng chuông cửa núi ngân nga bổng trầm.
11.200. Âm thần vọng giữa thuyền lâm,
Giọt trăng giải thoát giữa tâm nhiệm mầu.
Bài thơ Một lòng trợ đạo - phần 4 của tác giả Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long, được trích dẫn nguyên văn từ các nguồn chính thống và đã kiểm chứng.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Phạm Kim Long
Nghệ danh: Phạm Thiên Thư
Tên thật: Phạm Kim Long
Xem thêm: Tiểu sử Tác giả Phạm Thiên Thư - Cuộc đời, Sự nghiệp, Phong cách sáng tác