Nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Nghệ danh: Đinh Nho Tuấn
Tên thật: Đinh Nho Tuấn
Tóm tắt về Nhà thơ Đinh Nho Tuấn
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn sinh ngày 26.08.1966.
Quê quán: Hương Sơn, Hà Tĩnh
Học vị: Thạc sỹ luật, Tiến sỹ kinh tế.
Hiện nay, nhà thơ Đinh Nho Tuấn sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
Những tác phẩm đã xuất bản:
- Em hãy cho anh vội – Thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018
- Em tôi – Thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019
- Díu dan với núi sông – Thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020
- Ngàn tiếng đời ấp ủ - Thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022.
Vài lời bình về thơ Đinh Nho Tuấn
Trong ba năm 2018, 2019, 2020, TS. Đinh Nho Tuấn “trình làng” văn chương 3 tập thơ: “Em hãy cho anh vội”, “Em tôi’, “Díu dan với núi sông”, NXB Hội Nhà văn cấp phép. Cả 3 tập thơ đều dày dặn. “Em hãy cho anh vội” gồm 76 bài, gần 200 trang in; “Em tôi” gồm 101 bài và chùm thơ ngắn 4 câu (2 chùm 64 bài), chùm thơ ngắn 8 câu (chùm 13 bài), 324 trang in; “Díu dan với núi sông” gồm 76 bài, 218 trang in.
Đinh Nho Tuấn đang “thăng hoa” cùng thơ. Nói về sức sáng tạo của Đinh Nho Tuấn, không riêng tôi mà GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nay là Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đã nhận xét: “Phải nói đó là một lao động thơ đáng nể, không dễ thực hiện ở bất cứ ai, dẫu là nhà thơ chuyên nghiệp. Thế nhưng điều đáng nói ở đây lại không phải là mật độ thơ, ở số lượng bài mà ở sự mở rộng của chất liệu và cảm hứng thơ”, (Lời giới thiệu cho tập Em tôi).
Đọc thơ Đinh Nho Tuấn, dễ thấy cuộc sống ngoài kia cứ vỗ vào trái tim anh, bật lên thành thơ. Anh viết về thế giới, đất nước, quê hương, tình yêu, về những người thân, bạn hữu...Tức là cả 3 tập đã xuất bản, đề tài rộng, đa dạng. Thơ Đinh Nho Tuấn, ngoài những chùm thơ ngắn (trong Em tôi), cả 3 tập đều có những bài thơ dài đến kinh ngạc.
GS. Phong Lê khi giới thiệu “Em tôi” đã thống kê, đánh giá: “Và cái mới, hoặc lạ theo tôi là những bài thơ dài đến bảy chục câu, thậm chí trên 100 câu, để trang trải một câu chuyện dài, như Titanich (132 câu); hoặc cho cả một đời người, như câu chuyện Em tôi (132 câu)...”.
Trong “Díu dan với núi sông”, bài “Tổ quốc và tôi” gồm 6 đoạn, 10 trang in, 132 câu; bài “Lễ cưới vui vẻ” gồm 16 trang in. Nếu như “Lễ cưới vui vẻ” là câu chuyện thơ dài, thì “Tổ quốc và tôi” được xem như một “tiểu trường ca”. Đinh Nho Tuấn có thể phát triển thành một trường ca vạm vỡ, tư tưởng của bài thơ đáng ghi nhận. Như vậy, Đinh Nho Tuấn, ít nhất có đến 3 bài thơ đều 132 câu. Con số 132 đang là ẩn số chưa giải mã được.
Đinh Nho Tuấn là con “nhà nòi”, ông cụ thân sinh, cố nhà báo lão thành Đinh Nho Liêm, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh cũng là một tác giả thơ. Hồn thơ Đinh Nho Tuấn được nuôi dưỡng trong “không gian” của Ví giặm, của Truyện Kiều và “nếp nhà” thi ca ấy. Người đọc nhận ra Đinh Nho Tuấn là người gần gũi, trọng tình, dễ sẻ chia trong thơ. “Người thơ” Đinh Nho Tuấn đầy trắc ẩn, xa xót.
Lớn lên Đinh Nho Tuấn sang Liên Xô (cũ) du học, rồi về nước khởi nghiệp. Đường đời, đường thơ song hành. Anh đi nhiều, từ bến Giang Đình (Hà Tĩnh), đến với nước gần, nước xa; gần và xa thành nỗi lòng như “Mùa thu nước Nga”. Đến đâu Đinh Nho Tuấn cũng có thơ. Thơ xác tín Đinh Nho Tuấn được chọn trao gửi, để “díu dan” giữa cõi vô thức và cõi người.
(Nguồn: Tạp chí Văn hoá & Phát triển).